Viết có gì đáng sợ? Chẳng có gì trên đời đáng sợ nếu con người không tưởng tượng ra viễn cảnh khi gặp chúng, kể cả …ma. 
Viết cũng vậy. Người viết – bất kể mới tinh hay lão làng – đều sợ các viễn cảnh hơn là hoạt động viết: sợ không được đón nhận, sợ không sáng tạo, sợ chẳng gây được ấn tượng gì, v.v…Thậm chí, nhiều người thừa nhận rằng: họ sợ nhìn thấy một tờ giấy hoặc trang word trắng tinh mà không biết nên bắt đầu từ đâu. 
Điều này sẽ càng trầm trọng hơn với những người viết chuyên nghiệp và kiếm tiền từ việc này. Vậy cách nào để vượt qua nỗi sợ mà hầu như tất cả người viết đều gặp phải?

1. Hiểu về nỗi sợ

Đối phó với nỗi sợ hãi trong giao dịch - Greencap Investment

Mình quan niệm thế này, muốn vượt qua điều gì đó, bạn phải hiểu về nó
Vì vậy, tụi mình hãy cùng đi từ “nỗi sợ”. 
Sợ hãi là cảm giác gì? Là một thứ cảm xúc mạnh mẽ, bao hàm sự lo lắng và tránh né điều khiến chúng ta sợ. Bạn sẽ khó mà kiểm soát được, dù biết nó khá vô lý. 
Cảm giác này thường ập đến khá nhanh. Và lặp đi lặp lại, thậm chí có thể tăng tiến theo thời gian. Biểu hiện cơ thể có thể là rùng mình hay nổi da gà… 
Tuy vậy, nỗi sợ có thể khắc phục và đánh bại được. Chỉ cần bạn biết cách. 
Mình từng sợ độ cao. Vào thang máy hay đứng trên ban công, mình luôn khó chịu. Sau một thời gian luyện tập, tình trạng này đã được cải thiện rất nhiều. Hiện tại, vào thang máy mình chỉ hơi chóng mặt chút chút và có thể nhìn từ lầu 5 xuống mà không cảm giác nhiều. 

2. Dấu hiệu cho thấy bạn đang sợ viết 

Có nhiều dấu hiệu cho tình trạng này. Liệu bạn có gặp phải các biểu hiện dưới đây: 
Mỗi lần định viết, lại nghĩ không biết nó sẽ ra sao. Lo lắng rất nhiều trước khi đặt bút hay đánh máy. Trống rỗng và không biết bắt đầu từ đâu. Thường xuyên tưởng tượng các viễn cảnh sau khi bài viết đã được xuất bản, đa phần là tiêu cực: không có ai quan tâm, có lời chê, không được hiệu ứng như mong đợi, v.v… 
Những nỗi sợ này chính là khởi đầu của hội chứng writer block. 
Bất kỳ người viết nào cũng sẽ gặp phải các tình trạng trên. Đó là điều khá bình thường. Ngay cả các tác giả, content creator, copywriter lão làng cũng vậy. 
Vì vậy, khi sợ viết, bạn cứ yên tâm rằng mình không một mình. Và điều này gần như là minh chứng của việc bạn coi trọng hoạt động này và muốn cống hiến sức mình cho nó. 

3. Nỗi sợ viết theo từng giai đoạn sự nghiệp 

Có lẽ bạn chưa biết: Nỗi sợ chia ra theo từng giai đoạn tương ứng với con đường viết lách. 

Newbie 

Thường không biết bản thân nên bắt đầu từ đâu, chưa nhiều kinh nghiệm và thường bám vào “cảm hứng” là đặc trưng của nhóm này. Họ cần cảm xúc để viết và cho rằng nên viết theo cảm hứng để các tác phẩm độc đáo và hay hơn. 
Chính vì thế, newbie rất thường xuyên rơi vào tình trạng vì không có cảm hứng thì không viết được, cũng không tự tin bài mình viết lúc bình thường sẽ tốt. Điều này dẫn đến sự e dè trong việc giới thiệu bài viết đến người đọc hay bảo vệ sản phẩm của mình khi bị chê trách. 

Mid-level 

Thường sợ không sáng tạo và từ đó thụt lùi mãi. 
Lúc này đây, họ có nhiều kinh nghiệm hơn so với newbie, có thể viết bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào mà không cần tác động của cảm hứng. 
Tuy nhiên, với lượng kiến thức ngày càng nhiều cùng việc tiến càng sâu vào công việc, họ bắt đầu nhận ra mình dường như chẳng biết gì và có rất nhiều người giỏi hơn ngoài kia. Họ bắt đầu so sánh bài viết của mình với người khác, một cách vô thức. 

Lão làng 

Nhiều người tưởng lão làng rồi thì không sợ gì cả. Nhưng không! 
Con người nếu sở hữu càng nhiều thì càng sợ mất đi. 
Lão làng ở đâu cũng vậy. Họ càng đạt được nhiều thành tựu thì càng sợ việc mất đi những thứ mình đang có. 
Có rất nhiều tác giả – đứng trên đỉnh sự nghiệp, đạt được rất nhiều giải thưởng – có lúc đã writer block cực nặng. Vì họ sợ tác phẩm tiếp theo không thể đáp ứng được người hâm mộ/độc giả của mình. 
Đọc đến đây, có lẽ bạn cũng hiểu được ý của mình muốn đề cập đến. Có lẽ bạn vừa bắt đầu, và luôn hoang mang rằng sao người khác có vẻ tài năng thế, một ngày họ viết được chục nghìn từ, được bao nhiêu post sáng tạo. Bạn nhìn lại bản thân và tự trách, từ sự tự trách móc mình đâm ra tự ti và sợ hãi. Bạn không biết rằng, có thể những người bạn ngưỡng mộ kia, cũng đã hoặc đang trải qua giai đoạn khó khăn. Vậy nên, đừng tự trách quá nhiều!

4. Các bước vượt qua nỗi sợ viết

Viết không gây ra sợ hãi. Hầu hết chúng ta đều đến với viết lách bằng một tình yêu/sở thích. Đầy tích cực! Chỉ là trong quá trình viết, chúng ta dần dần lấp đầy trái tim và khối óc mình bằng viễn cảnh và cảm xúc tiêu cực, bằng óc tưởng tượng phi thường về điều có thể chẳng xảy ra. 
Khi dấn thân vào một lĩnh vực mới mẻ, ai cũng sợ thất bại như một lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, không làm thì ai biết được đích đến. Mình tin rằng bạn đã và đang ôm ấp một lòng dũng cảm vô vàn để bước trên con đường này. Vậy bạn có thể làm những cách sau để vượt qua nỗi sợ vô hình cản bước bạn tạo ra những bài viết/nội dung chất lượng:

Viết đi, bất kỳ điều gì


Bạn không cần cảm hứng như mình nghĩ. Cảm hứng là thứ người sáng tạo cần để tạo nên những tác phẩm để đời (maybe…) nhưng không phải điều kiện đủ. 
Điều kiện đủ của việc có bài viết tốt là đặt bút xuống và viết trước đã. 
Người viết dựa vào cảm xúc khó trở thành chuyên nghiệp. Vì họ luôn lên xuống thất thường. Không những vậy, họ sẽ từ chối các đơn hàng không-gây-nên-hứng-thú. Cơ hội sẽ hẹp hơn, khả năng phát triển cũng vậy. 
Mình cũng từng viết theo cảm hứng. Nào có hứng thì làm. Nào không thì nghỉ. Bạn đoán xem một ngày mình viết được bao nhiêu bài tốt ^^. Sau này, mình xây thói quen mỗi khi mở trang word hay cuốn sổ ra, luôn viết trước đã. Cứ viết đi. Mọi điều bạn nghĩ. Rồi từ từ hứng thú sẽ tuôn ra, như nấm sau mưa. Dần dần, bạn sẽ thấy hành động viết lách không khó khăn chút nào. 
Giống như sáng tạo. Bạn cứ viết tất cả mọi ý tưởng của bản thân. Rồi dùng phương pháp loại trừ (so sánh với thực tế) để chọn. Đừng giới hạn bản thân trong chiếc khung do chính mình tạo, rồi kêu gào không thể nghĩ gì. 

Hiểu rằng ai đó đang cần bài viết của mình

Có một sự thật khiến mình khá ngạc nhiên: nhiều người cho rằng bài viết của mình không hay và chẳng giúp được cho ai cả, viết xong tự đọc tốt hơn.  
Bạn có hỏi ý kiến của …bài mình viết chưa mà tự ý quyết định? Bất kể trải nghiệm, kiến thức hay tâm sự gì đó, đều có ích cho một ai đó ngoài kia. Mình từng nghe nhiều bạn tâm sự, sợ chia sẻ vì sợ không ai đón nhận. Chẳng phải khởi đầu của việc bạn viết chỉ là vì chia sẻ thôi sao. Việc được đón nhận hay không được xây dựng trên nhiều điều: như chủ đề này phổ biến hay không, ý kiến của độc giả, lượng người quan tâm đến chủ đề đó nhiều hay ít, v.v… 
Nếu bạn viết một bài hay ho mà không chia sẻ giống như bạn không cho tác phẩm của mình thực hiện sứ mệnh của nó vậy. 
Dù chỉ một người thấy bài viết của mình có ích, mình vẫn sẽ tiếp tục viết và chia sẻ. Vì mình tin, ngoài kia, có ai đó đang cần bài của mình.

Hôm nay không sáng tạo thì ngày mai

Người ta bảo: việc hôm nay chớ để ngày mai. Nhưng, nếu bạn là người làm sáng tạo hay viết lách, đừng tự trách bản thân vì hôm nay không làm được điều gì hay ho hơn người. Ngày mai tiếp tục nhé! 
Công việc này đòi hỏi bạn phải xây dựng từng chút một nên đừng cảm giác khó chịu hoặc bất lực vì hôm nay bài viết chưa đủ sáng tạo hay ho.  
Cầu toàn cũng tốt nhưng nên có điểm dừng. Nếu bất kỳ ai cũng cầu toàn từng tí một với những nội dung mình sáng tạo, thì có lẽ sẽ chẳng có nhiều tác phẩm ra đời đến vậy. 

Lập kế hoạch, thay vì suy nghĩ

Một trong những lý do lớn khiến người viết sợ viết là họ không biết viết gì. Vậy thì hãy lập kế hoạch cho các bài viết của bạn. 
Note các mục sau: chủ đề (topic), hướng đi (angle), dàn ý (outline), ngày đăng (date). Nếu bài của bạn có hình ảnh thì thêm vào.
Sợ thường xảy đến khi ta thấy hoang mang. Nếu bạn có kế hoạch, thì có theo đó và thực hiện, nỗi sợ sẽ không còn nhiều nữa. Thử xem nhé! 

5. Kết

Nỗi sợ viết không phải là vấn đề riêng của bạn. Nó là tình trạng chung của đa phần người viết trên đời. Tuy nhiên, nếu không thể vượt qua, bạn khó tạo nên bài viết/nội dung hay. Vậy nên hãy học cách tin vào chính mình hơn, từng bước  viết những nội dung thật hay và bỏ qua nỗi sợ đi bạn nhé! 
Chúc bạn mỗi ngày đều thật hài lòng khi đọc bài viết của chính mình. 
Xem các bài viết khác của mình tại đây!
Jeen
=========================
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hoặc phản hồi nào liên quan đến nội dung trên, đừng ngại mà hãy nhắn tin hoặc comment cho mình biết. Mình sẽ giải đáp trong khả năng. Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi đến tận bây giờ.
Note: Bài viết này thuộc bản quyền của Jeen in your mind. Bất kỳ việc chia sẻ nào ở nơi công cộng chưa xin phép là trái phép. Bạn cũng đừng copy paste ở đâu nhé! Cảm ơn bạn.