Đúng. Thiếu tự tin. Đó là cảm giác mà không chỉ mình mà rất nhiều người đang mắc phải. Đây là điều khiến ta gặp vô vàn bất lợi trong cuộc sống, từ học hành đến đi làm, đến giao tiếp hay bất cứ thứ gì khác, cảm giác này luôn đeo bám mình, và nó thực sự đang gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống. Sau đây mình xin chia sẻ vài điều khi có cảm giác này trong cuộc sống.
1. Trong học tập
Nguồn: https://www.how-to-study.com/learning-style-assessment/
Nguồn: https://www.how-to-study.com/learning-style-assessment/
Mình phải công nhận mình là một học sinh hết sức là trung bình, nếu không muốn nói là khá. Mình bình thường ở hầu hết mọi môn, môn nào học lực cũng chỉ trên giữa một chút, chỉ có môn tiếng Anh là nhỉnh hơn nhiều bạn khác. Sự trung bình ấy đeo bám mình hết từ năm cấp 1 đến bây giờ (Cao Đẳng). Mỗi khi cô giáo yêu cầu phát biểu cảm nghĩ, hay kêu lên bảng làm bài, mình luôn luôn e dè, không dám giơ tay, chỉ dám lên khi bị gọi tên. Mỗi khi bị gọi lên, mình hay run bần bật, không biết trả lời hay làm bài ra sao, và kết quả là hay bị mắng, cho trả về chỗ với điểm thấp.
Sau vài lần như thế, mình phát hiện ra, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng không tự tin đó, là do mình chưa học bài kỹ ở nhà, do mình mải chơi, làm những việc khác ngoài học, dẫn đến không nhớ bài, nên mới có cảm giác không tốt khi cô gọi phát biểu. Vậy nên, mình quyết định sửa, học bài cũ và đọc trước bài mới, đã phần nào khiến mình vài lúc tự tin giơ tay. Nhưng vấn đề vẫn phần nào đó tồn đọng đến bây giờ.
Hiện tại, mình đang học tại trường cao đẳng Red River ở một thành phố tại Canada. Học sinh ở đây họ vô cùng tự tin khi trả lời câu hỏi của thầy cô. Mình tìm hiểu lí do, một phần là do họ đã đi làm trước đó vài năm, có kinh nghiệm, và quay lại học cao đẳng, nên họ mới có kiến thức và trải nghiệm, tăng sự tự tin khi chia sẻ ý kiến. Mình luôn là người rụt rè trước đám đông, hơn nữa, mình chưa có kinh nghiệm và kiến thức đi làm nhiều như họ, nên mình hay giữ im lặng trong lớp và thường ít đưa ra ý kiến góp bài (Thiếu Tự Tin). Đây là cảm giác cực kỳ lạc lõng và không mấy thoải mái. Mỗi khi có bài tập mà giáo viên nhắc có thể chọn nhóm hoặc làm một mình, mình thường muốn làm một mình, vì nếu làm bài tệ, chỉ có bản thân chịu trách nhiệm thôi, không phải nhiều người cùng một lúc, đỡ bị đổ lỗi với áp lực hơn. Tuy nhiên, làm việc nhóm là kĩ năng vô cùng cần thiết cho sự nghiệp sau này, dù làm bất kỳ công việc gì. Vì thế, mình đã quyết định đọc nhiều sách báo hơn để cố tăng vốn kiến thức, điều mà sẽ giúp ích cho quá trình học tập, và xem nhiều video hướng dẫn tăng khả năng teamwork.
Lí do nữa mình nghĩ khiến chúng ta bị thiếu tự tin, là do mình chưa dám bước ra vùng an toàn, chỉ dám học những thứ chúng ta muốn học, làm những thứ chúng ta muốn làm, và bỏ qua những điều khó, mới lạ hoặc làm chúng ta không thoải mái. Nếu chúng ta cứ mãi tiếp thu những điều thoải mái, vùng kiến thức sẽ bị hạn hẹp và sự tự tin khi thể hiện hiểu biết sẽ rất kém. Mình có quen vài bạn, rất thích học môn họ thích, và rất giỏi môn đó. Nhưng ngoài ra, những môn khác mặc dù học không thoải mái học chút nào, nhưng vẫn cố gắng học và từ đó tốt toàn diện, hỏi môn gì trả lời được môn đó, và tin mình đi, ánh hào quang tỏa ra từ họ rất sáng, và mình muốn lấy làm gương để phấn đấu.
2. Trong làm việc
Mình hiện đang làm thêm bưng bê cho một quán phở nhỏ ở Canada. Ban đầu lúc mới nhận việc, mình khá là tự tin và hứng thú với công việc mới, bắt đầu kiếm tiền phụ đỡ ba mẹ. Nhưng thực tế đi ngược lại. Khách đến vô cùng đông, nhân viên cứng ở đó không có thời gian dạy cho mình nhiều điều, nên mình chỉ được làm những công việc lẻ tẻ vụn vặt trong khoảng thời gian dài. Mình không được chị ấy cho tính tiền, gọi điện thoại, ra ngoài giúp chị ấy phục vụ khách hàng, mà chỉ khi nhà hàng thực sự đông, mình mới được ra ngoài phục vụ. Chính vì ít được ra ngoài phục vụ, mình bị cảm giác rằng người ta không tin tưởng mình nên mới ít cho mình làm những việc đó. Nếu chị ấy kêu mình vào bếp, mà mình muốn ở ngoài giúp bưng bê, thì chị ấy bảo là mình cãi. Thực sự không vui tí nào, khi mà không được ra phục vụ khách hàng, khi mà không được sự tín nhiệm từ đồng nghiệp. Dần dần, mình mất sự tự tin và chán việc không muốn làm nữa. Mình muốn một nơi làm việc mà người ta sẵn sàng giao cho mình làm điều mới, chấp nhận sai lầm, để từ đó tăng sự tự tin. Văn hóa người Việt Nam khó chấp nhận sai lầm hơn người Tây.
Tác hại của sự thiếu tự tin ấy, khiến mình nghĩ rằng do mình yếu, do mình không làm được, nên người ta mới không cho làm. Mình nhận được sự không tín nhiệm đó ở những nơi mình đi làm. Nhiều khi mình nghĩ, bản thân "phế vật" đến mức đấy sao? Từ đó mình ít khi tự tin giơ tay làm việc nhóm, không dám lên ý kiến vì sợ bị chỉ trích, bị sai. Và đã đến lúc phải thay đổi suy nghĩ đó. Đã đến lúc mình phải gồng lên, chịu sai nhận sai, đi trải nghiệm nhiều hơn, cắn răng làm những thứ mình không thích vì khi ta đã có nhiều thứ trong đầu để tỏa ra rồi, ắt hẳn sự tự tin sẽ tới. Tuy nhiên, kĩ năng giao tiếp cũng phải đi kèm đó.
3. Trong cuộc sống nói chung
Thật là ghen tị với những con người muốn, thích là làm, tin vào bản thân và tạo được ảnh hưởng lớn với người xung quanh. Họ luôn chia sẻ rõ ràng những gì họ nghĩ, và có được sự tự tin lớn khi giao tiếp. Nhưng có một điều hay là, khi ở cạnh những người như họ, mình thấy được tiếp thêm năng lượng, và sự ngại ngùng thường tan biến khi ở cạnh họ. Những người có khả năng giao tiếp, họ sẽ biết nâng đỡ người khác hơn, biết thông cảm cho người khác hơn, và mình thường thấy tự tin khi nói chuyện, chia sẻ những điều mình biết với họ.
=> Về chung lại, thật không mấy vui vẻ khi sự thiếu tự tin ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Nếu muốn làm một con người có ý chí, ta phải ra khỏi vùng an toàn, tăng vốn kiến thức của mình. Dù cho ta không tự tin ở nhiều khoản, ít nhất người ta cũng phải biết đến bản thân như một người cực kỳ tự tin và hiểu biết về một chủ đề nào đó, ít nhiều sẽ thấy ta có ích hơn. Bạn cũng có thể làm một điều tốt mỗi ngày, ghi lại, và thấy mình thật "không phế" :>>