Chào mừng bạn đến với bài review phim “Call Me By Your Name” hay “Gọi Em Bằng Tên Anh”. Không biết duyên cớ nào mà bạn có thể tìm được bài đọc này nhưng mình xin chân thành cảm ơn tới bất kỳ ai đã bấm vào bài, cũng như đang đọc những dòng chữ này. Dù là lí do nào đi chăng nữa thì bạn cũng đã ở đây. Mình mong rằng bài viết sẽ có đủ sức hấp dẫn, sức thú vị để chúng ta có những ý kiến, trao đổi, tranh luận xoay quanh chủ đề hôm nay và mình là Đại Bàng Cười Khẩy!
(INTRO) tèn tèn ten ten tén tén
(Bài viết sẽ tập trung vào cảm xúc của tác giả, có đan xen rất ít spoiler và ngôn từ mang tính gợi hình cao có thể sẽ gây mất thoải mái, do đó các bạn hãy cân nhắc trước khi đọc)

I. Một số thông tin trước khi xem phim

+) Rating: R - Restricted, bộ phim không dành cho trẻ con và cả người lớn nhưng tâm hồn trẻ con.
+) Chuyển thể từ tiểu thuyết “Gọi em bằng tên anh” (2007)
+) Hai diễn viên chính trong phim đều “thẳng
+) Phim không mang tính chất ca ngợi cộng đồng LGBT mà tập trung về sự khao khát, vô tư, chân thành.
+) Là bộ phim độc lập, không phải do Hollywood sản xuất.
+) (và thêm một số thông tin thú vị khác nữa, cùng mời các bạn tiếp tục đọc).

II. Khái quát sơ bộ

Được lấy bối cảnh vào mùa hè năm 1983 ở vùng quê xinh đẹp phía Bắc nước Ý. Một cậu bé 17 tuổi yêu thích nghệ thuật tên Elio cùng gia đình đến nghỉ dưỡng tại căn villa cổ, đồng thời một chàng sinh viên 24 tuổi nghiên cứu khảo cổ tên Oliver được cha của Elio mời đến sống cùng và giúp đỡ ông trong lĩnh vực. Sau đó, cuộc tình của Elio và Oliver đã chớm nở. Hai người đã có những khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời và rồi điều gì đến cũng phải đến!

III. Thảo luận sâu

Nhận về cơn mưa lời khen từ giới phê bình, được đề cử trên dưới 10 giải thưởng lớn nhỏ trong đó hạng mục được xướng tên lớn nhất đó là Biên kịch xuất sắc nhất tại Oscar 2018. Chỉ riêng cho mình nam diễn viên chính Timothée đã ẵm tới 3 giải thưởng cho diễn viên xuất sắc nhất. Là bộ phim độc lập với kinh phí thấp, vậy mà cũng vượt phòng vé ngoài mong đợi. Mình đã hoài nghi đôi ít về thành tựu của họ. Sau khi xem xong mình đã hiểu ra tại sao tác phẩm lại được tung hô như vậy.
Hai từ để miêu tả “ĐẸP” & “THẬT”.
Ba điểm sáng trong tác phẩm:
Elio và Oliver chính thức kết nối tâm hồn
Elio và Oliver chính thức kết nối tâm hồn
Thứ nhất, cảnh đẹp không khác gì tranh vẽ. Không thể miêu tả chính xác cho các bạn hiểu rõ như thế nào nhưng mình như "được đưa vào cái chốn bình yên xứ quê nước Ý vậy". Mùa hè Việt Nam, ta bị ám ảnh bởi ánh nắng điên cường, mặt khác "ánh nắng mùa hè của Ý dường như rất nhẹ nhàng nên thơ, hồ nước thì trong vắt, nhìn thấy đã muốn bơi rồi. Con hẻm thành phố trông hấp dẫn lạ thường, tưởng tượng dắt tay người yêu đi bộ thì không còn bằng."
Thứ hai, sự tinh tế của ngôn ngữ nghệ thuật. Để làm rõ hơn mình xin đưa ví dụ đơn giản: “Bạn được crush tặng chiếc áo phông, gần như lúc nào bạn cũng mặc nó hoài. Một ngày đẹp trời crush không thích bạn nữa, thế nhưng bạn vẫn mặc nó, như vậy có thể tạm hiểu rằng trong tương tư bạn luôn có hình ảnh crush”. Trong tác phẩm, đạo diễn đã khéo léo lồng ghép sự vật vào các phân cảnh. Đòi hỏi sự chăm chú của người xem thì mới có thể tinh ý phát hiện được. Đương nhiên, đưa theo kiểu “mỳ ăn liền” cũng không tệ nhưng chẳng phải sẽ không kích thích trí tò mò của khán giả hay sao. Cá nhân tớ rất tâm đắc với cách “tinh tế” đó, tác phẩm đã khẳng định rằng: “tôi đây không dễ xơi, phải nghiền tôi lâu lâu thì mới tiêu được”. Thêm nữa, điều này đã nâng cấp tính điện cảnh, tính nghệ thuật trong đây. Đối với các bạn chưa xem hoặc xem rồi nhưng không để ý, hãy quan sát “chiếc vòng cổ”, “con ruồi” rồi đặt câu hỏi xem nó mang ý nghĩa gì?
Lúc con dễ mất cảnh giác nhất, đó là lúc Tự Nhiên sẽ có cách xảo quyệt để tìm ra điểm yếu của con.
Bố Elio
Thứ ba, khả năng diễn xuất O-M-G. Một thông tin hay ho có thể các bạn chưa biết, tại buổi liên hoan phim Sundance - liên hoan phim dành cho tác phẩm có kinh phí thấp và cũng là buổi công chiếu đầu tiên của “Gọi em bằng tên anh”, khán giả đã có tràng pháo tay 10 phút dài nhất trong lịch sử. Mình tin rằng hành động ngợi khen đó có công lao vô cùng to lớn thuộc về Timothée Chalamet - người thủ vai Elio bên cạnh bạn diễn của anh. Vào thời điểm ghi hình (2016) Timothée mới chỉ 20 tuổi 6 tháng thôi! Đáng lưu ý rằng anh ấy chưa từng thủ vai đồng tính và ngoài đời anh ta cũng không đồng tính (hoặc chưa comeout). Elio trong phim phải thực hiện các phân cảnh “chủ động” song song “bị động” pha lẫn sự mạnh mẽ cùng sự yếu đuối, thể hiện sự hồn nhiên vô tư, nhớ nhung tình đầu, mong muốn thèm khát được yêu ra sao của tuổi đang lớn. Nhịp độ của phim tăng dần, đạt tối đa vào gần cuối phim, khi đó thật khó để nhà phê bình dù cho khó tính nhất cũng không thể không ngả mũ trước tài năng của Timothée. Từ những cảnh hờn dỗi vu vơ tới cảnh “vào việc”. Để hỏi phân cảnh ấn tượng nhất của mình, sẽ là cảnh “Elio solo với quả đào”. (O-M-G bạn tưởng là Oh-My-God à, tớ dịch là Ôi-Má-Ghê nhé!)
Bên lề những điểm sáng trên, ngoài ra có những yếu tố khác:
+) Mystery of Love - ca khúc chính của “Gọi em bằng tên anh” cũng là ngôi sao trong tác phẩm.
+) Thiết kế trang phục dễ nhìn và bắt mắt. Tớ rất ấn tượng với phong cách áo sơ mi kết hợp quần sooc, thắt lưng nâu đi cùng giày converse của Oliver mà đến bây giờ tức năm 2022 (thời điểm bài viết này) phong cách đó vẫn thịnh hành.
Tớ nghĩ những người hay đọc sách là những người thích che giấu con người thật.
Marzia - bạn gái Elio
Ba điểm cấn:
Elio và Oliver trong lần đầu thân mật
Elio và Oliver trong lần đầu thân mật
Đầu tiên, bộ phim vượt quá giới hạn của thể loại tình cảm. Trước khi thưởng thức tác phẩm, mình cũng đã nắm bắt sẽ dán nhãn "R" nhưng thực sự khi xem có nhiều hơn dự kiến các phân cảnh khiến mình cảm thấy không thoải mái chút nào. Các hành động g*i tình, rồi "xúc tiến" quả thật dễ gây sốc. Những cảnh quay “chuẩn phương Tây”, hay nói một cách mỹ miều và sát nghĩa với phim nhất là “nghệ thuật Hy Lạp cổ đại” được thực hiện với tần suất khá cao. Đại Bàng Cười Khẩy - một người sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, được nuôi dạy trong giáo dục phương Đông, chưa có cơ hội trải nghiệm xã hội phương Tây thì có lẽ không chỉ mình và nhiều người tương tự như vậy sẽ cảm thấy cảnh nóng nói chung là điều gì khá khó hấp thụ.
Bật mí một thông tin ngoài lề, “Gọi em bằng tên anh” đã xuất hiện tại nhiều liên hoan phim kể đến LHP quốc tế Berlin, LHP quốc tế Toronto, LHP quốc tế New York nhưng tại LHP quốc tế Bắc Kinh lại đột nhiên hủy bỏ mà không 1 lí do. Phải chăng lí do liên quan tới việc xã hội khó chấp nhận một tác phẩm rất “chuẩn phương Tây”.
Tuy nhiên, dựa trên yếu tố căn bản của tiểu thuyết nói riêng thì mình vẫn dành một sự tôn trọng to lớn tới đạo diễn và biên kịch. Đã can đảm đưa chúng lên màn ảnh, phục vụ cho lý tưởng nghệ thuật.
Chúng ta không cần phải hổ thẹn vì ta đâu có làm gì sai.
Oliver - bạn trai Elio
Thứ hai, âm thanh quá "thật". Không nói tới tiếng chim hót ngân nga, tiếng nước chảy róc rách, tiếng lá cây xào xạc,... đều là những âm thanh massage đôi tai rồi. Mình muốn đề cập tới những tiếng hôn nhau thắm thiết, tiếng đi v* s*nh xồn xột, tiếng hoa quả bị ngấu nghiến và một âm thanh không tiện nói, cứ vang rõ mồn một trong tai thì bạn sẽ thấy sao? Cá nhân mình đeo tai nghe khi xem, nên thấy hơi sởn da gà và đã có lúc tắt tiếng. Vậy nữ giới sẽ cảm thấy ra sao? Không may cho lắm, trong rất nhiều âm thanh trong phim mà âm thanh đọng lại trong đầu rõ nhất của tớ lại là tiếng "tương đối là ... nhoe nhét" (không có ý dìm hàng nhưng thực sự là như vậy).
Nhìn tổng thể âm thanh trong phim được làm chỉn chu nhưng mình muốn chỉ ra những thứ cấn nhất mà chúng có thể cũng sẽ là điểm mọi người cần lưu tâm.
Thứ ba, nhịp độ “lười”. Phim hoàn toàn xoay quanh sinh hoạt thường nhật như ăn sáng, ăn tối, đi bơi, đạp xe, tiệc tùng. Thật vậy, cách kể chuyện lặp đi lặp lại liên tục cho tới hết cả mùa hè khiến khán giả có thể ngủ gật lúc nào không hay. Nhiều lúc phải chống cằm để xem! Theo nhiều mô típ chúng ta xem, thường sẽ có những biến cố hoặc chướng ngại nào đó nhằm gây khó dễ cho nhân vật chính. Nhưng trong “Gọi em bằng tên anh” mình ước rằng sẽ có. Xuyên suốt chỉ có 2 chủ thể chính trong đây là Elio và Oliver. Đối với các bạn đã quen với kiểu “John Wick” mình nghĩ điều này sẽ thách thức kiên nhẫn đó. Ngoài ra, cũng không có thông tin bên lề nên mình cũng hơi hẫng. Nếu cho một số thông tin giả dụ: “Marzia là trẻ mồ côi nên cần tình yêu” hay “Elio lập dị quá nên không có bạn” có lẽ sẽ thêm phần nào sự lôi cuốn hơn.
Elio đang chill một mình
Elio đang chill một mình

IV. Đánh giá

“Gọi em bằng tên anh” không dành cho tất cả mọi người. Đòi hỏi người xem cần tập trung, kiên nhẫn cao. Nếu không cẩn trọng ngồi xuống suy ngẫm thì mọi người sẽ rất dễ hiểu nhầm đây chả khác gì là một sản phẩm khiêu dâm, xúi dục giới trẻ hãy cởi mở vô độ. Nhắc đi cũng phải nhắc lại, đây là tác phẩm nhằm tôn vinh sự khao khát, vô tư và chân thành.
Đây là đời thực, là trái tim vụn vỡ và là một siêu phẩm
ew.com
Mình tin rằng Call Me By Your Name sẽ là tác phẩm đáng trải nghiệm giúp bạn bước khỏi vùng an toàn và tự mình thưởng thức thể loại khó nhằn này đi. Nếu bạn đã xem rồi thì hãy để lại cảm nghĩ ở phẩn bình luận nhé, mình rất hào hứng được đọc chúng.

Điểm: 9,0/10