"Tình yêu cho phép những ca khúc ra đời. Nỗi đau và niềm hân hoan làm thành bào thai sinh nở ra âm nhạc. Âm nhạc như thế là tình yêu, là trong bản thân nó hàm chứa một cõi nhân sinh bề bộn những đau khổ và hoan lạc."
– Trịnh Công Sơn –

Từ khi bản thân nhận thức được thế nào là buồn, vui, tủi, hờn. Tôi đã cảm nhận được cảm xúc và âm nhạc có sự gắn kết đặc biệt với nhau như cách mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói về chúng "Trong bản thân âm nhạc hàm chứa một cõi nhân sinh bề bộn những đau khổ và hoan lạc". Với 7 nốt nhạc cơ bản và vô vàn cách kết hợp chúng đã tạo ra thứ âm cứu rỗi tâm hồn của rất nhiều người. Có lẽ vậy mà có hẳn một liệu pháp Music Therapy - trị liệu bằng âm nhạc  được công nhận và áp dụng trên toàn thế giới.
Ở đây tôi không bàn về những vấn đề chuyên sâu, vì tôi không phải chuyên gia hay quá am hiểu về lĩnh vực nghệ thuật này ( chưa kể việc hát rất í ẹ nữa). Tôi sẽ chia sẻ về quá trình âm nhạc giúp bản thân chữa lành như thế nào và cách tôi tận hưởng chúng như một niềm vui trong cuộc sống vốn đã quá bộn bề.
Việc dễ dàng nhất : nghe một bài hát hoặc một bản nhạc.
Đúng vậy, ở thời đại công nghệ số như hiện nay, với nhiều nền tảng từ Zingmp3, Nhaccuatui hay SoundCloud, Spotify, Shazam đã giúp việc tìm kiếm và nghe nhạc được thực hiện một cách đơn giản thuận tiện nhất.
Tôi thích nghe nhạc trên SoundCloud - 1 phần vì thể loại mình thích là Indie (dòng nhạc độc lập) và dòng nhạc Blues Jazz thường được các nghệ sĩ hoặc đồng âm upload rất nhiều. Có những bài nhạc được các bạn Cover lại tuy rất ngắn, thỉnh thoảng lẫn nhiều tạp âm nhưng chính sự mộc mạc, giản dị ấy làm tôi thích thú.
Nói về gu âm nhạc, có thể tóm gọn trong 1 câu: "Thân Gen Z nhưng gu Millennials". Từ thời còn nghe đài cassette, bố kể tôi đã nằng nặc đòi nghe đi nghe lại "Yesterday once more - Carpenter"  mới chịu ăn cơm.
Khi đến tuổi các bạn cùng trang lứa nghe K-Pop, tôi vẫn miễn nhiễm với làn sóng Hallyu. Chia sẻ playlist trên chiếc máy nghe nhạc nhỏ màu hồng mẹ mua cho với giá 300k ở Chợ trung tâm với đám bạn, chúng nó cười sặc và nói tôi là đồ bà già. Khi những gì tôi nghe đều là The Beatles, Westlife, Backstreet Boys, mới mẻ hơn thì One Direction, Adele, Melody Gardot.. Đương nhiên ở độ tuổi mới lớn, bị chê bai như vậy nên tôi cũng thử cố nghe 2NE1, Bigbang.. với đám bạn nhưng tôi thực sự không thích. Mà tính tôi không thích thì không động vào. Vậy là tôi vẫn nghe những bản nhạc đã cũ, vỗ về tâm hồn mỗi khi điểm kém hay bị la mắng, hay đôi khi là thích thầm cậu bạn lớp bên nhưng ngại ngùng không dám bày tỏ.
Lớn hơn, khi bắt đầu có Vũ, Nhạc của Trang, Kiên, rồi dần dần có Ngọt, Cá Hồi Hoang, Chillies. Tôi mê mẩn trong những câu hát rất thơ của các nghệ sĩ độc lập, có những bài hát như tưởng đang viết về bản thân mình, viết cho câu chuyện mà bản thân đang vướng mắc gặp phải.
Người lớn mà- có nhiều vấn đề trong cuộc sống hơn so với người bé. Mỗi lúc tâm trạng ủ dột tôi sẽ mở Playlist nhạc xưa cũ buồn tủi để càng buồn hơn, buồn thối cát thối đất thối người thối ruột. Buồn đến chán chẳng còn buồn nữa thì thôi. Cũng có những lúc tâm trạng vui vẻ hào hứng, ví như đang trên đường đi chơi, tôi sẽ mở Playlist nhạc trẻ sôi động rock indie rồi gật gù theo từng nhịp trống, cứ như vậy để niềm vui trôi theo những giai điệu rập rình hân hoan.
Có  giai đoạn khủng hoảng ở tuổi 20 (mà thật ra năm nào cũng khủng hoảng cả), tôi bị mất ngủ liên tục suốt hơn 1 tháng, tối nào cũng mắt mở nhìn lên trần nhà rồi xoay ra, rồi lại xoay vào. Có người bạn gửi tôi link nhạc sóng não Alpha, kêu nghe đi trước khi ngủ. Và nó hiệu quả với tôi thật. 
Sự kì diệu của âm nhạc đem đến cho tôi sự an yên trong tâm hồn, sự vỗ về mỗi khi thấy lo lắng hay sự chia sẻ với những thành tựu mình đạt được. Mỗi cột mốc trong cuộc đời, mỗi cảm xúc trong cuộc sống đều được san sẻ với những bài hát yêu thích trong playlist của mình..
Việc thứ hai cũng không quá khó khăn: Tập chơi một loại nhạc cụ.
Không biết mọi người có cảm nhận giống tôi không. Nhưng cùng một bài hát, nếu chơi bằng piano sẽ khác với chơi với guitar, lại cũng khác khi nó được biểu diễn bằng trumpet. Và còn tuyệt vời hơn khi có thể chơi bản nhạc mình yêu thích bằng một loại nhạc cụ nào đó.
Tôi chọn cho mình kèn Harmonica - nhỏ, gọn, tiện, dễ tập. Năm 14 tuổi được bố tặng 1 chiếc tremolo 24 lỗ, tôi mê mẩn học hít vào thổi ra mỗi khi tan học về. Thật thần kì làm sao khi những hợp âm khi đứng riêng lẻ nghe rất kì cục, nhưng khi kết hợp với nhau theo đúng nhịp điệu lại có thể du dương thánh thót đến thế ( mà thực ra là tôi thổi nhiều lúc rất chóe, nhưng bố vẫn khen là thánh thót du dương *cười nhạt*).
Bài nhạc đầu tiên tôi tập là A time for us - nhạc phim Romeo & Juliet. Nghe nó buồn gì đâu, nhưng tôi vẫn tập thổi trọn vẹn cả một bài. Mỗi lần chuyện tình cảm không như ý, tôi lại lôi kèn ra thổi, thổi bay cả những cảm xúc tiêu cực của bản thân.
Bài nhạc thứ 2 bố chọn cho tôi, Aloha của Cool - vui tươi và mát mẻ hơn nhiều. Mỗi lần thổi bài này, tôi tưởng tượng mình đang ở bên bờ biển tại Hawaii, không khí trong lành tươi sáng. Mỗi khi có dịp gì vui, hoặc cũng có khi chẳng dịp gì cả, tôi vẫn thổi bài hát này, thổi vào mình tinh thần lạc quan và yêu đời, yêu người, yêu mình :)
Tôi cũng rất thích đi xem show, đương nhiên là những show thuộc dòng nhạc sở trường. Ở trong một không gian với những người có cùng sở thích, vang lên tiếng hát cùng nhau với nghệ sĩ mình theo dõi quả thật rất sảng khoái. Có một vài năm tôi đến Moonsoon Festival, cũng có một vài năm mua lại vé xem Show của Ngọt, lần gần đây nhất là bay đến Đà Lạt hòa mình với âm nhạc của chú Tuấn. Những khoảng thời gian ấy tôi trân trọng vô cùng, lúc ấy mọi vướng bận của cuộc sống như được gửi lại ngoài cửa soát vé. Trong sân khấu chỉ còn thứ âm nhạc nhẹ nhàng lan tỏa ôm trọn lấy cảm xúc của mình.
Hi vọng mỗi chúng ta sẽ có cho mình ít nhất một cách thức để tự chữa lành. Và cũng hi vọng chúng ta đừng bỏ quên những điều - dù chỉ nhỏ nhặt như 1 bài hát hay - để biết ơn và tìm đến mỗi lúc chênh vênh và cần sự giúp đỡ!
                                                                
                                                                    Hà Nội, Mùa mưa ngâu nằm cạnh.