Đây là bài viết dành riêng cho người mới bắt đầu viết.
Hoặc ai đó cho rằng câu từ của bản thân chưa gãy gọn, trọng tâm. 

Tại sao cần chuốt câu từ? 

Khi mới viết, nhiều bạn có quan niệm: Càng phô ra khả năng về câu cú, ngữ pháp và ngôn từ hoa mỹ lại càng thể hiện bản thân viết tốt. Hồi trước, mình cũng vậy. 
Tuy nhiên, càng viết dài càng khó diễn giải, người đọc cũng khó nắm được bài viết muốn nói gì. Trước khi muốn viết hay, nên viết đúng và dễ hiểu trước đã. 
“Văn mình vợ người”: người viết mới tinh dễ cho rằng văn mình hay lắm, do người đọc không hiểu được. Cũng giống như vợ người làm gì có không ngon. Nhưng đa phần chúng ta viết cho người khác đọc. Bạn không thể làm họ hiểu được điều bạn viết nghĩa là bạn không thành công trong việc viết và chưa làm trọn nhiệm vụ của mình. 
Và bạn phải luyện tập để làm tốt hơn. 
Việc luyện tập viết cho logic, dễ hiểu thì chính mình vẫn đang làm từng ngày một, không dám gián đoạn. Từ những ngày còn mới mẻ và mỗi câu phải chen ít nhất một từ ngữ mỹ miều và kêu kêu (như đỉnh cao, bùng nổ, tuyệt mỹ, bừng,..) đến việc tự động xóa bớt các từ/cụm từ không liên quan bất chấp.

Phương pháp chuốt câu chữ mình đã làm trong 2 năm qua 

Dưới đây là các phương pháp giúp mình viết ngày càng dễ hiểu hơn: 


Suy nghĩ kỹ về mục tiêu bài viết và đối tượng người đọc

Mỗi bài viết đều sẽ có một mục tiêu khác nhau. Mỗi mục tiêu lại cần dùng cách viết khác nhau. Người viết không chỉ cắm đầu xuống, rặn từng chữ mà phải nghĩ và quyết định xem mình đang hướng đến ai, đang muốn cung cấp thông tin gì cho người khác. 
[Thực hành] 
Hãy trả lời 2 câu hỏi khá đơn giản dưới đây trước mỗi bài bạn viết: 
Viết cho ai? 
Người đọc có học thức và cách sống như thế nào quyết định rất lớn.
Viết để nói gì? 
Hãy nhớ 3 câu thần chú dưới đây: 
Nói một điều đơn giản bằng cách phức tạp –  Nên bỏ đi. 
Nói điều phức tạp bằng cách phức tạp –  Bình thường. 
Nói điều phức tạp bằng cách đơn giản và dễ hiểu – Bậc thầy. 
Chỉ khi bạn hiểu tường tận một vấn đề, bạn mới có thể viết/nói nó cho người khác dễ hiểu được. 
Vậy nên hãy tự hỏi có biết mình đang viết gì không đã nè.

Đừng quên lên dàn ý trước khi viết

Một trong những sai lầm phổ biến nhiều người mới viết mắc phải chính là bỏ qua bước viết dàn ý. Thiếu bước quan trọng này, bài viết rất dễ rơi vào một trong hai trường hợp:
Thiếu ý cụt ngủn.Thừa ý lan man.
Vậy nên, sau khi xác định rõ mình muốn nói gì và nói với ai, bạn nên xác định câu hỏi “Nói như thế nào?” bằng cách lập dàn ý từ tổng thể đến chi tiết.
Dàn ý dù thể loại nào thì cũng thường đi tìm các mục sau:
Vấn đề là gì?Có bao nhiêu cách tiếp cận và giải quyết?
 [Thực hành] 
Chọn một đề bài nào đó có tính chất đa chiều.  Và lập thật nhiều dàn ý cho nó.
Hạn chế từ phức tạp hay khó cảm
Tâm lý chung của nhiều người (đặc biệt newbie) là ngôn từ phức tạp hoặc hoa mỹ sẽ thu hút hơn. Nhưng sự thật là không phải người đọc nào cũng cảm nhận được từ ngữ như vậy. Nói nôm na thì nếu bạn viết dòng đầu tiên mà đã đánh đố xem họ hiểu không, thì 90% là họ không xem nữa.  
So với các từ ngữ như vậy, bạn có thể chọn từ đồng nghĩa nhưng dễ hiểu và phổ biến hơn. Ví dụ, từ “cách” sẽ dân dã và dể hiểu hơn là “phương pháp/giải pháp”.
Tuy nhiên, có một số trường hợp, yêu cầu của bài viết cần đến từ hoa mỹ, thì bạn vẫn có thể sử dụng. Tóm lại, điều quan trọng nhất quyết định bạn nên viết như thế nào, chính là mục tiêu bài viết và đối tượng đọc.
[Thực hành]
Lập những thẻ từ đồng nghĩa/trái nghĩa. Bạn sẽ vốn từ phong phú hơn. 
Ơn trời, Tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ phức tạp nhất hành tinh. Vậy nên, bạn có nhiều sự lựa chọn hơn. 
Vấn đề của bạn là chọn từ nào? 

Tạo câu đơn, tránh câu ghép 

Mỗi câu chỉ nên nói một ý. Dễ hiểu và rõ ràng. Tập trung khai thác trọn nghĩa ý đó. Mỗi câu cấu thành bài viết đều như vậy. 
Như thế là bạn tạo nên được một bài có tính chất rõ ràng và không đánh đố người đọc. 
[Thực hành]
Kể các câu chuyên/sự việc diễn ra quanh mình bằng cách đặt câu ngắn. Mỗi câu dưới 12 từ.
Yêu cầu: nó phải trọn nghĩa bạn muốn.
Mỗi ngày kể một câu chuyện thôi. Một tháng sau được 30 câu chuyện hehe.

Bớt đi từ liên kết nếu không cần thiết

Từ liên kết là gì? Thì, là, nhưng, tại, mà… 
Đôi khi chúng không cần thiết và có nghĩa như bạn nghĩ. 
Cắt nó đi câu vẫn trọn nghĩa thì mạnh dạn cắt thôi. 
[Thực hành]
Tìm hiểu kỹ mục đích ngữ pháp của các từ liên kết thường gặp.
Bạn sẽ dễ thẩm thấu được khi nào nên có hoặc không.
Dũng cảm cắt đi cho quen
Cắt bớt thứ mình viết chưa bao giờ dễ dàng. Ngay cả bài này, khi đăng lên cũng chỉ còn tầm 70% ban đầu.
Khó chịu lắm, tiếc chứ! Nhưng mà phải luyện dần thì mới tiến bộ được. Vì bạn chẳng bao giờ viết hay liền, ngay và luôn. Nên chúng ta cần rèn giũa, để bài viết hoặc câu từ sắc bén hơn.
Cứ dũng cảm mà cắt, bạn sẽ ngày càng viết đúng và hay lúc nào cũng không nhận ra.
[Thực hành]
Lấy một bài viết mới đây, đọc lại và cắt hết từ ngữ dư thừa.
Thế nào là dư thừa? Là đọc lên không có nó mà câu vẫn trọn nghĩa.
Kết luận:  
Viết là một hành trình dài. Luyện tập mỗi ngày là cần thiết, để tạo nên các bài viết đắt giá hơn. 
Chúc bạn mau chóng tăng tiến khả năng viết lách bằng việc chăm chỉ rèn giũa ngón nghề của mình.
Jeen