Cảm giác đắm chìm vào câu chuyện và ảnh hưởng của một tác phẩm
Cảm giác đắm chìm vào câu chuyện – bao gồm các tác phẩm mang tính tự sự như phim, truyện… – mà mình muốn nói ở đây là kiểu thức đêm...
Cảm giác đắm chìm vào câu chuyện – bao gồm các tác phẩm mang tính tự sự như phim, truyện… – mà mình muốn nói ở đây là kiểu thức đêm cắm mặt cắm mũi vào màn hình cày phim hay ngấu nghiến quyển sách đến nỗi không đặt xuống được ấy.
Ngắn gọn chắc là nghiện :))) Còn văn vở thì nó được giới học thuật gọi là narrative transportation.
Trong một nghiên cứu được đăng tải năm 2000 về hiện tượng này, Melanie Green và Timothy Brock đã chọn khai thác chủ yếu về tầm ảnh hưởng của một tác phẩm tự sự tới niềm tin, suy nghĩ, và cảm xúc của một người đang (hoặc không) trải nghiệm trạng thái narrative transportation.
MỘT CÁCH HIỂU VỀ NARRATIVE TRANSPORTATION
Narrative transportation hiểu nôm na thì chính là trạng thái say sưa, mê mải và hoàn toàn tập trung vào một tác phẩm mang tính tự sự nào đó.
Narrative chính là phương thức biểu đạt tự sự trong môn ngữ văn ấy. Và trong trường hợp này thì nó nhắc đến những tác phẩm như phim ảnh, sách truyện, kịch nghệ… có nhân vật, có tình huống, có diễn biến.
Transportation tức sự di chuyển, dịch chuyển; hay chuyển ngữ kiểu pay lắk hơn thì là lạc trôi, xuyên không…
Nhà tâm lý học Richard Gerrig đã hình dung về narrative transportation theo nghĩa đen của từ transportation, tức xem việc một người đắm chìm vào một tác phẩm như thể họ đã di chuyển / dịch chuyển / “xuyên” đến một thế giới khác (thế giới trong truyện, phim); và khi họ quay trở lại thế giới hiện thực, thì hành trình ấy đã thay đổi họ.
Ban đầu việc dịch cụm từ này làm mình khá là lăn tăn, cuối cùng thì chọn từ “chìm đắm”. Và cũng hên là trong bài nghiên cứu có viết “Transportation can be expressed as immersion or absorption into a narrative world.” Thế là yên tâm dịch thế này cũng chẳng chém lắm. (Mà thật ra dịch “lạc trôi” thì chắc cũng được á :))), vì trạng thái này cũng được diễn tả là “The feeling of being lost in a story” bởi nhà tâm lý học Victor Nell.)
VÀI BIỂU HIỆN CỦA SỰ U MÊ
Checklist cho trạng thái chìm đắm / narrative transportation bao gồm:
1, Sự tập trung, chú ý vào tác phẩm, không nhận thức được xung quanh
Như khi đang đọc truyện mà người ta gọi cái mình cũng chẳng nghe thấy, hoặc nghe mà chui từ tai này qua tai kia, hoàn toàn không nhận thức được là đang gọi mình luôn. Hay người ta đi tới đi lui mà mình hoàn toàn không để ý chẳng hạn. Liên quan đến nghĩa transportation ở chỗ “người ở đấy mà hồn đã đi đâu”.
2, Tác phẩm ấy khiến bạn xúc động, hoặc khơi gợi được nhiều cảm xúc
Buồn bã, hạnh phúc, tức giận, yêu thương, kinh ngạc… Dù chúng chỉ là những con chữ hoặc những mảng pixel thôi.
3, Cảm giác hồi hộp, hào hứng, không dừng lại được
Bị cuốn vào một cái flow – mạch đọc hay mạch xem, dứt không được, cứ phải cày tiếp.
Hay ông bà ta vẫn thường nói thì tức là “bánh cuốn dzl”.
4, Hình ảnh tưởng tượng sống động, rõ ràng
Đối với truyện chữ thì là độ sống động khi bạn tưởng tượng và hình dung khung cảnh truyện trong đầu.
Có lần mình trùm chăn đọc truyện buổi đêm xong giữa chừng ngước mắt khỏi màn hình một phát mà giật mình luôn. Lúc đấy mình nhớ có một suy nghĩ xẹt qua đầu là “chời má như vừa xuyên không về, sao cảm giác tưởng tượng trong đầu mình nó còn sống động hơn thực tế trước mặt vậy” :))))
Còn với phim thì mình đoán là sự sống động khi bạn tưởng tượng những tình tiết khác không có trong phim?
