Thời đại 4.0, xu hướng các thầy cô giáo trải bày những nỗi niềm, suy nghĩ của bản thân mình, về nghề, về học trò, trên không gian mạng xã hội, là điều dễ hiểu, và bình thường, và đáng tôn trọng.
Nó cũng phản ánh được những hoài niệm của họ trong đời sống thực.
Nhưng nhìn chung, quan sát kỹ sẽ nhận ra rằng, ví dụ như khi đưa tin về học trò, hầu như đa số đều sẽ có thói quen đưa, và tự hào theo một hình mẫu chung, đó là những người học trò của mình đã thành đạt, và thậm chí trước khi thành đạt, thì đa số đều là mẫu học trò nghèo, hoặc gặp những hoàn cảnh khó khăn gian khổ nào đó, nhưng đều đã vượt qua.
Nghĩa là mô-típ nghèo vượt khó, gian nan vượt khó, rồi thành công. Và người thầy, người cô tự hào về họ, gián tiếp thể hiện sự tự hào về mình, khi họ là người chứng kiến, gắn chặt, với quá trình trưởng thành đó.
Rất hiếm gặp những trải lòng của các thầy cô giáo, tình yêu của các thầy cô giáo, với những số phận học trò lênh đênh, chưa thành đạt, hay thậm chí sa cơ lỡ bước trên cuộc đời. Điều mà hầu như trong bất cứ ngôi trường nào, lớp học nào, đời giáo viên nào, cũng có đủ, như một quy luật đương nhiên của cuộc sống.
Hàng trăm quan chức vướng vào vòng lao lý với các tội danh tham ô tham nhũng, liệu có thầy cô giáo nào vẫn đủ vị tha và tình yêu để nói rằng họ đã từng là học trò của mình, như cái cách mình đã từng kiêu hãnh khi học trò đó còn tại vị, còn thét ra lửa trong xã hội, thậm chí còn tiền đồ tươi sáng.
Rồi có thầy cô giáo nào đủ trách nhiệm và sự sòng phẳng để thừa nhận và bao dung cho hàng ngàn số phận tù tội với những tội danh khiến xã hội rùng mình, hay chỉ có đám bạn bè học trò phổ thông của chúng mỗi lần gặp nhau thì làm một chén rượu bái vọng bạn cũ gọi là?
Các thầy cô đủ tình yêu và niềm tự hào đối với những số phận học trò thành đạt xuôi chèo mát mái, nhưng các thầy cô liệu có đủ bao dung và vị tha và thậm chí niềm tin đối với những người học trò thất bại cay đắng trong cuộc đời, sống cuộc sống âm thầm và nghèo khó, thậm chí nghèo hèn?
Tấm lòng của thầy giáo như ngôi nhà của cha mẹ vậy, yêu thương là đủ đầy cả những đứa hư đứa ngoan, đứa giỏi đứa dốt, đứa thành đạt đứa thất bại. Con cái vẽ ra cha mẹ, học trò vẽ ra thầy cô, là thế.
Chúng ta thấy có những người thầy, người cô rất đáng kính, học trò của họ cũng đã đến tuổi làm ông làm bà cả rồi. Và cứ mỗi năm, lại thấy niềm tự hào của họ bớt đi một chút, tức là họ sẽ ít kể đi một chút,
Số ít kể đi một chút đó, tức là số hôm qua còn rất say sưa tự hào, nhưng hôm nay đã là những số phận cơm cân áo số, hoặc lang bạt sống đời hèn mọn.
Ngẫm ra, vị tha và bao dung, khó hơn ngàn vạn tri thức sách vở nhiều, bởi nó là thứ mà ngay cả đến những người thầy người cô khéo đôi khi đến nhắm mắt buông tay,
Cũng còn chưa học được.
***
Có những học trò chẳng bao giờ được thầy giáo gọi tên
Bởi đơn giản chúng bây giờ không thành đạt
Và ngày xưa cũng là phường dốt nát
Là nỗi niềm cho những đợt thi đua
Có những học trò hầu như không có ngày xưa
Bởi đơn giản bây giờ chúng sống đời hèn mọn
Chén rượu vặt trước sau cũng trốn vợ con mà uống trộm
Tính làm chi những hội khóa ồn ào
Có những học trò chẳng dám kể mình đã từng học ở lớp nào
Bởi chúng sợ ánh mắt thầy và bè bạn
Bởi hôm kia chúng vừa gặp đại nạn
Báo chí tràn lan hỉ hả những tội đồ
Có những người thầy và có những người cô
Lặng lẽ xếp những bức ảnh ngày xưa vào góc tủ...