Cái giá của sự biết ơn?
Hãy biết ơn mọi thứ của cuộc sống này. Bởi khi biết ơn là sẽ trân trọng, sẽ bảo vệ, sẽ chăm sóc.
Hình ảnh của người phụ nữ bế cậu con trai rửa chân trên chiếc vòi nước uống công cộng, trong chương trình thời sự mấy năm trước. Đã luôn khiến tôi tự hỏi tại sao chị ta lại làm như vậy? Phải chăng chị ta không biết đó là vòi nước uống công cộng?
Lúc tôi đi bộ tập thể dục gần nhà, hình ảnh những tốp thanh niên đu trên cành cây để kéo xà đơn, hết người này đến người khác, khiến cái cây nhỏ trong công viên oằn mình chịu đựng, ngày một nghiêng. Hay việc một số người khác bám vào hàng rào thép để gập bụng. Họ không nhận ra cái cây đó ngày càng nghiêng và xấu đi dù công nhân môi trường đã cố gắng chăm sóc, hay những đoạn hàng rào thép đã nhiều đoạn bị đổ? Chúng sinh ra để làm việc khác cơ mà.
Hoặc có câu chuyện bạn tôi từng kể, lúc bạn đi tập gym thì hay gặp tình trạng là một dụng cụ tập nào bạn tới tập, đều bị mồ hôi dính đầy của người trước để lại. Và bạn chẳng dám tập nữa.
Những hình ảnh đó khiến tôi cứ tự đặt câu hỏi: "Tại sao lại có ứng xử như thế nhỉ?" Suy nghĩ mãi chẳng thể giải thích nổi. Đến thời gian gần đây, tôi nghĩ rằng tôi có một chút khám phá.
Trong cuộc sống, chúng ta hãy gặp những người, những tình huống dạng như: "Đồ của mình, mình thích dùng thế nào chẳng được. Giữ lại hay vứt đi, bảo vệ hay phá là quyền của mình." Ngay chính tôi cũng có suy nghĩ đó. Suy nghĩ sở hữu cá nhân, toàn quyền quyết định số phận của đồ vật. Tôi nghĩ việc này đúng, chẳng sai. Nhưng...!
Cách đây tầm hơn 2 năm, tôi có đọc cuốn "Lối sống tối giản của người Nhật". Vâng, vẫn là người Nhật có nhiều cái hay. Trong cuốn sách có viết, người Nhật luôn luôn trân trọng đồ vật, dù đó là đồ vật gì. Cuối ngày họ thường xếp đồ vật vào đúng vị trí, và cảm ơn đồ vật đó đã giúp họ trong cả một ngày. Kiểu như, họ sẽ cảm ơn đôi giày vì đã giúp họ đi cả một ngày thật êm ái. Đến đây chắc nhiều bạn sẽ cười, vì tưởng như việc quá ư là thừa. Nhưng chính việc nhỏ này, theo tôi nghĩ chính là câu trả lời cho một nước Nhật đáng kính. Hình ảnh việc xếp hàng dài nơi công cộng, những công viên, những con đường sạch đẹp của họ. Hay những dòng kênh trong vắt đầy cá ở các thành phố của họ. Tôi có suy nghĩ và liên hệ như vậy.
Sau khi đọc cuốn sách đó, tôi vẫn thường cảm ơn bạn xe máy của tôi mỗi cuối ngày đi làm. Và học cách biết ơn, cảm ơn mọi thứ nhiều hơn. Tôi thấy mình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc những thứ mà mình sử dụng, không phải chỉ sở hữu cá nhân mà còn sở hữu chung.
Hãy biết ơn mọi thứ của cuộc sống này. Bởi khi biết ơn là sẽ trân trọng, sẽ bảo vệ, sẽ chăm sóc.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất