Nguồn: pixabay
Đầu tháng vừa rồi, Jonna Jinton đăng video này lên Facebook. Trong đó, Jonna kể về cuộc sống của mình: cô chuyển từ thành phố về một vùng hoang vắng, sống giữa thiên nhiên, chụp ảnh và sáng tác. Đến hôm nay, clip này đã có 194 nghìn likes, 12 nghìn comments, và 128 nghìn shares. Trong 128 nghìn lượt Share đó, có rất nhiều người nói rằng "Ước gì mình được như cô ấy..."

Thật không?
Nếu bây giờ bảo những người đó rằng: hãy làm như Jonna ấy, bỏ hết đi, về nơi hoang vắng mà sống giữa thiên nhiên... thì có bao nhiêu người trong số họ sẽ thực sự làm thế?
Lựa chọn nào cũng có cái giá của nó. Cái giá đó có thể chấp nhận được với một số người, nhưng lại quá cao với những người khác. 
***
Đầu ngõ nhà tớ có một quán cà phê yên tĩnh xinh đẹp, wifi ổn định, rất phù hợp để làm việc, nhất là khi bên cạnh nhà tớ người ta đang xây nhà, khoan cắt ầm ầm. Nhưng mỗi lần ra quán là tớ lại phải cách rách đủ thứ: ba lô, laptop, cục sạc, cục chuyển chân cắm, sổ tay, ví, điện thoại, kính viễn kính cận kính râm, bình nước, ống hút... Mà tính tớ lại còn hay quên, và cái tớ hay quên nhất là bình nước và ống hút. Khóa cửa xong mới phát hiện ra mình chưa cầm bình nước ống hút, thế là lại thở dài, lại mở cửa, lại lọ mọ vào nhà tìm. 
Vì sao tớ lại phải mang bình nước ống hút ra quán cà phê à? Vì tớ chọn thải ra càng ít rác nhựa càng tốt.  Dạo này tớ bị mê món trà gạo rang macchiato, và cái món này thì quán mặc định sẽ cho vào cốc nhựa, kèm theo một cái nắp nhựa bé xíu màu đỏ và một cái ống hút tất nhiên cũng bằng nhựa. Ba thứ bằng nhựa này sẽ mất khoảng vài trăm năm để phân hủy. Khi chưa phân hủy, chúng sẽ lang thang đâu đó trên Trái Đất, và ai biết được là con gì sẽ ăn phải chúng. Rùa biển bị ống hút chui vào mũi, tắc thở. Cá chui vào cốc nhựa không ra được, ngộp chết. Chim ăn phải miếng nhựa nhỏ màu mè, hóc chết. Mỗi năm người ta tìm thấy vài triệu sinh vật biển chết vì nhựa. 
Khi phân hủy, nhựa trở thành vi nhựa và các chất độc tan vào nước. Bọn tôm cá ăn phải vi nhựa, sau đó bọn người chúng ta ăn tôm cá... Gần đây người ta mới bắt đầu tìm được vi nhựa trong ruột và trong thịt tôm cá, mà tớ cũng ít ăn tôm cá thôi, nên tớ không lo lắm cho sức khỏe của mình. Nhưng tớ không muốn con cháu tớ phải chuyển sang chế độ ăn giàu nhựa.
So với 9 tỉ tấn nhựa mà con người đã xả ra trong vòng 100 năm vừa rồi (nhựa mới chỉ được sáng chế ra từ cuối thế kỷ 19 thôi à), thì một cái cốc nhựa và một cái ống hút mà tớ "tiết kiệm" được mỗi ngày chẳng là gì. Nhưng so với con rùa có thể sẽ hít phải cái ống hút ấy và con cá có thể sẽ bơi vào cái cốc ấy thì số nhựa cỏn con này lại rất "là gì." 
Kể cả so với chính tớ thôi. Giả sử tớ chả quan tâm gì đến nhựa, thì một ngày tớ xả ra bao nhiêu rác nhựa? Ngoài ống hút, cốc nhựa, còn hộp xốp đựng cơm trưa, các thể loại túi từ túi nilon đi chợ, túi đựng rác, tới túi bánh kẹo... Nếu như tớ là một "người trung bình" thì cứ một tháng tớ xả ra một lượng rác bằng cân nặng của tớ, và ít nhất 10% trong số rác đó là nhựa-dùng-một-lần. Đó là loại nhựa không cần thiết, là phát minh chỉ để phục vụ một mục đích duy nhất: tiện lợi. 6kg nhựa một tháng, lại nhân với một năm có bao nhiêu tháng, lại nhân với tớ sống bao nhiêu năm?
Cho nên, nếu tớ ngừng dùng nhựa từ bây giờ, thì tớ có thể "tiết kiệm" được khoảng gần 3 tấn nhựa (trộm vía tớ thọ ít nhất 70 tuổi). 
Bỏ nhựa không hề dễ. Chỉ có mỗi việc đi ra quán cà phê gọi cốc macchiato thôi mà tớ đã phải lôi tha lỉnh kỉnh đủ thứ. Cái chun trong ảnh là để buộc ống hút vào cái bình ạ. Mà ra quán thì các bạn bán hàng vẫn chưa quen với việc khách tự mang bình hay từ chối ống hút, nên đôi khi vẫn có những khoảnh khắc bối rối. Những người khác nhìn tớ với ánh mắt kỳ lạ. Uống xong tớ cũng không quăng bình đi được, mà lại phải tốn công rửa. Nhiều khi đang đi ngoài đường, tự dưng hứng lên muốn uống trà sữa, nhưng lại không mang bình, thế là thôi đành bấm bụng đi về. Đấy là cái giá của lựa chọn bỏ nhựa. 
Mất công, mất đi nhiều tiện lợi hàng ngày... có thể là cái giá quá cao đối với nhiều người. Nhưng với tớ, cái giá đó chấp nhận được. Tớ thấy giá đó rẻ hơn so với mức tớ sẽ phải trả cho hậu quả của nhựa sau này. 
***
Jonna Jinton cũng phải trả một mức giá cho lựa chọn của cô. Về nơi hoang vắng sống, cô cũng phải từ bỏ công việc cũ, cuộc sống dễ dàng của ngày trước, tiện nghi của thành phố. Cô phải tìm cách nuôi sống mình, phải tìm cách giữ ấm cho ngôi nhà vào mùa đông, không có gia đình, bạn bè và cộng đồng bên cạnh. Nhưng Jonna chấp nhận trả cái giá đó để đổi lấy cuộc sống tự do gần thiên nhiên - điều mà rất nhiều người mơ ước nhưng rất ít người chịu trả cái giá mà nó đặt ra. Rất ít người cho rằng cuộc sống đó đáng để họ từ bỏ những thứ mà họ đang có để theo đuổi nó. 
Càng ngày càng có nhiều blogger, vlogger, instagramer... đi khắp nơi, rồi đăng những bức hình đẹp lung linh, và nói rằng nghề của họ là "đi du lịch toàn thời gian." Chúng ta xem những bức hình đó và ước ao được làm cái nghề đó. Nhưng chúng ta có muốn từ bỏ công việc ổn định của mình để lang bạt khắp nơi? Có muốn làm đủ thứ việc như lau nhà rửa bát để có tiền đi khắp nơi? Có muốn thức đêm thức hôm sửa bài, sửa video? Có muốn suốt ngày ăn những thứ rẻ nhất, ở những nơi tồi tàn nhất, để tiết kiệm tiền? Có muốn từ bỏ hết quần áo đẹp, giày dép đẹp để vali đủ nhỏ mà đi khắp nơi? Có muốn sống hôm nay mà không biết ngày mai sẽ ngủ ở đâu, tiền ở đâu ra, và phụ huynh của bạn thì suốt ngày cằn nhằn "Bằng tuổi mày con nhà người ta đã con cái đề huề"?
Nhưng không có lựa chọn nào là không thể. Về lý thuyết, bạn cũng có thể trở thành vlogger hay instagrammer du lịch toàn thời gian, liên tục đăng những tấm hình đẹp lung linh. Bạn cũng có thể chuyển đến sống gần thiên nhiên ở nơi hoang vu không người. Bạn có muốn chấp nhận những cái giá đó hay không mà thôi. 
Thường thì, vấn đề thậm chí không phải là bạn có đủ liều lĩnh để đi theo lựa chọn đó hay không, mà chỉ đơn giản là bạn có lý do để chọn một con đường khác. Bạn muốn sống ở thành phố để ở gần gia đình bạn bè, để con cái được đi học ở trường tử tế. Bạn muốn có công việc ổn định, và đi du lịch là để xả stress chứ không phải là để kiếm sống.
Riêng việc bỏ nhựa thì tầm thường hơn nhiều. Một bên là lựa chọn hy sinh một ít tiện lợi để "nhẹ tay" hơn với Trái Đất, bên kia là lựa chọn giữ thói quen cũ. Bạn chấp nhận được mức giá nào?