Lần theo vết chân để thấy chính mình, trong cuộc đời và tiểu thuyết của Tolkien
Bản dịch bài viết Queer readings of The Lord of the Rings are not accidents của Molly Ostertag, đăng trên trang Polygon. Tranh minh hoạ bởi Molly Ostertag.

Lúc tôi 12 tuổi năm 2003, tập phim Nhà Vua Trở Về [The Return of The King] đang chiếu ngoài rạp, cảnh Frodo hôn tạm biệt Sam trước khi rời bỏ Trung Địa đã làm tôi nức nở như thể tan lòng nát dạ mà không hiểu vì sao. Rời khỏi vùng tối an toàn của rạp phim, vào trong hoang địa kiểu Mordor của trường trung học, bộ phim đồng nghĩa với lời thoá mạ phổ biến nhất thời đó: “đồ đồng tính”.
Phim Chuyện tình núi Brokeback [Brokeback Mountain] phải hai năm nữa mới công chiếu, và chưa ai từng xem một phim điện ảnh nào có nam giới ôm nhau, an ủi nhau, hôn trán nhau. Thời của đám trẻ con Mỹ đầu thập kỷ 2000 là thời giễu cợt về đồng tính, thời “no homo”, thời những lời chế nhạo, gièm pha, hay các hành vi bạo lực kín đáo mà ác nghiệt trong phòng thay đồ sẽ giáng lên đầu bất cứ ai có gì đó khác biệt. Trong thế giới đó, bộ phim Chúa tể những chiếc Nhẫn nổi bật lên vì sự chân thành, và thế nghĩa là dễ bị tấn công.
Tôi đã nghe Chúa tể những chiếc Nhẫn trước cả khi biết đọc. Đây là bộ truyện đầu tiên tôi thực sự yêu quý, điều đó được khắc ghi tận trong ADN sáng tạo của tôi. Nhưng tôi đã lảng tránh nó suốt một thời gian dài, với cùng một lý do tôi học được rằng không nên nói về bộ phim này trên trường: bằng cách nào đó mà những lời buộc tội về queer tính đã gắn liền với câu chuyện về người Tiên, người Hobbit, và Cái Ác đang trỗi dậy.
Nhà văn Italo Calvino định nghĩa “tác phẩm kinh điển” là “một tác phẩm không bao giờ kể hết những gì nó muốn kể”, và Chúa tể những chiếc Nhẫn chính là một tác phẩm kinh điển như thế. Năm ngoái, lúc đọc lại bộ truyện, với tư cách một người đã công khai được nhiều năm và đã dấn thân vào sự nghiệp sáng tác lẫn tiêu thụ các tác phẩm queer, tôi đã rất kinh ngạc khi tìm thấy chuyện tình yêu đồng giới ngay trong lời văn của chính tác phẩm.
Có rất nhiều loại quan hệ giữa cánh đàn ông trong truyện, mà hầu hết là quan hệ thuần khiết kiểu Plato. Merry và Pippin là anh em họ, giỡn hớt kiểu anh em họ. Hai người cũng hay trêu ông anh họ Frodo theo kiểu thân mật, và hay lên giọng kẻ cả với Sam, một người làm công. Gandalf có vai trò như một người ông đôi khi ân cần, lắm lúc bực dọc với các Hobbit. Boromir và Faramir có tình anh em cùng kì sâu đậm, nhưng cảm xúc và lý tưởng về lòng trung thành với nhà vua Aragorn lại rất khác nhau. Những mối quan hệ này thật sự tráng tuyệt, là ví dụ hùng hồn về tình bạn và tình thân của nam giới. Nhưng chúng không hề mang tính lãng mạn có chủ đích (và mặc dù các diễn giải của người hâm mộ rất đa dạng và hay ho, bài này chỉ tập trung vào ý định của chính tác giả).
Ngoại lệ chính là Frodo Bao Gai [Baggins] và Samwise Gamgee: một Người Mang Nhẫn với một gánh nặng bất khả thi, một người làm vườn trung thành, cùng mối gắn kết rồi sẽ cứu cả thế giới của họ. Quan hệ giữa Frodo và Sam phát triển từ những gì Tolkien đã thấy và trải nghiệm trong Thế Chiến I - quan hệ giữa một sĩ quan thượng lưu và một binh sĩ phục dịch (thường thuộc tầng lớp thấp hơn, phục vụ với tư cách vệ sĩ, trợ tá, và một người đồng hành kiên trung). Điểm cơ bản này không loại trừ tình cảm lãng mạn. Có ít nhất một cuốn tiểu thuyết nói về quan hệ lãng mạn giữa anh lính phục dịch với sĩ quan của anh ta (Look Down in Mercy của William Baxter, 1951); cũng như nhiều ghi chép về các quân nhân queer, những người thấy rằng họ có thể trải nghiệm các mối quan hệ sẽ là bất khả thi nếu ở nhà, dù phải đối mặt với các tình cảnh ác mộng trong chiến hào.
Chuyện Frodo và Sam bắt đầu bằng khác biệt về địa vị (hệt như bao tuyệt tác lãng mạn thời kì trước). Frodo là chủ của Sam, khoảng cách địa vị lẫn tri thức giữa họ được khắc hoạ rõ nét trong những cảnh đầu. Nhưng khi câu chuyện tiếp diễn, Frodo thấy được các khía cạnh mới ở Sam qua những bài thơ ứng khẩu, qua niềm say mê người Tiên cùng truyện kể, và qua lòng quả cảm của chú. Về phần Sam, chú hết mực tận tâm với Frodo, lòng thành đó cứ sâu đậm dần theo hành trình của họ. Chú bối rối, bận rộn quanh Frodo, bẽn lẽn khi nói chuyện, cầm tay, và “nhẹ nhàng vuốt ve” tay, mặt, tóc Frodo trong đủ các tình huống. Chú cũng thường xuyên bày tỏ lòng trung thành của mình.
Như thường thấy trong bất kì tác phẩm lãng mạn kinh điển nào, khi cùng nhau trải qua gian khó họ sẽ trở thành người quan trọng nhất của nhau. “Samwise Gamgee, chàng Hobbit thân mến của tôi - Sam chàng Hobbit thân nhất của tôi, thực vậy, bạn tốt nhất trong những người bạn”, Frodo đã nói vậy với Sam giữa quyển Hai Toà Tháp [The Two Towers].
Bộ phim xuất sắc của Peter Jackson có chèn thêm sự căng thẳng vào quan hệ giữa hai người khi Frodo bị chiếc Nhẫn làm tha hoá - đó là lựa chọn nhằm tạo kịch tính điện ảnh. Nhưng trong truyện, mọi kẻ thù đều nằm ngoài vùng an toàn mà người này tìm thấy nơi người kia; khối lượng câu văn miêu tả mối quan hệ của họ cũng đặc biệt nhiều. Lúc Frodo bị thương trầm trọng, chính Sam là người ngày đêm ở bên cạnh cậu, chứ không phải bất kì người họ hàng nào của Frodo đang có mặt tại đó. Ở Ithilien, Sam ngắm nhìn Frodo, nhận thấy vẻ đẹp của cậu, và thầm nghĩ “Mình yêu cậu ấy”. Họ giữ lấy nhau trong suốt hành trình đằng đẵng đến Mordor - trong một bức thư Tolkien nói rằng ông “hẳn đã cực kỳ xúc động [...] trước cảnh Frodo chìm vào giấc ngủ trên ngực Sam”. Trong một đêm khác, Sam đã “cố gắng xếp đặt tay và cơ thể mình sao cho Frodo dễ chịu”. Và hai người cũng thường xuyên nắm tay: trong Đầm Lầy Chết, qua hang Bà Nhện, và trong các giấc ngủ tại đất Mordor.
Tolkien miêu tả Sam như một “sinh vật nhỏ bé che chở người đồng đội” khi chú bảo vệ Frodo trước Bà Nhện khủng khiếp. Và khi Sam nghĩ Frodo đã chết thì “cả cuộc đời chú sụp đổ”. Khi Frodo bị bắt giữ và giam cầm trên đỉnh một toà tháp, Sam đã tìm thấy cậu bằng một bài ca ứng khẩu về hi vọng và ánh sao, và cơ thể trần trụi bị tra tấn của Frodo đã yếu ớt đáp lại. Lúc tỉnh giấc sau khi Nhiệm Vụ đã kết thúc, họ nằm bên nhau trên cùng một chiếc giường. Họ hôn ít nhất bốn lần; một lần khác ghi rõ là họ không hôn, điểm này có một vài ngụ ý thú vị. Và lúc họ trở về Quận, Sam chuyển đến sống ở Đáy Bao [Bag End] cùng Frodo - không phải với tư cách một đầy tớ, mà là một bạn đồng hành ngang hàng, thuỷ chung.

Câu chuyện khung Tolkien tạo ra cho Chúa tể những chiếc Nhẫn có hình thái là bản dịch của một tài liệu lịch sử lâu đời hơn. Điểm này được ghi rõ trong phần lời nói đầu sách, trong đó Tolkien mô tả cách cuốn nhật ký riêng tư của Bilbo (tức quyển Anh Chàng Hobbit) được gìn giữ và mở rộng bởi Frodo, sau đó là Sam, để rồi trở thành cuốn sử ghi chép về cuộc Nhẫn Chiến. Tập sách đó có tên Sách Đỏ ở Biên Tây, đã được bảo quản, sao chép, rồi truyền qua nhiều đời như một cuốn sử cổ đại - “những ngày đó [...] nay đã là quá khứ xa xôi, và hình dáng mọi vùng đất đã thay đổi” - cho đến khi rơi vào tay Tolkien. Cái khung này hiển hiện xuyên suốt cuốn sách dưới dạng các mẩu tích truyện rải rác đó đây, hay chú thích những chỗ được dịch từ tiếng Tiên và Orc ra tiếng Anh ở cuối trang, hay trong phần Phụ Lục với một lượng nội dung đáng kể trình bày lịch sử Trung Địa trước và sau phần truyện chính.
Khi một cuốn sách được xem là tài liệu gốc chứ không hẳn là một tác phẩm hư cấu, nó trở thành lời mời từ tác giả: hãy xem xét từng câu chữ và tìm kiếm sự thật ẩn giấu trong đó. Người kể chuyện trở thành một phần của câu chuyện - lịch sử, xét đến cùng, đều được ghi chép bởi những người nhất định với động cơ khác nhau - đó là điều mà Tolkien, với tư cách một trong các học giả Beowulf lỗi lạc nhất thế giới, hẳn am hiểu tường tận. Việc giữ lại các khoảnh khắc hai người bày tỏ tình yêu với nhau là lựa chọn có chủ ý của “Frodo” và “Sam”, cũng giống như cách tế nhị người xưa hay dùng để nói về các quan hệ đồng giới: muốn thừa nhận sự thật về chúng trong khi vẫn tuân thủ các chuẩn mực của thời đại.
Nội dung lãng mạn dị tính khá thưa thớt trong bộ sách, và vấn đề tính dục giữa các nhân vật hoàn toàn không được luận đến (có thể xem Nhẫn Chúa là ẩn dụ cho dục vọng và cám dỗ, nhưng đó lại là một vần đề khác). Nhưng Tolkien không hề ghét nội dung lãng mạn. Trong một lá thư gửi con trai, ông xem lãng mạn anh hùng như đỉnh cao của tình yêu lãng mạn: “Nó lý tưởng hoá ‘tình yêu’ [...] nó xét đến nhiều điều hơn chỉ là khoái lạc thân xác, và nó yêu cầu nếu không phải sự trong sạch thì ít nhất cũng là tính trung thực, cùng đức hi sinh, lòng nghĩa hiệp, phong thái lịch thiệp, phẩm hạnh và lòng quả cảm.” Đây chính là quan hệ giữa Aragorn và Arwen, người Tiên dấu yêu của chàng; giữa Éowyn và Faramir; và cũng đúng y thế với quan hệ giữa Sam và Frodo.
Điều đó cũng hiển hiện trong “Chuyện Beren và Lúthien”, một thiên lãng mạn anh hùng trong kho thần thoại Trung Địa, dựa trên chính Tolkien và bà Edith vợ ông. Điều thú vị là giữa hai câu chuyện, Beren và Lúthien với Frodo và Sam, có khá nhiều điểm tương đồng. Beren cũng phải thực hiện một nhiệm vụ bất khả thi, và Lúthien cũng quyết tâm đồng hành với chàng. Giống Frodo, Beren cũng bị giam cầm trong một toà tháp của kẻ thù; giống Sam, Lúthien cũng cất tiếng hát để tìm kiếm, và chàng đáp lời. Beren mất một cánh tay; Frodo mất một ngón tay. Lọ nước Galadriel trao cho Frodo chứa ánh sáng ngôi sao mà trước kia chính là viên ngọc Beren có nhiệm vụ phải tìm về, và Sam đã nhận xét rằng “chúng ta đang ở trong chính câu chuyện đó!”. Với một tác giả quá tỉ mỉ trong việc xây dựng thế giới và thần thoại, các điểm tương đồng này dường như có chủ ý và được làm cho nổi bật lên.

Nếu bạn là một kiểu người hâm mộ nọ của tác phẩm Chúa tể những chiếc Nhẫn, hẳn bạn sẽ la lên rằng “Tolkien là một người Công Giáo được sinh ra trong thời Victoria! Ông ấy sẽ không bao giờ viết về người đồng tính!”. Nhưng có rất nhiều ví dụ về queer tính trong thời đại và vùng đất Tolkien sống, và bất kì phỏng đoán nào cũng được hỗ trợ bởi ngữ cảnh lịch sử.
Trẻ hơn Tolkien 3 tuổi, Edward Brittain cũng là một quân nhân trẻ có huân chương trong Thế Chiến I. Ông phải đối mặt với toà quân sự năm 1918 sau khi một trong các lá thư của ông cho thấy ông có “quan hệ đồng tính với nam giới trong đại đội”. Thay vì đối mặt với án phạt (nhục hình và hai năm trong tù) cùng nỗi nhục mà phiên toà sẽ giáng lên gia đình ông, ông đã lao vào làn đạn của quân địch mà tử trận.
Hai năm trước khi Chúa tể những chiếc Nhẫn phát hành, Alan Turing, thiên tài toán học và cũng là người phá mật mã giúp cuộc chiến thắng lợi, đã bị xét xử vì “có hành vi đồng tính luyến ái và khiếm nhã nặng nề” - tức là, bị bắt quả tang ở cùng một người đàn ông khác trong nhà của chính mình. Ông bị phán phải chịu thiến hoá học, rồi cuối cùng ông đã tự vẫn, sáu tuần trước khi quyển Đoàn Hộ Nhẫn [The Fellowship of the Ring] ra mắt.
Tolkien sống trong một thế giới mà lãng mạn đồng giới công khai sẽ là án tử về mặt xã hội, và cũng thường là án tử đúng nghĩa, thậm chí viết về nó cũng bị cấm đoán (trừ các bài chỉ trích, kết tội). Ta có thể lấy C.S. Lewis, bạn tốt của Tolkien, làm ví dụ. Lewis có viết trong một lá thư gửi Sheldon Vanauken (sau được in lại trong tự truyện của Vanauken) rằng Lewis nhận được một lá thư từ một “người đồng tính nam sùng đạo [...] nhưng dĩ nhiên đó là loại thư từ mà người ta phải tiêu huỷ”.
Tolkien có tiếng là một tác giả Công Giáo nên người ta cho rằng ông không dung thứ queer tính, mặc dù các tác phẩm đã xuất bản của ông không cung cấp bất cứ bằng chứng nào cho nhận định này (hoàn toàn khác Lewis). Chỉ có một tham chiếu trung tính trong cuốn tiểu sử của ông, viết bởi Humphrey Carpenter, là đề cập đến vấn đề này: “Còn về đồng tính luyến ái, Tolkien nói rằng năm mười chín tuổi ông còn không biết đến từ đó.”
Nhiều ghi chép về queer tính của thời đó, đặc biệt là các bài mang tính trung lập hoặc tích cực, đều đã bị tiêu huỷ. Câu chuyện của Brittain chỉ được biết đến là do chị gái ông đã đưa ra một quyết định khác thường: bà gìn giữ các lá thư của ông. Dĩ nhiên, người queer và khát khao queer tồn tại bất kể luật pháp nói gì đi nữa. Vậy có bất kì bằng chứng nào cho thấy Tolkien có giao thiệp với những người queer đương thời không?
Tolkien có viết về nhà thơ đồng tính công khai W. H. Auden rằng ông là “một trong những người bạn lớn của tôi”, còn Auden thì viết các bài điểm sách nồng nhiệt về Chúa tể những chiếc Nhẫn khi nó ra mắt (hai người cũng có một mâu thuẫn vì Auden từng đến thăm nhà Tolkien và nói nó “gớm ghiếc”, nhưng đó lại là một chuyện khác). Theo mô tả của Reynolds Price, có ít nhất một thành viên trong nhóm bạn của Tolkien, nhóm Inklings, đã “ly thân với vợ và sống một cuộc đời đồng tính yên lặng”. Điều tôi thấy thú vị nhất là, Tolkien là thầy và cũng là người hâm mộ của Mary Renault, một tác giả đã sống hết đời trong mối quan hệ lãng mạn với một phụ nữ khác. Bà trở thành một biểu tượng trong cộng đồng đồng tính nam vì các tác phẩm đầy cảm thông về quan hệ đồng giới thời Hi Lạp cổ đại. Tolkien viết rằng ông đã “cực kỳ say mê” các cuốn sách của bà, và rằng một lá thư bà gửi là “chiếc ‘Fan-mail’ mang đến cho tôi nhiều hứng thú nhất.”
Một tác giả sống ở Anh vào những năm 1950 đã nói ẩn ý về queer tính trong các tác phẩm của mình như thế nào? Tolkien có ghi chú trong lời mở đầu Chúa tể những chiếc Nhẫn rằng “Bilbo và Frodo Bao Gai ở vậy một mình là hai trường hợp hết sức ngoại lệ” so với những cư dân khác ở Quận [Shire]; và Bilbo, người nhận nuôi đứa cháu họ và “có hẳn những phòng riêng dành để quần áo”, chắc chắn là một queer. Ông không bao giờ kết hôn. Mặc dù Tolkien đã viết nháp nhiều lần, ông vẫn không tài nào hình dung ra một người vợ cho Bilbo, và sự thực này được bàn đến trong cuốn Unfinished Tales, một tập hợp các câu chuyện và tiểu luận xuất bản sau khi ông qua đời. Tolkien viết, “[Bilbo] muốn sống ‘không bó buộc’, vì một lý do sâu xa nào đó mà chính ông cũng không hiểu - hoặc giả không muốn thừa nhận, vì nó khiến ông lo sợ.”
Ngôi nhà Đáy Bao của Bilbo và Frodo được mô tả bởi các Hobbit khác là “một nơi kỳ quặc, người ở đấy còn kỳ quặc hơn” - [queer là] một tính từ có hàm ý đặc biệt ám chỉ đồng tính luyến ái từ cuối những năm 1800. Và trong một thư khác của Tolkien, ông cũng nói đến “số mệnh kì lạ” dành cho những người Tiên không kết hôn. Ví dụ đáng chú ý nhất về chuyện này là một mối quan hệ lãng mạn đồng giới ẩn ý khác trong truyện: Legolas, một người Tiên đã vượt qua thù hận tổ truyền giữa Tiên và Người Lùn nhờ mối quan hệ với Gimli.
Đào sâu vào lịch sử queer rất dễ khiến ta nản chí, vì ta sẽ luôn đụng phải bức tường mang tên “không bao giờ dám chắc”. Việc dán các nhãn mác hiện đại lên những người đã không nhận lấy chúng trong đời họ sẽ rất có vấn đề - ngay cả các nhãn như “straight” hay “cisgender” [người hợp giới] cũng có vấn đề không khác gì “gay” và “transgender” [người chuyển giới]. Những gì ta có thể làm là nhìn vào đời sống của họ và cởi mở trước các khả năng. Gần đây, Sean Astin, người đóng vai Sam, đã tóm tắt vấn đề khó xác định này thật xuất sắc trong một đoạn video: “Tôi nghĩ Sam và Frodo có lẽ đã hôn nhau [...] làm sao ta biết họ không hôn chứ?”

Gần cuối cuốn sách, Sam cưới Rosie Xóm Lá [Cotton] khi được Frodo động viên (sau khi lưỡng lự, vì chú muốn sống cùng Frodo nhưng cũng muốn một gia đình riêng), vậy là cả ba đều chuyển vào sống ở Đáy Bao.
Samwise Dũng Cảm nhận được phần thưởng dành cho anh hùng (có vợ có con, cùng một đời nhàn hạ, vui thú điền viên), và chú cũng biết rằng nó sẽ không còn là phần thưởng nữa nếu chú không được sống cùng Frodo. Cuốn sách kết thúc với đám cưới của Sam và Rosie cùng hai đám khác đã cho thấy tương lai Trung Địa trong hình hài một thế hệ mới. Nhưng như Tolkien có viết trong một thư khác, “chuyện tình hay nhất không kể về cuộc hôn nhân hạnh phúc của hai người yêu nhau nhất, mà về sự chia lìa bi thương của họ”. Đây chính là lập luận ông dùng cho câu chuyện lãng mạn trung tâm của cuốn sách.
Trong khi Nhiệm Vụ đã kết thúc, và câu chuyện cần được khép lại đâu ra đó, thì Frodo lại đang khổ sở vì những vết thương không chịu lành. Cậu không thể nhận lấy phần thưởng anh hùng của chính mình hay tận hưởng tổ ấm cùng những người cậu yêu quý, vậy nên cậu phải rời bỏ Trung Địa đến Xử Sở Bất Tử với người Tiên. Nhất là cậu làm vậy vì Sam đã mô tả bản thân chú như đang bị “xẻ làm đôi” giữa tình yêu cho Frodo và tình yêu cho gia đình. Frodo biết Sam sẽ không thể hoàn toàn tận hưởng cuộc sống nếu cậu vẫn còn ở đó chịu đựng vết thương.
Tôi đã phải băn khoăn về trải nghiệm sống của Tolkien. Ông có một hội nhỏ các bạn học, những thanh niên ngang hàng với ông về trí tuệ và tài năng sáng tạo. Tất cả đều phải tòng quân cho cuộc Đại Chiến, và hầu hết đều đã lìa đời. Một trong số đó là Geoffrey Bache Smith, một nhà thơ với các tác phẩm được xem là lãng mạn đồng tính bởi độc giả hiện đại. Năm 22 tuổi, Smith tử trận vì mảnh bom của quân địch. Một ngày trước khi ra chiến trường, với dự cảm về cái chết của mình, ông đã viết cho người bạn Tolkien: “John Ronald thân mến [...] mong anh hãy kể những điều tôi đã cố kể một khi tôi không còn ở đó để kể về chúng nữa.”
Tolkien bị ám ảnh bởi cái chết của Smith, lao vào thu thập các bài thơ của bạn và xuất bản chúng. Ở đây vang lên tiếng vọng về chuyện Frodo và Sam: việc Frodo sẽ rời đi, việc Sam phải hoàn thành cuốn sách kể về Nhiệm Vụ của họ.
Việc Sam cố gắng hoàn thành câu chuyện của họ chính là cái khung được dựng lên cho một chương cuối đã bị khước từ với bối cảnh nhiều năm sau khi Frodo đã ra đi. Chương này về sau được xuất bản trong bộ Lịch sử Trung Địa [The History of Middle-earth]. Tolkien đã rất thích chương cuối này, nhưng phải cắt bỏ vì các độc giả đầu tiên cho rằng nó quá uỷ mị. “Báu vật của cha cũng đã rời đi”, một người con gái của Sam đã nói như vậy về Frodo trong chương cuối đó. Cô bé trực tiếp so sánh tình yêu của Sam dành cho Frodo với tình yêu của chúa Tiên Celeborn dành cho Galadriel vợ ngài. Chương cuối kết thúc bằng chi tiết Sam nghe thấy tiếng của đại dương đang chia cách chú và Frodo, “trầm mà không yên”. Như thể dù cho đang sống cuộc đời hạnh phúc đủ đầy, chú vẫn có cảm giác mơ hồ về thứ gì đó đã mất.
Tolkien có Edith, người vợ thương mến bên cạnh. Sam thì có Rosie. Nhưng theo tôi vẫn còn chỗ dành cho một thứ tình yêu khác, đặc trưng cho cả hai thế giới, thực tại và hư cấu, mà Tolkien tồn tại trong đó. Một tình yêu hình thành qua gian khó cùng cực, và đến cuối cùng không thể tồn tại ngoài phạm vi đó; nhưng ý nghĩa của nó thì vẫn sâu sắc như thế. Một tình yêu xứng đáng được nhìn nhận cùng bản chất của nó, và câu chuyện về nó xứng đáng được kể lại.
Người queer đã luôn tồn tại. Các từ ngữ dành cho ta đã thay đổi, và sẽ luôn đổi thay, nhưng trái tim ta vẫn nguyên như cũ. Khi ta nhìn vào lịch sử, ta phải lần theo vết chân để thấy chính mình. Cũng như nhiều người chúng ta, Sam Gamgee thực sự say mê các câu chuyện. Chú luôn nói rằng chú và Frodo đang ở trong một câu chuyện lớn, và băn khoăn không biết cái kết sẽ là buồn hay vui. Những lúc chú nghĩ chú sẽ hi sinh để bảo vệ Frodo, chú tự hỏi liệu có bài ca nào kể lại cử chỉ phản kháng và yêu thương cuối cùng này không. Chú tự hỏi, như bao người khác, liệu tình yêu này có được nhớ đến hay không.
Còn đây là vết chân cuối cùng: Tolkien viết rằng vào cuối đời Sam sẽ được tái ngộ Frodo ở Xứ Sở Bất Tử. Trong sách có ngụ ý về việc này, và phần Phụ Lục cũng có nói sơ qua. Vì sao Sam đến đó, hay chuyện gì xảy ra khi chú tái hợp với “báu vật” của mình, lại là câu chuyện mà Tolkien không kể được. Có lẽ ta sẽ tìm thấy vài gợi ý trong một chuyện tình tuyệt vời khác của Tolkien, trong những lời Aragorn kể, “Chuyện Beren và Lúthien”:
“Có lời hát rằng họ tái ngộ ở bên kia Biển Chia Cắt, và sau một thời gian ngắn sống lại dạo chơi lần nữa trong những khu rừng xanh tươi, cùng nhau họ lại vĩnh viễn ra đi, lâu lắm rồi, bên kia giới hạn của thế gian này.”