Người ta nói “viết lách” bởi vì viết là phải lách. Lách khỏi những quy luật. Người viết lách hay hiểu rõ quy luật và làm chủ chúng. Viết hay không bằng hay viết. Muốn viết hay bạn hãy viết nhiều. Người đọc nhiều sẽ đọc giỏi, còn người viết nhiều sẽ viết giỏi. Đọc chỉ là phụ trợ cho việc viết mà thôi. Đừng nghĩ đọc nhiều là viết sẽ hay. Đọc nhiều bạn chỉ đọc giỏi mà thôi.
Khi đã viết đến đoạn không cần nghĩ cũng viết được. Lúc này văn viết bạn chứ không còn là bạn viết văn nữa. Bạn tiến đến đoạn người - văn hợp nhất.
Đỉnh cao nhất của viết lách chính là viết mà như không viết, như có như không. Một bản thiết kế tốt nhất chính là một bản thiết kế hài hoà với thiên nhiên nhất, tái tạo lại thiên nhiên nhất. Tương tự như vậy, một áng văn hay nhất phải tựa như là chân lý, như là điều tất yếu. Như là lẽ ra người ta phải viết như thế. Như là họ phải viết như vậy ngay từ thuở ban đầu. Như là vũ trụ sinh ra cùng với lời văn đấy. Bạn tả núi sông phải như là núi sông. Bạn tả tình yêu phải như là tình yêu. Bạn tả con người phải như là con người. Vậy đấy.
Để viết hay phải có văn phong. Phong là gió. Gió có nhiều loại. Có loại nhẹ nhàng mơn man làn da, xoa dịu chữa lành con người. Có loại có độc. Có loại giật đùng đùng, thét gào giận dữ. Có loại lạnh lẽo mùa đông, có loại tươi mát mùa hè. Mỗi đoạn văn nên có một văn phong cố định. Văn phong tạo nên dấu ấn cá tính của chữ nghĩa. Văn phong thổi hồn vào chữ nghĩa, làm con chữ sinh động và cựa quậy. Văn phong là công cụ khắc hoạ cái tôi tốt nhất của người viết văn.
Càng dùng văn phong bão tố, tâm càng phải tĩnh. Bởi vì trong mắt bão không hề có gió. Một giọng văn thú vị chính là nhịp văn lúc dài lúc ngắn. Uyển chuyển nhịp nhàng, lên thiên đàng xuống địa ngục tuỳ hứng. Tự do tự tại, không có ràng buộc bởi quy luật. Nói dễ hiểu chính là đứng bên ngoài cái hộp. Khi này người viết được thoả thích đắm chìm trong vô vàn con chữ, tâm hồn được tưới tẩm bởi vô vàn ý niệm tươi đẹp.
Cái tôi trong văn học nên tồn tại, hiện hữu. Bởi vì có cái tôi mới có cái chúng ta. Cái tôi là chiếc la bàn khiến cho người viết không bị chênh vênh vô định. Nó khiến chiếc thuyền chữ nghĩa không bị mất phương hướng. Nếu không có cái tôi, viết lách lúc này như một cái xác không hồn. Vô vị. 
Chính vì có cái tôi nên những người viết tốt thường bị coi là kẻ sĩ. Những kẻ vĩ cuồng. Nhưng nghề nào thì nghiệp đấy. Tài nào thì tật đấy. Nhân vô thập toàn. Cái giá của văn chương chính là người viết văn trở thành một kẻ sĩ. Khó mà suy chuyển được con đường của họ, suy chuyển cái tôi của họ.
Người viết văn đến độ “văn nhập” thì tâm cao khí ngạo, coi thường nhân sinh, toàn thể văn chương như hoà vào làm một thể. Mười câu như mười. Câu trước tiếp nối câu sau đều tăm tắp. Các con chữ như là thiên binh vạn mã, nhất hô bá ứng, đồng sức đồng lòng, chỉ một mục tiêu duy nhất. Văn phong lúc này từ vô hình trở nên hữu hình, thiên biến vạn hoá. Có thể biến thành cây đao khổng lồ với sức sát thương cực lớn. Có thể biến thành cái ôm, ôm ấp tất cả chúng sinh vào lòng. Vậy nên, người viết văn phải luôn giữ cái tâm của mình cao hơn cái tôi. Để có thể khống chế được bản ngã bất kham của chính mình.
Tôi cho rằng, bất kì người viết lách kì cựu nào cũng mong một lần lên đỉnh. Lên đỉnh trong chính những câu chữ của mình. Tôi gọi đó là thăng hoa. Sự thăng hoa là khi mình được đắm chìm hoàn toàn vào con chữ mình tạo ra. Mình tự hào với con chữ của mình. Mình có thể đọc đi đọc lại chúng mà không biết chán. Mình có thể in ra cho bố mẹ, em gái, thầy cô, bạn bè đọc mà không ái ngại gì. Đó là một loại tự tin vô bờ bến, một sự thành công trên cả thành công, trong sáng hơn cả trong sáng, thiện lương hơn cả thiện lương.
Người ta dịch “content” có nghĩa là nội dung chứ không phải là ngoại dung. Vậy nên viết lách phải bắt nguồn từ bên trong chứ không phải bên ngoài. Bạn càng hướng nội bạn viết càng hay. Nội tâm bạn càng rộng lớn thì bạn viết càng hay. Một áng văn hay phải có chiều sâu và chiều rộng, phải được rèn đúc từ sâu thẳm con tim. Lý trí ở đây chỉ đóng vai trò là công cụ diễn dịch. Sử dụng thuần tuý lý trí không bao giờ viết lách hay được. Chỉ viết được nghiên cứu khoa học hay mà thôi.
Mà theo tôi thì dù khoa học hay tâm linh đều xuất phát từ việc lý giải quy luật của thiên nhiên, vũ trụ cả. Văn chương không nằm ngoài việc đó. Nói đúng hơn, văn chương muốn thực sự là văn chương phải hiểu rõ quy luật đó để rồi vượt qua nó. Nhất là trong thời đại AI cũng có thể viết văn như ngày nay. Chúng ta càng phải thấm nhuần tư tưởng này.
Viết văn giống như việc yêu. Tình yêu là cho đi mà không cần nhận lại. Viết là ta cho đi con chữ. Không thể đòi hỏi người nhận đón nhận con chữ ấy như thế nào được. Người nhận yêu ta hay ghét ta, đó thuần tuý nằm ngoài khả năng của ta. Cái ta có thể kiểm soát duy nhất ở đây chính là tâm trí của mình. Ta yêu con chữ của ta. Ta yêu việc viết lách của ta. Tình yêu là sự kiên nhẫn. Nên ta phải nắn nót từng chút từng chút để bày tỏ tình yêu của mình trong từng câu chữ. Không ai cẩu thả trong văn học được, điều này giống như không ai cẩu thả với người mình yêu được. Như thế là bất lương. Như thế thì không phải là tình yêu đích thực. Mà như thế thì văn chương hay yêu đương không còn có ý nghĩa nữa rồi.
Để yêu đương thì đầu tiên mình phải dám yêu, để viết lách hay thì đầu tiên phải dám viết. Dám viết chính là bí quyết tối thượng của việc viết hay.
16/02/2024
An