Cách xây dựng network trên trường đại học
Hiện nay, việc học đại học đã trở nên phổ biến ở khắp nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê giáo dục đại học năm 2021...
1. Giới thiệu sơ lược và tính hữu ích của bài viết này
Hiện nay, việc học đại học đã trở nên phổ biến ở khắp nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê giáo dục đại học năm 2021 - 2022 của Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo có tổng số 2.145.426 sinh viên đại học đang theo học tại các trường đại học công lập và ngoài công lập. So với 2020 - 2021 là 1.905.956 sinh viên. Cho thấy, số lượng sinh viên có xu hướng đi học đại học đã tăng trưởng 12,55% (239.470 sinh viên). Với xu hướng ngày càng tăng như vậy, việc các sinh viên kết nối với nhau đã trở thành điều cần thiết để giúp đỡ nhau làm các bài tập trên lớp cũng như giúp đỡ nhau cho công việc sau này. Do đó, việc đọc bài viết “Cách xây dựng network trên trường đại học” là vô cùng hữu ích. Mục tiêu của bài viết là đưa ra các khuyến nghị giúp các bạn sinh viên có thể dễ dàng kết bạn trên đại học và giải thích tác dụng của các khuyến nghị đưa ra.
1.1. Mục tiêu bài viết:
Giúp các bạn sinh viên mở rộng được mạng lưới quan hệ để việc học tập trở nên dễ dàng và ổn định hơn.Tạo ra được nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp.Đề xuất các khuyến nghị giúp cho sinh viên dễ dàng kết nối với nhau.
1.2. Đối tượng bài viết hướng đến
1.2.1. Dành cho học sinh sinh viên đã, đang và chuẩn bị đi học.
1.2.2. Dành cho những người hướng nội, hướng ngoại muốn kết bạn
1.2.3. Dành cho những người muốn mở rộng mối quan hệ xung quanh.
1.3. Phạm vi bài viết:
- Dựa trên trải nghiệm của bản thân, sách, ý kiến mọi người xung quanh, các tài liệu nghiên cứu,…
- Dựa trên ngôi trường mà tác giả đang học là trường Đại học Sài Gòn.
2. Khái niệm Networking là gì?
Theo tài liệu "Giới thiệu về networking" từ Tutorialspoint, khái niệm networking được định nghĩa như sau:
"Networking là việc kết nối hai hoặc nhiều thiết bị máy tính lại với nhau nhằm chia sẻ dữ liệu và tài nguyên. Nó cho phép người dùng giao tiếp và trao đổi thông tin với nhau, truy cập các tài nguyên được chia sẻ và sử dụng các ứng dụng mạng."
Như vậy, tác giả có thể hiểu lại khái niệm trên như sau:
“Networking là việc kết nối hai hoặc nhiều người lại với nhau nhằm chia sẻ dữ liệu và tài nguyên. Việc networking cho phép mọi người giao tiếp và trao đổi thông tin với nhau, các tài nguyên được chia sẻ và sử dụng trong công việc lẫn đời sống.”
3. Vậy tại sao chúng ta lại cần Networking?
Bài tập tình huống:
Giả sử có hai nhân vật A và B, cùng được giao một bài tập về nhà là “Hãy soạn một bài thuyết trình nói sơ lược về thời nhà Trần” mà không được sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm tài liệu. Và đây là câu hỏi dành cho bạn, bạn nghĩ cách giải quyết nào tối ưu nhất?
Với nhân vật A: A sẽ phải đọc qua rất nhiều cuốn sách, tài liệu để tìm thông tin phù hợp để bỏ vào bài thuyết trình. A sẽ phải tự tìm kiếm thông tin, tự chỉnh sửa, tự làm tất cả 1 mình.
Với nhân vật B: B sẽ đi hỏi các anh chị khóa trước về những người đã từng học môn đó về cách làm bài để đạt được điểm cao, những tài liệu nào cần thiết, cách chỉnh slide hay thậm chí là có thể kham khảo bài các anh chị để làm mẫu.
Ở đây, cách làm của hai người không có cách làm nào đúng hay sai cả. Trong trường hợp, cả hai có điểm số bằng nhau thì cách làm của B sẽ tối ưu về mặt thời gian hơn. B sẽ có thể hoàn thành bài tập xong trước mà vẫn có thể an tâm đi chơi, đi làm thêm.
Việc chúng ta networking giúp chúng ta tiết kiệm một lượng lớn thời gian. Và trong cuộc sống này, thời gian chính là tài nguyên quý giá nhất mà con người sở hữu. Chúng ta sẽ có thể làm được nhiều việc hơn nhưng vẫn cân bằng được chất và lượng.
4. Các bước xây dựng Networking hiệu quả
4.1. Xác định mục tiêu, lĩnh vực và tiêu chí mà bạn quan tâm
Giả sử mục tiêu của bạn là: “Đạt điểm A môn thuế của cô ABC.”
Bạn không thể hỏi một người học ngành sư phạm về bài tập môn thuế hay là về tiêu chí chấm điểm của cô ABC. Mà bạn sẽ phải hỏi về người học cùng ngành kinh tế, đã từng học môn đó hoặc là môn khác do giáo viên ABC đó dạy. Có như vậy, bạn mới hình dung khái quát được về tình hình sắp tới mình sẽ đối mặt và tìm cách xử lý trước.
Lĩnh vực là yếu tố kế tiếp. Giả sử: “Các em hãy làm tiểu luận về số liệu của ngành thủy sản để phân tích tinh hình của ngành thủy sản.” Ngoài những mối quan hệ của chúng ta trong ngành kinh tế, chúng ta phải tìm những mối quan hệ khác ở ngoài lĩnh vực của bản thân. Nếu chúng ta không hỏi khảo sát những người làm ngành thủy sản hoặc hỏi họ cách tìm số liệu ở đâu thì chúng ta sẽ không thể làm bài tập đã đưa ra ở trên.
Cuối cùng là tiêu chí phải là người hòa hợp với bạn. Các mối quan hệ mà khiến bạn trở nên toxic hoặc khiến bạn đi xuống. Thì trông chả khác gì rước độc vào người.
4.2. Tham gia câu lạc bộ, các hoạt động của trường hoặc là sống ở kí túc xá
Cách nhanh nhất khi mình có được những mối quan hệ cơ bản trên trường đó là tham gia câu lạc bộ và sống ở kí túc xá. Khi mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, mình đăng ký được vào ký túc xá. Mình sống cùng những anh học năm 2 3. Cuộc sống mình cảm thấy dễ thở hơn những bạn cùng trang lứa khác, mình được chỉ cách đăng ký môn học, các giáo viên dễ tính nên học, hoặc là những cách làm bài để qua môn của những giáo viên đó. Các anh học trước nên giữ tài liệu lại cho mình học sau.
Mình có tham gia câu lạc bộ “Nghiên cứu khoa học” của trường. Mình mới biết được là có bạn lớp phó lớp mình cũng ở trong câu lạc bộ, nên mình dễ dàng vượt qua mấy cái yêu cầu tin nhắn trên lớp của cố vấn lớp như là điền khảo sát hay là làm các thủ tục giấy tờ ABC,…
Tham gia các hoạt động của trường, giúp mình kiếm được thêm nhiều mối quan hệ ngoài ngành khác và cũng tăng thêm điểm rèn luyện. Điểm rèn luyện là thứ cực kì quan trọng khi lên đại học. Các hoạt động trên đại học thì bao la hầu như ngày nào cũng được đăng trên Facebook của trường như hội thao, ca hát, tổ chức gian hàng,…
Mình không khuyến khích tham gia team building và tham gia vào ban chấp hành lắm. Team building mình bị ép đi và nói thật là nó rất là mệt cũng không có vui lắm, ban chấp hành thì bạn phải cực kì giỏi và có thể xử lý công việc nhiều thì mới nên cân nhắc tham gia vì công việc rất là nặng và đại học thì không hề dễ chút nào.
4.3. Nếu không hiểu hoặc không biết về một vấn đề nào đó thì HÃY HỎI hoặc CẦN GIÚP ĐỠ
Cách nhanh nhất để kết bạn, đó là nhờ giúp đỡ hoặc giải đáp thắc mắc. Trong tâm lý học, khi chúng ta giúp đỡ người khác thì sẽ kích thích hệ thống khen thưởng ở não làm chúng ta cảm thấy vui và phấn chấn hơn. Đây không phải là một cuộc trao đổi một chiều mà là hai chiều. Người ta cảm thấy vui vì đã giúp được bạn khi bạn nói “Cảm ơn họ” còn bạn giải quyết được vấn đề của mình. Do đó đừng ngần ngại mà hỏi cố vấn lớp về chuyện không đăng ký được môn học hay giảng viên về những chỗ bạn không hiểu.
Ở trường mình, mọi người thường đăng lên group của trường. Trường mình tuyệt nhất ở chỗ không hề toxic, ai cũng thân thiện và sẵn sàng comment giải đáp thắc mắc. Nếu ngại thì bạn có thể đăng tin ẩn danh mà không sợ ai biết bạn là ai.
4.4. Tham gia các trang mạng xã hội mà trường bạn có
Follow các trang mạng xã hội mà trường bạn có để cập nhật tin tức tình hình, bạn sẽ bắt gặp nhiều vấn đề khó hiểu và cần được giúp đỡ lắm đấy.
4.5. Phân loại các mối quan hệ
Hãy sắp xếp cho bản thân một danh sách và phân loại mọi người vào từng nơi mà bạn cho là phù hợp. Vì càng nhiều mối quan hệ bạn sẽ càng khó kiểm soát và khó sử dụng một cách hợp lý. Do đó việc lên danh sách, giúp bạn tìm kiếm được người bạn cần tìm và tránh tốn thời gian của cả hai.
4.6. Duy trì và quản lý các mối quan hệ
Bạn tạo ra các mối quan hệ nhưng lại không duy trì nó thì nó vẫn sẽ chết đi. Bởi vì mỗi người, đều có những mối bận tâm khác nhau và gặp gỡ nhiều người khác nhau. Họ sẽ dần quên lãng bạn và khi bạn nhờ giúp đỡ thì tỉ lệ được giúp đỡ sẽ thấp đi rất nhiều.
5. Lời kết
Lưu ý: Đây là bài viết vừa chủ quan cũng vừa khách quan, hãy đọc nó như một tài liệu để kham khảo. Đừng tin tuyệt đối hoàn toàn vào lời mình nói vì có rất nhiều biến số trong cuộc sống nên có thể áp dụng được trong một số trường hợp, một số thì không.
Lời khuyên: Hãy giữ các mối quan hệ từ cấp 2 và cấp 3 đừng tự động cắt đứt nó vì biết đâu trong tương lai, có những tình huống bạn sẽ cần đến mà bạn không nhận ra.
Cảm ơn các bạn đã đọc đến đây, mong các bạn thấy nó hữu ích và nếu có sai sót gì mong mọi người bỏ qua ạ. Chúc các bạn một ngày tốt lành!
Life style
/life-style
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất