Tiếng Nhật và tiếng Việt có đặc điểm chung là vay mượn khá nhiều từ ngữ, thành ngữ, điển cố từ tiếng Hán. Chữ Hán là thứ chữ tượng hình, khó viết khó vẽ, số lượng vô cùng nhiều nên khó nhớ hết. Vậy nên dùng chữ Hán để ghi lại ký sự khoa học thì bất tiện lắm thay.
Tiếng Việt có cái may mắn là rất phù hợp với ký âm La Tinh. Ngày nay người Việt không còn dùng chữ Hán nữa mà chuyển sang dùng ký tự La Tinh để diễn tả âm của chữ, cực kỳ thuận tiện cho việc truyền đạt, học hành. Người Nhật cũng đã từng tính đến chuyện bỏ chữ Hán, nhưng không thành công do đặc trưng của tiếng Nhật. Nếu không viết chữ Hán thì tiếng Nhật chẳng khác gì viet tieng Viet ma khong bo dau.
Tuy nhiên, cái may của tiếng Việt lại là cái không hay. Chính vì dễ đọc, dễ học, chỉ mất một tuần để học quy tắc ráp vần là có thể đọc làu làu mọi kinh điển sử sách nên không nhiều người, cả đời không giở quyển từ điển tiếng Việt ra bao giờ. Hẳn là không nhiều người Việt sở hữu từ điển quốc ngữ trong nhà, dù có thể có từ điển XXX-Việt. Chính vì vậy nên nhận thức, mức độ hiểu của người Việt đối với tiếng Việt ngày càng kém đi và lệch lạc so với từ điển. Dẫu biết đặc tính của ngôn ngữ là biến đổi theo thời gian, nhưng một quốc gia cần phải có quy chuẩn. Từ điển chính là quy chuẩn trong cách dùng từ, hiểu nghĩa từ. Do ít người Việt chịu giở từ điển tiếng Việt ra xem, nên người Việt ngày càng đi xa lệch khỏi ngữ nghĩa của tiếng Việt so với chuẩn mực của từ điển.
Ngược lại, vì tiếng Nhật khó nhớ khó viết, nếu không tra từ điển/tự điển thì lắm khi không thể đọc/hiểu được chữ đó có nghĩa gì, đọc ra sao cho nên hầu hết mọi người Nhật đều có từ điển quốc ngữ trong nhà. Nếu không phải là bản giấy thì cũng là bản điện tử. Vì vậy nên ở mức độ nào đó, độ hiểu của người Nhật đối với tiếng Nhật tốt hơn độ hiểu của người Việt đối với tiếng Việt. Nói cách khác thì sự học tiếng Việt của người Việt đối với tiếng Việt có thể nhanh, nhưng không sâu không rộng.
Có lẽ vì người Việt ít để tâm đến việc ghi lại tiếng nói của dân tộc mình mà ít thấy từ điển tiếng Việt chăng? Ngoài từ điển của cụ Thanh Nghị, Hoàng Phê, Hồ Ngọc Đức thì bút giả chưa thấy cuốn từ điển tiếng Việt khác. Trong khi đó thì số lượng từ điển quốc ngữ của tiếng Nhật có khá nhiều, từ cổ đến nay thấy khá nhiều. Dưới đây liệt kê một số từ điển quốc ngữ tiếng Nhật.

Từ điển quốc ngữ Nhật Bản trước thời cận đại

Theo "Nhật Bản thư kỷ" (Nihon shoki /日本書紀), cuốn sách lịch sử đầu tiên của nước Nhật được viết vào thời Nara (hoàn thành năm 720) thì cuốn từ điển đầu tiên do người Nhật biên soạn là cuốn "Tân tự" (Shinji /新字) vào năm thứ 11 dưới thời Thiên hoàng Temmu (682 Tây lịch). Sách chép: (lược bỏ đoạn đầu) "tháng 3 năm bính ngọ, ngài lệnh cho bọn Sakaibe no Iwatsumi (quý tộc thời Asuka) chấp bút viết một bộ tân tự gồm 44 cuốn". Tuy nhiên không rõ nội dung của cuốn "Tân tự" nên không rõ biết thực hư chuyện này ra sao.
Từ điển tiếng Nhật cổ nhất còn giữ được đến ngày nay là bộ "Triện lệ vạn tượng danh nghĩa" (Tenrei banshō meigi /篆隷万象) được cho là của nhà sư Không Hải (Kūkai /空海 - ông tổ Phật giáo Mật tông Nhật Bản), được lưu giữ ở Cao Sơn tự (Kōzan-ji /高山寺) và được chỉ định là quốc bảo. Bộ này gồm 30 cuốn, khoảng 16000 chữ và phần mở đầu ở cuốn 1 có viết: "Đông Đại tự sa môn đại sư Không Hải tuyển". Chữ "triện" và "lệ" trong tên gọi của bộ từ điển này là tên 2 lối viết trong số nhiều cách viết chữ Hán (triện, lệ, khải, hành, thảo). Bộ từ điển này được thành lập trước năm 835, gồm danh sách các chữ Hán, bên cạnh có ghi chú thích bằng Hán văn. Thời gian sau đó, có thêm một số bộ chua nghĩa bằng Hòa văn (tiếng Nhật) như "Tân tuyển tự kính" (新撰字鏡 - 892 ~900), "Hòa danh loại tụ sao" (和名類聚抄 - 934), "Loại tụ danh nghĩa sao" (類聚名義抄 - cuối thế kỷ 11), "Sắc diệp tự loại sao" (色葉字類抄 - thế kỷ 12).
Đến thế kỷ 15 thì thịnh hành loại từ điển gọi là "Tiết dụng tập" (節用集) ghi lại những từ ngữ thường nhật theo thứ tự Iroha và phần những cuốn từ điển này vẫn còn được giữ cho đến ngày nay.
Trong thời Momo Azuchi ~ thời Edo còn thấy có "Nhã ngôn tập lãm" (雅言集覧) của Ishikawa Masamochi, "Lý ngôn tập lãm" (俚言集覧) của Ōta Zensai, "Hòa huấn san" (和訓栞) của Tanikawa Kotosuga".

Từ thời cận đại cho đến nay

Một đặc điểm của từ điển tiếng Nhật từ thời cận đại trở đi là ở tên gọi. Tên của các loại từ điển từ thời kỳ này trở về sau thường có các chữ "hải" (biển), "uyển" (vườn), "tuyền" (suối), "sâm" (rừng). Ý chỉ ngôn từ như khu vườn, như đại hải, như sông suối, như khu rừng. Tính từ năm Meiji thứ 25 (1892) cho đến nay, đã có khoảng 40 bộ từ điển tiếng Nhật được xuất bản, chia làm 3 cấp độ: tiểu, trung, đại (tính theo số lượng từ vựng). Dưới đây liệt kê một vài bộ từ điển chủ yếu, được biết đến rộng rãi. Mỗi bộ từ điển đều có đặc trưng riêng.
+ Jikai (辞海/từ hải: biển ngôn từ) của học giả Kinda-ichi Kyōsuke, do Sanseidō xuất bản năm 1947, được giới giáo viên quốc ngữ đánh giá cao. Nay đã tuyệt bản.
+ Kōjien (広辞苑/quảng từ uyển: khu vườn ngôn từ rộng lớn): từ điển quốc ngữ phổ thông nhất, bán chạy nhất Nhật Bản. Do Shimmura Izuru biên soạn, Iwanami shoten xuất bản từ năm 1955, trải qua nhiều phiên bản. Đây là từ điển cấp độ trung, phiên bản mới nhất tính đến năm 2020 là phiên bản thứ 7, có khoảng 200.000 từ. Kōjien có khá nhiều hình ảnh minh họa, câu ví dụ để giải thích cho từ ngữ thường lấy từ điển tích, điển cố văn chương, cổ văn.
+ Daijirin (大辞林/đại từ lâm: khu rừng ngôn từ to lớn): từ điển cấp độ trung do Matsumura Akira biên soạn, Sanseidō xuất bản từ năm 1988. Daijirin thiên về cách giải nghĩa từ bằng Nhật văn hiện đại.
+ Nihongo Daijiten (日本語大辞典/Nhật Bản ngữ đại từ điển): từ điển cấp độ trung do Umesao Tadao và Kinda-ichi Haruhiko biên soạn, Kōdansha xuất bản năm 1989. Vừa là từ điển quốc ngữ, vừa mang cốt cách của bách khoa toàn thư là đặc trưng của bộ này.
+ Nihon Kokugo Daijiten (日本国語大辞典/Nhật Bản quốc ngữ đại từ điển): từ điển quốc ngữ duy nhất có cấp độ đại, do Shōgakukan xuất bản. Phiên bản đầu tiên (1972~1976) có khoảng 450.000 từ, gồm 10 cuốn. Phiên bản thứ hai (2000~2002) có khoảng 500.000 từ, gồm 13 cuốn. Bộ này do Matsui Shigekazu biên soạn, có hầu hết từ ngữ trong các lãnh vực.
+ Meikyō Kokugo jiten (明鏡国語辞典/Minh kính quốc ngữ từ điển): từ điển cấp độ tiểu, do Kitahara biên soạn, Taishūkan shoten xuất bản từ năm 2002. Đặc trưng của bộ này là giải thích khá kỹ về văn phạm. Chẳng hạn, phần giải thích trợ từ "ga" (が) chiếm hơn một trang giấy. Một đặc trưng khác của bộ này là có cả những từ thô tục, tiếng lóng mà nhiều từ điển chính quy khác không có.

Về cách xếp từ theo vần thì trước đệ nhị thế chiến, có từ điển xếp theo vần Iroha, nhưng từ sau đệ nhị thế chiến thì hầu hết từ điển đều xếp theo thứ tự 50 âm (a, i, u, e, o). Có một số từ điển ghi cả dấu nhấn phát âm, như Nihon Daijisho (日本大辞書). Có loại thì dùng những câu trong tác phẩm văn học để làm ví dụ giải thích mục từ như Gakken Kokugo Daijiten (学研国語大辞典). Loại có loại như Nihon Daijiten Gensen (日本大辞典 言泉) còn có cả những mục từ phổ thông thời Taishō.



Từ điển Kōjien phiên bản thứ 4.



Từ điển Kōjien phiên bản thứ 7.