NARRATIVE TRANSPORTATION – HAY MỘT CƠ CHẾ ĐỂ THAY ĐỔI THẾ GIỚI QUAN
Narrative transportation còn được xem như một cơ chế, cách thức để có thể thay đổi và ảnh hưởng đến suy nghĩ, niềm tin của một người sau khi đọc, xem một tác phẩm.
Theo Green và Brock, vì người ta thường dán nhãn “giải trí” lên một câu chuyện, chứ ít ai thẳng thừng bảo là sản phẩm này là để tuyên truyền, để thay đổi suy nghĩ và thái độ của người khác, thế nên mọi người thường ít “đề phòng” nó hơn.
Và cụ thể thì trạng thái này có ba ảnh hưởng chính: Một, tin vào những gì câu chuyện kể, những tư tưởng, triết lý, hay góc nhìn của câu chuyện… Hai, dành thiện cảm cho nhân vật chính, bị ảnh hưởng bởi niềm tin và cảm xúc của họ. Và cuối cùng, ít nhận thấy những lỗi sai của câu chuyện.
Nói rõ hơn thì:
1, Tin vào những gì câu chuyện kể
Đây có thể là niềm tin cụ thể liên quan đến một sự kiện xảy ra trong câu chuyện, hoặc chung chung như một kết luận từ nó. Ví dụ như đọc truyện (trong trạng thái narrative transportation) thấy cảnh nhân vật đang đi bộ thì gặp cướp, thì sẽ tin hơn chuyện cướp giật rất có thể sẽ xảy ra. Đây là niềm tin cụ thể. (Về mặt này thì cũng giống như một số nghiên cứu về Hội chứng Thế giới xấu xa – hay Mean World Syndrome.)
Còn niềm tin chung chung thì kiểu như thế giới này chẳng công bằng, ở hiền chưa chắc gặp lành hoặc ngược lại, ví dụ rứa. Mà giả dụ nếu chưa hoàn toàn bị thuyết phục và tin theo thì người ta cũng sẽ cảm thấy ít muốn phản biện và tin điều ngược lại hơn. Tất nhiên đây là nói về phần lớn chứ không phải tuyệt đối.
Thế nên một sản phẩm giải trí và nghệ thuật cũng có sức mạnh tuyên truyền nhất định. Một số tác phẩm bị cấm ở một môi trường nhất định (phim A bị cấm ở nước B, sách XYZ không được xuất hiện trong các trường học…) hẳn cũng vì người ta không muốn điều này. (*khụ* Nghệ thuật và chính trị không tách rời)
2, Dành thiện cảm cho nhân vật chính
Người có mức độ narrative transportation cao sẽ dành nhiều thiện cảm cho nhân vật chính hơn. Ngoài ra cũng sẽ dễ cảm thấy đồng tình, dễ bị thuyết phục và ảnh hưởng bởi những cảm xúc, tư tưởng, niềm tin của nhân vật chính nữa.
Mình thường có mức độ chìm đắm khá cao (theo trắc nghiệm MBTI thì mình theo hệ duy tình – feeling – chứ không phải duy lý – thinking :))), thế nên mình rất rất ít khi ghét hoặc không có thiện cảm với nhân vật chính. Dù những bộ thấy mọi người hay chửi nhân vật chính đi nữa thì mình cũng khó lòng mà không thương hoặc thích bạn nhân vật chính, đôi khi là bias luôn.
Không biết có phải vì vậy mà chúng ta thích lan ra cả các diễn viên đóng bộ phim mà chúng ta thích không nhỉ?
Ờm, lạm bàn một chút về chuyện copaganda, tuyên truyền tốt cho cảnh sát ấy. Mình đọc được một số bình luận rằng phim này, phim nọ, truyện kia là copaganda. Bản thân mình bắt đầu thắc mắc: nhưng một số bộ phim, truyện xoay quanh cảnh sát vẫn chỉ ra những mặt xấu của cảnh sát, vẫn có những vai phản diện cảnh sát, thế có phải là copaganda không? Và nhờ narrative transportation, nhờ mục này mình đã có thêm một góc nhìn, một insight: quan trọng là nhân vật chính, họ có phải cảnh sát không và nếu có thì họ là người thế nào; lý tưởng, niềm tin, suy nghĩ của họ với việc làm cảnh sát thế nào, mới là điều dễ ảnh hưởng đến người xem nhất.
“Hôm nay ông Naylor đến đây để xem xem chúng ta có thể cho nhân vật nào đó hút thuốc lá mà không phải bọn người Nga, Ả Rập, hay phản diện được không.”THANK YOU FOR SMOKING (2005)
Ngữ cảnh: Naylor là một gã làm PR cho một hãng thuốc lá, thường bất chấp thủ đoạn và đạo đức nghề nghiệp để có thể hoàn thành công việc. Gã muốn dùng phim ảnh để tạo nên hình ảnh cool, ngầu cho thuốc lá bằng việc thêm cảnh nhân vật chính hút thuốc lá thay vì phản diện.
3, Ít tìm thấy lỗi sai trong câu chuyện hơn
Vì tình yêu là mù quáng ~
Điều này không có nghĩa là quăng não đi đọc truyện đâu nha, mà vẫn có sự phân tích, suy ngẫm, đào sâu vào tác phẩm, nhưng lại có khả năng bỏ qua hoặc không nhận thấy plot hole, chi tiết thiếu logic trong câu chuyện hơn những người không chìm đắm. (Kiểu như chỉ chú ý vào cái tốt, hoặc là có chú ý đến nhưng không muốn nghĩ nó là lỗi.)
Đây, mình mắc cái này nè :))) Thế nên rất lười làm review vì bản thân mình có độ chìm đắm hơi cao, rất ít khi nhận ra khuyết điểm của phim hay truyện. Từng giới thiệu một chị gái đọc một bộ manga xong chị bảo “có điểm abc này chưa ổn nè”, và mình đáp lại “ơ thế hở, em không để ý luôn”. :))) Kiểu vậy. Nên đang cố gắng rèn critical thinking hơn.
Cuối cùng cũng sắp hết bài
Nói dị thôi nhưng vẫn còn ít điều mình muốn viết. Đúng dậy! Bài viết này chưa kết thúc. Mình xinloi.
Mình nghĩ sẽ có người thắc mắc: phim truyện là hư cấu mà, người đọc / người xem thừa biết là hư cấu, mà biết là giả rồi sao lại tin? Thì theo nghiên cứu của Green và Brock, việc một câu chuyện được xây dựng dựa trên trí tưởng tượng hay dựa trên sự thật và số liệu thực tế LÀ KHÔNG QUAN TRỌNG với narrative transportation. Điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến mức độ một người chìm đắm vào một câu chuyện, thế nên cũng chẳng ảnh hưởng đến việc họ bị thuyết phục bởi một câu chuyện hay không. Nguy hiểm nhờ?
Thêm nữa, một điều khá có ý nghĩa với mình. Đó là khi một người đang cảm thấy bản thân bị mắc kẹt trong một hoàn cảnh căng thẳng hay nhàm chán, khả năng trải nghiệm cảm giác narrative transportation của họ sẽ cao hơn, và mức độ sẽ mạnh hơn. Lúc đó câu chuyện bạn đang đọc hay xem sẽ trở thành một chiếc cửa thoát hiểm cho tâm trí của bạn, một phương thức để thoát ly và chạy trốn khỏi hiện thực không vui vẻ hay thú vị. Nếu thực tại của bạn đang khiến bạn mệt mỏi quá mức, bạn cũng sẽ có khả năng chìm đắm nhiều hơn kể cả với những tác phẩm thường được xem là khá chán (miễn là nó đỡ chán chường hơn hoàn cảnh của bạn là được :))).
Tóm lại, luôn lưu một ít truyện đọc khi không có mạng, cứu tinh cả đấy
Lời cuối nè: hy vọng chiếc thuyết thú vị này sẽ mang đến cho mọi người nhiều insight bổ ích trong công cuộc cày phim đọc truyện nhớ ~ Nếu ai đã chịu đựng sự dài dòng và nhạt nhẽo của mình mà đọc hết, cảm ơn nà.
*** Nguồn tham khảo
The Role of Transportation in the Persuasiveness of Public Narratives, Melanie Green and Timothy Brock, 2000.
Experiencing narrative worlds, Richard Gerrig, 1993.
Lost in a book: The psychology of reading for pleasure, Victor Nell, 1988.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất