Cái cây cho đi.
Quay lại, dù chẳng thể vắt vẻo đung đưa trên cành như ngày xưa, nhưng hãy ôm lấy thân cây, khi còn có thể.
“Cái cây cho đi" là tập podcast mình nghe hôm nay trong lúc ăn tối. Host Chi Nguyễn (The Present Writer) kể về một cây táo không ngừng cho đi quả (để bán lấy tiền), cành cây (để xây nhà) và thân cây (để làm thuyền) cho đến khi chỉ còn là một gốc cây trơ trụi. Người nhận là “cậu bé" đã gắn bó với cái cây từ thuở còn thoả sức đung đưa trên cành, bứt lá làm vương miện và vô tư cắn miếng táo thơm ngon. Cậu bé cứ “nhận" từ lúc còn bé xíu đến lúc già nua. Cái cây cứ cho đi từ lúc còn xanh tươi đến khi già cỗi. Với cái cây, cậu bé luôn là “cậu bé", và cái cây thì luôn hạnh phúc khi cho đi, tất cả những gì mình có.
Các cậu có liên tưởng câu chuyện này với hình ảnh nào không?
Đúng vậy. Gia đình.
Mẹ mình là một người mẹ Việt Nam điển hình, tức là sẽ cố gắng bảo bọc con đến khi còn có thể. Mình 24 tuổi, trong mắt mẹ mình không khác gì đứa trẻ lên 3.
Hôm nay ăn gì. Ăn ít thế. Đi đường cẩn thận. Tuần này về không. Thôi mua làm gì phí tiền. Cuộc hội thoại nào cũng xuất hiện những câu hội thoại như vậy. Có lúc mình phải kêu lên “Con đang ở thủ đô đấy, con không thể ch** đói được!” mẹ mới thôi không cố nhét thêm hai con gà.
Tuần vừa rồi mẹ mang lên hai túi khế, một túi hồng xiêm, một túi vải khô và một hộp ruốc tép (chỉ vì một lần mình bảo cái này ăn ngon nhỉ). Theo lý lẽ của mẹ, những đứa con của gia đình, xứng đáng được hưởng những trái ngọt của gia đình. Túi mực ở trong tủ đông một tháng đợi mình về chỉ vì nó từng “mới mua được ở chỗ này tươi ngon lắm".
Bố mình là một ông bố Việt Nam điển hình, tức là sẽ không thích thể hiện tình cảm. Số lần bố và mình thực sự nói chuyện đếm trên đầu ngón tay, nếu tách khỏi các cuộc hội thoại của cả gia đình.
Lần đầu tiên mình có bài đăng báo, sau đó được chuyển thể sang dạng đọc trên VOV, bố mình lên mạng tải đoạn âm thanh đó rồi bật cho tất cả những người trong văn phòng. Lần đầu tiên mình dự trại sáng tác ở Hạ Long, cách nhà khoảng 200 cây số, mình say xe, bố lái xe máy đưa mình đi giữa mùa hè. Lần đầu tiên mình thất tình, bố biết, nhưng không hỏi, bố đưa mình đi ăn phở. Giống như rất nhiều ông bố khác, bố thương gia đình theo một kiểu “không nói nhiều".
Mình chưa bao giờ thích việc bố làm bộ đội, vì điều đó có nghĩa là sẽ phải quen với việc không có bố bên cạnh những dịp quan trọng. Tết này chưa kịp vui vì bố được ăn Tết ở nhà thì đã kịp buồn vì hiểu rằng năm sau chỉ có ba mẹ con. Một sự ích kỷ thường thấy ở những đứa con nhà lính.
Bố mẹ của mình chưa bao giờ học qua lớp làm bố mẹ. Bằng tuổi mình bây giờ là bố mẹ sắp có mình rồi. Nhưng bố mẹ vẫn nuôi dưỡng được một đứa trẻ từ lúc đỏ hỏn đến khi trưởng thành, yêu thương và hào phóng cho đi những gì mình có.
Đứa trẻ đó, không biết làm gì hơn ngoài việc ăn hết đồ ăn mẹ gửi (dù bình thường nó chẳng bao giờ tự giác đi mua hoa quả về ăn, cũng chẳng thích ăn đồ ngọt), không biết làm gì hơn ngoài việc ghi nhớ những gì bố làm và đem tất cả những đồng tiền đầu tiên kiếm được hồi năm nhất ra để mua cho bố một cái áo. Đứa trẻ ấy cũng chẳng biết cách thể hiện tình cảm của mình, ngoài việc gõ mấy dòng này ra trong một đêm mất ngủ. Đứa trẻ ấy thực ra ghen tị với chính mình, cái hồi nó còn 3 tuổi, nó có thể nói cả ngày “Con Yêu Mẹ", có thể đòi bố đưa đi chơi rồi tít tít bấm còi xe con 82 đời cổ, cũng có thể đòi lên thành phố đi chơi nhà phao, chơi đu quay dù ốm lăn cả tuần sau đó.
…
Mình đã vừa ăn vừa khóc khi nghe câu chuyện thiếu nhi “the giving tree", vì nỗi sợ “cái cây sẽ sớm già nua" ập đến mãnh liệt hơn bao giờ hết. Quay lại, dù chẳng thể vắt vẻo đung đưa trên cành như ngày xưa, nhưng hãy ôm lấy thân cây, khi còn có thể.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất