Có một khoảng thời gian mình suy nghĩ rất nhiều về chuyện học hành, tương lai của con.
Nghe nói tụi nhỏ vào lớp một áp lực lắm, nghe nói mẹ stress phải truyền nước khi con bắt đầu khi bước vào lớp một bắt đầu học chữ.
Những người mình gặp có con đã đi qua lớp một tâm sự khiến mình cảm thấy hơi hoang mang. Mình nghĩ, mình cần chuẩn bị cho mình và con một tâm lý tốt nhất khi bé bước vào lớp một.
Thế rồi, mọi thứ vẫn êm đềm trôi qua. Mình cũng quên đi nỗi băn khoăn của chính mình khi bị cuốn vào guồng quay cơm áo, bộn bề của công việc. Thời gian thì luôn có hạn với những người được gọi là người lớn và mình cũng thế.
Một ngày, mình nhận ra: Ba mẹ là những thầy cô giáo trực tiếp kèm cặp dạy dỗ con mình đọc chữ ghép vần. Con đi học mà không biết chữ thì áp lực là của con và của ba mẹ. Sau một khoảng thời gian cho con chơi thoải mái thì mình và con bắt đầu học chữ. Việc dạy con học sẽ rất căng thẳng, rất dễ thiếu kiềm chế nếu con quên, không nhớ mặt chữ, cả việc mẹ không biết dạy sao cho con nhớ và hiểu, mình cũng không ngoại lệ.
Mình phát hiện ra những năng lượng tiêu cực của mình truyền sang con khiến con không học được, có thể mình đã dạy sai phương pháp… Mình dừng lại hít thở, ngẫm nghĩ… Cuối cùng, mình đã tìm ra một phương pháp dạy chữ cho con hiệu quả sau những ngày cả hai không tìm được tiếng nói chung.

Phương pháp đơn giản đó gồm tám bước sau đây:

1. Dạy con học thuộc bảng chữ cái.

Dạy nhớ mặt chữ qua bảng chữ cái mua trong siêu thị hoặc app… Có rất nhiều cách để học. Mình lười ngồi kè kè chỉ con từng chút nên cho con học qua app. Quy định ngày học một lần, mỗi lần hai ba chữ tuỳ vào thích thú của bé. Vừa học vừa chơi nên con hứng thú học và có thể tự học.

2. Học phụ âm + vần (từ đơn giản đến phức tạp. V/d: th, nh, ng… oa, ui...)

Cái này là mình ghi ra mấy trang giấy và chỉ mỗi ngày hai từ từ dễ đến khó, từ phụ âm đến vần. Nếu làm biếng thì có thể cho học kèm thêm qua app nhưng bước này thì mình chỉ bé vì app không có lộ trình đi theo mong muốn của mình.

3. Ghép vần (Theo lộ trình sách lớp 1 - Tuỳ hứng thú của bé mà học nhiều hoặc ít.)

Mình dạy theo lộ trình của sách giáo khoa lớp 1. Dạy con đánh vần từ dễ đến khó trong thời gian đầu.

4. Dạy mọi lúc mọi nơi mà không cần sách vở.

Trước khi đi ngủ mình hay nghe truyện cùng con, có khi nói chuyện và mình ghép vần cho con nghe. Khi nấu ăn mình cũng ghép vần cho con nghe như đang kể chuyện. Ở bất cứ đâu mình cũng có thể dạy cho con mình ghép vần học chữ. Thời gian trôi qua, con bé cũng hiểu ra quy luật gì đó nên việc ghép vần rất đơn giản với bé.

5. Khi bé quen, thành thạo với việc ghép vần thì có thể dạy xen kẽ bài mới mà không cần theo từng bài trong sách lớp 1.

Tạo cho bé sự thú vị khi học không theo lộ trình.

6. Nhẹ nhàng, kiên nhẫn khi dạy con tránh nổi giận.

Cảm xúc tiêu cực rất dễ lây lan và khi con thấy căng thẳng là học không được, chán không muốn học.

7. Có thưởng - phạt rõ ràng giúp bé học tốt nhất.

Vừa nghiêm khắc vừa yêu thương giúp con học tốt nhất.

8. Trao quyền cho con tự học.

Đây là giai đoạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho mẹ và bé thì phải vận dụng đầu óc để suy nghĩ ghép chữ.
Và như thế, việc dạy con đọc chữ trở nên nhẹ nhàng hơn với hai mẹ con. Cả hai tìm được tiếng nói chung khi học hành và phương pháp phù hợp giúp con vui vẻ hơn khi học, tiếp thu nhanh hơn.
Mình muốn lan toả phương pháp đơn giản này đến với những bạn có con nhỏ, những mẹ có em bé sắp bước vào lớp 1. Hi vọng mẹ và bé có thể tìm được tiếng nói chung, vui vẻ khi học chữ ghép vần nhanh, dễ dàng, tiết kiệm thời gian nhất. Con vui mẹ nhẹ nhàng.
------------------------------
Phú Trên Mây - Ảnh: pinterest - Designer: Diễm Phú.