Trong quá trình tu tập, thông qua kinh sách cũng như kinh nghiệm tu tập của bản thân, mình có những phương pháp thực tập cho bản thân. Song, sau một số nơi mình chia sẻ về tri kiến trong tu tập, thì chợt thấy Spiderum có vẻ là nơi khá ổn để chia sẻ. Nên mới nảy ra ý tổng hợp và hệ thống lại các phương pháp này để chia sẻ với mọi người, hy vọng là có thể giúp ích cho những ai muốn tu tập Thiền. 
Đây chỉ là những phương pháp của cá nhân mình đúc kết được, nên nó thiên về trải nghiệm cá nhân, không phải là một cách thức chính thống gì. Cũng như mình sẽ không đề cập nhiều đến lý thuyết ở những bài này. 
Lưu ý:
Dù là phương pháp nào đi nữa, các bạn cũng phải hiểu rằng tất cả đều cần sự kiên trì thực tập trong một thời gian không ngắn thì mới có thể có sự thay đổi. 
Tốt nhất là bạn nên thực hành các phương pháp mọi lúc mọi nơi, bất cứ khi nào bạn nhớ đến. Hoặc nếu tốt hơn, các bạn có thể tạo những reminder để nhắc nhở bản thân thực hành như một thói quen. Trên điện thoại có những phần mềm Habit có thể giúp được điều này. 
Các bạn có thể thực hành mỗi phương pháp theo từng ngày, từng tuần, hay từng tháng tùy ý. Chỉ cần thường xuyên thực tập là được. 

1. Chỉ 3 hơi thở - Thân
Thở là phương pháp căn bản nhất của Thiền, và chúng ta lúc nào cũng thở. Vì thế, hơi thở là một đối tượng lý tưởng để chúng ta thực hành Thiền. 
Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, dù đang làm gì đi nữa, nếu có thể, các bạn hãy tạm ngưng một lúc và quan sát hơi thở của mình. 
Hít vào, thở ra, 1. Hít vào, thở ra, 2. Hít vào, thở ra, 3. Các bạn không cần phải tốn quá nhiều thời gian để làm việc này, nó chỉ mất vài giây thôi. 
Trong lúc thở, trước tiên các bạn hãy tập thả lỏng. Hãy cứ coi như đây là một dịp để bản thân được xả hơi trong một lúc ngắn. Sau đó, các bạn hãy tập quan sát. Trước tiên là quan sát mũi của mình, cảm nhận điều gì đang xảy ra ở mũi trong lúc thở. Rồi sau đó có thể đến bụng phồng xẹp, hoặc quan sát bản thân hay công việc mình đang làm khi đó. 
Các bạn cũng không cần thiết chỉ cố định ở 3 hơi thở, có thể là 5, 10, hay 20... tùy vào tình hình của các bạn. Nếu bạn cảm thấy 3 hơi thở vẫn chưa đủ khiến bạn nhẹ nhàng hơn, thì hãy đếm đến 5 hoặc 10. 
Cũng không cần quy định phải thở dài ngắn ra sao, hãy cứ tự nhiên và tùy ý. Đây là lúc bạn thả lỏng, nên không cần phải cố làm gì cả, chỉ cần thở, và cái cần quan tâm chỉ là biết mình đang thở, thế thôi. 
Sự thực hành này có tác dụng khiến bạn định tĩnh lại. Các phương pháp của mình sẽ xoay quanh hai tác dụng là làm chúng ta định tĩnh hơn hoặc sáng suốt hơn hoặc cả hai. 
Vì vậy, bất cứ khi nào, hãy biết mình đang thở, chỉ ba hơi thở là được. 
2. Để ý đến trọng lượng - Thân 
Một đối tượng khác mà chúng ta có thể quan sát, chính là trọng lượng. 
Chúng là những cảm giác của sức nặng trên cơ thể ta, là cảm giác khi chân ta chạm với mặt đất. Mông ta chạm với ghế ngồi, hay cơ thể ta chạm với mặt nệm/ đất.v.v.. Hãy quan sát sức nặng cơ thể mình khi tiếp xúc với mọi thứ xung quanh. 
Nếu tinh tế hơn, bạn cũng có thể quan sát các bộ phận khác đang tương tác với sức nặng ra sao. Chẳng hạn như đôi tay đang vung vẩy ra sao khi bạn đi, hoặc sức nặng của lưng trong các tư thế ngồi, hay khi bạn đặt tay tựa vào đồ vật nào đó. v.v... 
Thời gian quan sát không quá cố định, các bạn có thể kết hợp với cách thở ở trên. Điều quan trọng là bạn có thể khám phá cái mới, và hiểu hơn về bản thân mình. 
Hãy khám phá những trải nghiệm này như một trò chơi, nếu được bạn có thể cử động nhẹ để quan sát sự thay đổi về trọng lượng ra sao ở cơ thể mình. 
Bài thực tập này cũng có tác dụng giúp ta định tĩnh lại và gia tăng sự chú tâm. Đây cũng sẽ là tiền đề cho những bài thực tập khác phức tạp hơn về sau. 
3. Im lặng 5 giây - Khẩu
Bài thực tập này cũng có thể kết hợp với hơi thở. Hãy biết rằng bạn có thể kết hợp nhiều cách thực tập lại với nhau khi đã thuần thục. 
Người ta mất 3 năm học nói, nhưng có thể mất cả đời để học im lặng. Ở đây các bạn có thể khởi đầu thực hành sự im lặng, nó không cần quá lâu, chỉ cần 5 giây, hoặc 3 hơi thở thôi. 
Nhất là khi bạn có ý định muốn buột miệng nói gì đó, hãy ngưng một lúc và quan sát cái mình định nói. Hoặc thậm chí khi bạn muốn comment hay chat gì trên mạng, hãy cứ ngưng một chút và xem xét lại ý định của mình. 
Các bạn có thể xem xét rằng ta có cần nói ra hay không, hay nói thế nào cho ổn. Nhưng thực ra thì, theo kinh nghiệm bản thân mình, đa phần chúng ta không cần nói quá nhiều đâu. :) Hãy để người khác thắc mắc với ta rằng tại sao ta quá kiệm lời, còn hơn là để họ cho rằng ta là kẻ nói lắm. 
Cách thực hành này nếu thực hành thường xuyên, sẽ đem đến cho bạn sự sáng suốt. Cũng như bạn sẽ có thêm thời gian xem xét vấn đề sâu sắc hơn thay vì chỉ để suy nghĩ của mình chưa kịp kiểm soát thì đã chạy ra đằng tay hay mồm. 

4. Nghiên cứu sự khó chịu - Ý
Có khi nào các bạn ngứa nhưng thay vì gãi, bạn để im và quan sát chưa ? Đây là một trong những thực tập rất thú vị, và cũng là một trong những thực hành làm tiền đề cho những thực tập phức tạp hơn. 
Và cũng rất đơn giản, bạn hãy quan sát những sự khó chịu, cơn ngứa, đau (nhẹ), sự nhức mỏi, hay một cảm giác khó chịu nào đó bất kỳ. 
Đừng vội phản ứng lại, mà hãy cố gắng quan sát sự khó chịu. Như thể bạn đang cố thi xem giữa bạn và sự khó chịu thì ai lì lợm hơn. Và nếu bạn có thể trụ tốt, quan sát được sự khó chịu của mình trong một thời gian đủ lâu, chắc hẳn bạn sẽ thấy được sự thay đổi. 
Tuy nhiên, một trong những khó khăn của các bài thực tập thiên về Ý, là bạn không nên có tâm lý kháng cự hoặc cố chịu đựng. Tâm lý đối kháng nói chung sẽ không giúp bạn có cơ hội thấu hiểu. Vì thế, bạn hãy để bản thân đón nhận mọi thứ, và ở đây là hãy cố gắng đón nhận sự khó chịu này. 
Không muốn thay đổi, cũng không cần vội vàng xử lý, hãy cứ thoải mái, quan sát, như thể nó là một người bạn thân xấu tính của mình vậy. Bởi khi bạn có thể chấp nhận thì bạn mới có khả năng thấu hiểu. 
Thực tập này đem lại cho bạn sức chịu đựng, lòng kiên nhẫn, sự chú tâm, cũng như sự sáng suốt khi bạn thấu hiểu được bản thân mình hơn. 
Tạm hết phần 1

Các bạn hãy thử thực tập trong một thời gian, nếu bạn nào có thắc mắc hay tiến triển gì, đừng ngại cmt hoặc inbox :)