Hầu hết mọi người đều quen biết ai đó bị ung thư: có thể là một thành viên trong gia đình, một người bạn hoặc một đồng nghiệp. Bất chấp có nhiều tiến bộ vượt bậc trong việc phát hiện và chữa trị, bệnh ung thư vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, với khoảng gần 10 triệu ca tử vong vào năm 2020. Ở nước ta, hầu hết bệnh nhân khi phát hiện ung thư thường ở giai đoạn muộn và thời gian sống khá ngắn ngủi. Người bệnh nhận được chẩn đoán ung thư giống như nhận một án tử lơ lửng trên đầu, cuộc sống hóa thành một màu đen tuyệt vọng. Bản thân mình là một nhân viên y tế, không ít lần chứng kiến những ngày cuối cùng của bệnh nhân ung thư, thấy được sự giày vò đau đớn, sự tàn phá ghê gớm của căn bệnh. Từ một người đàn ông mập mạp, hoạt bát và yêu đời chỉ sau 1 tháng gặp lại, mình đã không còn nhận ra đây là người mình từng quen biết, giờ chỉ còn lại da bọc xương. Điều mình nhìn thấy ở nhiều bệnh nhân ung thư là sự suy sụp về tinh thần còn giết chết con người ta nhanh hơn bệnh tật, khi mất đi niềm hy vọng sống thì thực sự bạn chỉ còn là tồn tại lay lắt qua ngày. Khi những cơn đau lắng xuống nhờ liều thuốc giảm đau mạnh, họ thường tỉnh táo nhớ về những ngày xưa với thật nhiều luyến tiếc, giá như tôi không hút nhiều thuốc lá như thế, không chìm đắm trong những cơn say bí tỉ, giá như tôi đã đi khám bệnh sớm hơn, tiếc là tôi đã không dành nhiều thời gian ở bên gia đình. Nhưng cuộc đời này không có 2 chữ “giá như”. Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh, liệu bây giờ có cách nào phòng ngừa bệnh ung thư không? Tôi có thể làm gì để tránh mắc ung thư? Cùng mình tìm hiểu nhé!

Vài nét về bệnh ung thư

Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế thuộc Tổ chức Y tế Thế Giới (GLOBOCAN) năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 9 bậc xếp thứ 90/185 quốc gia và tỉ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc xếp 50/185 sau 2 năm. Các loại ung thư phổ biến cho cả hai giới là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng. Như vậy, có thể thấy là tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh.
Ung thư hay khối u ác tính là một thuật ngữ chung cho một nhóm lớn các bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Thông thường, các tế bào của bạn phát triển và phân chia để hình thành các tế bào mới theo nhu cầu cơ thể. Khi một tế bào già hoặc bị hư hỏng sẽ chết và được thay thế bởi một tế bào mới. Nhưng khi bị ung thư, trật tự này bị phá vỡ. Tế bào ung thư phân chia nhanh chóng không ngừng, vượt ra ngoài ranh giới thông thường, sau đó xâm lấn sang các bộ phận bên cạnh và di căn đến các cơ quan khác của cơ thể. Di căn trên diện rộng là nguyên nhân chính gây tử vong do ung thư.

Nguyên nhân gây ung thư

Ung thư phát sinh từ sự biến đổi của các tế bào bình thường thành các tế bào ác tính qua một quá trình nhiều giai đoạn, thường tiến triển từ một tổn thương tiền ung thư thành một khối u ác tính. Những thay đổi này là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố di truyền và các tác nhân từ môi trường bên ngoài bao gồm chất gây ung thư vật lý như tia cực tím trong ánh sáng mặt trời và tia bức xạ; chất gây ung thư hóa học như khói thuốc lá, bia rượu…; chất gây ung thư sinh học như vi rút viêm gan B, vi rút HPV...
Cơ thể của bạn có cách để sửa chữa những tổn thương nhưng không phải lúc nào cũng hoạt động hoàn hảo. Khi bạn già đi, cơ thể bạn trải qua thời gian dài tích lũy các tổn thương cũng như quá trình lão hóa làm các cơ chế sửa chữa kém hiệu quả hơn, điều này làm cho ung thư dễ xuất hiện hơn khi lớn tuổi.
Điều may mắn là hầu hết các bệnh ung thư không phát triển chỉ sau một lần phơi nhiễm vì tổn thương gen (đột biến) hình thành từ từ theo thời gian nên có nhiều cơ hội để ngăn ngừa. Không hút thuốc, duy trì cân nặng hợp lý, hoạt động thể chất đầy đủ, hạn chế sử dụng rượu và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng có tác dụng hỗ trợ phòng ngừa ung thư. Đây là những điều giúp chúng ta sống một cuộc sống khỏe mạnh và dài lâu.

Tránh xa khói thuốc lá

Hút thuốc lá có thể gây ung thư ở hầu hết các cơ quan trong cơ thể bạn. Thuốc lá có mối liên quan mạnh mẽ nhất với ung thư phổi, gây ra gần 9 trong số 10 trường hợp ung thư phổi và người trưởng thành hút thuốc mất trung bình khoảng 13 năm tuổi thọ. Ngoài ra, thuốc lá còn gây ung thư máu, miệng và vòm họng, thanh quản, thực quản, dạ dày, gan, đại trực tràng, cổ tử cung, thận và bàng quang.
Khói thuốc lá có ít nhất 70 chất hóa học có thể gây ung thư. Mỗi khi bạn hít phải khói thuốc, các chất gây ung thư sẽ đi vào máu của bạn, mang đến tất cả các bộ phận của cơ thể bạn, gây tổn thương gen, tạo ra những tế bào ung thư, ngoài ra còn gây ra các bệnh phổi mạn tính và tim mạch.
Tránh xa khói thuốc lá là cách tốt nhất bạn có thể làm để giảm nguy cơ ung thư. Việc bỏ thuốc lá mang lại những lợi ích sức khỏe to lớn bất kể bạn hút thuốc lá bao lâu và bao nhiêu tuổi.

Duy trì cân nặng hợp lý và hoạt động thể chất thường xuyên

Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng thừa cân hoặc béo phì có liên quan đến nguy cơ cao mắc 13 loại ung thư. Điều này không có nghĩa là ai đó béo phì chắc chắn sẽ bị ung thư nhưng họ có nhiều khả năng bị ung thư hơn so với khi họ duy trì cân nặng hợp lý. Bạn có thể đạt được điều này bằng cách tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên.
Chỉ số khối cơ thể (BMI) được sử dụng như một công cụ sàng lọc tình trạng thừa cân và béo phì. BMI tính dựa vào cân nặng và chiều cao, áp dụng cho cả nam và nữ trưởng thành, không áp dụng cho phụ nữ có thai, người già, vận động viên tập luyện thể thao. Theo thang phân loại của Hiệp hội đái đường các nước châu Á (IDI & WPRO) áp dụng cho người châu Á, một người có chỉ số BMI từ 23 đến 25 được coi là thừa cân và từ 25 trở lên là béo phì.
Thừa cân và béo phì có thể gây ra những thay đổi trong cơ thể dẫn đến ung thư như tình trạng viêm kéo dài, mức insulin, yếu tố tăng trưởng giống insulin và hormone sinh dục cao hơn bình thường. Nguy cơ ung thư càng tăng khi một người tăng cân càng nhiều và thừa cân càng lâu.
Hoạt động thể chất có thể là làm việc, tập thể dục, làm việc nhà và các hoạt động thể thao như đi bộ, chạy bộ, yoga, đi bộ đường dài, đi xe đạp và bơi lội... Ngoài việc giúp bạn kiểm soát cân nặng, hoạt động thể chất có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư đại tràng.
Để có những lợi ích đáng kể cho sức khỏe, hãy cố gắng dành ít nhất 150 phút mỗi tuần cho hoạt động thể chất vừa phải hoặc 75 phút mỗi tuần cho những hoạt động thể chất mạnh. Mục tiêu chung là duy trì ít nhất 30 phút hoạt động thể chất hàng ngày.

Hạn chế sử dụng bia rượu

Tất cả đồ uống có cồn, bao gồm rượu vang đỏ và trắng, bia và rượu, đều có liên quan đến ung thư, uống càng nhiều, nguy cơ ung thư càng cao. Uống rượu làm tăng nguy cơ mắc sáu loại ung thư gồm miệng và họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và vú.
Khi bạn uống rượu, cơ thể sẽ phân hủy nó thành một chất gọi là acetaldehyde. Chất này làm tổn thương gen và ngăn cơ thể bạn sửa chữa những tổn thương, từ đó hình thành ung thư.
Theo Bộ Y tế, rượu bia không có ngưỡng nào là an toàn nên hãy hạn chế uống. Nếu có uống: không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất - tương đương với 3/4 chai/lon bia 330ml (độ cồn 5%).

Chế độ ăn uống lành mạnh

Mối liên quan giữa chế độ ăn uống và bệnh tật thể hiện qua câu nói: "Bạn là những gì bạn ăn vào". Những gì chúng ta ăn sẽ bị phân hủy và được các tế bào sử dụng tạo ra năng lượng để duy trì hoạt động của cơ thể. Bạn có thể giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe bằng cách ăn uống lành mạnh và cân bằng. Chế độ ăn của bạn nên ưu tiên nhiều loại trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu. Đối với chất đạm, hãy ăn một lượng vừa phải cá, thịt gia cầm, thịt nạc và các sản phẩm từ sữa ít béo. Đối với chất béo, nên ăn chất béo “tốt” được tìm thấy trong dầu hạt cải, ô liu, bơ, đậu phộng hay trong cá hồi, cá trích và cá thu, tránh chất béo “xấu” trong đồ ăn nhanh, đồ chiên và bánh nướng. Bạn cũng nên hạn chế thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn và thịt đã qua chế biến như giăm bông, xúc xích, thịt xông khói, hạn chế đồ uống có đường vì gây béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư.

Một số mẹo phòng ngừa khác

Có những hành động đơn giản khác mà bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Để giảm nguy cơ ung thư da, hãy dùng kem chống nắng và mặc quần áo kín khi ở ngoài trời, hạn chế thời gian tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Một số loại vắc xin có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư ví dụ tiêm vắc xin viêm gan B giúp phòng ung thư gan, vắc xin HPV (vi rút u nhú ở người) phòng ung thư cổ tử cung.
Khám sức khỏe thường xuyên có thể tầm soát các loại ung thư, nhờ đó có thể làm tăng khả năng phát hiện ung thư sớm cũng như tăng cơ hội điều trị thành công.

Dấu hiệu của bệnh ung thư

Đây là những triệu chứng tiềm ẩn ung thư, nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, hãy nhanh chóng đi kiểm tra sức khỏe:
- Thay đổi thói quen đại tiện hoặc tiểu tiện - Vết loét không lành - Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường - Có khối u cục hoặc dày lên ở vú hay ở bất cứ vị trí nào - Khó tiêu hoặc nuốt khó - Thay đổi rõ ràng ở nốt ruồi hoặc mụn cóc - Ho dai dẳng hoặc khàn giọng
Danh sách này là một hướng dẫn sơ bộ của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ. Phần lớn các triệu chứng này có thể do các rối loạn không ác tính và ung thư có thể tạo ra các triệu chứng không có trong danh sách này, chẳng hạn như sụt cân không rõ lý do hoặc mệt mỏi. Nhưng đây là một lời nhắc nhở hữu ích để cảnh báo bạn lắng nghe cơ thể của mình và đi khám bệnh sớm hơn.

Lời kết

Cho dù bạn có thực hiện tất cả những lời khuyên trên cũng không thể đảm bảo chắc chắn rằng bạn sẽ không bị ung thư nhưng giảm được nguy cơ mắc căn bệnh quái ác này đã là một điều rất tuyệt vời hoặc ít ra bạn đã có một cuộc sống chất lượng và khỏe mạnh hơn. Cuộc sống hiện đại này có quá nhiều tiện nghi và cám dỗ, thực hành những thói quen tốt hằng ngày là một điều không hề dễ nhưng đừng quá lo lắng, không ai là hoàn hảo cả, chỉ cần cố gắng hơn một chút, thay đổi một chút để tốt hơn mỗi ngày. Sau tất cả, khi nhìn lại hành trình nỗ lực ấy, bạn sẽ thấy hoàn toàn xứng đáng vì khi có sức khỏe chúng ta có cả ngàn ước muốn nhưng không có sức khỏe chúng ta chỉ mơ ước một điều duy nhất là khỏe mạnh.
Nguồn tham khảo:
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/cancer#:~:text=Cancer%20is%20a%20leading%20cause,and%20rectum%20and%20prostate%20cancer.
https://newsinhealth.nih.gov/2021/02/lowering-your-cancer-risk
https://familydoctor.org/cancer-diet-choices-to-prevent-cancer/?adfree=true
https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/in-depth/cancer-prevention/art-20044816
https://www.cdc.gov/cancer/dcpc/prevention/other.htm
https://www.health.harvard.edu/newsletter_article/the-10-commandments-of-cancer-prevention
https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/cancer/preventing-cancer/
https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/tinh-hinh-ung-thu-tai-viet-nam