Khi một mối quan hệ vừa bắt đầu, cả hai bên đều thể hiện con người tốt đẹp nhất của mình. Nhưng khi hiểu nhau nhiều hơn, một trong hai người sẽ không tránh khỏi vài hành vi khiến người kia khó chịu. 
Khi những cơn ức chế được nhận ra sớm, sẽ không bên nào phải vướng vào cảnh đè nén cảm xúc của mình. Nhưng nếu sự khó chịu bị để mặc, nó sẽ tự phát triển, trở nên nghiêm trọng hơn lúc đầu rất nhiều, và sẽ dẫn đến nhiều vấn đề chồng chéo. 
Giả sử, bạn của bạn là người thường xuyên nói giỡn về cân nặng, điều đó khiến bạn khó chịu. Nhưng mỗi lần như thế, bạn thường không nói gì. Cho đến một ngày, khi cơn ức chế bị dồn nén và sự tức giận lên đến đỉnh điểm, một “cuộc chiến” sẽ nổ ra chỉ vì những lần nói giỡn đây bạn đã im lặng cho qua.
Sách Kết Nối: Ứng dụng IQ và EQ để xây dựng mối quan hệ sâu sắc
Sách Kết Nối: Ứng dụng IQ và EQ để xây dựng mối quan hệ sâu sắc
Không phải bạn bè thân thiết là có thể “nói giỡn” mọi thứ!
Vì thế, nếu như bạn thích nói đùa, hãy hỏi vài người hiểu rõ về bạn để xem khi nào sự hài hước của bạn có hiệu quả và khi nào thì không. Hãy hỏi chi tiết về những lúc bộc phát ấy vì có thể bạn không thể kiểm soát được chúng.
Ngoài ra, hãy lưu ý ai là người thích đùa nhưng lại khiến bạn phiền lòng? Nguyên nhân có thể là vì đó là những câu nói đùa nhạt nhẽo, hoặc thậm chí bạn cảm thấy họ đang bị “kém duyên”. Nó không gây ra vấn đề lớn nhưng nó khiến bạn cảm thấy bất an và không thể gần gũi họ như bạn muốn. Hãy cố gắng vạch ra chiến lược để có thể nói ra những cảm xúc này và thực hiện chiến lược đó.
Có thể bạn chưa thể nhìn thấy ngay hiệu quả của những gì mình thực hành. Điều quan trọng nhất là bạn (và người kia) học được gì từ chúng, bao gồm những kỹ năng bạn đã phát triển trong quá trình hai bạn đối diện và giải quyết vấn đề.
Hãy tìm cách nói ra những ức chế của mình 
Mọi người thường lần lữa trong việc nói ra sự ức chế của mình, bởi họ sợ điều đó sẽ khiến họ trở thành kiểu người dễ tự ái và hay tính toán trong mắt người khác. Bạn có lẽ đã gặp một số người dễ mích lòng chỉ vì những điều nhỏ nhặt, và bạn không muốn trở thành họ. Hoặc bạn nghĩ: Đơn giản là chẳng đáng. Đôi khi suy nghĩ này đúng, nhưng đôi khi, nếu đào sâu hơn, bạn sẽ thấy điều khiến bạn phiền lòng là điều quan trọng với bạn hơn bạn tưởng. 
Nhiều người ngại nói ra cảm giác ức chế, bởi họ không muốn khiến vấn đề trầm trọng thêm. Liệu lời phàn nàn của bạn có khiến người kia phản kháng? Liệu nó có làm dấy lên một loạt vấn đề khác nữa hay không? Hay bạn đang cố gắng kìm chế bởi bạn cho rằng việc nói ra sẽ khiến mối quan hệ này đổ vỡ? 
Lý do cuối cùng khiến chúng ta từ chối nói lên cảm xúc ức chế là vì ta mặc định người kia không cố ý gây hại. Chúng ta nghĩ: Nếu họ không cố tình, có lẽ chúng ta không nên cảm thấy phiền? Khi bạn cảm thấy ức chế với hành động của ai đó, hãy tự hỏi mình rằng: Liệu sự ức chế này có ở lại với mình không? Chúng có liên kết với vấn đề nào khác không? Mình sẽ đợi để gây chiến vì một chuyện cỏn con hay là nói ra ngay bây giờ?
Khi sự ức chế bị bỏ mặc, chúng sẽ phát triển và trở thành cảm giác đè nén. Và cảm giác đè nén thì phức tạp hơn nhiều, bởi ngoài việc gia tăng sự phẫn nộ, nó còn lôi bạn vào những câu chuyện tưởng tượng đầy tiêu cực về người kia. Khi sự ức chế trở thành cảm giác bị đè nén, chúng ta thường tự tưởng tượng ra nhiều câu chuyện với đầy những giả định tiêu cực.
Vì thế, hãy luôn cố gắng để tìm cách nói ra những ức chế của mình và đừng để nó bị dồn nén.
Sự “Cứng rắn” quan trọng như thế nào trong các mối quan hệ?
Trong quyển sách “Kết Nối: Ứng dụng IQ và EQ để xây dựng mối quan hệ sâu sắc” có viết: “Cứng rắn với người thân của mình là điều rất khó, bởi ta thường sợ mất đi mối quan hệ tốt đẹp với họ. Nhưng hành động thiếu cứng rắn cũng bao hàm không ít rủi ro.”
Nếu bạn là ông bà, có thể bạn sẽ mệt mỏi vì lúc nào cũng bị nhờ vả chuyện trông cháu, nhưng bạn không muốn đánh đổi mối quan hệ gần gũi với con cái mình. Phụ huynh lớn tuổi có thể lái xe không an toàn, và các anh chị em muốn bạn là người nói với cha/mẹ, để cha/mẹ ngừng lái xe. Một người bạn muốn mượn tiền nhưng bạn không cảm thấy thoải mái khi đồng ý. Tuy nhiên bạn vẫn muốn giữ gìn tình cảm thân thiết với người này, bạn phải làm gì đây?
Vì vậy, sự cứng rắn cũng chính là điều đặc biệt cần thiết trong việc tiếp nhận phản hồi. Để nghe người khác nói về những hành vi đang gây phiền phức của bạn không phải chuyện dễ. Chỉ vì bạn có mối quan hệ đặc biệt với ai đó không có nghĩa là bạn được tham gia vào mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ.