Cách mà mình trở thành một “ai đó”
He he, chào các bạn, đây là bài chia sẻ về hành trình thay đổi bản thân của mình. Đây là những trải nghiệm và suy nghĩ mà mình đã tích...
He he, chào các bạn, đây là bài chia sẻ về hành trình thay đổi bản thân của mình. Đây là những trải nghiệm và suy nghĩ mà mình đã tích lũy qua nhiều năm, với hy vọng những điều này có thể giúp ích cho ai đó đang gặp khó khăn và có style giống mình. Những điều này có lẽ đã được ai đó đã từng nói với bạn rồi, nhưng đã bị quên lãng. Hoặc có thể chưa từng có ai nói với bạn những điều này.
Cũng giống như tất cả mọi người, khi mình nhìn thấy một “ai đó” với một đặc điểm nổi bật hay ho, kiểu như một chuyên gia với kiến thức chuyên sâu, một con người dí dỏm trong những hoàn cảnh khó khăn, một con người bình tĩnh trong những hoàn cảnh khó nhằn nhất, mình đều muốn trở thành một “ai đó” khác với các đặc tính hay ho như vậy như vậy. Hoặc đơn giản hơn là thành người cười nhiều hơn thay cho một khuôn mặt đăm chiêu, cau có hay cảm thấy tự tin, thoải mái hơn khi phải đứng ra làm diễn giả trong một số sự kiện hay chỉ đơn giản tham gia phát biểu ý kiến trong một số hoàn cảnh cụ thể.
Mình cũng đã thử đặt ra những mục tiêu để thực hiện sự thay đổi, nhưng thường thì sau một thời gian ngắn hoặc rất ngắn làm mình có những biểu hiện bên ngoài của “ai đó” với mức tinh thần và động lực tinh thần rất cao, mình lại nhanh chóng trở lại là con người cũ của với một mức độ thất vọng và chán nản về con người mình và duy trì trạng thái đó trong một thời gian dài sau đó cho tới khi có một lần nào đó lại đủ động lực để làm tiếp. Hoặc thậm chí có nhiều thứ, chỉ đơn giản là mình không thực hiện gì cả mà chỉ ngồi đó và ước ao một ngày nào đó, khi mà mình nghĩ đủ về nó, quyết tâm đầy đủ thì mình sẽ có thể bỗng dưng có được sự thay đổi lớn chỉ sau một đêm.
Uh và thế đó cái vòng lặp đó cứ diễn ra liên tục cho tới một ngày mình đọc được cuốn sách “thói quen nguyên tử”. Cũng như những điều trải nghiệm khi cố gắng thực hiện những điều được nêu trong cuốn sách đó mình nhận thấy được một số điều hay ho như dưới đây.
Bạn là những gì bạn làm
Cách để trở thành một ai đó đơn giản là việc có được những thói quen nhỏ bé của họ. Học được các hành xử phổ biến và đặc trưng của họ. Và các thói quen này là kênh truyền dẫn để các bạn có được tính cách (hay danh tính) của ai đó. Bạn có hai lựa chọn hoặc chọn cho mình danh tính là thứ định hướng các hành xử của bạn trong cuộc sống hàng ngày.
Kiểu như, nếu bạn tin rằng chăm chỉ là chìa khóa dẫn đến thành công, bạn sẽ làm việc chăm chỉ hơn và dành nhiều thời gian cho công việc. Niềm tin này sẽ giúp bạn kiên trì hơn so với những người không có cùng suy nghĩ. Ngược lại, nếu bạn tin rằng mình không giỏi làm việc với con số, bạn sẽ dễ dàng bỏ cuộc khi đối mặt với các nhiệm vụ liên quan đến số liệu. Suy nghĩ này sẽ trở thành rào cản ngăn bạn phát triển trong lĩnh vực đó.
Nhưng đồng thời có một việc mà thường mọi người thường bị bỏ qua, đó là những hành động mà bạn thực hiện cũng có ảnh hưởng ngược tới danh tính hay tính cách của bạn. Nếu bạn thường xuyên lựa chọn tiếp tục khi đối diện với khó khăn thay vì bỏ cuộc, không chỉ mọi người xung quanh sẽ nhìn nhận bạn như một người kiên trì, mà bạn cũng sẽ có bằng chứng rõ ràng về sự kiên trì của chính mình. Dù bạn có thể chưa nhận ra điều này ngay lập tức hoặc vẫn cảm thấy mình chưa đủ kiên trì, thì khi nhìn lại quá trình phát triển của bản thân, những sự kiện này sẽ trở thành nền tảng để bạn nhận thấy biến chuyển tích cực trong danh tính của mình.
Mình có làm diễn giả cho một số chương trình hội thảo hay monthly dialogue của công ty mình, nơi mà nếu ai sử dụng sự kiện đó để đánh giá mình hẳn mọi người sẽ cho rằng mình là người rất tự tin và luôn làm chủ được tình huống. Nhưng thực tế thì không phải vậy, có lẽ ở bề mặt của sự việc, có lẽ trước hay sau điểm mình có được sự tự tin cũng chẳng ai nhận ra cả. Chỉ có mình biết là thời gian dài ban đầu mình đã lo lắng nhiều đến như thế nào. Cả trước và sau ngày làm sự kiện mình đều lo lắng và… thực sự mà nói là mình khá muốn bỏ trốn. Nhưng rồi cùng với những ý tưởng trong cuốn sách “Thói Quen Nguyên Tử” cũng như các bằng chứng về việc mà đã làm những thứ này chẳng đến nỗi nào, mình đã dần có thể lập trình lại tư duy của mình và thực sự có được sự tự tin khi thực hiện các công việc này. Những điều này giống như mình nói ở bài post trước đó, mình đã giả vờ tự tin, mình có thể làm chủ được tình huống cho tới khi mình có được danh tính này.
Vậy đó, hãy bắt chước một ai đó và bạn có thể đánh cắp được danh tính của họ. bạn có thể bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhặt trước, và dần dần, danh tính của bạn sẽ tự nhiên thay đổi theo. Đó chính là cách mình đã thay đổi trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Tuy nhiên, những thay đổi này có thể khó nhận ra từ bên ngoài, chỉ có mình mới thực sự cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực mà chúng mang lại, giúp mình cảm thấy thoải mái hơn trong những hoàn cảnh khó khăn.
Nếu bạn hãy thử thử bình tâm ngẫm lại xem bao nhiêu sự thay đổi thực sự đến từ những hành động lớn lao mà bạn thực hiện, và bao nhiêu trong số đó đến từ những điều nhỏ bé mà bạn kiên trì duy trì?
Bạn là những gì bạn tiêu thụ
“Bạn là những gì bạn ăn” là câu nói khá phổ biến để nói về tác động của đồ ăn tới cơ thể con người. Điều này sẽ còn đúng hơn thế nữa khi nói về thông tin mà bạn tiêu thụ. Nếu bạn thường xuyên quan tâm và đọc những bài viết nói về thiền, về những điều tốt đẹp, bạn sẽ thấy an lành hơn, bình tĩnh hơn và dễ dàng bình tĩnh hơn so với chính bạn nếu bạn thường xuyên đọc drama lừa gạt.
Đương nhiên mình không nói các bạn phải lựa chọn sống ngây thơ, nhưng đại ý nó là như vậy. Bạn nên cân nhắc tham gia các group mà có cùng chí hướng với bạn, nếu bạn muốn học tiếng anh hay một chuyên môn nào đó, hãy tham gia các group Facebook này. Bạn sẽ có thêm động lực để thực hiện các việc này. Bạn tới nơi mà bạn gặp những người chia sẻ với bạn một số điểm chung và ai đó trong họ đã thành công, và bạn nghĩ rằng bạn cũng có thể làm được giống như họ. Bạn đôi khi cũng có một chút cảm giác cạnh tranh lành mạnh để có thể giúp bạn cố gắng hơn trong việc cải thiện bản thân.
Mình đã lựa chọn một vài kênh Podcast để nghe về những câu chuyện của những người chia sẻ mục đích cải thiện bản thân. Mình cũng đã lựa chọn việc nghe đi, nghe lại liên tục mấy cuốn sách của mình. Những cuốn sách này nhắc nhở mình rằng việc tập trung vào những thói quen nhỏ bé và việc cải thiện bản thân hàng ngày quan trọng hơn việc chỉ chạy theo những mục tiêu cụ thể. Mình được nhắc nhở rằng mình có thể làm được rất nhiều điều, nhưng không phải là tất cả mọi thứ cùng một lúc. Một cuốn sách khác lại giúp mình hiểu rõ hơn về những bài học tâm lý quan trọng, rằng chúng ta là những con người khác biệt, đôi khi rất phi lý trí, và chỉ có một số ít điều thực sự có giá trị với chúng ta. Điều quan trọng là hiểu rõ bản thân để đưa ra những lựa chọn đúng đắn.
Mình đắm chìm trong những câu chuyện truyền cảm hứng, những câu chuyện về những người tương tự cũng trải qua những điều khó khăn và cuối cùng họ cũng đạt được điều mà họ mong muốn.
Sẽ chẳng có thay đổi nào chỉ sau một đêm
Điều này hiển nhiên phải không? Nhưng đôi khi bạn cần được người khác nhắc nhở và nói với bạn một số điều hiển nhiên như thế. Nó có thể lại là bước ngoặt để đưa bạn tới con đường đúng đắn.
Danh tính đến từ thói quen và để tạo thành thói quen, thời gian là điều cần thiết. Để hình thành thói quen hay để thói quen trở thành danh tính, bạn cũng cần phải vượt qua quán tính của những thói quen, danh tính cũ. Vậy nên để đổi thay bạn cần thời gian. Nếu bạn có sẵn điều kiện thuận lợi để biến đổi, thời gian sẽ mất ít hơn. Nhưng nếu bạn chưa có đó sẽ là khoảng thời gian dài và bạn cần kiên nhẫn với chính bạn. Nó có thể là một hành trình vài năm với bạn.
Mình nhận ra khi mình sốt sắng, gấp gáp thay đổi thì những điều này càng khó diễn ra. Khi mình học được một mẹo vào giao tiếp, mình đã thử, nhưng nó chỉ mang lại chút chút thay đổi, chẳng có gì đáng kể diễn ra ngay. Sự kỳ vọng quá nhiều và phi thực tế đã phản tác dụng nó là mình dễ cảm thấy thất vọng, mình lựa chọn bỏ cuộc quá sớm vì nghĩ rằng nó chẳng hiệu quả gì cả.
Một hoàn cảnh khác là khi mình cố gắng thay đổi nhiều thói quen cùng một lúc. Điều mình từng gặp nhiều lần trong đời đó là việc đọc được một bài viết, một cuốn sách, nghe hay xem bài phát biểu truyền cảm hứng về việc thay đổi cuộc đời thì việc mình sẽ làm thường là bắt đầu ăn kiêng, tập thể dục hàng ngày, ngủ dậy sớm, tập luyện một kỹ năng mới… Và tất cả những điều này mình đều cố thực hiện nó cùng một lúc.
Trong những ngày đầu tiên, cùng với sự hứng khởi, mình đã làm được tất cả những điều này. Nhưng rồi rất nhanh sự hứng khởi giảm xuống và những sự kiện bất ngờ của cuộc sống sẽ tràn đến và phá tan kế hoạch hoàn hảo của mình. Và về cơ bản đó là sự bất khả thi để có thể tiếp tục thực hiện tất cả những điều mình muốn thực hiện. Mình buộc phải đưa ra lựa chọn việc cần được ưu tiên. Nhưng thường thì với sự kỳ vọng vào điều hoàn hảo, và cách tiếp cận tất cả hoặc không gì cả, mọi thứ đều quay trở lại như cũ, tất cả những điều định làm đều bị dừng lại.
Cuối cùng mình quyết định tập trung vào từng thói quen một thay cho việc ôm đồm nhiều thứ cùng một lúc, thứ thường dẫn đến việc từ bỏ tất cả.
Danh tính mặc dù là sự ổn định nhưng nó là sự đa số không phải là sự hoàn hảo
Chúng ta với sự hào hứng sẽ nghĩ rằng chúng ta có thể giải quyết tất cả mọi thứ trong một lần và mãi mãi. Chỉ cần có một lần bắt đầu thì chúng ta có thể giữ được chuỗi thành công mãi mãi.
Chỉ cần chúng ta đi tập buổi tập đầu tiên chúng ta sẽ có thể duy trì việc tập luyện mãi mãi. Nhưng thường thì chỉ cần chuỗi này bị phá bởi một việc nào đó thì thường chúng ta dễ dàng để sự kiện nhất thời này phá vỡ tất cả nỗ lực từ trước và bỏ cuộc.
Nhưng thực ra giống như một cuộc bầu cử vậy, để dành chiến thắng, bạn không cần sự ủng hộ tuyệt đối, bạn chỉ cần sự ủng hộ của đa số. Để là một người kiên trì, bạn không cần phải luôn lựa chọn tiếp tục mà chỉ cần làm vậy 6 hay 7 lần trong 10 lần đứng trước lựa chọn khó khăn này.
Và với cách tư duy này, mình trở nên khó bị đánh bại (bỏ cuộc).
Mình cần biết về việc ‘ai đó’ cũng có lúc thất bại giống như mình… và họ cũng gặp tất cả những khó khăn như của mình
Ha ha, hẳn điều này nghe qua thì có vẻ rất nhỏ mọn, nhưng với mình thì nó đúng.
Việc nghe những bài nói truyền cảm hứng kiểu như nếu bạn thực sự đam mê, yêu thích điều gì đó thì bạn chẳng bao giờ thấy khó khăn và bạn sẽ luôn hào hứng để làm điều đó và điều đó sẽ đưa bạn tới sự thành công, hoặc nó không khó như bạn nghĩ đâu, bạn cứ làm đi rồi bạn sẽ làm được hay bạn A làm được kia kìa và bạn ấy làm thật dễ dạng, bạn cũng sẽ làm được đó. Kiểu vậy, bạn nghe quen chứ. Mình từng tin vào những điều này và nghĩ nó thật dễ dàng… nhưng thường thì càng nghĩ nó dễ dàng và mình vẫn không làm được nó thì mình thật thất bại, mình thật vô dụng và mình càng có lý do để nghĩ rằng mình không thể làm được và dừng lại. Và giờ thì bạn A làm được thì để bạn làm, mình sẽ phải xem xét về điều đó…
Nhưng rồi phải mãi sau này mình được nghe những câu chuyện được kể theo một cách khác của những người ‘thành công’ khác, họ với mình rằng họ cũng là người bình thường thôi. Họ từng thất bại, họ thất bại nặng nề, họ cũng thấy lo sợ giống như mình, họ cũng hoang mang. Họ chia sẻ và nhấn mạnh một sự thật hiển nhiên là khi bắt đầu một điều gì mới chắc chắn mình sẽ gặp khó khăn, chắc chắn lúc nào đó mình muốn bỏ cuộc. Và vào những thời điểm đó, điều quan trọng không phải là kết quả, mà là tập trung vào tiến trình, hãy làm điều đúng đắn, bất kể kết quả nhận lại ngay lúc đó ra sao. Thời gian sẽ cho chúng ta thấy những kết quả khác.
Và cách nghĩ mình đã khác, cách mình tiếp cận với những vấn đề này cũng đã khác. Mình nhận thấy thay vì tìm những thứ truyền cảm hứng cao siêu, thì mình nên tìm những bài chia sẻ kinh nghiệm được phản ánh đúng về những điều mà chúng ta sẽ phải đối mặt và mọi thứ sẽ khác hơn.
Việc này không phải là để mình so sánh ưu việt hơn người khác để thấy mình ưu việt mà để cho mình biết rằng mình vẫn đang đi đúng hướng. Để bớt hoang mang và thất vọng về bản thân.
Về cơ bản điều mới mà mình thử hẳn một sẽ rất khó khăn, chắc chắn mình sẽ “thất bại” trong “thời điểm” nào đó, nhưng nếu nó xứng đáng thì việc mà mình cần làm và tập trung vào việc “bước thêm một bước”. Những lúc căng thẳng nhất, có thể mình sẽ thấy vụn vỡ, mình tạm thời bỏ cuộc và quay trở lại cách hành xử quen thuộc trước đây. Mình có thể thua trong một trận đánh, nhưng không có nghĩa là mình sẽ thua cả cuộc chiến.
Và đó là câu chuyện của mình, một góc xấu tính một chút, nhỏ bé một chút nhưng chắc chắn là một phần của mình. Mong là những điều chia sẻ này có thể giúp ích được các bạn. Gửi yêu thương tới tất cả mọi người!
Mời các bạn ghé thăm blog của mình tại:
- WordPress:https://quanghuypham88.wordpress.com/
- Spiderum: https://spiderum.com/nguoi-dung/Nemo1810
Nguồn tham khảo:
- Trải nghiệm của tui 😛
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất