Đây là vài lời tâm sự mỏng cùng các bạn trẻ đang ở độ tuổi 16 đến 24 và cũng dành cho chị trong quá khứ. Mọi thông tin trong bài viết đều đến từ kinh nghiệm cá nhân của chị. Mong rằng sẽ giúp đỡ được phần nào cho hành trình phát triển sự nghiệp cũng như phong cách sống của các em!
Các em thân mến, 
Việc “học” mà chị đề cập tới trong bài viết này không chỉ xoay quanh nhà trường, mà khái niệm này sẽ bao trùm nên nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Chị hiểu rằng mọi thông tin trên mạng đều chỉ nên tin 50% và việc áp dụng sẽ tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người. Những thông tin mà chị đưa ra sau đây cũng không phải ngoại lệ nhưng chị tin rằng ai đó, ở đâu đó sẽ sử dụng được những kiến thức này. Và dù chỉ một người áp dụng được những gì chị chia sẻ thì đó cũng đã là niềm vui của chị rồi! 
Vì sao chị lựa chọn viết cho những bạn đang ở tuổi 16 đến 24? Bởi đa số chúng ta đều trải qua quãng đời đó. Đây là khoảng thời gian biến chuyển và chông chênh bậc nhất trong cuộc đời của chúng ta. Đó là khi ta bước từng bước trên những nấc thang của sự trưởng thành. Khi ấy, có người đi học nghề và đi làm luôn, cũng có người học từ cấp ba đến đại học; có người rạo rực với những thách mới mỗi ngày và có những người “Lòng đã chết khi chưa đến tuổi 25”. 
Chị chưa từng sống hay học tập tại nước ngoài nên chị không hiểu văn hoá của họ. Vậy nhưng với kinh nghiệm 27 năm sống tại Hà Nội, Việt Nam; trong một gia đình truyền thống nghiêm khắc thì chị khá tự tin để nói rằng “Chị hiểu rất nhiều người trong số các em.” Chúng ta đã trải qua một công thức cuộc sống khá tương đồng đấy! Chị những tưởng giới trẻ bây giờ đã được định hướng tốt hơn thời của chị nhưng chị đã lầm. Hành trang ra cuộc đời của các em, nếu không kể tới những bạn được gia đình thực sự nâng đỡ, thì vẫn như một tờ giấy trắng. Dù học cao đẳng, đại học; trường tốt hay trường bình thường thì xuất phát điểm của các em cơ bản vẫn giống nhau. 
Và với kinh nghiệm ít ỏi, chị hiểu rằng các em đang không có môi trường để “học” cho đã đời trước khi bước vào những giai đoạn khốc liệt trước mắt. Chị sẽ chia sự “học” ra thành những phần như sau: 

Học kiến thức: 

Đây là một nền tảng quan trọng để các em phát triển trong chặng đường kiếm sống. Nếu không có kiến thức, hiển nhiên, việc kiếm một công việc ổn định là khó vô cùng! Các em đừng hiểu nhầm kiến thức ở đây là cắp sách tới trường hay ngồi nhà đọc báo, nghe bài giảng là có được nhé. Kiến thức nằm ở mọi ngóc ngách trong cuộc sống này. Người đi chợ nhiều sẽ biết mua cái gì ngon mà vừa túi tiền lại bổ béo nhất. Người thợ xây làm nhiều sẽ biết được thời điểm nào thuận lợi nhất để làm những công đoạn cho ngôi nhà. Lần đầu làm cha mẹ, ai cũng cần phải học kiến thức mới, thử rồi có thể sai, sau đó mới thành kinh nghiệm truyền lại cho đời sau. 
Mọi sự trải nghiệm đều mang đến kiến thức mới. Dẫu biết chúng ta khó có thể học được kiến thức của nhân loại, nhưng hãy trải nghiệm thật nhiều để hiểu được sâu rộng nhất mà ta có thể. Không ai có quyền hối thúc các em hãy làm này làm kia, chỉ chính các em mới có đủ khả năng để lên kế hoạch cho đời mình. Mỗi con người là một “tiểu vũ trụ”, chúng ta có dòng thời gian riêng, đừng quá để tâm đến những gì người khác giục giã. Suy cho cùng, họ cũng đâu thể đồng hành được với chúng ta nhiều bằng chính chúng ta đâu.  

Học tôn trọng: 

Vạn vật quanh ta đều có sự khác biệt mà chúng ta cần hết sức thấu đáo trước khi buông lời nhận xét. Bởi biết đâu, lời nói mà ta vô tình thốt ra - đối với họ - lại là phán xét, là sỗ sàng, là giả tạo. Nếu “kiến thức" của chúng ta đối với người và vật đó là chưa đủ, thì tốt nhất, chúng ta hãy ôn tồn với họ trước. Đương nhiên rằng có những hành động không đáng tôn trọng, có những người mất đi nhân tính nhưng tốt nhất là nếu không phải việc của mình thì không quan tâm quá sâu. Trước khi nói, hãy thử nghĩ xem lời đó nói ra thì có tác dụng tích cực nào không và có thay đổi được điều gì hay không? Nếu đó thực sự là một lời nói có dụng ý tốt và không làm tổn hại đến thanh danh của ai thì hãy nói ra với thái độ tôn trọng và điềm tĩnh nhất có thể. 
Đó là nói về người khác, còn về bản thân thì sự tôn trọng sẽ thuộc về giới hạn mà các em đặt ra. Các em có quyền nói “Không" nếu cảm thấy đang bị đe dọa về giới hạn. Thế nhưng, đừng quên đánh giá mọi khía cạnh trước khi từ chối bất kỳ người, vật, việc nào; liệu họ đó có xứng đáng để mình phải loại bỏ khỏi cuộc sống hay không. Trong thời gian các em còn phân vân, hãy nhớ sử dụng một thái độ thật khách quan và chân thành nhất, lịch sự với người khác chính là tôn trọng chính mình mà. Một khi các em đã quyết định rời bỏ một người, nơi hay sự vật nào đó thì không có nghĩa rằng các em không bao giờ được quay lại với họ. Thế nhưng, hãy quay lại khi và chỉ khi các em biết rằng mình và / hoặc họ đã là một phiên bản mới, đã giải quyết được mọi khúc mắc trong quá khứ. Có như thế thì chúng ta mới hoà thuận và cùng nhau tốt lên từng ngày được. 

Học yêu thương:

Tình yêu vốn dĩ là thuộc về phạm trù cảm xúc, chúng ta khó lòng mà điều khiển được nó. Thế nhưng, nếu các em đã có kiến thức và sự tôn trọng thì chắc chắn các em sẽ yêu thương đúng cách. Không có một công thức nào cho tình yêu cả, mỗi người có hành trình riêng mà. Để bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương, điều các em cần làm không phải trốn chạy khỏi những mối nguy hiểm, hãy thử tiếp xúc trước xem sao nhé! Dành thời gian và công sức để “tìm hiểu" nhau một cách chừng mực là phương pháp tốt nhất chúng ta có thể làm để dần yêu thương và được yêu thương. 
Ở mỗi giai đoạn của một mối quan hệ sẽ có những ranh giới mà chúng ta khó có thể vượt qua. Mỗi con người hay con vật đều có cá tính và hành trình phát triển riêng nên một tình cảm cân bằng tuyệt đối là điều khó để có được ngay cả khi chúng ta đã ở trong một mối quan hệ lâu năm. Vì thế, nếu các em không yêu thương và bảo vệ chính bản thân thì rất nhanh thôi, cơn lốc cảm xúc sẽ cuốn các em đi. Hãy luôn giữ cho mình một cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Chị biết là điều khiển cảm xúc không dễ, nhưng vì thế thì chúng ta mới phải học, nhỉ?

Học kiên cường:

Cuộc đời có đầy rẫy những biến số và con người bé nhỏ không bao giờ điều khiển được. Thay vì ủ ê suốt ngày vì những điều không được như mong muốn thì chi bằng chúng ta hãy chuẩn bị tinh thần cho những sự việc sắp tới. Ở đời, không ai biết được chữ ngờ, có thể hôm nay là một ngày tồi tệ nhưng ngày mai sẽ mang lại một niềm vui khôn xiết. Điều xinh đẹp nhất mà tạo hoá cho chúng ta chúng là một linh hồn khoẻ mạnh. Ý chí là thứ nên được rèn dũa thường xuyên để chúng ta sống thật tốt dù có bao sóng gió xảy ra. 
Chị không nói đến sự tích cực độc hại. Nếu các em buồn, thất vọng, chán nản thì hãy cứ “học" nó cho đến khi nào có thể. Bởi nếu chúng ta cứ tặc lưỡi và bỏ qua những mặt tối thì tương lai xán lạn chắc chắn sẽ còn rất xa. Sự độc hại trong tư duy lạc quan quá độ sẽ khiến chúng ta dần đi xa khỏi mục đích ban đầu là giữ cho mình một ý chí kiên cường. Bởi đến một ngày, khi các em không thể vui giả được nữa, những ký ức đau buồn sẽ tấn công và khiến các em khốn đốn. Rồi sau đó, có thể các em sẽ bị chôn vùi trong ý chí vụn vỡ. Luôn có lối đi tốt hơn, mặc dù quyết định cuối cùng có ra sao thì chỉ cần các em hài lòng là đủ! 
. . .
Có thể nói, mọi sự “học” mà chị nhắc tới ở trên đều là mắt xích quan trọng của cuộc đời. Các em không nên để mất cân bằng hay thiếu hụt bất kì khía cạnh nào cả. Hãy cố gắng học từng chút vào thời điểm phù hợp. Học nhiều dồn một lúc hay học vẹt sẽ chẳng bao giờ hiệu quả bằng việc học đều và sâu sắc. 
Có thể mất nhiều thời gian để sửa sai, nhưng chỉ cần chúng ta có được kế hoạch “học” thì kết quả sẽ luôn tới đúng vào thời điểm chúng ta cần nhất. Đừng cố để thúc đẩy quá trình, bởi nếu học trò chưa muốn thì người thầy sẽ không xuất hiện. Khi chúng ta sẵn sàng tiếp thu thì ắt hẳn người dạy sẽ tới. Chúng ta cũng có thể là “thầy" của chính mình. 
Chị rất mong rằng thông điệp này sẽ tới được với những ai đang cần. Chúc các em luôn học được những điều tuyệt vời nhất!