Cách "nâng trình"
Trong công việc, chúng ta có cách phân cấp như Fresher, Junior, Senior. Trong tính cách chúng ta có MBTI, Big Five, hướng nội &...
Trong công việc, chúng ta có cách phân cấp như Fresher, Junior, Senior. Trong tính cách chúng ta có MBTI, Big Five, hướng nội & hướng ngoại… Thế có bao giờ bạn tự hỏi vậy chúng ta phân cấp các tầng ý thức của con người như thế nào không? Tại sao cùng 1 vấn đề nhưng mọi người lại có những suy nghĩ khác nhau? Cùng là một công việc. Tại sao có những người xem đó là việc cơm áo gạo tiền, có người xem đó như việc phục vụ cộng đồng, bảo vệ môi trường, có người cho rằng mình đang mang sứ mệnh giải cứu thế giới.
Vì vậy, nếu bạn đang cảm thấy bị mắc kẹt ở đâu đó trong cuộc sống của mình, hoặc tò mò về những xung đột trong gia đình, giáo dục, kinh tế và xã hội, hay chỉ đơn giản muốn hiểu thêm về bản thân, thì bạn có thể tham khảo mô hình xoắn động.
Vậy thì mô hình xoắn động là gì?
Lý thuyết về mô hình xoắn động được phát triển vào năm 1960 bởi nhà tâm lý người Mỹ là Clare W.Graves. Lý thuyết này chia sự tiến hoá của ý thức con người thông qua 8 bậc khác nhau, đi từ thấp lên cao bao gồm: màu be, tím, đỏ, xanh trời, cam, xanh lá, vàng và xanh ngọc. Tương ứng với mỗi màu là những đặc điểm nhất định, và dựa vào đó, chúng ta biết chúng ta đang ở đâu và bước tiếp theo cần làm để chuyển bậc.
Màu be: Là màu của sự sinh tồn, nơi chúng ta chỉ quan tâm đến sự sống còn, cơm ăn áo mặc và thường sống riêng rẽ, cho đến khi ta thấy rằng sức mạnh có được khi ta gắn kết với nhau, thành một cộng đồng,một gia đình.
Màu tím: Là màu của sự gắn kết, gia đình, tính cộng đồng. Nhưng đến một lúc nào đó, chúng ta cảm thấy “cái tổ” này thật chật chội, thật áp bức và ngộp ngạt. Chúng ta tìm đến sự tự do, khám phá và trải nghiệm.
Màu đỏ: Là màu mà ở đó cái tôi cá nhân được khẳng định, hung hăng và liều lĩnh. Cho đến khi sự táo bạo vô tổ chức đó để lại những hậu quả, như việc quan hệ thiếu an toàn dẫn đến mang bầu, đua xe dẫn đến gây tai nạn, ăn chơi vô độ dẫn đến hiệu quả công việc kém đi,.. thì chúng ta bắt đầu cẩn thận hơn với những thứ mình làm.
Màu xanh da trời: Là màu mà ở đó chúng ta trở nên có trách nhiệm hơn, kỷ luật hơn, nghiêm túc hơn với những gì mình làm. Chúng ta tuân thủ các luật lệ, chúng ta muốn nội tâm bình an, chúng ta tư duy dài hạn. Nhưng rồi được một thời gian, chúng ta bắt đầu lại cảm thấy các quy tắc quá cứng nhắc, đặc biệt là trong các tổ chức, và sự tự do trong ta lại trỗi dậy, ta thích làm mọi thứ theo cách riêng của mình.
Màu cam: Là màu của sự tham vọng, chúng ta không còn quá cứng nhắc như trước mà linh hoạt để theo đuổi mục tiêu. Chúng ta theo đuổi những thành tựu to lớn, và thường thấy màu Cam nhiều ở doanh nhân. Họ là người có kế hoạch, nhạy bén, linh động trên hành trình. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, ta bỗng dưng thấy mệt mỏi, ta vô tình vì tham vọng lớn về tiền bạc, quyền lực mà đã bỏ quên đi những mặt trái nó gây ra về sức khoẻ, sức khoẻ tinh thần và thể chất của ta và đồng đội, xa hơn là ta còn gây ra những hậu quả về môi trường.
Màu xanh lá: Tiền và quyền lực lúc này không còn quá nhiều ý nghĩa. Chúng ta quan tâm hơn đến nhân loại và môi trường. Chúng ta tổn thương quá nhiều và cần chữa lành. Chúng ta hướng nhiều đến sự chia sẻ và phát triển lẫn nhau.
Màu vàng: Khi cảm thấy việc phải chăm sóc cho nhiều cá thể là quá sức, vì một mình ta là chưa đủ. Ta giờ đây muốn thay đổi cả hệ thống, ta hiểu rằng khi ta win-win thì có bên thứ 3 lose, ta muốn hướng tới giải pháp win-win-win. Và vì vượt qua các bậc trước nên ta lĩnh hội đủ các kỹ năng cần có, nếu cho ta quản lý một tổ chức thì ta cũng đủ linh hoạt phối hợp những con người khác nhau ở các màu khác nhau để hướng tới những giải pháp cực kỳ vĩ mô và mang tính đổi mới.
Màu xanh ngọc: Bậc này quá cao và ít tài liệu về nó, xin được chia sẻ với bạn đọc một dịp khác.
Chính mô hình xoắn động lý giải được rất nhiều sự kiện mà bạn thấy trong cuộc sống:
Ví dụ như sự xung đột của những bạn trẻ luôn tìm cách bước ra khỏi nhà vì sự ngộp ngạt của gia đình mà tìm sự tự do. Vì đơn giản, cha mẹ của bạn đang ở bậc màu Tím, đề cao tính gia đình, gắn kết, cộng đồng, còn bạn thì đang ở bậc màu Đỏ, khao khát sự thể hiện bản thân, tự do và trải nghiệm.
Hoặc chúng ta luôn thấy sự đấu tranh của một nhóm người làm kinh doanh nhưng không quan tâm đến môi trường, và một phe thì luôn biểu tình đấu tranh để bảo vệ từng mét rừng. Vì phe làm kinh doanh thì đang ở bậc màu Cam, họ khao khát thành tựu, có tham vọng, muốn thành công bất chấp tất cả, nhưng phe còn lại đang ở bậc màu Xanh lá, họ tin rằng vật chất không đem lại hạnh phúc, họ đề cao tính nhân văn và sự kết nối giữa con người và thiên nhiên.
Nhưng nếu nói như vậy, thì chẳng lẽ bạn không nên làm kinh doanh?
Không phải, chúng ta hãy đặt câu hỏi khác đi. Câu hỏi đúng phải là: Làm sao để tôi làm kinh doanh nhưng tôi không phá hoại môi trường? Hoặc là Làm sao để tôi cũng đi tìm sự tự do, trải nghiệm nhưng không mất kết nối với gia đình?
Vậy thì mỗi màu đều có điểm tốt và xấu, mà tác giả gọi chúng là sự lành mạnh. Ví dụ như màu Cam lành mạnh, màu Đỏ lành mạnh. Khi ta chuyển bậc, ta phải vững các bậc ở dưới. Chuyển lên bậc cao hơn sẽ giải quyết được vấn đề mà bậc ở dưới đang còn tồn đọng. Tức là khi ta ở màu Cam, không có nghĩa là ta phải đi phá hoại môi trường mới có thể làm kinh doanh, có nhiều cách để kinh doanh ra lợi nhuận cơ mà.
Ví dụ như khi ta loay hoay mãi trong một gia đình đang có vấn đề, thường ta sẽ phải thoát ra để đi tìm lời giải, thì lúc này, màu Đỏ xuất hiện. Hoặc khi ta Đỏ quá, trải nghiệm nhiều quá nhưng đi sai hướng, dẫn đến những hậu quả tai hại thì ta cần chuyển lên bậc Xanh dương để kỷ luật hơn, trách nhiệm hơn với việc ta đang làm. Hoặc khi ta làm kinh doanh mà tàn phá môi trường nhiều quá, đến một lúc nào đó, việc kiếm nhiều tiền không còn quá nhiều ý nghĩa nữa, ta bỗng cảm thấy mình để lại quá nhiều hậy quả, thì lúc này, việc chuyển qua bậc Xanh lá là cần thiết.
Có một điều cần lưu ý là chúng ta không nên tuyệt đối hoá một màu nào đó là duy nhất, tức là ở những điều kiện khác nhau, môi trường khác nhau và giai đoạn khác nhau của cuộc đời, chúng ta cũng sẽ kích hoạt các màu cho phù hợp.
Ở vế thứ nhất, có thể ở mỗi giai đoạn khác nhau mà chúng ta cần kích hoạt một màu khác nhau. Ví dụ như việc có những người phải trải đời sớm để chăm lo cho gia đình thì màu Xanh dương sẽ cần phải kích hoạt để tăng tính trách nhiệm, kỷ luật. Hay khi bạn đang ở màu Cam quá máu lửa đi kiếm tiền mà bỏ rơi gia đình thì bạn cần phải quay về kích hoạt và củng cố màu Tím của mình. Vì như đã nói ở trên, để thăng bậc, các màu ở dưới phải vững, nếu không vững thì một lúc nào đó bạn cũng sẽ phải quay về củng cố lại mà thôi. Giống kiểu trẻ không chơi, già đổ đốn là vì vậy, khi bạn quá thành công mà bỏ rơi những trải nghiệm thời tuổi trẻ( thừa Cam mà thiếu Đỏ). Hiện tại bây giờ màu Be có lẽ là chưa phải là vấn đề quá lớn cho chúng ta nữa, mà màu Tím sẽ là màu mà đa phần chúng ta cần củng cố vì nó là màu thấp nhất và là nền tảng cho các bậc tiếp theo. Tức là gia đình sẽ là cái nôi về tinh thần của bạn.
Ở vế thứ hai, chúng ta cũng cần phải có đủ điều kiện và môi trường để kích hoạt màu đó. Ví dụ như những bạn sinh viên với những ước mơ cao đẹp bảo vệ môi trường nhưng nếu các bạn chưa đủ điều kiện tài chính, chưa đủ khả năng và trách nhiệm, những đức tính có được ở các màu trước, thì sẽ rất khó để các bạn thực hiện được những dự án tầm cỡ theo như ước mơ của mình. Hoặc khi các bạn đi du học từ Châu Âu về, các bạn Xanh lá quá đi, yêu thiên nhiên, yên nhân loại, nhưng về tới làng xã thì xung quanh các bạn toàn những người hung hăng màu Đỏ, thì hoặc là bạn phải tự hạ bậc để dung hoà môi trường, hoặc bạn phải chọn sống ở nơi khác.
Vì chúng ta mang những tâm hồn khác nhau, nên sự phân bổ màu cũng khác nhau, chúng ta có đủ 8 bậc màu ấy, nhưng màu nào ít, màu nào nhiều, màu nào được kích hoạt ở thời điểm hiện tại, màu nào còn thiếu để ta đi xa hơn, thì tự mỗi người phải tự nhận thức và đưa ra quyết định cho mình. Nếu màu hiện tại của bạn phù hợp với môi trường hiện tại, bạn cảm thấy vui thì không sao cả, thậm chí bạn cũng không cần phải chuyển bậc, nhưng nếu bạn đang sống và cảm thấy có quá nhiều thứ lấn cấn, thì bạn có thể cân nhắc, vì lúc này đây, bạn cần chuyển bậc để hướng tới cuộc sống toàn vẹn hơn.
Nói về Mô hình xoắn động thì nó còn nhiều hơn thế, đặc biệt là ở những màu cao cấp như Vàng và Xanh ngọc, tuy nhiên, trong khuôn khổ một bài viết ngắn ngủi này mình chỉ có thể gói gọi vài điểm mà mình thấy tâm đắc và hy vọng cung cấp cho các bạn thêm một giải pháp để áp dụng vào cuộc sống, giúp cuộc sống thú vị hơn.
Tham khảo sách Mô hình xoắn động - Tác giả Vũ Phi Yên.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất