Một năm rưỡi đi làm, tiếp xúc nhiều với các sếp, đồng nghiệp và khách hàng, với mình, đặt câu hỏi là một trong những kỹ năng cần thiết nhất các bạn trẻ như mình nên trau dồi và nâng cao.
Học ăn học nói, học gói, học mở"
Bên cạnh giao diện chính (khuôn mặt, phong thái,...) thì việc ăn nói, giao tiếp sẽ quyết định lớn đến việc bạn được người đối diện đánh giá như thế nào. Ấy vậy nên những người khéo ăn nói thường hay được khen là có duyên, dễ nổi bật và được chú ý hơn. Ở đây, trong bài viết này mình muốn tập trung nhiều hơn và kỹ năng đặt câu hỏi, nhất là trong môi trường văn phòng, đặc biệt là các bạn đã và đang là intern hoặc chập chững bước chân vào việc. Việc đặt câu hỏi vừa là một công cụ tuyệt vời giúp bạn lấy được thông tin, mở mang kiến thức; nhưng nếu sử dụng không khéo lại hoàn toàn có thể mang đến những tác dụng phụ hoàn toàn trái ngược. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn với những tips mình đã đúc kết được dưới dây:
Xác định người mình hỏi là ai?
Công việc kiểm toán (mình đang làm tại EY) cho mình cơ hội được phỏng vấn, trao đổi với nhiều người ở nhiều vị trí, vai trò khác nhau. Rõ ràng xác định chính xác được từng vấn đề mình cần hỏi ai rất quan trọng. Nó giống như việc bạn ra sân và biết đối thủ của bạn là người thế nào, điểm mạnh yếu ra sao mà sắp xếp một đội hình, thái độ thi đấu phù hợp. Đặt câu hỏi cho sếp về một vấn đề mình concern khác nhiều so với đặt câu hỏi để challenge kế toán; đặt câu hỏi để lấy thông tin từ khách hàng khác nhiều với đặt câu hỏi cho cấp dưới xem họ hiểu đến đâu; sắc thái, ngữ điệu và câu từ sử dụng cũng theo đó mà cần chọn lựa.
Nội dung chính của câu hỏi là gì?
Lan man có lẽ là từ ngữ ngắn gọn nhất để miêu tả về vấn đề nhiều bạn mắc phải này. Tất nhiên sẽ có phản biện rằng, có những vấn đề cần sự gợi mở mới tạo ra không khí để khai thác thông tin tốt hơn. Mình đồng ý điều đó. Nhưng lan man ở đây mình muốn nói đến những câu hỏi không rõ ràng, thậm chí có phần ngớ ngẩn. Rất dễ để nhận ra khi sự thiếu tự tin của người hỏi, sự phân vân hay lệch nhịp khi được nghe câu trả lời. Hầu hết các trường hợp này nếu gặp một đối thủ là người nhiều kinh nghiệm hoặc thích challenge ngược lại, bạn sẽ rất dễ bị đánh úp. Vì vậy hãy xác định chính xác bạn muốn hỏi gì? Vấn đề là gì?
Expectation and next step
Đại ý là, hãy nghĩ trước xem liệu người được hỏi sẽ trả lời như thế nào, và nếu vậy, câu hỏi tiếp theo sẽ là gì? Điều này thực sự quan trọng, xin nhắc lại, điều này thực sự quan trọng! Những ngày đầu tiên lớ ngớ đi làm, mình thực hiện đúng chiến thuật: không biết là phải hỏi, ý định là tạo sự ham học hỏi, nhiệt tình của bản thân. Nhưng những câu hỏi chưa có sự tìm hiểu kỹ, không expect, một chiều liên tục mang đến cho mình sự bị động, kiểu như:
"- Chị ơi, cái này là gì ạ? - Thế em biết gì về nó chưa, em đọc qua chưa? Chị thấy báo đài đưa tin/chuẩn mực có viết... - Em chưa ạ..."
hoặc:
"- Chị ơi, vấn đề này rồi chị định xử lý thế nào ạ? - Thế theo em thì nên thế nào, em nói thử chị nghe với? - ..."
Thế là, thay vì tạo ấn tượng thì lại thành ra không nghiên cứu, tìm hiểu trước khi hỏi. Thế mới biết, hỏi với một cái "túi rỗng" rất dễ đưa mình vào thế khó.
Ba tips nhỏ này không khó, thậm chí là đơn giản, nhưng thực tế đi làm bản thân mình giai đoạn đầu cũng rất hay bỏ qua và dẫn đến những lần ngậm ngùi. Ngay trước mùa bận làm bài viết sharing trên này cũng mong các anh chị, các bạn có thể chia sẻ thêm để chúng ta cùng phát triển bản thân mình hơn! Thân ái và quyết thắng Tiến Mạnh Nguyễn