Những trở ngại trong Thiền, hầu hết, đều có chung một nguyên lý, đó là sự bám chấp. Nguồn gốc của mọi trở ngại chính là bám chấp, sự khác biệt chỉ là đối tượng được bám chấp.
Vì thế, nếu bạn được có cơ hội tu tập với một người thầy, thì việc người thầy sẽ làm, chỉ đơn thuần là phá chấp cho bạn. Còn nếu bạn tu tập một mình, thì chỉ còn cách tự phải phá bỏ mọi chấp vướng của bản thân, tuy khó hơn nhiều, song không phải là không thể.
Hướng ngoại cầu huyền
Tôi có một số người bạn cũng tu tập thiền. Và rất dễ thấy chuyện họ thích theo đuổi những điều huyền bí, thích trải nghiệm cao siêu, thích khả năng ưu việt nào đó. Họ nói về những trường năng lượng, nói về các thế giới ở đâu đâu, giống như tu thiền là sẽ trở nên siêu việt hơn vậy.
Những khả năng đó, những điều thần bí đó, đối với tôi, quả thực là đã cạn kiệt sức lực để phản bác. Nên chỉ có thể nói đơn giản rằng đó không phải là hướng đi đúng. Tôi hiểu nguyên nhân vì sao người ta quan tâm như thế. Thời còn trẻ con, tôi cũng thường xuyên muốn mình trở nên một siêu anh hùng. Mong muốn trở nên ưu việt, có khả năng đặc biệt nào đó, hay có thể biến đến nơi an nhàn nào đó, là một mong muốn thâm căn trong mỗi người. Nên vì thế, tôi hiểu.
Việc phản bác hay đưa ra nguyên do cho thấy hướng này không ổn sẽ rất dài dòng, và với kinh nghiệm bản thân, có phản bác cũng không có tác dụng, cho nên, tôi sẽ không phản bác ở đây. Còn hiện tại, nếu bạn muốn theo đuổi một điều cao siêu nào đó, tôi chỉ có thể nói rằng "Bạn đã sai đường rồi !"
Sai mục đích
Một sự việc khác cũng dễ gặp, nhưng theo tôi thì nó dễ thương hơn là đáng phê phán. Đó là người ta học thiền để mong có thể chữa bệnh.
Nếu bạn đang không khoẻ, xin bạn vui lòng đến gặp bác sĩ, đó là điều tốt nhất tôi có thể khuyên bạn. Thiền, không phải là thứ giúp bạn có thể khỏi bệnh , nhưng nếu không tin, xin hãy cứ thử, bởi nếu bạn có thể theo đuổi thiền trong một thời gian dài để có thể thấy được tác động của thiền lên sức khoẻ mình, thì tôi nghĩ bệnh của bạn cũng không quá nghiêm trọng.
Ham muốn thành tựu
Một hệ quả khác của việc tập Thiền, đó chính là thành tựu. Nhiều người gặp tôi rồi chia sẻ, rằng họ thiền và thấy thế này, thế kia. Họ kể những điều đó như những thành tựu của bản thân, rằng họ đã đạt được gì đó khi Thiền. Đối với họ, những trải nghiệm đó rất có ý nghĩa. Có vẻ, con đường tới giác ngộ của họ sẽ không còn xa lắm. Hoặc chí ít, họ cũng có căn cơ nhất định nào đó thì mới đạt được như vậy.
Chúng ta theo đuổi Thiền cũng giống như theo đuổi nhiều thứ khác, tức đã làm, thì phải có gặt hái, phải có kết quả. Tuy nhiên, kết quả thực sự của Thiền, là bạn sẽ phải vứt bỏ hết cho đến khi không còn gì nữa. Vì vậy, việc đạt được một thành tựu nào đó trong Thiền, cũng giống như bạn uống nước muối vậy, nó chỉ làm cho bạn khát hơn thôi. 
Sa đà tranh luận
Còn một trở ngại hay gặp, tuy nhiên có lẽ tôi không nên coi đó là trở ngại của Thiền, bởi người ta có khi còn chưa thiền bao giờ, vì mải lo hơn thua trong chữ nghĩa.
Bản thân tôi cũng từng một thời thao thao bất tuyệt, tranh hơn thua chữ nghĩa với thiên hạ.
Nhưng cũng may mắn, qua thời gian, tôi đã học được cách im lặng khi thấy cuộc nói chuyện sẽ không đi đến đâu. Khi tôi học được rằng không phải ai mình cũng có thể giúp được. Học được cách buông bỏ cái sân si của mình. Và học được một điều rằng, chữ duyên vốn là thứ không thể cưỡng cầu.
Ảo tưởng giác ngộ
Một vấn đề khác, có phần nghiêm túc hơn, đó là chúng ta đã cho rằng mình giác ngộ. Rất nhiều lần trước đây tôi đều cho rằng mình đã giác ngộ. Song cũng nhiều lần nhận ra rằng, một lần giác ngộ, tức là một lần Vô Minh. 
Phải mất khá lâu để tôi có thể nhận ra, Giác Ngộ, là thứ không thể đạt được. Bạn hãy nhớ kỹ câu này, đây cũng là một yếu chỉ tu tập. 
Đừng vội phản bác nó, bởi khi bạn nghĩ câu này chưa ổn, thì thực ra chỉ là bạn chưa hiểu hết thôi. Và tôi cũng sẽ không giải thích rõ câu này ở đây, bởi nó sẽ tốt hơn khi bạn có thể tự  mình khám phá. 
Phản bác thì ko cần thiết, nhưng nghi ngờ thì có thể. Bạn hãy nghi ngờ điều này tôi nói, và hãy tự mình tìm hiểu nó. Khi bạn có thể thấu triệt được điều này, tôi chắc chắn mọi thứ sẽ thay đổi. 
Hiểu sai 
Phật giáo có một hệ thống từ ngữ riêng của nó, nó có lợi thế khi dùng để diễn đạt cho riêng nó. Tuy nhiên, nó cũng bất lợi ở chỗ nó khác với ngôn ngữ hiện đại của chúng ta. Nên khi một người tìm hiểu triết lý Phật giáo, anh ta dễ bị hiểu lầm ý nghĩa và rơi vào việc hướng ngoại cầu huyền. 
Thực sự có không nhiều người hoặc không có nhiều tài liệu có thể truyền đạt đúng thực ý nghĩa của Phật pháp cho chúng ta. Tôi không nói rằng Phật pháp được truyền tải sai lệch, mà là nó thường được truyền tải một cách cổ hủ, và không phải ai cũng có khả năng làm tươi mới nó. 
Mặc dù, Thiền là phương pháp tâm truyền tâm, không qua văn tự. Song khi bạn không có được người thầy, thì người thầy của bạn lại chính là văn tự. 
Tuy nhiên, vấn đề này chỉ có thể trông cậy vào cơ duyên của bạn với Phật pháp. Rằng bạn có đủ duyên để hiểu đúng hay không, hay có đủ duyên để gặp được người hiểu đúng và chia sẻ lại cho bạn hay không. 
Các vấn đề khác
Những vấn đề trên thường khó thay đổi, mặc dù chúng thường nằm ngoài những lúc Thiền tập. Còn trong khi thiền tập, vẫn còn rất nhiều chướng ngại khác, song chỉ cần bạn có đủ duyên, có đủ nhiệt thành và nỗ lực, hầu hết chúng đều có thể vượt qua. 
Cũng như mỗi người chúng ta đều sẽ có những chướng ngại riêng biệt, có người thì không đủ trí tuệ, có người thì không đủ nỗ lực, có người thì không đủ kiên trì, có người thì chấp vướng nặng nề. Thành thử, sẽ rất tốt nếu bạn có thể có một người hướng dẫn trong tu tập, mặc dù tôi lại là người thích tự mình tìm hiểu.