Dịch từ bài "Taste for Makers" của Paul Graham đăng vào tháng 2 năm 2002 trên blog của ông.

Tôi mới vừa nói chuyện với một người bạn đang dạy ở Đại học Công nghệ Massachusetts. Lĩnh vực giảng dạy của anh ấy bây giờ rất là hấp dẫn và mỗi năm anh ấy nhận được vô vàn đơn ứng tuyển từ các sinh viên tương lai. Anh nói: "Rất nhiều người trong đó trông thông minh. Nhưng cái mà tôi không biết chắc được là họ có mỹ cảm hay không."
Mỹ cảm. Hiện giờ bạn sẽ ít nghe đến từ này. Nhưng mà bạn nên biết rằng chúng ta vẫn cần đến nó, cho dù hiện nay nó đã được gọi bằng tên khác. Ý của bạn tôi đó là ông không chỉ muốn học sinh của mình trở thành những kỹ sư tài ba, mà còn muốn họ biết dùng kiến thức kỹ thuật của mình để thiết kế những sản phẩm đẹp. 
Những nhà toán học gọi những công trình hay là "đẹp", và khái niệm đó cũng được áp dụng từ xưa đến giờ bởi các nhà khoa học, kỹ sư, nhạc sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế, nhà văn hay hoạ sĩ. Liệu đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà họ dùng cùng một từ, hay thực sự bọn họ đều đang nói đến chung một khái niệm? Nếu họ đang dùng chung một khái niệm, vậy chúng ta có thể lấy tiêu chuẩn cái đẹp trong một lĩnh vực để áp dụng cho một công trình ở lĩnh vực khác?
Đới với những người thiết kế sản phẩm, đây không chỉ là những câu hỏi lý thuyết suông. Nếu trên đời có một thứ được gọi là đẹp, chúng ta cần phải có khả năng nhận ra vẻ đẹp đấy. Chúng ta cần một mỹ cảm tốt để tạo ra những sản phẩm tốt. Thay vì coi khái niệm đẹp là một thứ bay bổng trừu tượng để mà tung hô ủng hộ một cách vô nghĩa hoặc để mà né tránh, phụ thuộc vào cách mà người đó cảm thụ cái đẹp, chúng ta hãy đặt câu hỏi thực tế sau: Làm sao để bạn tạo ra sản phẩm tốt? 
Nếu bạn nhắc đến khái niệm mỹ cảm, nhiều người sẽ nói bạn rằng "cảm thụ cái đẹp là một trải nghiệm chủ quan". Họ tin như thế là vì họ thực sự cảm thấy nó là như thế đối với họ. Khi họ thích thứ gì đó, họ không biết lý do tại sao. Nó có thể là vì thứ đó thực sự đẹp, hay là vì ở nhà họ mẹ họ cũng có một thứ tương tự, hoặc là vì họ thấy một siêu sao điện ảnh mang nó trong hình một tạp chí, hoặc là vì họ biết nó mắc tiền. Suy nghĩ của họ là một mớ bòng bong các cảm nhận khác nhau bị trộn lại. 
Phần lớn chúng ta khi còn là con nít được khuyến khích là đừng cố gắng gỡ rối mớ bòng bong các cảm nhận này. Nếu bạn cười vào mặt thằng em bạn vì nó tô màu da người là màu xanh lá cây, mẹ bạn sẽ nói với bạn mấy câu như "con thích tô màu theo cách của con và em con thích tô màu theo cách em ấy".
Mẹ của bạn khi đó không cố gắng dạy bạn để biết được sự thật về mỹ thuật. Mẹ bạn chỉ đang cố gắng làm sao cho hai đứa nhóc im lặng. 
Cũng giống như những sự thật không trọn vẹn mà người lớn hay dạy chúng ta, lời nói này bị xung đột với những thứ khác mà họ sẽ nói. Sau khi cho chúng ta một bài học về việc cái đẹp, mỹ thuật, cái hay nó chỉ phụ thuộc vào cảm nhận chủ quan của mỗi cá nhân, họ dẫn chúng ta tới bảo tàng và nói rằng chúng ta phải biết chiêm ngưỡng các tác phẩm đẹp này vì chúng được vẽ bởi đại danh hoạ Leonardo.
Lúc này trong đầu lũ trẻ đang nghĩ gì? Nó có tự hỏi là "đại danh họa" là gì không? Sau khi được dạy bảo trong nhiều năm rằng ai cũng có cách làm riêng của bản thân họ, đứa trẻ sẽ khó mà đi thẳng đến kết luận rằng một người họa sĩ vĩ đại thì có những tác phẩm tốt hơn tác phẩm của người khác. Khả năng cao đứa nhóc sẽ suy nghĩ theo lý thuyết, một lý thuyết kiểu mô hình vũ trụ của Ptolemy, là một đại danh họa là một thứ gì đó tốt cho đứa nhóc, giống như là bông cải xanh vậy, bởi vì có ai đó nhắc đến ổn trong quyển sách.
Nói rằng khiếu thẩm mỹ chỉ là cảm nhận cá nhân của từng người cũng là một cách hay để né tránh các tranh cãi. Có điều suy nghĩ vậy là không đúng. Bạn sẽ cảm nhận được điều này khi bạn bắt đầu bắt tay vào thiết kế một vật nào đó.
Cho dù bạn làm công việc gì thì bạn cũng sẽ có xu hướng tự nhiên là muốn làm nó tốt hơn. Cầu thủ bóng đá thì muốn chiến thắng. Giám đốc điều hành thì muốn tăng lợi nhuận cho công ty. Rõ ràng đây là vấn đề về niềm kiêu hãnh và cũng là niềm vui khi bạn trở nên giỏi hơn trong việc bạn làm. Nhưng nếu công việc của bạn là thiết kế sản phẩm, và trên đời này không có tiêu chuẩn cố định cho cái đẹp, thì tức là chẳng có cách nào để cải thiện kỹ năng bản thân cả. Nếu cái đẹp chỉ phụ thuộc vào trải nghiệm cá nhân của từng người, thì tức là ai cũng có khiếu thẩm mỹ hoàn hảo: bạn thích bất cứ thứ gì bạn thích, và chỉ vậy thôi.
Và cũng như trong bất kỳ công việc nào, khi bạn rèn luyện việc thiết kế sản phẩm, bạn sẽ trở nên tốt hơn. Mỹ cảm của bạn sẽ thay đổi. Và cũng như bất cứ ai trở nên giỏi hơn trong việc họ làm, bạn thấy rằng bạn đang làm tốt hơn. Nếu điều đó là đúng, thì tức là khiếu thẩm mỹ của bạn nó không chỉ thay đổi. Mà tệ hơn, cái khái niệm không có đúng sai khi đánh giá vẻ đẹp cũng sai nốt. 
Ai cũng thích nói rằng mọi thứ chỉ là tương đối, nhưng lối suy nghĩ đó chỉ làm hỏng khiếu thẩm mỹ của bạn, ngay cả khi thứ đó đang trở nên hoàn thiện hơn. Nhưng nếu bạn chấp nhận bước ra khỏi bức bình phong đó và trở nên thành thật, ít nhất là đối với bản thân bạn, rằng ở ngoài kia có cái gọi là thiết kế tốt và có cái là thiết kế dở, thì bạn sẽ bắt đầu học chi tiết về cách thiết kế tốt. Bạn sẽ tự đánh giá xem mỹ cảm của bạn đã thay đổi như thế nào? Khi bạn phạm phải lỗi lầm, bạn tìm xem điều gì gây ra lỗi lầ đó? Bạn sẽ tự hỏi rằng những người khác đã học về thiết kế như thế nào?
Khi bạn bắt đầu tìm hiểu sâu về vấn đề, bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi biết rằng các nguyên tắc về vẻ đẹp ở các lĩnh vực khác nhau lại giống nhau nhiều đến thế nào. Bạn sẽ thấy những nguyên tắc cho việc thiết kế đẹp xuất hiện ở khắp mọi nơi.

Thiết kế tốt là một thiết kế đơn giản


Bạn sẽ nghe điều này từ trong toán học ra đến hội họa. Trong toán học, những phương pháp chứng minh ngắn hơn thường là tốt hơn. Đặc biệt với các tiên đề, cái nào càng ngắn lại càng có ý nghĩa. Điều đó cũng đúng trong lập trình. Đối với dân kiến trúc sư và thiết kế, điều đó có nghĩa là cái đẹp nên phụ thuộc vào việc chọn lựa các yếu tố kết cấu một cách cẩn thận hơn là chọn những thứ trang hoàng hời hợt (bản thân những thứ trang hoàng không có tệ, nó chỉ tệ khi được dùng để che đậy các cấu trúc nhạt nhẽo). Cũng tương tự như vậy, trong hội họa một bức tranh tĩnh vật vẽ về một số đồ vậy được quan sát kỹ lưỡng và vẽ đến từng chi tiết thì thường sẽ hấp dẫn hơn những đường nét nguệch ngoạc nhìn có vẻ hào nhoáng, ấn tượng nhưng thực chất chỉ là sự lặp đi lặp lại nhàm chán của những thứ như là cổ ren trong áo. Còn trong việc viết thì cái đẹp có nghĩa là: viết ra những gì bạn muốn nói và viết thật ngắn gọn.
Thoạt đầu có vẻ kì lạ khi chúng ta nhấn mạnh sự đơn giản Bạn sẽ nghĩ trạng thái mặc định của mọi thứ lúc nào chẳng là đơn giản. Làm nó cầu kì mới khó. Nhưng thực chất khi mọi người cố gắng trở nên sáng tạo, họ mất đi cái chất đó. Khi mọi người bắt đầu tập viết, họ cố gắng dùng các từ khoa trương nghe khác hoàn toàn lúc họ nói. Nhà thiết kế thì cố trở thành nghệ sĩ bằng cách dùng các thủ pháp như các đường cong cầu kì hay các vòng xoắn xoáy tròn. Còn các họa sĩ thì lại muốn theo trường phái Biểu hiện. Mọi thứ chỉ là sự tránh né. Bên dưới những từ ngữ đao to búa lớn hay các nét vẽ "biểu hiện" đó là một sự trống rỗng, và đó là điều đáng sợ.
Khi bạn bị ép phải làm mọi thứ trở nên đơn giản, bạn đang bị ép phải đối mặt với vấn đề thật. Nếu bạn không thể tạo ra được những thứ trang hoàng cầu kì, bạn phải tạo ra được một thứ gì đó có ý nghĩa.

Thiết kế tốt là trường tồn với thời gian

Trong toán học, mọi chứng minh đều là trường tồn trừ khi nó bị phát hiện ra là sai. Vậy ý của Hardy là gì khi ông nói rằng không có sự xấu xí nào là vĩnh viễn trong toán học? Ý của ông ấy cũng giống như ý của Kelly Johnson: nếu thứ gì đó xấu xí thì nó không phải là giải pháp tốt nhất. Phải có thứ gì đó tốt hơn, và cuối cùng sẽ có người tìm ra được giải pháp đó.
Nhắm đến sự trường tồn là cách để giúp bạn tìm ra câu trả lời tốt nhất: nếu bạn tưởng tượng ra được có người làm tốt hơn bạn, thì bạn phải cố gắng vượt qua bạn trước. Một vài bậc thầy làm giỏi đến mức họ chừa rất ít khoảng trống cho người khác vươn lên. Nhà điêu khắc gỗ Durer đã tạo ra những tuyệt tác đỉnh cao đến mức các thế hệ sau đều dưới bóng của ông.
Nhắm đến sự trường tồn cũng là cách giúp bạn né được cái bẫy thời trang. Thời trang là thứ được định nghĩa sẽ luôn thay đổi với thời gian, do đó nếu bạn tạo ra những thứ mà hậu thế vẫn tấm tắc khen đẹp, thì tức cái đẹp đó nó đều từ tài năng của bạn hơn là do xu hướng của thời thế.
Một điều lạ là, nếu bạn cố gắng tạo ra những sản phẩm mà hậu thế phải trầm trồ, thì bạn cũng đang cố gắng khiến những tiền bối phải tấm tắc khen ngợi. Thật khó là biết được trong tương lại mọi thứ sẽ như thế nào, nhưng ta có thể chắc chắn rằng những thứ gọi là thời trang trong quá khứ chẳng mang gì đến cho thời trang hiện đại. Do đó nếu bạn có thể tạo ra thứ mà mọi người hôm nay thấy đẹp, và những người sống thời năm 1500 thấy đẹp, thì khả năng cao những người trong năm 2500 cũng thấy đẹp.

Thiết kế tốt là giải quyết được vấn đề

Một cái bếp gas thông thường thì có bốn cái nhóm lửa được xếp theo hình vuông, và một nút vặn điều khiển cho mỗi cái nhóm lửa ấy. Bạn sẽ sắp xếp nút điều khiển ấy như thế nào? Câu trả lời đơn giản đó là xếp chúng thành một hàng. Nhưng đây là một câu trả lời đơn giản cho một câu hỏi sai. Những nút vặn ấy được tạo ra cho con người dùng, và nếu bạn xếp chúng thẳng một hàng, thì cái người dùng xui xẻo kia sẽ phải dừng lại để nghĩ xem rốt cuộc nút vào nào là cho cái nhóm lửa nào. Tốt nhất là xếp những nút vặn ấy thành hình vuông giống như những cái nhóm lửa.
Có rất nhiều thiết kế tồi được tạo ra bởi sự cần mẫn nhưng bị sai đường lầm lối. Hồi giữa thế kỷ 20 đã có một trào lưu dùng phông chữ sans-serif. Những phông chữ này thì gần sát với sự thuần khiết giống nét chữ của người, gợi nhớ đến những lá thư tay. Nhưng trong văn bản đó không phải là vấn đề bạn muốn giải quyết. Trong việc đọc hiểu, điều quan trọng hơn là mọi người phân biệt được các kí tự. Phông chữ này thì trông giống nét bút thời Victoria, nhưng trong phông chữ Times Roman kí tự g viết thường thì dễ phân biệt hơn ký tự y viết thường.
Người ta không chỉ cải thiện các giải pháp, người ta còn có thể cải thiện các vấn đề. Trong ngành phát triển phần mềm, một vấn đề không giải quyết được có thể bị thay thế bằng một vấn đề tương đương nhưng dễ giải quyết hơn. Việc nghiên cứu vật lý trở nên nhanh hơn khi các vấn đề được diễn đạt theo hướng dự đoán các hành vi có thể quan sát được, hơn là cố gắng đối chiếu nó với ngôn từ trong Kinh Thánh.

Thiết kế tốt là có tính gợi mở

Tiểu thuyết của Jane Austen thì hầu như không có đoạn nào mà miêu tả, thay vì nói cho độc giả biết mọi thứ trông như thế nào, bà đã kể chuyện hay đến mức mọi người tự hình dung ra được cảnh đấy. Tương tự như vậy, một bức tranh có yếu tố gợi mở thì thường hấp dẫn hơn là bức tranh mô tả chuyện gì đang xảy ra. Ai cũng tự suy diễn xem chuyện gì xảy ra sau nụ cười của Mona Lisa.
Trong kiến trúc và trong thiết kế, nguyên tắc này có nghĩa là một công trình hay một vật dụng nên cho phép người dùng dùng theo ý muốn của họ: chẳng hạn một công trình tốt sẽ như là một cái nền để mọi người dùng làm nền cho cuộc sống của họ, chứ không phải phải là khiến họ sống như là họ đang là một cái máy thực hiện các chỉ thị viết ra bởi người kiến trúc sư.
Trong phát triển phần mềm, điều đó có nghĩa là bạn nên cho người dùng một số ít các công cụ cở bản để từ đó họ tạo ra các sản phẩm theo ý họ, như là chơi Lego vậy. Trong toán học, điều đó có nghĩa là một phép chứng minh phải là tiền đề cho sự phát triển của những phép chứng minh khác. Các phép chứng minh đó có thể đơn giản nhưng hay hơn các phép chứng minh phức tạp, nhưng không dẫn tới một khám phá nào mới. Trong khoa học nói chung thì được trích dẫn lại nghiên cứu khoa học đã là một tín hiệu cho thấy bài nghiên cứu đó rất đáng được khen ngợi.

Thiết kế tốt là có một chút yếu tố hài hước

Điều này thì thường không đúng. Nhưng những bức điêu khắc của Durer hay sản phẩm Womb Chair của Saarinen và đền Pantheon hay chiếc Porsche 911 đời đầu, những thứ đó đều có một chút hài hước đối với tôi. Còn định lý chưa hoàn thiện của Godel thì thực sự là một truyện cười.
Porsche 911 1974 model
Tôi nghĩ đó là vì sự hài hước thường có liên quan đến sức mạnh. Một người có khiếu hài hước là một người mạnh mẽ: một người giữ được khiếu hài hước thì có thể giũ bỏ được những bất hạnh ập đến trong đời, và mất đi khiếu hài hước tức là khiến bản thân bị tổn thương bởi những bất hạnh đó. Và do đó một biểu hiện - hoặc ít nhất là kí hiệu ám chỉ - của sức mạnh là không nghiêm túc quá với bản thân. Sự tự tin về bản thân thường sẽ khiến người ta thêm một chút hài hước vào sản phẩm của mình, như Hitchcock làm với phim của ông hay Bruegel với các tác phẩm hội họa hay Shakespeare với những vở kịch của mình.
Một thiết kế tốt không chắc là cần phải hài hước, nhưng khó để mà hình dung được một thứ chẳng có chút hài hước nào có thể được gọi là thiết kế tốt.

Thiết kế tốt là rất khó tạo ra

Nếu bạn quan sát những người đã tạo ra các tuyệt tác, một điểm chung mà họ có đó là họ đều làm việc rất chăm chỉ. Nếu bạn không làm việc rất chăm chỉ, bạn chỉ đang lãng phí thời gian của mình. 
Những vấn đề khó khăn thì đỏi hỏi những nỗ lực khổng lồ. Trong toán, các phép chứng minh khó thì đòi hỏi những giải pháp đột phá, và những giải pháp đó thường rất hấp dẫn. Trong ngành kỹ thuật cũng thế.
Khi bạn phải trèo lên một ngọn núi cao, bạn phải vứt đi những thứ không cần thiết ra khỏi túi của bạn. Một kiến trúc sư cũng phải làm như thế khi ông ấy cố gắng thiết kế một công trình ở một nơi khó xây, hay ngân sách hạn chế, trong khi vẫn phải tạo ra một kiến trúc tinh tế. Những xu hướng thời trang hay hợp thời thường bị gạt đi khi mọi người phải đối mặt với những vấn đề vô cùng khó trong doanh nghiệp.
Nhưng không phải cứ chăm chỉ là tốt. Có những nỗi đau tích cực và nỗi đau tiêu cực. Bạn sẽ muốn những nỗi đau giống như bạn có được khi bạn phải chạy bộ chứ không phải nỗi đau như khi bạn dẫm phải đinh. Một vấn đề khó thì tốt cho người thiết kế, nhưng một khách hàng xấu tính hay những công cụ tồi thì không. 
Trong nghệ thuật, những đỉnh cao danh vọng trước đây thường được dành cho họa sĩ có các bức họa vẽ người. Có một lý do đằng sau truyền thống này, không chỉ vì những bức họa có mặt người thì khiến bạn dễ nhớ hơn là các bức họa không có. Chúng ta quá giỏi trong việc nhận diện và nhìn ngắm khuôn mặt đến mức bất kỳ ai vẽ chân dung người khác đều phải trải qua một sự khó khăn không tưởng tượng được để thỏa mãn chúng ta. Nếu bạn vẽ một cái cây và bạn thay đổi góc của một cành cây 5 độ, sẽ chẳng ai để ý. Nhưng nếu bạn làm mắt ai đó lệch đi 5 độ trong tác phẩm của mình, mọi người sẽ để ý.
Khi những nhà thiết kế ở Bauhas áp dụng nguyên tắc "hình thể phải tuân theo chức năng" của Sullivan, ý của họ là hình thể phải đi theo chức năng. Và nếu chức năng khí, thì bắt hình thể đi theo nó còn khó hơn nữa, bởi vì sẽ chẳng có cơ hội để sửa lỗi sai. Những động vật hoang dã ngoài thiên nhiên có hình thể rất đẹp vì chúng có cuộc sống khó khăn.

Thiết kế tốt là nhìn dễ dàng

Giống như những vận động viên tài ba, người thiết kế vĩ đại khiến mọi thứ trông dễ dàng. Phần lớn đây là một ảo ảnh. Một bài viết đọc nghe dễ viết, đọc mượt mà thường chỉ được tạo ra từ bản nháp thứ 8.
Trong khoa học và kỹ thuật, một vài phát kiến vĩ đại trông đơn giản đến mức bạn hẳn đã tự nói đến với bản thân rằng, à mình cũng nghĩ ra được. Và khi đó người tìm ra phát kiến đó sẽ hỏi bạn: thế sao anh đã không tìm ra?
Trong vài tác phẩm của Leonardo, hình vẽ đầu người chỉ được tạo ra từ vài nét vẽ. Khi bạn nhìn chúng bạn sẽ nghĩ rằng tất cả những gì bạn làm là cố gắng đặt 8 hay 10 đường vẽ vào đúng chỗ là bạn sẽ tạo ra một tác phẩm đẹp tương tự. Ừ đúng đấy, nhưng bạn phải làm sao mà tất cả chúng đều phải đặt chúng chính xác ở từng vị trí. Một sai lệch nhỏ sẽ khiến toàn bộ bức vẽ thất bại.
Vẽ bằng đường thẳng thực ra là thứ khó làm nhất trong nghệ thuật hội họa bởi vì nó đòi hỏi một thứ gần bằng với sự hoàn hảo. Nói theo ngôn ngữ toán học, nó là một biểu thức dạng đóng, các họa sĩ trình độ yếu hơn thì cố gắng giải quyết vấn đề bằng các ước tính nối tiếp nhau. Một trong những lý do mà lũ trẻ bỏ cuộc ngưng học vẽ khi mới tầm 10 tuổi là vì chúng quyết định vẽ như người lớn, và một trong những thứ đầu tiên chúng vẽ là khuôn mặt. Chết chưa!
Trong đa số các lĩnh vực vẻ ngoài đơn giản thường đi kèm với sự rèn luyện. Có lẽ là vì sự rèn luyện giúp trau dồi tiềm thức của bạn trong việc thực hiện các việc liên quan đến ý thức. Trong một vài trường hợp bạn theo đúng nghĩa đen là rèn luyện cả cơ thể. Một chuyên gia piano có thể chơi các phím nhạc nhanh hơn tốc độ tín hiệu từ não truyền đến tay. Tương tự như với với người nghệ sĩ, sau một thời gian rèn luyện, anh ta có thể khiến hình ảnh trong đầu đi nhanh qua mắt và xuống tay một cách tự động như là ai đó đập chân theo nhịp.
Khi ai đó nói về việc "bị hút vào", tôi nghĩ ý của họ đó là xương sống của họ đang kiểm soát tình hình. Xương sống chúng ta phản ứng rất nhanh và khi nó kiểm soát tình hình, nó giải phóng ý thức của chúng ta để giải quyết các vấn đề khó hơn. 

Thiết kế tốt là sử dụng tính đối xứng

Tôi nghĩ rằng tính đối xứng chỉ là một trong nhiều cách để đạt được sự tối giản, nhưng cách này quan trọng đến mức nên có một phần riêng cho nó. Tự nhiên dùng rất nhiêu sự đối xứng, và đó là dấu hiệu tốt.
Có hai loại đối xứng, sự lặp lại và sự đệ quy hay còn gọi là quy nạp. Sự đệ quy là sự lặp đi lặp lại các kết cấu cốt lõi, ví dụ như cấu tạo của gân một chiếc lá. 

Sự đối xứng thì không được thịnh hành ở một vài lĩnh vực, như là một phản ứng với việc sử dụng kết cấu này quá nhiều trong quá khứ. Các kiến trúc sư bắt đầu xây các tòa nhà phi đối xứng vào thời Victoria và đến những năm 1920, sự phi đối xứng được coi là quy định bắt buộc trong kiến trúc hiện đại. Mặc dù vậy, ngay cả khi các công trình này có sự phi đối xứng trong các trục lớn, chúng vẫn có rất nhiều sự cân xứng trong các chi tiết nhỏ.
Trong việc viết, bạn sẽ tìm thấy sự đối xứng ở mọi cấp độ khác nhau, từ các cụm từ dùng trong một câu hay là nội dung của một tiểu thuyết. Nghệ thuật tranh khảm (và nghệ thuật trường phái Cezannes) đạt được điểm nhấn thị giác nhờ tạo ra nguyên một bức tranh từ các miếng ghép giống nhau. Những bức họa có cấu trúc đối xứng luôn tạo ra những ấn tượng lâu dài, đặc biệt là khi hai nửa của bức họa tương tác với nhau, như bức họa Creation of Adam và American Gothic.
Creation of Adam
Trong toán học và kỹ thuật, phương thức đệ quy hay quy nạp thường mang lại kết quả rất tốt. Các phép chứng minh đệ quy thường ngắn một cách tuyệt vời. Trong phát triển phần mềm, nếu phương pháp đệ quy có thể giải quyết được một vấn đề thì thường đó là giải pháp tốt nhất. Tháp Eiffel trông thật choáng ngợp là vì nó được tạo nên từ giải pháp đệ quy, nó là tập hợp của nhiều tháp chồng lên nhau.
Sự nguy hiểm của tính đối xứng, đặc biệt là sự lặp đi lặp lại, đó là nó có thể bị lạm dụng để thay thế cho việc suy nghĩ thấu đáo.

Thiết kế tốt là phản ánh tự nhiên

Cần phải nói rõ rằng một thiết kế giống với tự nhiên chưa chắc đã tốt bằng tự nhiên vì tự nhiên đã trải qua một thời gian rất dài để giải quyết một vấn đề rất khó. Tuy nhiên nếu giải pháp của bạn trông tự nhiên thì đó là một dấu hiệu tốt.
Không có gì là ăn gian khi bạn đi sao chép cả. Sẽ có rất ít người chỉ trích rằng truyện ngắn bạn viết sao giống cuộc sống thực tế. Trải nghiệm cuộc sống cũng là một thứ quý giá đối với các họa sĩ, tuy nhiên điều này đôi lúc hay gây ra sự hiểu nhầm. Mục đích ở đây không phải là ghi lại chuyện gì xảy ra trong cuộc sống. Mục đích ở đây là khi vẽ nên bức tranh từ trải nghiệm cuộc sống, nó phải là thứ giúp đầu óc rộng mở thêm: khi đôi mắt bạn đang nhìn ngắm say đắm thứ gì đấy, đôi tay bạn sẽ tạo nên những thứ đẹp đẽ.
Sổ tay luyện vẽ của Leonardo
Bắt chước tự nhiên cũng được áp dụng trong ngành kỹ sư. Các chiếc thuyền thì luôn có thiết kế giống cột sống và xương sườn giống như một khung sườn của một con động vật. Trong vài trường hợp chúng ta phải đợi cho đến khi chúng ta có công nghệ tốt hơn: những nhà thiết kế máy bay đầu tiên đã phạm sai lầm khi cố gắng thiết kế chúng sao cho giống những con chim, bởi vì họ không có vật liệu hay động cơ đủ nhẹ (động cơ trong máy bay của anh em nhà Wright chỉ nặng gần 69kg và tạo ra công suất chỉ khoảng 12 mã lực) hoặc họ không có hệ thống điều khiển đủ tinh vi để khiến cỗ máy bay như chim. Nhưng tôi có thể tưởng tượng ra được những chiếc máy bay trinh sát không người lái bay như chim trong 50 năm tới.
Máy bay ném bom B2 của Không quân Mỹ thiết kế mô phỏng theo cấu trúc cơ thể chim ưng.
Bây giờ chúng ta đã có đủ sức mạnh tính toán, chúng ta có thể bắt chước các phương pháp tự nhiên cũng như kết quả nó đạt được. Những thuật toán về gene có thể giúp chúng ta tạo ra những thứ quá phức tạp để có thể tự thiết kế bằng phương pháp truyền thống.

Thiết kế tốt thì là cải tiến dựa trên cái cũ

Rất hiếm khi có ai đó làm đúng được điều gì đó trong lần thử đầu tiên. Các chuyên gia luôn tâm niệm sẽ phải vứt đi những bản nháp đầu tiên. Họ luôn lên kế hoạch cho sự thay đổi.
Phải rất tự tin mới dám chấp nhận bỏ đi làm lại. Bạn phải có khả năng suy nghĩ rằng: còn nhiều thứ mình chưa làm tốt. Ví dụ như khi mọi người bắt đầu vẽ, họ rất ngại ngần làm lại phần họ thấy chưa ổn, họ nghĩ rằng họ cảm thấy may mắn vì đã đạt được nhiều tiến bộ, và nếu họ cố gắng làm lại thứ gì đó họ cảm thấy nó sẽ còn tệ hơn. Và do đó họ tự thuyết phục họ rằng bản vẽ đó không tệ như thế và thậm chí, có lẽ nó trông như vậy sẽ phù hợp hơn.
Để tránh rơi vào những vũng lầy nguy hiểm như vậy bạn phải luôn cảm thấy trong đầu rằng bạn không hài lòng. Trong những bức họa của Leonardo, thường một nét vẽ phải được làm đi làm lại 5 hay 6 lần mới hoàn chỉnh. Phần thân đằng sau đầy nổi bật của chiếc Porsche 911 là phần thiết kế cải tiến của một sản phẩm mẫu xấu xí. Trong kết hoạch thiết kế tòa nhà Guggenheim của Wright, phần bên phải của tòa nhà là theo kiến trúc ziggurat, sau ông đã đảo ngược nó lại để nó trông như ngày nay.
Lỗi lầm là điều hiển nhiên. Thay vì coi đó như là một thảm họa, hãy khiến việc chấp nhận nó là dễ dàng và chấp nhận sửa lỗi đó. Nói một cách nào đó Leonardo đã phát minh ra việc vẽ phác thảo, như là một cách giúp ông khám phá các phong cách vẽ mới mà không sợ sai lầm. Những phần mềm mã nguồn mở có ít lỗi (bug) hơn là vì nó được thiết kế với nguyên tắc chấp nhận lỗi sai.
Các phác thảo của Leonardo
Sẽ dễ dàng nếu có một phương pháp giúp việc thay đổi trở nên dễ dàng. Khi sơn dầu ra đời để thay thế màu keo trong thế kỷ 15, nó giúp các họa sĩ giải quyết các vấn đề khó khăn dễ hơn như là vẽ hình thái của người, bởi vì không như màu keo, sơn dầu có thể trộn được và có thể sơn đè lên.

Thiết kế tốt là có thể sao chép được

Cách con người sao chép nó không đi theo một đường thẳng. Đầu tiên một người học việc cố gắng bắt chước mà không ý thức được điều đó, sau đó anh ta cố gắng tạo ra dấu ấn riêng của mình, và cuối cùng anh cảm thấy việc làm đúng quan trọng hơn là tạo ra dấu ấn riêng.
Bắc chước một cách vô thức là yếu tố chính dẫn đến các thảm họa tồi. Nếu bạn không biết ý tưởng của bạn đến từ đâu, khả năng cao bạn đang bắt chước một kẻ bắt chước khác. Phong cách hội họa của Raphael thống trị khiếu thẩm mỹ của mọi người ở thế kỷ 19 nhiều đến mức hầu như ai tập vẽ cũng bắt chước ông ấy, thường là không nhận thức được điều này. Chính điều này chứ không phải là các tác phẩm của Raphael, đã gây ra sự lo ngại giữa những tiền bối cho nền hội họa thời đó.
Những người đầy tham vọng thì cảm thấy bắt chước thôi là không đủ. Giai đoạn tiếp theo sẽ là cố gắng đẩy mỹ cảm của mình lên mức tạo ra dấu ấn riêng.
Tôi nghĩ những bậc thầy tài ba nhất đã đạt được thứ gọi là mất đi lợi ích cá nhân. Họ chỉ muốn có câu trả lời đúng, và cho dù nếu một phần câu trả lời ấy đã được khám phá ra bởi người khác, không có nghĩa rằng nó không nên được dùng. Họ đủ tự tin để vay mượn từ những người khác mà không sợ rằng sự vay mượn đó sẽ làm họ mất đi tầm nhìn của riêng mình.

Thiết kế tốt thì thường lạ mắt

Một vài công trình tuyệt vời nhất thì thường có một sự khác biệt với những thứ khác, như là công thức của Euler, bức họa Hunters in the Snow của Bruegel, hay máy bay trinh sát SR-71, hay là ngôn ngữ lập trình Lisp. Chúng không chỉ đẹp, chúng còn đẹp một cách lạ kỳ.
Tôi không rõ tại sao. Có thể là do tôi vẫn còn ngu muội. Một cái mở nắp bia hẳn trông như cây đũa thần với một con chó. Có thể nếu tôi đủ thông minh thì tôi sẽ thấy công thức này thật bình thường, như một thứ gì đó rất tự nhiên. Bởi vì nó rất đúng.

Phần lớn những yếu tố tạo nên vẻ đẹp tôi đã nhắc đến có thể rèn giũa được, nhưng tôi không nghĩ ai có thể rèn giũa được sự kỳ lạ. Điều tốt nhất bạn có thể làm là đừng phá vỡ nó đi nếu nó bắt đầu xuất hiện. Einstein không cố gắng khiến Thuyết Tương Đối trở nên kỳ lạ. Ông ta cố gắng đảm bảo nó phản ánh sự thật, và sự thật hóa ra lại rất lạ kỳ.
Ở một trường nghệ thuật nơi tôi từng học, phần lớn các học sinh đều cố gắng tạo ra bản sắc riêng cho mình. Nhưng nếu bạn cố gắng tạo ra được kết quả tốt, bạn rốt cuộc sẽ làm điều đó theo cách của riêng mình, giống như mỗi người có phong cách bước đi của riêng họ. Michelangelo không hề cố gắng tạo ra những bức họa theo phong cách Michelangelo. Ông chỉ cố gắng vẽ thật đẹp, và cuối cùng ông ấy tạo ra phong cách Michelangelo của riêng mình.
Phong cách duy nhất mà bạn nên theo đuổi là thứ phong cách thứ giúp bạn tạo ra những thiết kế đẹp. Và điều này dẫn đến những sự kỳ lạ. Không có đường tắt nào cả. Hải trình Hành Lang Tây Bắc mà những người Mannerists, những người Romantics và hai thế hệ học sinh cấp ba của Mỹ cố gắng tìm kiếm dường như không tồn tại. Cách duy nhất để tìm ra nó là phải trải qua hải trình đó và đến được điểm đến ở đầu bên kia đại dương.

Thiết kế tốt xuất hiện theo nhóm

Những cư dân sống ở Florence vào thế kỷ 15 bao gồm Brunelleschi, Ghiberti, Donatello, Masaccio, Filippo Lippi, Fra Angelico, Verrocchio, Botticelli, Leonardo, và Michelangelo. Bạn còn điểm tên được bao nhiêu danh họa ở thành Milan vào thế kỷ 15 nữa?
Chuyện gì đó đã xảy ra ở Florence vào thế kỷ 15. Và rõ ràng chuyện đó không lặp lại bởi vì nó không xảy ra ở thời kì chúng ta đang sống. Chúng ta chỉ có thể giả định rằng bất cứ tài năng thiên bẩm nào mà Leonardo hay Michelangelo có lúc sinh ra, những người khác sinh ra ở Milan cũng có các tài năng đó. Chuyện gì đã xảy ra với chàng trai Leonardo ở thành Milan?
Số người sống ở Mỹ bây giờ thì đông gấp khoảng hàng nghìn lần số người sống ở Florence vào thế kỷ 15. Như vậy có một ngàn Leonardo và một ngàn Michelangelo đang bước đi chung đường với chúng ta. Nếu tài năng truyền đi bởi DNA, thì có nghĩa là cuộc sống hằng ngày của chúng ta tràn ngập các tuyệt phẩm hội họa. Nhưng không, mọi thứ không hề xảy ra như vậy bởi vì để tạo ra một Leonardo bạn cần một thứ nhiều hơn tài năng thiên bẩm. Bạn cần một Florence năm 1450.
Không có gì mạnh hơn một cộng đồng những con người tài năng cùng làm việc với nhau để giải quyết một vấn đề. Gene di truyền chỉ đóng góp một phần nhỏ trong đó: có gene của Leonardo là không đủ so với việc sinh ra ở ngoài thành Milan chứ không phải trong thành. Hiện nay chúng ta di chuyển tự do, nhưng những tác phẩm đỉnh cao chỉ đến từ một vài nơi nổi tiếng như: Bauhaus, dự án Manhattan, báo The New Yorker, Lockheed's Sunk Works, Xerox Parc.
Ở bất kỳ thời điểm nào cũng luôn có một vấn đề nhức nhối và sẽ luôn có một nhóm người tài ba cố gắng giả quyết vấn đề đó. Và sẽ rất khó để bạn phát triển bản thân nếu bạn sống xa những cộng đồng tài năng này. Bạn có thể tác động lên xu hướng tập trung này một chút nhưng bạn sẽ không hoàn toàn thoát khỏi được những nơi này nếu bạn muốn phát triển năng lực của bạn (hoặc là bạn có thể, nhưng chàng trai Leonardo ở thành Milan sẽ không thể).

Thiết kế tốt thì thường cần sự dũng cảm

Ở mọi thời điểm trong lịch sử, mọi người luôn tin vào một thứ ngớ ngẩn nào đó, và niềm tin của họ mạnh đến mức bạn sẽ gặp mối nguy bị đào thải hoặc ruồng bỏ, thậm chí bị tấn công nếu bạn không tin như họ.
Sẽ là đáng kinh ngạc nếu điều này không lặp lại trong thời kì chúng ta đang sống. Theo như trải nghiệm của tôi, điều này vẫn còn.
Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng lên xã hội nói chung, mà còn ảnh hưởng đến từng lĩnh vực nói riêng. Phần lớn các tác phẩm hội họa thời Phục Hưng đều bị đánh giá là dị giáo vô thần một cách không thể chấp nhận được: theo như ghi chép của Vasari thì Botticelli đã phải hối lỗi và chấp nhận dừng sự nghiệp hội họa, Fra Bartolommeo và Lorenzo di Credi thì bị buộc phải đốt đi một vài tác phẩm của họ. Thuyết tương đối của Einstein đã xúc phạm đến rất nhiều nhà vật lý đương thời và đã không được hoàn toàn chấp nhận, ít nhất là ở Pháp cho đến thập niên 1950.
Những lỗi thí nghiệm hôm nay là những phát kiến cho tương lai. Nếu bạn muốn khám phá ra những thứ tuyệt vời mới, thì thay vì nhắm mắt làm ngơ với những vấn đề mà gây ra xung đột giữa niềm tin và sự thật, bạn hãy chú ý đến các vấn đề đó thật nhiều.
-------------------------------------------
Nhìn một cách thực tế, tôi thấy rằng chúng ta dễ dàng thấy sự xấu xí hơn là tưởng tượng ra cái đẹp. Phần lớn những người đã tạo ra những thiết kế hoàn mỹ là những người cố gắng sửa những thứ trông xấu xí. Những công trình vĩ đại thường được tạo ra khi ai đó quan sát thứ gì đó và nói với bản thân rằng, Mình có thể làm tốt hơn thế. Giotto đã ngắm nhìn những bức tranh truyền thống của Đế chế Byzantine vẽ về Mẹ đồng trinh Mary, những bức tranh được vẽ theo một công thức làm hài lòng mọi người trong nhiều thế kỷ, và đối với ông trông chúng cứng đơ như tượng gỗ và chẳng tự nhiên chút nào. Copernicus thì cảm thấy không hài lòng với một mô hình quá tuyệt hảo như không tưởng và trong khi các đồng nghiệp đương thời cảm thấy hài lòng với nó, ông cảm thấy phải có câu trả lời tốt hơn.
Chỉ không chấp nhận sự xấu xí không thôi thì không đủ. Bạn phải hiểu rõ một lĩnh vực thật sâu trước khi phát triển được mỹ quan của mình để nhìn thấy được đâu là chỗ cần sửa. Bạn phải rèn luyện. Nhưng khi bạn trở nên tài ba trong một lĩnh vực, bạn sẽ nghe thấy tiếng nói nhỏ bên tai: Cái gì vậy trời! Phải có cách nào tốt hơn chứ. Đừng bỏ qua tiếng nói nhỏ ấy. Nuôi dưỡng nó. Công thức tạo ra một tác phẩm vĩ đại: một mỹ cảm tuyệt vời, và khả năng làm hài lòng nó. 


Bài khác của Paul Graham