Dạo này bằng một cách nào đó mà mình phải đi tìm nhà mới liên tục, lúc thì cho mình, lúc thì cho người thân, lúc thì cho bạn. Tự nhiên, mình phát hiện ra, ở thành phố lớn, ánh sáng mặt trời tự nhiên là không miễn phí.

Chúng ta đang phải trả tiền dần cho những thứ đã tưởng chừng là vô hạn, là miễn phí từ thiên nhiên

Cùng một diện tích, cùng một tiện nghi, nhưng ánh sáng tự nhiên vào phòng càng nhiều thì càng mắc. Ví dụ, căn không cửa sổ, chỉ có cửa thông hơi và cửa ra vào chắc chắn sẽ rẻ hơn căn có cửa sổ nhìn ra hành lang, và căn có cửa sổ nhìn ra hành lang chắc chắn rẻ hơn căn có cửa sổ nhìn ra ngoài trời, có nắng chiếu vào, và chắc chắn căn có cửa sổ nhìn ra ngoài trời nhỏ sẽ rẻ hơn cửa to, và lại chắc chắn rằng căn có cửa sổ nhìn ra trời sẽ rẻ hơn căn có hẳn cái ban công bự chảng.
Ánh sáng tự nhiên vào phòng càng nhiều, giá càng mắc.
Nhiều người vẫn chấp nhận mức giá mắc đó vì để sức khoẻ tốt hơn, vì để có cảm giác nó là một nơi để trở về nghỉ ngơi thật sự chứ không phải nơi ở tạm bợ, vì để có một không gian truyền cảm hứng hơn,...
Dần dà, tất cả mọi thứ tưởng chừng như là vô hạn từ mẹ thiên nhiên đều phải trả giá bằng tiền bạc. Mình tự hỏi đây có phải là điều mà chúng ta muốn khi bắt đầu những công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá?
Đã có những thứ gì chúng ta tưởng chừng như là miễn phí, là vô hạn từ mẹ thiên nhiên nhưng giờ phải trả tiền để có chúng?
- Nước sạch: Ngày xưa khát nước thì cứ ra suối để hốc thôi, giờ 10k 1 mét khối nước, muốn uống thì một bình 20L 50k, hoặc lắp hệ thống lọc nước 5 củ 1 máy.
- Không khí sạch: nếu không nhắc đến lông chó mèo thì rất nhiều ngôi nhà hiện tại cũng đã phải trang bị thiết bị này để sống trong một bầu không khí "có vẻ" sạch sẽ, thông thoáng, an toàn hơn. Máy rẻ thì 1 củ, mắc thì giá nào cũng có.
- ....
Điều này làm mình nghĩ một cách nghiêm túc đến sự phát triển bền vững. Đây cũng chỉ là một định nghĩa và tư tưởng mà con người nghĩ ra thôi, nhưng ít nhất nó tử tế với mẹ thiên nhiên.

Loài người - đứa con ngỗ nghịch của mẹ thiên nhiên

Con người khác biệt với các loài còn lại bởi sự sáng tạo và khả năng thực thi ý tưởng sáng tạo. Giống như một đứa con cá tính và ngỗ nghịch của tạo hoá, vũ trụ tự hào vì khả năng này của con người, nhưng hiệu ứng từ khả năng này thực sự nặng nề đến không kiểm soát được.
Khi vừa sinh, đứa con này sống hoà mình với mẹ thiên nhiên, chưa thể hiện rõ khả năng sáng tạo của mình, cứ vậy 7 triệu năm trôi qua, và lần đầu tiên, các công cụ đồ đá ra đời.
Sự sáng tạo và những ý tưởng được đẩy mạnh hơn khi đứa trẻ này biết đến những sự thành công bất ngờ, như sự ra đời của lửa sau khoảng 2 triệu năm sau. Nó có niềm tin rằng thế giới thú vị này đang chờ nó khám phá.
Sau khoảng 1 triệu năm nữa, hình hài của Homo sapiens xuất hiện. Đứa trẻ đã có sự hình thành rõ ràng của tư duy trừu tượng, hành vi biểu tượng, nhận thức, văn hoá cộng đồng,... Nó bắt đầu có nhiều ý tưởng hơn, nó bắt đầu suy nghĩ có hệ thống hơn, nó sinh ra khoa học,... Đứa trẻ Homo Sapiens tựa như đến tuổi nổi loạn, muốn chứng minh bản thân với vô số những ý tưởng điên rồ, muốn tách khỏi sự phụ thuộc với mẹ thiên nhiên. Đỉnh điểm là khi nó bước vào cuộc chơi của những cuộc cách mạng công nghiệp.
Và rồi nó bị mẹ thiên nhiên đánh.
Biến đổi khí hậu, thảm hoạ thiên tai, dịch bệnh, virus xuất hiện khắp nơi. Đứa trẻ này đã rất đau với vô số người chết, nó cũng tự mâu thuẫn bên trong chính nó với sự phân biệt giai cấp chế độ, nhưng có vẻ nó vẫn còn lì đòn.
Mình tự hỏi, liệu có như chúng ta khi qua tuổi nổi loạn sẽ biết nghĩ cho phụ huynh và tương lai của cả 2 nhiều hơn, loài người cũng sẽ bước qua giai đoạn làm tổn thương mẹ thiên nhiên và lo cho người mẹ này nhiều hơn? Hiện tại loài người đã bước qua tuổi nổi loạn chưa, có đủ may mắn để chăm sóc người mẹ khi mẹ vẫn còn tồn tại, hay sẽ chỉ tiếc nuối và khổ đau khi mẹ không còn?