Cái bẫy "Tôi là ai?"
"Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông" _Heraclitus_ Hồi còn nhỏ, nhà tôi có một cái tivi đen trắng. Chẳng nhớ lúc đó tôi...
"Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông" _Heraclitus_
Hồi còn nhỏ, nhà tôi có một cái tivi đen trắng. Chẳng nhớ lúc đó tôi bao nhiêu tuổi nữa. Chỉ nhớ cái tivi được để trên mặt tủ, và cái tủ cao quá đầu. Hồi đấy, truyền hình chẳng phát cả ngày như bây giờ, cũng chẳng có nhiều kênh để chọn, để xem. Chiếc tivi gần như cả ngày "im như thóc", trừ lúc cha tôi mở lên xem. Lúc đó tôi đều quan sát xem cha tôi mở tivi như thế nào. Thỉnh thoảng cha tôi ở nhà nhìn lên đồng hồ treo tường và mở tivi. Tôi nhìn chiếc đồng hồ lẩm nhẩm "3 giờ thì mở tivi xem được".
Thời điểm đó, tôi còn bé chưa giúp được gì cho cha mẹ ngoài việc ở nhà trông nhà, chơi với em. Chiều nọ, lúc cha mẹ vừa đi làm. Tôi liền lấy ghế kéo sát tủ, trèo lên ghế, rồi treo lên mặt tủ. Tôi tới gần chiếc đồng hồ và lẩm nhẩm "3 giờ thì mở tivi được". Đồng thời lấy tay gỡ chiếc đồng hồ vặn đúng 3h chiều. Xong xuôi, quay lại bật tivi để xem. Ơ! tivi chỉ sôi không thấy có tiếng nói hay hình ảnh nào cả, đáp lại là màn hình nhiễu và tiếng sôi khó chịu. Vặn hết mấy vòng nút chỉnh kênh mà không xem được, đành bỏ cuộc.
Tôi không phải là người thông minh. Từ lớp 1 đến hết kỳ 1 năm lớp 3 tôi nhiều lần ăn đòn roi vì điểm kém. Mẫu giáo thì ảm ảnh vì không phân biệt được chữ "m" và "n". Phải đến kỳ 2 năm lớp 3 tôi mới biết giấy khen học sinh tiên tiến là gì. Lên đại học mới bắt đầu biết sử dụng máy vi tính. Mọi thứ đều chậm hơn các bạn, đến bây giờ vẫn vậy.
Tuổi thơ bị ấn tượng bởi những bộ phim Hồng Kông nói về thị trường chứng khoán. Từ đó ước mơ mở công ty của riêng mình. Mẹ tôi luôn nói "Cố gắng học giỏi mà đi học đại học cho đỡ khổ". Lúc đó đại học là con đường tôi tin tưởng. À nhắc đến mẹ, lại nhớ đến chuyện so sánh với con nhà người ta. Một hôm tôi bực quá mới hét lên "Bây giờ mẹ thích con nhà ai? Con sẵn sàng đổi cho nó về nhà ta ở, con ở nhà nó". Từ đó mẹ tôi không còn so sánh nữa. Giờ vẫn ám ảnh chuyện so sánh này, sau có con nhất định không như thế.
Đến cuối năm lớp 12, lúc làm hồ sơ thi đại học. Cha bảo "Mi chọn trường mô sau ra có nghề, nếu người ta không thuê thì mình còn có thể tự làm ăn được". Tôi nói "Con chán nông nghiệp rồi, con học kinh tế thôi." Vậy là tôi thi Thương Mại. Từ bé tôi thường đã có ý làm khác lời cha mẹ nói. Giờ ngồi nghĩ lại, nếu nghe lời cha thì tôi thế nào nhỉ?
Con người tôi bây giờ là kết quả của một chuỗi sự kiện trong quá khứ như tôi vừa kể. Hay nói rõ hơn là con người tôi là kết quả của hoàn cảnh sống, sự giáo dục, những điều tôi tiếp thu được. Nếu tiếp thu cái cha tôi nói thì tôi có khác không? Hoàn cảnh khác đi thì cái tôi sẽ thay đổi như thế nào?
Câu hỏi "tôi là ai" được tôi đặt ra một lần duy nhất, khi tôi quyết định khởi nghiệp với lụa. Lúc đó 3 câu hỏi được viết lên giấy: "Thằng Tân là ai? Tại sao nó có những chiếc khăn này? Tại sao tao phải mua khăn của nó?" Thật ra, lúc đó tôi không đứng ở vị trí của tôi để hỏi "tôi là ai?". Mà tôi đứng ở vị trí của người khác để hỏi về thằng Tân để có góc nhìn khách quan hơn.
Một ngôi nhà đẹp xấu ra sao, hình thù như thế nào? Thì chỉ có thể trả lời khi vệt sơn cuối cùng được quét xong. Với tôi, "Tôi là ai?" thì chỉ lúc "hơi thở hóa thinh không" mới có câu trả lời. Và người trả lời là những người ở lại.
Triết gia Heraclitus có câu nói nổi tiếng: "Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông". Dòng sông trong 1 tíc tắc bạn thấy, chỉ 1 tíc tắc sau đã thay đổi. Mọi thứ luôn chuyển động không ngừng, thay đổi không ngừng. Con người cũng vậy. Cơ thể, tình cảm, ý thức, nhận thức, quan điểm thay đổi liên tục. Bởi do chịu ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên và xã hội. Bản chất của vũ trụ là sự vận động liên tục không ngừng nghỉ. Bởi thế cái tôi cũng sẽ liên tục thay đổi. Câu hỏi "tôi là ai?" sẽ đưa bạn vào một cái bẫy luẩn quẩn không lối thoát.
Đức Phật và các đệ tử của Ngài suốt cả cuộc đời tu tập để trở nên vô ngã. Ngài tin rằng không có cái gọi là cái tôi riêng rẽ là tôi hay bạn, tất cả mọi thứ đều có liên quan tới nhau, cùng thuộc vào một đại thể duy nhất là vũ trụ.
Thật sự thì bạn mong muốn điều gì khi đặt câu hỏi "tôi là ai?"? Có phải bạn đang đi tìm lẽ sống của đời mình. Có phải đang muốn được hạnh phúc hơn. Có phải bạn muốn được ghi nhận. Sau tất cả, điều gì là quan trọng nhất: lẽ sống, hạnh phúc hay sự ghi nhận? Hay như tôi vẫn tin rằng. Loài người luôn đi về hướng văn minh. Nơi mỗi một thực thể đều có sự tự do và hạnh phúc của riêng mình. Thực thể ở đây tôi nói không chỉ riêng con người mà bao trùm mọi thứ.
Vậy phải chăng con người sinh ra không phải để đi trả lời câu hỏi "tôi là ai?". Mà con người sinh ra để giúp cho vũ trụ này trở nên có ý nghĩa, giúp cho tự nhiên có linh hồn, giống như Nguyễn Du viết "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Hay có thể nói con người là tiếng nói của tự nhiên. Con người làm việc đó bằng cách liên kết, hòa hợp mỗi cá nhân lại với nhau, rồi liên kết, hòa hợp con người với tự nhiên, ghi nhận mọi thứ như chính nó.
Hãy nhắm mắt lại, phóng tâm trí của ta ra ngoài không gian vũ trụ rộng lớn, rời xa khỏi trái đất. Ngoài kia vũ trụ bao la, tĩnh lặng, bóng tối trở nên trong suốt bởi ánh sáng của các hành tinh. Nhìn về phía trái đất, một hành tinh bé nhỏ nhưng sôi động, náo nhiệt đầy sự sống.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất