Cái cây xanh xanh
Chuyện một bạn nhỏ nằm xuống và nhiều bạn khác vẫn còn trong cơn nguy kịch vì một cái cây phượng đã gục ngã sai lúc, sai chỗ vài ngày...
Chuyện một bạn nhỏ nằm xuống và nhiều bạn khác vẫn còn trong cơn nguy kịch vì một cái cây phượng đã gục ngã sai lúc, sai chỗ vài ngày trước. Mình không muốn nói gì thêm cả. Đã quá nhiều nước mắt.
Hôm nay, người ta đua nhau tiêu diệt những cái cây to trong sân trường ở khắp nơi như đang hoảng loạn dập tắt một thứ bệnh truyền nhiễm. Kẻ nói vào, người nói ra: tính mạng con người là quan trọng; để chuyên gia vào cuộc, đo đạc sự an toàn; giải pháp chống, dựng thân, mở rộng bồn, không gian phát triển của rễ; giá trị môi trường, giá trị tinh thần, cảm xúc của các thế hệ con người đã gắn bó; tính giáo dục về cây xanh và môi trường cho thế hệ trẻ;… Tôi cũng chẳng muốn nói gì cả. Nó đã hút cạn năng lượng của một kẻ không não biết giận dữ.
Thực ra, câu chuyện của một cái cây không nằm ở ngòi bút của những con người xưa nay chỉ muốn lợi dụng nó. Chẳng ai đem đứa con của họ ném vào rừng một cách vô trách nhiệm, bắt nó phải sinh tồn, thậm chí phải sống mạnh khỏe. Nếu nó không khỏe thì giết nó???
Nghe thì có vẻ vô lý?
Ở xã hội loài người, chả ai muốn mình là kẻ bị cô lập, bị sử dụng. Bạn có muốn ngay từ khi sinh ra, người ta nói với bạn rằng: mày sống chỉ để thực hiện mục đích này cho tao thôi, và phải giữ chặt niềm tin đó đến lúc chết? Ai cũng muốn được là mình, nhất là ở thời đại của tri thức hiện tại, chủ nghĩa cá nhân lên ngôi như một cứu cánh để ai cũng có thể sống mạnh mẽ với ước mơ của mình.
Bạn có muốn bị thao túng nhận thức, tinh thần, lập trình các thói quen sinh hoạt trái ngược với bản năng hoặc thậm chí là bị chặt tay, chặt chân vì việc làm đó phù hợp với mục đích của người sở hữu bạn?
Bây giờ, quay lại hình ảnh của một cái cây.
Tại sao người ta có khái niệm rừng? Chắc ai cũng biết, và ai cũng biết rằng những cái cây cần phải sống bên cạnh nhau, bảo bọc, nương tựa nhau qua những cơn bão. Chia sẻ ánh sáng, độ ẩm. không khí và nước với nhau tùy thuộc vào đặc tính và điều kiện để sinh tồn của từng loại. Từ đó rừng phân thành các tầng cao thấp, kích thước thân, diện tích lá; màu sắc, mùi vị cũng khác nhau.
Rồi người ta mang đứa con của nó ra khỏi rừng, đào 1 cái lỗ, tưới nước và bắt nó lớn lên để tỏa bóng mát cho mình. Vun bộ rễ lại trong những vòng tròn bê tông màu mè gớm ghiếc. Tính toán để bẻ cong, gãy, chặt đi tay chân để tương lai nó có thể trở thành hình hài mà người ta muốn.
Thực ra đa số những cái cây mọi người thấy hằng ngày, chẳng còn cái nào đang còn ở trong hình hài tự nhiên của nó cả. Dù cho không bẻ, không chặt thì nó vẫn thiếu thảm cỏ, những cái cây khác thấp và cao hơn đứng bên cạnh nó. Nó vươn lên theo thời gian, cô độc và tức giận. Vì vậy, nó yếu đuối.
Đến những mùa mưa bão, vì sợ nó đổ (thực ra là sợ nó đổ vào người, chứ nó không đổ vào ai thì cũng cứ mặc cho nó chết. Sẽ có một cái cây khác sống tiếp đời nô lệ trong cái lỗ cũ), người ta lại thay đổi hình hài bằng cách làm nó chảy máu. Cứ thế, nó mệt mỏi, gục ngã và cần được đem đi chôn cất, trong khi nó đã chết từ lâu rồi.
Vậy có nghĩa gì không, khi đến lúc xảy ra một chuyện ngoài mong muốn, người ta mới đi khắc phục những hậu quả và rào trước những rủi ro từ những cái cây? Ngay từ đầu, họ đã chẳng xứng đáng với sự hiện diện của nó ở đó. Vì không hiểu được ngôn ngữ của thực vật nên người ta phán xét nó là một thứ vô tri, mặc nhiên cho mình cái quyền được quyết định sự sống cái chết của một sinh vật.
Việc bấu víu lại để thỏa mãn một mục tiêu đã sai từ đầu là quá trình luôn có điểm cuối. Giống như việc người ta phát minh ra hàng trăm thứ để làm nông nghiệp, “tưới nhỏ giọt” là một trong số đó. Người ta làm cho một cái cây sống tốt với nguồn nước hạn chế bằng cách tưới từ từ để giúp nó hấp thụ nhiều nhất trong khả năng, trong khi vẫn có thể tiết kiệm tối đa lượng nước để tưới tiêu.
Masanobu Fukuoka từng nói đến phương pháp này như một lời hấp hối ích kỷ. Cái cây vẫn sẽ sống và phục vụ cho thế hệ hiện tại cho đến lúc nguồn nước cạn kiệt. Nó chỉ đến chậm hơn thôi. Và cách bền vững duy nhất để có thể nuôi sống cả nhiều thế hệ sau và cân bằng được môi trường tự nhiên đó là làm cho cơn mưa quay trở lại.
Chẳng ai muốn làm bạn với một kẻ chỉ muốn xem mình như nô lệ cả. Con người vốn đã không xứng đáng với tình bạn này, ít nhất là đã nhiều thập kỷ trước. Vậy nên mới có những cái cây “không chân” như vậy.
Dĩ nhiên mình không lên án chuyện trồng cây. Trồng được 1 cái cây thì vẫn tốt hơn là đi chặt nó. Nhưng con người sẽ không còn phải loay hoay với các vấn đề từ nhỏ đến lớn nếu biết cách sống với một cái cây như thể nó là 1 người bạn.
Việc khí hậu nóng lên, con người và động vật cần oxy để thở không hoàn toàn liên quan đến rừng. Có lẽ ít ai biết được rằng trồng hay chặt 1 cái cây không làm cho con cháu chúng ta thừa hay thiếu không khí để thở.
Mọi thứ trên đời đều là những vật chất, nguyên tố bảo toàn. Chả sinh ra thêm, mà cũng chả mất đi. Có chăng là ném cái gì đó lên vũ trụ bằng tên lửa thì chắc là mất thật. Cây cối cũng vậy, nó quang hợp để nhận CO2, tạo ra O2 vào ban ngày thì cũng thực hiện chu trình ngược lại vào ban đêm – sự hô hấp. Khi chết đi, nó cũng mục nát và thải ra CO2 vào khí quyển.
Không khí chúng ta thở hàng triệu năm nay là nhờ các đơn bào bơi lội trên mặt biển quang hợp. Khi chết đi, thay vì phân hủy để trả lại CO2, chúng chìm xuống tầng đáy, nén chặt dưới áp lực và tạo nên trầm tích. Đó chính là thứ mà các ông cường quốc nện nhau sứt đầu mẻ trán để tranh giành – Dầu mỏ. Việc trái đất nóng lên chẳng qua là vì chúng ta hút lên, đốt cháy và thay chúng làm công việc trả lại CO2 vào khí quyển mà thôi.
Vậy nên cũng đừng quá kỳ vọng vào việc cái cây sinh ra để phục vụ cho mình. Thay vào đó, hãy làm bạn với nó một cách tôn trọng và bình đẳng như chúng ta vẫn làm với nhau. “Nhiều người sinh ra chỉ để trồng một cái cây”.
J. hỏi tôi hình dung như thế nào về người vợ tương lai. Tôi nghĩ, tôi sẽ yêu, làm tình và có con với 1 người phụ nữ, nhưng chắc sẽ lấy một cái cây.
Khi chết đi, tôi cũng muốn được nằm dưới một cái cây để vẫn có thể hít thở, hân hoan, ướt sũng, và có được tất cả những buổi chiều như những bông lau của anh L.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất