Lưu ý:
1.Bài này có 2 lưu ý
2 .Vui lòng để gạch đá, giầy dép ở ngoài trước khi đọc. Tôi không có hứng xây nhà.
“Mục đích của giáo dục là để giúp học sinh thoát khỏi gông cùm của hiện thực, thế mà người trẻ giờ đang làm điều ngược lại, họ thay đổi bản thân để thích nghi với thực tại.” - theo Marcus Tullius Cicero - một trong những nhà hùng biện vĩ đại nhất La Mã
Có rất nhiều vấn đề ngay trước mắt mà không cần là những chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục chúng ta đều có thể nhìn ra. Hãy cùng xem những vấn đề đó là gì qua góc nhìn của một người trẻ, một sinh viên.
Đầu tiên, cũng có lẽ là nghiêm trọng nhất trong các vấn đề sắp được nói tới, chính là giáo dục tất cả mọi người theo một motip. Nền giáo dục bắt buộc mà đại đa số các quốc gia trên thế giới áp dụng có nguồn gốc từ châu Âu thời kì cách mạng Công nghiệp. Nó là một hình thức giáo dục hoàn hảo cho thời kì công nghiệp- thời kì cần rất nhiều lao động chân tay có trình độ giáo dục: nó là một công xưởng sản xuất hàng loạt lực lượng lao động chính quy, có tay nghề, biết đọc viết, tính toán cơ bản, hiểu biết cơ bản, tất thảy mọi người đều giống nhau về mẫu mã, tác phong, tư tưởng, thái độ, sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh - dù là cầm bút, cầm búa, cầm liềm hay cầm súng - để kéo cỗ máy công nghiệp khổng lồ mang tên quốc gia về phía trước.
Việc áp quá nhiều các môn học thuộc nhiều thiên hướng khác nhau vào dạy chả khác nào ép những đứa trẻ trở thành những con người hoàn hảo, văn võ xong toàn. Không thể phủ nhận như vậy là tốt, là giúp cho học sinh tìm ra điểm mạnh, đam mê của bản thân. Nhưng như vậy là không phù hợp, bởi chúng ta kiếm tìm câu trả lời cho câu hỏi “đam mê của bản thân là gì?” thông qua trải nghiệm thực tế, chứ không phải qua những môn học lý thuyết trên sách vở.
Nếu những tiết học khám phá bản thân trên lớp có tác dụng, tại sao có quá nhiều học sinh mất định hướng khi lựa chọn trường đại học, tại sao cụm từ “gap year” được ra đời?
Nói sơ qua một chút về “gap year”, thì nó có thể hiểu là thời gian “nghỉ giữa hiệp” kéo dài 6 tháng đến một năm, được hiểu là cơ hội để bạn trẻ rời bỏ sách vở, rời bỏ giảng đường quen thuộc để có thể thỏa trải nghiệm những điều bản thân mong ước. “Gap Year” không mang mục đích nghỉ dưỡng mà sẽ hướng các bạn trẻ theo đuổi các hoạt động có ý nghĩa phát triển bản thân, đem đến kinh nghiệm sống thực tế từ các hoạt động trải nghiệm đã định hướng từ trước, hoặc từ những dự án lâu dài mà bạn sẽ không có cơ hội thực hiện bởi quá nhiều vướng bận trong năm.
Trải nghiệm này đã được nhiều sinh viên Việt Nam biết tới và chọn lựa sau tốt nghiệp. Nên đối tượng gap year nhiều nhất là sinh viên cuối cấp 3, trước khi vào Đại học, lực lượng sinh viên tốt nghiệp Đại học nhưng chưa muốn bước chân vào thế giới của những người trưởng thành, hay thậm chí những bạn trẻ đang học đại học cũng có thể lựa chọn bảo lưu ngành học để gap year giữa chừng.
Gap year là cơ hội mà các bạn trẻ dùng để khám phá bản thân, tìm cho mình đam mê, đấy là hoạt động thực tế. Chứ rất ít người trong chúng ta tìm được đam mê qua những trang giấy.
Quay trở lại vấn đề của nền giáo dục công nghiệp. Chúng ta áp đặt quá nhiều môn học lên đầu học sinh và lấy tiêu chí đánh giá là những môn xã hội coi là quan trọng. Quan điểm này ăn sâu vào trong tư duy của cả thế hệ cha mẹ chúng ta. Chúng ta thường thấy một người giỏi toán sẽ được khen hơn là một người giỏi vẽ. Mặc dù trong thực tế, cả hai người này đều có sức lao động tương đương nhau. Thật buồn cười khi chúng ta dùng một quy chuẩn chung để đánh giá nhiều nhóm người, rồi cho rằng những người không đáp ứng được quy chuẩn chung đó là ngu dốt, ngu lâu khó đào tạo. Trên thực tế, việc đó giống như chung ta lấy quy chuẩn leo cây để đánh giá tất cả các loài động vật.
Tiếp đó là vấn đề bạo lực học đường. Đây vẫn là vấn đề nhức nhối xuyên suốt lịch sử của giáo dục. Chúng ta không thể tránh được sự phân chia bởi môi trường giáo dục là một xã hội thu nhỏ, và một xã hội phải có phân chia giai cấp. Bạo lực học đường cho tới nay chưa có giải pháp thỏa đáng. Ngày nay, bạo lực học đường thông qua tác động vật lý dần được thay thế bởi bạo lực ngôn từ, tấn công bằng tinh thần. Điều này vô cùng nguy hiểm. Bởi vết thương trên cơ thể thì còn có thể lành lại, nhưng tổn thương tâm lý thì mãi mãi là một vết hằn lớn trong trái tim.
Không thể hoàn toàn quy trách nhiệm cho nhà trường, nhưng tôi tin nhà trường phải có 1 trách nhiện nào đó trong việc giải quyết vấn đề này. Lắng nghe hoc sinh không phải chuyện dễ, nó đòi hỏi sự thấu hiểu, sự lắng nghe nên không thể đòi hỏi quá nhiều. Nhưng nhà trường chẳng phải cần có hành động hay sao. Chúng ta chưa thực sự lắng nghe được học sinh, có nhiều vấn đề học sinh không nói cho giáo viên, dẫu cho nó thuộc thẩm quyền của giáo viên, bởi vì họ biết giáo viên sẽ không giải quyết cho họ.
Ví dụ khi bị bạo lực ngôn từ, chúng ta tìm sự giúp đỡ như nào? Bạn bè thì không thể giúp đỡ quá nhiều, thậm chí có người còn bị cô lập hoàn toàn. Giáo viên thì chưa chắc sẽ dành thời gian lắng nghe. Chúng ta vẫn giữ 1 quan điểm rằng “có chuyện cỏn con thế mà không chịu được”. xin thưa rằng, thế hệ chúng ta không yếu đuối, chỉ là chúng ta chịu quá nhiều tác động tâm lý, và chúng ta thiếu kiến thức để bảo vệ bản thân mình.
Trường học đang dần mở các phòng tư vấn tâm lý học đường, nhưng hiệu quả nó mang lại chưa hề cao, một giải phát không mang tính khả thi thì chẳng khác gì khoe mẽ vẻ hào nhoáng bên ngoài mặc cho bên trong mục nát. Việc chia sẻ ẩn danh đã là xu hướng hiện nay cho các bạn học sinh sinh viên, vì họ biết có báo lên nhà trường, vấn đề của họ cũng không hề được giải quyết.
Vấn đề thứ 3 chính là việc giáo dục giới tính. Theo báo cáo, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất Đông Nam Á và đứng top 5 thế giới, trong đó 70% là ở tuổi vị thành niên. Đáng lo hơn, mỗi ngày tại trung tâm Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản Trung ương tiếp nhận khoảng 40 ca nạo phá thai, trong đó gần 20% là trẻ vị thành niên, tập trung chủ yếu từ 14-17 tuổi.
Mỗi năm có gần 300.000 ca phá thai, các em gái khi mang thai do xấu hổ nên giấu không cho gia đình và mọi người biết mà thường tìm đến các cơ sở y tế kém chất lượng, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng có thể gây vô sinh, thậm chí tử vong.
Một thực trạng đáng báo động, việc này là trách nhiệm từ cả 3 phía nhà trường, gia đình và xã hội. Nhưng chúng ta sẽ chỉ bàn tới trách nhiệm của nhà trường trong bài viết này. Chúng ta còn quá ngại trong việc giáo dục giới tính ở trường. Việc dạy úp úp mở mở khiến học sinh tò mò, và cái gì tò mò thì chúng sẽ tìm hiểu cho bằng được. Do ảnh hưởng từ cả gia đình mà lứa trẻ vẫn còn ngại ngùng khi nhắc tới vấn đề này và cho đó là một hành động xấu hổ. Nhưng nó vốn là bản năng của con người, chúng ta không thể kiềm chế nó, chúng ta chỉ có thể giáo dục nhận thức để nó không gây hậu quả đáng tiếc. Nhưng sự thật là có quá ít hoạt động giáo dục giới tính ở trẻ vị thành niên, những buổi trò chuyện cũng không có quá nhiều hiệu quả để giải quyết vấn đề này. Như đã nói, ảnh hưởng từ gia đình đã khiến các em cảm thấy tự ti khi nhắc về vấn đề này, vậy nên hãy thử công tâm mà suy nghĩ, liệu có mấy ai dám hỏi về vấn đề này trong cuộc hội thảo cả ngàn người ở trường.
Vấn đề tiếp theo là quá nhiều hoạt động phong trào nhưng không mang lại thay đổi gì. Về vấn đề này tùy từng trường sẽ có những minh chứng khác nhau. Nhưng tôi sẽ nhắc tới vấn đề của trường cấp 3 mà tôi từng theo học, mà ví dụ trong đó là hoạt động “thời trang bảo vệ môi trường” mà tôi từng nhắc tới trong một bài viết trước. Tôi sẽ để link bài viết thay vì trích dẫn vì bài viết còn dài.
Tiếp theo, chương trình học của chúng ta còn quá nặng. Cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã từng nói giới trẻ bây giờ học nhiều quá, không có kì nghỉ hè luôn. Điều đó là thực trạng đúng ở Việt Nam. Chúng ta đang lấy số lượng bù cho chất lượng. Nếu trước kia chúng ta có kì 1, kì 2 và nghỉ hè thì bây giờ chúng ta lại có kì 1, kì 2 và kì hè. Chúng ta học quá nhiều kiến thức, khiến cho nhiều người quá tải, chúng ta là con người, chúng ta cũng biết mệt, hoc suốt ngày từ 7h sáng cho tới 10h đêm rồi lại tự học, tôi tự hỏi có phải chúng ta đang tự giết mình bằng việc học hay không.
Tôi từng trông thấy những em bé cấp 1 đi học thêm tới tận 7,8h tối. Tôi tự hỏi cái quái gì đang diễn ra vậy, mới cấp 1 đã học như vậy thì lên cấp 2, cấp 3, chúng nó sẽ học thêm tới giờ nào đây. Việc học quá nhiều cũng gây ra những áp lực quá lớn cho học sinh, bằng chứng là nhiều vụ tự tử của học sinh đã xảy ra, chúng ta đã đau lòng, và chúng ta cần giải pháp.
Tôi xin trích dẫn lại một bức thư:
“Con rất xin lỗi vì hành động bồng bột của con đã hoặc sẽ làm. Thực sự thì cuộc sống cũng quá mỏi mệt rồi, Nó chẳng phải là suy nghĩ bột phát lúc nóng giận mà là con đã nghĩ đến việc này từ rất lâu chỉ là tiếc. Tiếc vì những suy nghĩ vu vơ làm thế sẽ không gặp may và cũng tiếc còn những người bạn, nhưng con game bỏ lâu rồi, còn bao bài nhạc chưa nghe. Không hẳn là cuộc sống của con khổ sở mà có thể chỉ là con tiêu cực quá, nhưng có ra sao thì kết quả vẫn vậy.
Chuyện này có lẽ chả phải lỗi của ai ngoài con cả, giãi bày nhanh thôi…”
Bên cạnh đó, trong bức thư tuyệt mệnh, nam sinh còn nói lên những uất ức áp lực chất chứa trong lòng bấy lâu nay của mình.
“Mẹ rất qua tâm nhưng luôn làm sai, luôn thái quá và dần anh mày chả còn thấy cái ích của việc chia sẻ khi mà ý kiến của mình chẳng thực sự quan trọng……Chào bố, một người dễ nóng. Thế thôi, chả bố cục, chả hay ho gì cả nhưng đây chắc là những dòng cuối. Tạm biệt .1/4 luôn đời như đùa vậy”
Sau khi bức thư tuyệt mệnh của nam sinh lớp 10 tại Hà Nội được đăng tải trên mạng xã hội đã khiến cộng đồng mạng không khỏi xót xa. Nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự đau xót và để lại bình luận trước sự đau lòng của nam sinh xấu số này cũng như bày tỏ một số quan điểm:
Buồn lắm mọi người. Xem video thấy lúc 3h30 sáng bé vẫn học hoặc bắt đầu học từ 3h30 sáng. Bây giờ bọn trẻ áp lực đủ thứ, nên phụ huynh đừng quá ép buộc tụi nhỏ nữa. Tuổi này nhạy cảm lắm, nặng lời là để bụng thôi. Không suy nghĩ được nhiều. Thương em thương ba mẹ em, nỗi đau sẽ dằn vặt mãi thôi.
Có thể thấy áp lực từ việc phải đạt được một thành tích tốt, có được một công việc tốt để được sống tốt đã chuyển dần từ tích cực sang tiêu cực.
“Từ 2019 trở về trước, chương trình giáo dục phổ thông chỉ có một bộ sách giáo khoa cho từng lớp. Sách hiện hành bắt đầu sử dụng từ 2002, chỉnh sửa qua từng năm nhưng cơ bản không thay đổi đáng kể. Do đó, học sinh phổ thông giai đoạn 2002-2019 có thể dùng lại sách của khóa trên.
Nhưng cơ chế "một chương trình, một bộ sách giáo khoa" đã thay đổi theo Chương trình giáo dục phổ thông mới và Luật Giáo dục 2019. Lần đầu tiên, Việt Nam triển khai "một chương trình, nhiều bộ sách". Bộ Giáo dục và Đào tạo từng giải thích, đây là cách làm của các nước có nền giáo dục phát triển, đa dạng hóa cách tiếp cận chương trình, thu hút nhiều người tài tham gia viết sách, khuyến khích chủ động, sáng tạo trong dạy học.
Năm 2020, sách giáo khoa của chương trình mới bắt đầu áp dụng cho lớp 1. Trong năm đầu triển khai, thẩm quyền chọn sách thuộc về các trường. Dựa vào danh mục sách thuộc 5 bộ đạt chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, trường học thành lập hội đồng, mỗi môn chọn một đầu sách.
Các sách được chọn không bắt buộc thuộc cùng một bộ. Nghĩa là, sách giáo khoa được dùng ở mỗi trường một khác. Những gia đình chuyển trường cho con giữa chừng hoặc có hai con học khác trường sẽ phải mua mới hoàn toàn, hoặc mua mới một số cuốn, thay vì kế thừa trọn bộ sách cũ như giai đoạn 2019 về trước” - theo báo Vnexpress.
Chúng ta thấy đấy, quá nhiều sách, chả biết nên học cái gì.
Câu chuyện tiếp theo, chính là việc phân bố tài nguyên giáo dục chưa đồng đều. Đa phần các trường tốt đều tập trung ở Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Còn ở những tỉnh khác, đếm sơ sơ cũng chỉ có một vài trường được coi là ổn. Điều này khiến cho lượng học sinh tập trung về các tp lớn nay càng đông đúc hơn. Sau cùng, những học sinh đó sẽ ở lại các tp lớn làm việc, gây nên tình trạng chênh lệch trình độ lao động cao
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến nay tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ của Việt Nam mới chỉ đạt trên 26% và có sự chênh lệch tương đối lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa lao động nam và lao động nữ.
Chất lượng lao lao động cũng có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng, tỷ lệ lao động động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ đạt cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (36,96%), tiếp đến là vùng vùng Đông Nam Bộ (28,34%), vùng Trung du và miền núi phía Bắc (25,99%), vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (25,75%); thấp nhất là 2 vùng Tây Nguyên (16,51%) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (14,61).
Việc phân bố tài nguyên học tập cũng vậy. Thật khó để một học sinh miền núi có thể tiếp cận ielts hay tin học hơn một học sinh đồng bằng. Đây là vấn đề khó khăn chung của xã hội và chúng ta cần tìm cách giải quyết điểm nghẽn này.
Vừa rồi là một số vấn đề của giáo dục rõ nét nhất nhất mà một sinh viên quan sát được. Xin cảm ơn và không nhận gạch đá.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất