Cách lập bảng SWOT cá nhân để chọn ngành học phù hợp
Nếu bạn đang phân vân những người như mình và bạn : học lực bình thường, tài năng bình thường, ngoại hình cũng bình thường nốt, lại còn không biết mình thích gì :/ thì hãy theo dõi bài viết này nhé!
Việc đặt bút chọn ngành học đại học có lẽ là quyết định hệ trọng nhất trong cuộc đời học sinh, các sĩ tử đã dành 12 năm chuẩn bị cho thời khắc này. Tất nhiên, những quyết định tại thời điểm này sẽ dẫn bạn đến những con đường khác nhau nhưng không có chuyện chọn sai ngành sẽ khiến bạn thất bai. Chỉ là nếu bạn chọn đúng thì sẽ đỡ tốn thời gian hơn cho sau này thôi ( đây là đã bỏ qua những biến số rồi đấy) :)
Cái tỉ lệ người đã có định hướng và biết mình làm gì trong tương lai ở cái tuổi 17 nó còn ít hơn cả số lượng good boy trên tinder ấy chứ, ví dụ như lớp 12 hồi đấy của mình có 47 đứa thì đâu đó có 3,4 đứa là biết mình muốn làm gì, chúng nó sẽ đăng ký những trường cụ thể luôn như là trường y hay sư phạm, còn lại 1,2 đứa thì có tài năng bẩm sinh thích vẽ vời ca hát thì vào kiến trúc và nhạc viện, còn lại hơn 40 đứa hỏi tới là cười cười thôi chứ tụi nó có biết gì đâu :D
Nếu bạn đang phân vân những người như mình và bạn : học lực bình thường, tài năng bình thường, ngoại hình cũng bình thường nốt, lại còn không biết mình thích gì :/ thì hãy theo dõi bài viết này nhé!
Lập bảng SWOT cho chính mình!
Các em học sinh cấp 3 có lẽ vẫn chưa biết đến bảng SWOT, cơ mà đây là một cách khá hiệu quả để hiểu rõ hơn về bản thân và chọn ngành mình mong muốn. Về cơ bản, SWOT là một bảng phân tích có thể là về chiến lược, nhãn hàng, dự án,.. để xác định mục tiêu và lên kế hoạch cụ thể, thường được sử dụng trong Marketing. Trong trường hợp này, ta sẽ đi phân tích chính mình, lập bảng SWOT cá nhân để có thể tận dụng và lên kế hoạch cho những bước tiếp theo trong đời mình nhé!
S ( Strength - Điểm mạnh ) : Điểm mạnh của bạn là gì?
Bạn không cần nghĩ quá nhiều những thứ sâu xa như ca hát hay nhảy múa, bạn nên đi sâu vào bên trong hơn vì chính những tố chất đó có thể sẽ giúp bạn sau này, ví dụ như bạn hay quan tâm, giúp đỡ người khác, bạn thích chăm sóc một ai đó hay bạn thích việc đứng trước đám đông hoặc bạn thích make up và làm khá tốt trong việc đó, bạn thích nghệ thuật, bạn thích đọc sách, thích trải nghiệm,...
Mình cần bạn thật sự ngồi lại và soi chiếu bản thân, những điều làm mọi người yêu mến ở bạn, những điều nhỏ nhặt làm bạn thích thú và có thể làm hàng giờ không chán, môn học mà bạn giỏi,.. Hãy viết chúng ra.
W ( Weakness - Điểm yếu ) : Điểm yếu của bạn là gì?
Hãy nhìn nhận bản thân và có thể nhờ bạn bè chỉ ra những yếu điểm của mình, nó có thể là bất cứ gì, ví dụ như thể lực bạn không tốt, tay chân vụng về, không giỏi tính toán, hay trì hoãn, không giỏi giao tiếp xã hội,...
Một khi đã tổng hợp được những yếu điểm của mình, bạn có thể thực hành chủ nghĩa Khắc Kỷ vào trường hợp này. Cơ bản là bạn hãy chia điểm yếu của mình thành 3 phần : những thứ có thể hoàn toàn kiểm soát ( bản thân, mục tiêu, cách ứng xử, thói quen,..), những thứ không thể kiểm soát ( thuộc về tự nhiên ), những thứ có thể kiểm soát 1 phần ( có liên quan đến người khác,..). Và việc bạn nên làm là tập trung vào nhóm đầu tiên ( những thứ có thể hoàn toàn kiểm soát ) và ngó lơ 2 nhóm còn lại.
Hãy chấp nhận việc ai cũng có điểm tốt và chưa tốt, nhưng nếu để những việc đó kéo bạn xuống và khiến bạn đánh giá thấp bản thân mình qua những thứ mà bạn hoàn toàn có thể thay đổi được thì bạn sẽ là người thiệt thòi đấy. Biết được điểm yếu của bản thân là 50% của việc hiểu chính mình rồi, hãy tập trung vào chính mình và hoàn thiện hơn từng ngày nhé!
O ( Opportunities - Cơ hội ) : Bạn có những cơ hội nào?
Việc nhìn xa ngay tại thời điểm này là rất tốt, hãy xem xét những cơ hội tiềm năng xung quanh mình như học bổng du học, công ty gia đình,.. Nếu không có thì hãy tự tìm kiếm những cơ hội cho mình, đi du học cũng là một ý kiến không tồi để bạn mở rộng trải nghiệm và kiến thức của mình.
Ngoài ra, sau khi đã biết được những điểm mạnh của mình, ta nên tìm kiếm những ngành nghề hoặc khối ngành có liên quan mà bạn cảm thấy hứng thú. Xem xét về cơ hội việc làm, tốc độ tăng trưởng của ngành, những cơ hội và xu hướng trong tương lai của ngành nghề đó.
T ( Threats - Thách thức ) : Những khó khăn/ thách thức mà bạn cần phải phải trải qua là gì ?
Sau khi xem xét những cơ hội , điểm mạnh, điểm yếu của bản thân có lẽ bạn cũng một phần nào có được hình dung "sương sương" cho những gì mình muốn trong thời gian tới. Những việc bạn cần làm để có thể cải thiện những điểm yếu và tự kiếm cho mình cơ hội, có thể bạn sẽ phải dành ra 3 tháng liền để học Ielts để cải thiện điểm yếu là dở tệ ngôn ngữ hoặc để có được cơ hội dành suất học bổng đi Mỹ chẳng hạn.
Theo mình cảm nhận thì chúng ta chẳng ai là bình thường cả, ý mình không phải là về mặt tâm lý :)) mà như chúng ta nhìn nhận ở phần đầu bài thì trong những mảng về học hành hay văn nghệ thì chúng ta chẳng có gì nổi bật, thậm chí chẳng có hứng thú ấy chứ, điều đó khiến chúng ta không nổi trội so với mặt bằng chung, trong cái xã hội mà chúng ta đang sống. Nhưng không phải vì thế mà tự đánh giá bản thân mình nhạt đâu đấy nhá! Mọt sách rất ngầu, Otaku rất ngầu, Tốt bụng là rất ngầu, Nói ít làm nhiều rất ngầu, chơi nhạc cụ giỏi rất ngầu, yêu động vật rất ngầu,.. Chỉ cần biết điểm mạnh bản thân là gì và ném mình vào môi trường phù hợp là được ;) Hơi lạc đề rồi hahaa, tiếp đến phần quan trọng nè.
Chọn ngành phù hợp với bản thân
À để mình quay ngược thời gian trở về với tủi thơ lúc mà mình chọn ngành học nhé! Lúc đó mình ước gì mình biết tới bảng SWOT thì sẽ đỡ tốn thời gian hơn biết bao nhiêu. Hồi đó ngoài phân vân ngành học thì mình còn phân vân cả trường công hay trường tư nữa cơ, mình nhớ là mình cũng rất muốn đi du học tại mình thích đi chơi, khám phá lắm nhưng mình chả biết làm sao để được đi cả vì kết quả học tập mình không tốt lắm, nhà cũng không có nhiều điều kiện nên thôi.. :)
Mình nhớ hồi đó hay có mấy cái như kiểu làm sinh trắc vân tay với làm test MBTI để biết tính cách mình là gì và hợp ngành nào ý, nếu bạn nào chưa thử thì mình khuyên bạn nên thử nha :)) Thì mình cũng hình dung được là mình muốn làm về ngành sáng tạo, mình thích giao tiếp và tâm lý con người nên mình có tìm hiểu và ưng 2 ngành đó là Marketing và Quan hệ công chúng ( PR ), trong lòng mình thích PR hơn nhưng mà PR chỉ là một nhánh nhỏ của Marketing thôi, tính mình thì thích có gì đó sơ cua lỡ đâu hông làm được cái này còn cái khác nên mình chọn Marketing để biết nhiều lĩnh vực hơn.
Một phần mình chọn Marketing là do mình nghĩ là làm về sáng tạo thì sẽ không cần phải học toán ( đây là điểm yếu của mình) :D Nhưng mà mình chưa biết là Mar nằm trong khối ngành KINH TẾ :) đúng rồi đấy, môn toán nó vùi dập mình suốt 4 năm đại học, nhưng mà mình xem đó là thử thách mà mình phải vượt qua thôi. Cho đến giờ mình trộm vía vẫn chưa thấy hối hận mấy về việc chọn ngành, hối hận về chọn trường thui :D
À nếu bạn có thiên hướng thích sáng tạo thì bạn có thể làm bài test này của Adobe để biết mình thuộc thể loại sáng tạo nào nhé : Creative Types by Adobe Create
Quay lại với các sĩ tử iu dấu, sau khi đã có bảng SWOT trong tay, việc chúng ta nên làm là tìm hiểu, tìm hiểu bằng tất cả mọi nguồn lực mà ta có, Google, thầy cô, cha mẹ, bạn bè, ông hàng xóm,.. những người có tầm nhìn và kinh nghiệm giống với những gì mà bạn quan tâm đến ý.
ví dụ bạn là người hướng nội, cục súc, không thích giao tiếp nhưng tỉ mỉ, chi tiết, thích tính toán thì nên tìm hiểu thử ngành kế toán, kiểm toán. Còn nếu bạn thích chăm sóc người khác, hướng ngoại, thích giao tiếp mà không giỏi việc học hành cho lắm thì bạn nên tìm hiểu về ngành du lịch, nhà hàng khách sạn, F&B,...
Tìm hiểu xem nên bắt đầu từ đâu, cần học những gì, cần cải thiện những gì để đạt được nó, ngay cả khi bạn không học đại học. Nếu bạn đã xác định được thứ mình muốn thì bạn học nghề, cao đẳng hay đại học thì cũng vẫn cứ là oke ;) mà kể cả sau này bạn muốn học thêm thì cũng không bao giờ là quá muộn.
Dành cho các bạn nếu sau khi làm bảng SWOT rồi vẫn chả biết mình muốn gì thích gì, thì mình cần bạn hình dung là mình quan tâm đến lĩnh vực nào, hoặc nghĩ là mình có thể làm tốt ở lĩnh vực nào. Có rất nhiều lĩnh vực như Kinh tế, Sáng tạo, Kỹ thuật, Du lịch,... Mình tin vào việc mưa dầm thấm lâu, tức nếu bạn có sự quan tâm và đủ kiên nhẫn thì bạn cũng sẽ dần yêu nó.
Đấy, lại lạc đề, ý mình là bạn có thể chọn những ngành có kiến thức bao quát ý, bọn bạn mình hay bảo là chỉ có những đứa không biết mình thích gì mới chọn Marketing, đúng thật là mình học mỗi thứ một ít, PR một tý, content một tý, quảng cáo một tý, rồi từ từ tìm ra xem mình hợp cái gì, ngoài ra thì còn Quản trị kinh doanh :D ngành này thì cái gì bạn cũng sẽ được học nhưng không chuyên sâu, và tất cả các ngành khác của FTU mà bạn có thể tham khảo :)))
Bài viết cũng khá dài rồi, mình chả phải chuyên gia gì, mình chỉ muốn chia sẻ kinh nghiệm chọn ngành học của mình, biết đâu lại có ích cho ai đó cũng đang chật vật như mình hồi xưa. Mình muốn khuyên các bạn hãy giữ tinh thần lạc quan và luôn tin tưởng vào những thứ mình chọn, tham khảo ý kiến những người xung quanh nhưng đừng để bị tác động quá nhiều nhé! Chúc các bạn may mắn *tim bay*.
bài viết được đăng lần đầu tại : Sổ tay đại học : Lập Bảng SWOT Cá Nhân và Chọn Ngành Học Phù Hợp
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất