Cái chết của con sư tử có lá gan chuột nhắt
Năm 1932, doanh nhân George Eastman đã tự sát bằng một khẩu súng ở tuổi 78, với lời nhắn cuối cùng: “Nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành,...
Năm 1932, doanh nhân George Eastman đã tự sát bằng một khẩu súng ở tuổi 78, với lời nhắn cuối cùng: “Nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành, chờ gì nữa đây?”.
Đó là thời điểm Công ty Kodak của ông đang từng bước lớn mạnh, để rồi trở thành kẻ độc tôn suốt một thế kỷ trong lĩnh vực máy ảnh – phim. Thế nhưng thật trớ trêu, “di sản Eastman” đó lại lụn bại vì chính thành tựu vĩ đại của ông.
Đế chế lừng lẫy toàn cầu
Những năm cuối thế kỷ 19, máy ảnh còn là một công cụ vô cùng nặng nề, phức tạp và rõ ràng là “thú chơi” chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu. Thực tế đó đã thôi thúc George Eastman tìm tòi, phát triển mọi công nghệ để biến nhiếp ảnh thành môn nghệ thuật mang tính đại chúng với hai yêu cầu quan trọng nhất là nhỏ gọn và dễ sử dụng.
Người đàn ông này quyết định sử dụng chất liệu giấy đặc biệt với những công thức hoá học bí mật, tạo thành một cuộn phim để ghi lại hình ảnh thay vì kính ảnh, thứ vốn rất dễ vỡ và lại cồng kềnh. Cũng từ công nghệ cuộn phim của Kodak, ngành điện ảnh hiện đại ra đời.
Đi cùng với sự phát triển công nghệ chế tạo tấm phim, Kodak của Eastman còn đi tiên phong trong việc sản xuất những chiếc máy ảnh gọn gàng, hợp thị hiếu.
Năm 1888, The Kodak ra đời với kiểu dạng hộp nhỏ nhẹ, có dây đeo chéo, bên trong là cuộn phim dài đủ để chụp 100 kiểu ảnh. Nhưng mức giá 25 USD (tương đương gần 700 USD năm 2019) ở thế kỷ 19 vẫn là rào cản cho giấc mơ đại chúng hoá nhiếp ảnh của Eastman.
Phải mất 12 năm sau (1900), Kodak mới chính thức khởi đầu đế chế lừng lẫy toàn cầu của mình với chiếc máy ảnh Brownie có giá chỉ… 1 USD (tương đương 30 USD hiện tại).
Kỹ sư của Kodak Steve Sasson bên cạnh chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới do ông phát minh.
Chiến dịch tiếp thị khi đó của Kodak chỉ vỏn vẹn xoay quanh câu khẩu hiệu ngắn nhưng đủ làm rung chuyển cả nước Mỹ: “Bạn chỉ cần bấm nút, chúng tôi sẽ lo mọi thứ”. Chưa bao giờ việc chụp ảnh lại đơn giản đến thế, phần lớn phụ nữ và thanh thiếu niên đều có thể tiếp cận với mức giá phải chăng.
Công ty Kodak của Eastman theo đuổi triệt để mô hình kinh doanh “Dao cạo và lưỡi dao”, tức là họ sẽ bán máy ảnh với mức giá rất rẻ để mở rộng thị trường nhanh nhất có thể, sau đó độc quyền phân phối phim chụp và các dịch vụ ăn theo.
Máy ảnh sau mỗi lần sử dụng sẽ được gửi về trung tâm Kodak để rửa ảnh, nạp lại phim và gửi trả về cho khách hàng. Chi phí cho quá trình này tốn kém hơn cả giá trị của chiếc máy ảnh.
Chẳng mấy chốc, Kodak đạt lợi nhuận vượt mốc 1 tỷ USD, bao phủ hơn 90% thị trường máy ảnh ở Mỹ và là tên tuổi lớn nhất toàn cầu trong lĩnh vực này. Không chỉ thu về lợi nhuận khổng lồ, Kodak còn trở thành biểu tượng mang giá trị văn hoá của người dân nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, mà nói theo cách hoa mĩ thì máy ảnh và phim Kodak chẳng khác gì thứ lưu giữ ký ức của thế giới loài người, có mặt trong những thời khắc quan trọng của lịch sử hiện đại.
Chiếc máy ảnh Brownie đã ở trên SS Carpathia, con tàu nhận lệnh đón những người sống sót từ vụ đắm tàu Titanic, đã theo chân người lính ghi lại những hình ảnh chân thực nhất của chiến tranh.
Năm 1969, cuộn phim của Kodak có mặt trong hành trình Apollo 11 huyền thoại, lưu chứng những bước chân đầu tiên của Neil Amstrong trên mặt trăng.
Ngay tại Việt Nam, ký ức về thời hoàng kim của cuộn phim màu vàng cam (2 màu trên logo của Kodak) vẫn luôn hiện hữu với những người đã sống vắt qua hai thế kỷ. Có một thời, nhiều khu du lịch lớn ở nước ta ngập những tấm pano quảng cáo của Kodak sáng rực góc trời, khi mà dịch vụ chụp ảnh rửa ngay còn đang thịnh hành.
Ấy vậy mà một công ty với doanh thu khổng lồ, thị trường rộng lớn và thương hiệu mạnh như thế đã đệ đơn bảo hộ phá sản vào năm 2012, trong sự tiếc nuối của dư luận. Không nhiều đế chế kinh doanh sụp đổ nhanh đến như vậy, đặc biệt là ở lĩnh vực có rất ít sự cạnh tranh suốt hàng chục năm ròng. Chuyện gì đã xảy ra với Kodak ?
Cầm vàng lại để vàng rơi
Không giống như suy nghĩ ban đầu của nhiều người, Kodak thoái trào chẳng phải vì họ tụt hậu về công nghệ trong kỷ nguyên số.
Năm 1975, một kỹ sư Kodak tên Steven Sasson đã chế tạo chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới. Chiếc máy sơ khai này có tốc độ chụp hình chỉ 50 mili-giây và mất 23 giây để lưu ảnh vào chiếc băng cassette đóng vai trò như thẻ nhớ. Hình ảnh sau đó được chuyển đổi để xuất ra màn hình TV.
Dẫu chưa đạt độ hoàn thiện và gọn gàng như sản phẩm bây giờ nhưng ý niệm về một hệ thống chuyển đổi hình ảnh từ máy phim truyền thống sang dạng số hoá thật sự là một phát kiến chấn động, hoàn toàn có thể so sánh với bước ngoặc lịch sử của chính Kodak vào đầu những năm 1900.
Gã khổng lồ nước Mỹ thậm chí còn đầu tư tiền bạc, tạo điều kiện cho Sasson và các trợ thủ tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm. Chỉ 14 năm sau đó, người kỹ sư tài năng này đã trình làng mẫu máy ảnh số có gương lật (DSLR) với kích thước nhỏ gọn, hình dáng bắt mắt và bao gồm luôn cả thẻ nhớ.
Kodak còn tiến thêm một bước rất dài nữa khi bất ngờ mua một trang web chia sẻ hình ảnh có tên Ofoto vào năm 2001, tạo nên viễn cảnh tươi đẹp về một hệ sinh thái “máy ảnh số - chia sẻ ảnh trực tuyến” hoàn toàn có thể giúp Kodak bỏ xa đối thủ cạnh tranh Fujifilm.
Chính người đứng đầu bộ phận marketing của Kodak thời điểm năm 1980 đã nhận định rằng máy ảnh số sẽ là tương lai của thế giới trong hơn 10 năm tới.
Kodak hoàn toàn có đủ khả năng một lần nữa đứng ở đỉnh thế giới nhưng giới lãnh đạo của công ty này quyết định làm ngơ. Họ sợ hãi nghĩ đến tương lai máy ảnh kỹ thuật số sẽ thay thế hoàn cảnh các cuộn phim – con gà đẻ trứng vàng suốt gần 1 thế kỷ.
Năm 1981, Kodak đạt doanh thu 10 tỉ USD và những người đứng đầu không đủ can đảm để bước khỏi vùng an toàn để chuyển mình sang chương mới. “Có cảm giác như Kodak hình thành kháng thể với bất kỳ thứ gì hạ bệ những cuộn phim” – cựu giám đốc công nghệ của Kodak cay đắng nhìn lại.
Điều này dẫn đến một hệ quả nguy hại khác là họ tự xem mình là một…công ty hoá chất đứng đầu thế giới về sản xuất phim cuộn chứ không phải là công ty tiên phong trong lĩnh vực máy ảnh với giá trị cốt lõi “người dùng chỉ cần bấm một nút” mà người sáng lập Geogre Eastman theo đuổi cả đời.
Ví dụ, một công ty vận tải đường sắt cần hiểu được mình đang kinh doanh vận tải chứ không phải kinh doanh đường sắt hay như Hollywood xây dựng đế chế giải trí dựa trên công cụ là phim ảnh.
Kodak bị bó hẹp trong tư duy rằng nhiếp ảnh phải được thể hiện bằng vật chất (ảnh in) chứ không phải là xem ảnh trên màn hình. Và thế là họ dùng trang web Ofoto để khuyến khích người dùng tải về để in ảnh, bất chấp một thực tế rằng mạng xã hội đang sắp khuynh đảo thế giới internet.
Chính việc mất phương hướng đã khiến Kodak nhanh chóng bị các đối thủ bỏ lại. Khác với việc chế tạo tấm phim vốn đòi hỏi công nghệ đặc thù, việc sản xuất máy ảnh kỹ thuật số đơn giản hơn nhiều: Đó là một tổ hợp các linh kiện được sắp xếp để cho ra đời bức ảnh, từ Sony, Canon đến Nikon đều có thể làm được và chiếm dần thị phần của Kodak “đi trước nhưng về sau”.
Chỉ trong vòng 5 năm (2005 đến 2010) doanh thu của Kodak tụt gần 1/2 và nhanh chóng biến mất khỏi thị trường máy ảnh vài năm sau đó, khép lại hơn một thế kỷ thăng trầm.
Bài học từ Fujifilm
Giống như Kodak, Fujifilm thu được món lợi khổng lồ nhờ việc kinh doanh các cuộn phim trong thế kỷ 20. Thế nhưng người lãnh đạo của công ty Nhật Bản nhanh chóng nhận ra đằng sau đỉnh cao doanh thu sẽ là vực sâu, quy luật mà không doanh nghiệp nào chống lại được nếu không có sự thích nghi.
Fujifilm đề ra chiến lược “Tầm nhìn 75” trong ngày kỷ niệm 75 năm thành lập với mục tiêu duy nhất là phải sống sót qua cuộc cách mạng số.
Họ cắt giảm từ từ những cơ sở sản xuất phim máy ảnh, tìm cách ứng dụng công nghệ chế tạo phim máy ảnh vào các linh kiện liên quan đến màn hình LCD. Quyết tâm vượt khó của họ còn thể hiện ở việc ban lãnh đạo công ty còn “nhảy” vào lĩnh vực mỹ phẩm và chăm sóc da để tận dụng những kinh nghiệm đã có về chất collagen (trong quá trình sản xuất tấm phim) vốn tốt cho da.
Và hơn hết, Fujifilm vẫn giữ những nét hoài cổ trong các thiết kế máy ảnh kỹ thuật số để trở nên khác biệt giữa thị trường, gợi nhớ về một thời vang bóng.
Kodak đã có nhiều cơ hội để vượt qua giai đoạn chuyển giao nhưng họ không thể nắm bắt. Nhưng cũng chính sự sụp đổ của gã khổng lồ một thời đã tạo cơ hội cho nhiều hãng công nghệ cất cánh, xuất hiện nhiều sự cạnh tranh hơn và do đó, nhiều sản phẩm hiện đại ra đời phục vụ cho nhu cầu sống ngày một nâng cao của con người.
Kodak giờ chỉ là một công ty bé nhỏ, ôm hoài niệm về thời hoàng kim nhưng biết đâu đấy, tên tuổi lẫy lừng ấy sẽ quay trở lại mạnh mẽ trong hình hài khác, ở một lĩnh vực hoàn toàn khác?
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất