CUỘC ĐỜI CỦA PI (Ý LÀ COIN)
Nhanh chân chiếm cho mình một chỗ ấm cúm trên chuyến tàu triệu phú tương lai thôi nào!
* Tiêu đề chỉ mang tính giật tít, bài này viết về NFT.
Sự trỗi dậy của NFT - (Phần I) Một thế giới mới tươi đẹp
Mang trong mình nhiều công nghệ tiềm năng, cùng với một lời hứa hẹn về tương lai tươi đẹp, NFT nhanh chóng trở thành hội chứng hoa tulip mới của nền kinh tế toàn cầu.
CHIẾC HỘP PANDORA ĐƯỢC MỞ
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 mà nguyên nhân là do dòng tiền tín dụng bị các liên minh tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư - phù phép từ một hóa thành nhiều đồng, người dân toàn cầu ít nhiều đánh mất niềm tin vào các hệ thống tiền tệ pháp danh được nhà nước bảo hộ. Trong bối cảnh đó, Bitcoin ra đời như một lời hứa hẹn về một hệ thống tài chính ưu việt hơn, đặt sự minh bạch lên hàng đầu. Để làm được vậy, Satoshi Nakamoto đã sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain), tạo thành một mạng lưới sổ cái phân tán (distributed ledger), đảm bảo bất kỳ hoạt động nào trên nền tảng cũng đều được giám sát bởi tất cả mọi người còn lại, vì vậy trên lý thuyết là không có gì có thể bị che dấu.
Tuy sở hữu công nghệ đột phá, lợi ích thực tế của Bitcoin so với các đồng tiền chính thống khác dường như không tồn tại. Có lẽ vì vậy mà thời gian đầu, Bitcoin chỉ được đón nhận bởi các băng nhóm tội phạm đang cần công cụ trao đổi hàng hóa bất hợp pháp.
Trong thời gian này, nhiều công nghệ xoay quanh đồng Bitcoin được thử nghiệm. Nổi bật trong đó có một tài liệu về đồng Colored Coin được Meni Rosenfield công bố năm 2012. Đây có thể xem là phiên bản đầu tiên của NFT (Non-Fungible Token) - tạm dịch là chữ ký số không thể bị thay thế. Nói là "không thể bị thay thế" bởi vì mỗi đồng Colored Coin đều độc nhất và không tương đồng với các đồng Colored Coin còn lại. Nhờ tính năng này mà NFT có thể được sử dụng để đánh dấu các tài sản khác nhau lên hệ thống blockchain, tiện cho việc giám sát và trao đổi hàng hóa phi-tiền tệ. Tuy nhiên, thử nghiệm Colored Coin đã thất bại vì hệ thống blockchain của Bitcoin tương đối đóng và rất khó để tùy chỉnh.
Cột mốc chính thức cho sự ra đời của NFT là tác phẩm nghệ thuật số có tên "Quantum" - một hình bát giác có thể thay đổi màu sắc - của Kevin McCoy, ra mắt vào ngày 3/5/2014. NFT này được phát triển trên blockchain của đồng Namecoin.
Trong các nền tảng blockchain 2.0 (thế hệ kế nhiệm Bitcoin), Ethereum ra đời năm 2013 là nổi bật nhất. Với tính năng thiết lập những hợp đồng thông minh (smart contract), nền tảng này chính thức mở ra kỷ nguyên mới của NFT. Bây giờ thì bất kỳ ai cũng có thể tùy chỉnh hợp đồng thông minh để tạo ra các tài sản NFT cho riêng mình.
NFT chính thức vượt qua rào cản kỹ thuật để tham gia vào xã hội đại chúng. Vấn đề bây giờ nằm ở những người sử dụng NFT sẽ làm gì tiếp theo?
LƯỚT TRÊN CÁC CON SÓNG CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
Donald Trump nhậm chức tổng phổ Mỹ vào năm 2016. Lập tức ngay sau đó, ông đã khởi xướng một loạt các cơn địa chấn cho nền kinh tế - chính trị toàn cầu. Có thể kể đến: phát động thương chiến Mỹ-Trung, thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ kinh tế, khơi dậy chủ nghĩa dân túy, rút khỏi và làm suy yếu các tổ chức toàn cầu. Tất cả điều này có lẽ đã trở thành chất xúc tác cho chủ nghĩa phi-chính phủ quay trở lại mạnh mẽ ở phương Tây.
Khi các định chế tập trung bị nghi hoặc, các nền tảng phi tập trung lên ngôi. Lướt trên con sóng đó, không biết do vô tình hay cố ý, đồng Bitcoin được lăng xê hết mực và nhanh chóng thu hút được sự chú ý của những nhà đầu tư mạo hiểm.
Năm 2017, đồng Bitcoin chạm mức kỷ lục 1.000 đô từ khởi đầu không là gì cả, biến nhiều người từ vô danh trở thành triệu phú. Truyền thông tiếp tục bơm thổi và cơn bùng nổ tiền kỹ thuật số theo chân ngay sau đó.
Từ năm 2017 - 2021 có thể nói là quãng thời gian hoàng kim của Bitcoin và các đồng coin tương tự, tất nhiên có cả NFT thuộc tất cả các loại. Đặc biệt đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 lan ra khắp toàn cầu, thất nghiệp và các đợt đóng cửa kéo dài, nhiều người tìm đến chứng khoán, forex, tiền kỹ thuật số và NFT như kênh đầu cơ thay thế trong quãng thời gian khó khăn. Cơn hưng phấn mất kiểm soát về một tương lai quá đỗi tươi đẹp bây giờ mới thực sự bắt đầu. Đỉnh điểm là tác phẩm "Everydays: The First 5000 Days" của nghệ sĩ Beeple, đã được bán với mức giá kỷ lục 69 triệu USD.
Thế nhưng, đa số mọi người không ai quan tâm tới công nghệ lõi của những công cụ mới này, mà chỉ muốn chiếm cho mình một chỗ ấm cúm trên chuyến tàu triệu phú tương lai.
MỘT THẾ GIỚI MỚI TƯƠI ĐẸP
Người người đổ xô đi săn "tác phẩm nghệ thuật" NFT. Nhà nhà đổ xô chơi game NFT. Ai ai cũng ráng cho ra mắt một vài tài sản NFT cho riêng mình, đó có thể là những bức ảnh tự sướng, một bức vẽ nguệch ngoạc hay một ảnh chế (meme) kỳ dị.
Tiếp theo đó, các tập đoàn lớn nhất thế giới cũng tham gia vào cơn cuồng loạn này: Twitter cho phép biến các dòng tweet thành NFT, Facebook sử dụng NFT để đánh dấu các tài sản trong vũ trụ ảo của mình, Nike và Warner Bros sử dụng NFT để xác minh bản quyền âm nhạc và giày chính hãng. Các công ty và cá nhân có chút tiếng tăm cũng tranh thủ ra mắt NFT để hưởng sái sự hưng phấn của thị trường.
Công bằng mà nói nếu một ngày nào đó, tầm nhìn về cuộc sống hoàn-toàn-số trở thành hiện thực, khả năng cao các NFT và tiền kỹ thuật số sẽ trở thành hệ thống tài chính của những xã hội này. Không khó hiểu khi ai cũng muốn chạy đua để dự phần trong cái thế giới mới đó, nơi họ sẽ trở thành những địa chủ sung túc.
Không nói đâu xa, có rất nhiều người vốn đã làm được chuyện này. Một cậu bé 12 tuổi người Anh đã bán những NFT tranh vẽ cá voi và trở thành triệu phú. Một chàng sinh viên đại học người Indonesia đã bán những NFT hình tự sướng của bản thân và trở thành triệu phú.
Tương tự vậy, trào lưu "chơi game ảo kiếm tiền thật" chưa bao giờ trở nên mạnh mẽ như vậy. Hàng ngàn chú mèo trong trò chơi CryptoKitties có giá trị giao dịch từ vài ngàn lên tới vài triệu đô. Tựa game Axie Infinity biến nhà sáng lập Nguyễn Thành Trung trở thành tỷ phú đô-la trẻ nhất Việt Nam. Đi đến bất kỳ đâu trên thế giới cũng có thể bắt gặp đôi ba người trẻ tuổi đang nói về chuyện "đầu tư" thứ tài sản "hiếm hoi" và "quý giá" này với hy vọng đổi đời.
Đúng là giấc mơ đổi đời qua một đêm đã trở thành sự thật với nhiều người. Liệu thế giới mới tươi đẹp này có đủ chỗ cho tất cả chúng ta - chỉ cần đủ nhanh chân để tham gia chuyến tàu sớm?
* Phần II đã được đăng tại Diễn đàn doanh nghiệp: link
Sự trỗi dậy của NFT - (Phần II) Là tương lai hay là bong bóng?
Năm 2021 là đỉnh điểm của cơn sốt NFT, động lực chính là các tác phẩm NFT và game NFT. Tuy nhiên, khi bước vào năm 2022, hàng loạt tựa game NFT đóng cửa và số lượng lớn NFT giảm gần toàn bộ giá trị giao dịch của mình. Câu hỏi đặt ra: Giá trị thực sự của NFT nằm ở đâu?
CON BẠC CHỈ CHẾT Ở LẦN THỨ HAI
Năm 2022 bắt đầu, đánh dấu một giai đoạn kinh tế thế giới hậu Covid-19. Vết tích của cơn đại dịch kinh hoàng dần phai nhạt và các hoạt động dần trở lại bình thường. Có lẽ vì vậy mà các "cá mập" bắt đầu lo lắng, họ thực hiện những đợt bơm cuối cùng để đẩy thị trường tiền mã hóa lên mức cao kỷ lục vào tháng 11/2021, trước khi xả số lượng lớn khiến thị trường giảm liên tục từ đầu năm đến nay.
Thị trường tiền mã hóa và NFT trải qua mùa đông lạnh băng giá, kết hợp với những đợt tấn công không hồi kết của giới mũ đen - mà người đầu tư vô cùng dễ bị tổn thương vì không được bảo hộ bởi chính phủ và các công ty bảo hiểm, lượng người chơi của các tựa game "play to earn" (chơi để kiếm tiền) sụt giảm đáng kể. Tựa game Axie Infinity của Nguyễn Thành Trung chỉ giữ được khoảng 1% lượng người chơi so với hồi giữa năm 2021 (kỷ lục là 1 triệu người chơi), buộc phải chuyển hướng trở thành một game giải trí miễn phí thuần túy.
Thị trường buôn bán tác phẩm nghệ thuật NFT cũng vô cùng ảm đạm, theo thống kê của TechCrunch, tính đến tháng 6/2022, khối lượng giao dịch NFT đã giảm 70% so với đầu năm. Truyền thông cũng dần thay những mẩu chuyện giàu xổi từ tiền kỹ thuật số và NFT, thành những mẩu chuyện "nghèo nhanh" từ cũng chính hai công nghệ nóng hổi này.
Bất chấp tất cả, nhiều "tín đồ" của các hệ thống tiền tệ tương lai này vẫn đặt niềm tin không hề suy suyển vào những ván cược. Chỉ hai tuần sau sự sụp đổ của Luna - từ 100 đô/đồng xuống còn 0.00009 đô/đồng - khiến nhiều nhà đầu tư mất trắng, dự án Luna 2.0 đã hồi sinh và lại được mua bán một cách sôi động. NFT của những chú khỉ chán chường (Bored Ape) vẫn đạt giá trị thị trường 4 tỷ đô vào hồi tháng 3. Tổng thống El Salvador vẫn cứ lấy dự trữ quốc gia để tất tay vào Bitcoin.
Giống như câu nói người ta vẫn thường nói về những con bạc: "chỉ chết thực sự ở lần thứ 2" - hoặc là xuống xác để gỡ lại những gì đã mất, hoặc là tự tin rằng mình có thể "đánh bại thị trường" một lần nữa. Tương lai của những tín đồ này đang như ngọn đèn trước gió.
CÒN LẠI GÌ KHI THỦY TRIỀU RÚT XUỐNG?
Trái ngược với nhóm người "đón nhận sớm" là nhóm người "nghi ngờ lâu". Họ dường như cảm thấy những gì đang diễn ra là siêu thực: Tại sao chỉ là một phương thức lưu trữ và xử lý dữ liệu mới lại làm thế giới chao đảo như vậy?
Không lạ gì khi đây cũng chính là những người hả hê nhất khi thị trường tiền kỹ thuật số và NFT sụp đổ trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều người trong số này lại rơi vào suy nghĩ cực đoan ở chiều ngược lại, cho rằng tất cả điều này thực chất chỉ là bong bóng mà không hề có bất kỳ giá trị nội tại nào.
Nhưng cũng giống như những đóa hoa Tulip Hà Lan ngày xưa, hay những bông hoa Lan đột biết ngày nay, NFT có mang trong mình một tiềm năng lớn, chính vì vậy mới bị lợi dụng và thổi phồng như thời gian vừa qua.
Giá trị thứ nhất của NFT là hoàn thiện hệ thống tài chính kỹ thuật số. Giống như thế giới thực, tiền tệ không thôi thì sẽ không đủ cho nền kinh tế vận hành, mà còn phải cần các dạng tài sản có thể giao dịch bằng tiền - như nhà cửa, xe cộ và đặc biệt là các tác phẩm nghệ thuật. Thì ở thế giới kỹ thuật số, bên cạnh tiền mã hóa, cần phải có thêm các tài sản khác có thể giao dịch khác để hoàn thiện hệ thống tài chính. Đó là các NFT. Hệ thống này bây giờ đã sẵn sàng để đưa vào hoạt động: những gã khổng lồ công nghệ như Facebook nếu muốn biến giấc mơ metaverse (vũ trụ số) của mình thành hiện thực, thì tiền số và NFT chắc chắn sẽ là phần quan trọng trong đó.
Giá trị thứ hai của NFT là công cụ tuyệt vời cho thị trường nghệ thuật. Nói đến vũ trụ số thì còn quá xa vời. Ứng dụng khả thi nhất cho NFT trong thời điểm hiện tại là thị trường nghệ thuật, cụ thể là các tác phẩm nghệ thuật mang ra đấu giá. NFT với đặc điểm chỉ có một chủ sở hữu tại một thời điểm và dễ dàng xác minh được chủ sở hữu, việc đánh cắp những tác phẩm nghệ thuật tỏ ra không còn mấy ý nghĩa - ai lại muốn ra bỏ hàng triệu đô để mua lại một thứ không bao giờ thuộc về mình?
Hiện nay thị trường nghệ thuật NFT mặc dù đang bị thổi bong bóng quá đà, thế nhưng khi bong bóng bị xì hơi, những hoạt động hiện tại sẽ là thiên đường mà các nghệ sĩ vẫn hằng mơ ước đến: Có một nơi để tự do đăng tác phẩm của mình lên, được trả phí xứng đáng và không lo sợ bị sử dụng lậu/ăn cắp.
Ngoài ra, NFT chạy trên các hệ thống Blockchain có thể được tạo ra để đánh dấu quyền sở hữu các tài sản thuộc thế giới thực. Các tổ chức quản lý hoàn toàn có thể sử dụng blockchain như một hệ thống quản trị tài sản mới - tiềm năng rất cao trong những ngành "mập mờ" và khó quản lý như bất động sản.
KHI NÀO THÌ GIÁ TRỊ THỰC MỚI ĐƯỢC PHÁT HUY?
Kể từ khi NFT bước chân ra khỏi lãnh địa của kỹ thuật mà bước vào lãnh địa của xã hội, cách sử dụng và hiệu ứng nó gây ra gần như không thể lường trước. Ứng dụng đầu tiên của NFT - không nghi ngờ gì nữa - là tạo bong bóng. Những người giàu lên từ NFT cũng đã giàu lên. Những ai tán gia bại sản vì nó thì chuyện cũng đã rồi.
Nhiều người nói rằng thị trường NFT (và tiền kỹ thuật số) đã sụp đổ. Nhưng cũng đúng khi nói rằng mọi chuyện bây giờ mới thực sự bắt đầu. Câu hỏi quan trọng nhất bây giờ là:
Liệu sau đợt bong bóng này, NFT có thể thoát ra khỏi trò chơi của những con bạc mà thật sự phát huy được giá trị thực sự của mình không?
--Hoàng Phi--
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất