Game hóa liên quan đến việc áp dụng cơ chế trò chơi như thử thách, thẻ bingo, trò chơi trí nhớ, thẻ cào hoặc quay số nhận thưởng để nâng cao khả năng tiếp thị, chẳng hạn như truy cập trang web, xem video hoặc tương tác trên nền tảng số. Trong bài viết khác của tôi với tiêu đề "Các chiến lược hữu ích để thúc đẩy sự tương tác của khách hàng", tôi đã thảo luận về cách Game hóa thúc đẩy mức độ tương tác có ý nghĩa bằng việc tập trung vào một chiến lược hoặc một mục tiêu cụ thể. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng Game hóa thực sự là một công cụ tiếp thị mạnh mẽ dựa trên tâm lý con người.
"Chúng ta thích chiến thắng. Đó là bản chất của con người. Khi bạn chiến thắng, não của bạn tiết ra dopamine khiến bạn cảm thấy hạnh phúc. Vì vậy, khi bạn sử dụng trò chơi để thưởng cho việc hoàn thành một hành vi, dopamine sẽ củng cố hành vi và khiến người ta muốn lặp lại hành vi đó nhiều lần."
Todd McGee, Giám đốc điều hành của CataBoom, một nền tảng trò chơi dựa trên SaaS hàng đầu cho biết. Làm việc với các khách hàng như Southwest, Dell và Michaels, CataBoom là bằng chứng cho thấy Game hóa hoạt động với tỷ lệ mở và tương tác gấp 3 lần trên email, tỷ lệ tương tác gấp 2 lần trên mạng xã hội và tỷ lệ duy trì gấp 5 lần tất cả những thứ trên.
Hãy nhìn lại Game hóa thông qua các ví dụ dưới đây, để xem các thương hiệu đã tận dụng cơ chế trò chơi như thế nào để đạt được các mục tiêu tiếp thị khác nhau.

Mục tiêu: Thúc đẩy doanh số bán hàng

Đại dịch xuất hiện khiến việc ăn uống tại nhà trở nên phổ biến, khơi gợi cảm giác hoài cổ của nhiều khách hàng về quãng thời gian đơn giản ngày xưa. Pizza Hut nhắm vào cả hai điều này với chiến dịch "Newstalgia" mới ra mắt gần đây. Các trò chơi điện tử mà bạn từng chơi trong khi chờ đợi pizza sẽ trở lại dưới dạng thức AR, cụ thể là bạn có thể chơi Pac-Man ngay trên hộp bánh pizza phiên bản giới hạn của mình. Những người chơi có thể chia sẻ điểm của họ với Pizza Hut trên Twitter để nhận được cơ hội tham gia một trò chơi Pac-Man đặc biệt. Như vậy, việc tận dụng một trò chơi có tỷ lệ nhận diện thương hiệu toàn cầu là 90%, biến nó thành một hoạt động giải trí tại nhà đã gây ấn tượng với khách hàng của Pizza Hut và thúc đẩy doanh số bán hàng. Trò chơi là bước đầu tiên trong chiến dịch kéo dài một năm của thương hiệu, với sự quay trở lại của biểu tượng Pizza Hut được yêu thích trong những năm 80 và 90.

Mục tiêu: Tiếp cận lượng khán giả lớn hơn

Cách đây không lâu, các thương hiệu cao cấp vẫn còn coi thường Game hóa, cho đó là một chiến thuật tiếp thị sai lầm, không phù hợp với trải nghiệm thương hiệu cao cấp. Giờ thì họ đã đổi ý. Các trò chơi đã nổi lên và tự biến đổi cho phù hợp với phong cách của các thương hiệu như Hermès, Louis Vuitton, Gucci và hơn thế nữa. Nhà sản xuất thời trang Ý Salvatore Ferragamo thậm chí còn khởi động chiến dịch xuân hè 2021 của họ thông qua một trò chơi tùy chỉnh có tên Enigma. Trên nền nhạc piano nhẹ nhàng, người chơi tham gia vào bốn hoạt động hoạt hình đẹp mắt, chẳng hạn như tìm kiếm từ và trò chơi trí nhớ, làm nổi bật các thiết kế của Ferragamo cùng với các địa danh mang tính biểu tượng khác xung quanh Milan. Trò chơi đã giúp Ferragamo tiếp cận lượng khán giả trẻ hơn và rộng hơn, đồng thời cung cấp một cách thú vị để mua sắm hàng hiệu vào thời điểm không thể đi du lịch hay tham gia Tuần lễ thời trang.

Mục tiêu: Tìm hiểu về các sản phẩm mới

Starbucks không chỉ kỷ niệm Ngày Trái đất, họ kỷ niệm Tháng Trái đất với các trò chơi được thiết kế riêng để thúc đẩy các lựa chọn bền vững đồng thời quảng cáo các sản phẩm thân thiện với môi trường của thương hiệu. Đối với mỗi lần mua hàng trong tháng 4, các thành viên của Starbucks Rewards sẽ kiếm được một lần rút thưởng để có cơ hội giành được đồ uống không sữa miễn phí, giảm giá cho một số mặt hàng thực phẩm, hàng hóa có thể tái sử dụng hoặc các giải thưởng lớn như eBikes, đồ uống miễn phí cho một năm và hơn thế nữa. Các thành viên có thể kiếm thêm lượt chơi nhờ việc thu thập ống hút nhựa, thử các món không có thịt trong thực đơn và đọc các bài báo về rác thải thực phẩm. Với mỗi cấp độ đạt được trong trò chơi giải đố Play + Plant, các thành viên sẽ được ghi danh như đã đóng góp cho nỗ lực trồng 250.000 cây xanh của Starbucks. Tất cả những hoạt động kể trên đều hướng tới mục đích làm nổi bật sáng kiến Starbucks' Planet Positive, ủng hộ các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tăng tần suất hoạt động

Đây sẽ không phải là một bài báo về Game hóa nếu không có sự xuất hiện của Peloton. Xe đạp tập thể dục ngày nay ít nhiều đã được coi là một mặt hàng và đôi khi thì là một giá phơi đồ sang chảnh. Nhưng không phải với Peloton. Chìa khóa thành công của Peloton nằm ở việc thương hiệu hóa trải nghiệm người dùng. Những người đi xe đạp Peloton được tưởng thưởng cho các cột mốc quan trọng trong quá trình luyện tập, ví dụ như người thực hiện 100 chuyến đi sẽ nhận được huy hiệu Câu lạc bộ Century màu bạc sáng bóng (cái này là kỹ thuật số) và một áo thun Peloton miễn phí (cái này không phải kỹ thuật số). Hãy xem một số huy hiệu và sự kiện quan trọng của tôi ngay bên dưới (rất hoan nghênh bạn kết nối với tôi trên Peloton, tên trên bảng xếp hạng của tôi là ForbiddenGinger).
Các tay đua cũng có thể cạnh tranh với nhau trong các thử thách và trên bảng xếp hạng, và có lẽ điều thú vị nhất là xây dựng các chuỗi. Chuỗi là đơn vị đo một hoạt động được hoàn thành liên tiếp - ví dụ trong trường hợp của Peloton là tập thể dục trong 30 ngày. Bạn càng giữ được chuỗi dài thì bạn càng muốn bảo vệ nó. Sức mạnh của tâm lý theo dõi, cộng với ý thức cộng đồng và thành tích, hình thành thói quen đạp xe Peloton. Điều này dẫn đến việc tiếp tục sử dụng xe đạp, đăng ký trả phí hàng tháng để tham gia các lớp học và tất nhiên, chia sẻ tình yêu Peloton của bạn với tất cả bạn bè của bạn. Ai cũng có thể đi ra ngoài và mua một chiếc xe đạp cho mình.
Những ví dụ về trên đây cùng với rất nhiều ví dụ khác mà bạn có thể thấy ở khắp mọi nơi là minh chứng thuyết phục nhất rằng Game hóa không chỉ là sự nghiện ngập và thú vị của Candy Crush. Game hóa là cách thúc đẩy loại tương tác phù hợp để đạt được các mục tiêu chiến lược.
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hóa: