Hai mươi năm, rốt cuộc là bao lâu? 
Cuộc đời có mấy lần hai mươi năm?
Mỗi giai đoạn đó có ý nghĩa gì đối với một đời người?
Hành trình cả đời của một người cũng chỉ để tạo dựng giá trị bản thân, đi tìm ý nghĩa cuộc sống của chính mình. Mỗi giai đoạn kéo dài hai thập kỷ giống như chiếc hộp khóa kín. Mở khoá thành công đại diện cho việc vượt qua một thử thách lớn. Không vượt qua được, bạn chỉ có thể bỏ lỡ, không thể làm lại…
Ảnh: Unsplash
Ảnh: Unsplash

Hai mươi năm lần thứ nhất, cách người khác đối xử với bạn phụ thuộc vào đánh giá của họ đối với bố mẹ bạn.

Chuyện kể rằng ở một gia đình nọ có hai anh em, cuộc sống hết sức hòa thuận ấm áp. Thấm thoắt, hai anh em đều lập gia đình và có con cái. Gia đình người anh có cuộc sống sung túc về vật chất, có điều kiện tốt nuôi con ăn học, chăm sóc được bố mẹ già. Tiếng lành đồn xa, khắp bà con làng xóm đều khen nức nở, gặp họ ở đâu là cười nói ở đấy, đặc biệt những đứa trẻ nhà người anh đều được yêu quý, con trai được khen hiếu động thông minh, con gái được tán dương nhu mì nết na. Trái ngược với gia đình người anh, gia đình người em chỉ là lao động bình thường, kinh tế đủ ăn, thời điểm nào không phải vay tiền sinh hoạt, đã là may mắn. Trong mắt người ta, gia đình người em trở nên lu mờ, con cái không được học trường tốt, không có điều kiện để ăn ngon mặc đẹp, đồ chơi đầy đủ. Chúng hiểu chuyện nhưng chính vì sự hiểu chuyện đó làm chúng càng trở nên vô hình trong mắt mọi người. Trẻ nhỏ gây chuyện, anh chị chúng sẽ được mọi người xuề xòa, nói trẻ còn nhỏ dại, nhưng đổi lại là chúng sẽ bị gắn nhãn tiêu cực, ví dụ không biết điều, cạn tàu ráo máng. Nhiều khi, chỉ cần lặng lẽ tồn tại, không bị mắng chửi đã là tốt rồi, không nói đến được nổi bật, được người ta dành cho một nụ cười, một cái xoa đầu, vuốt tóc. Ông bà chúng chỉ giới thiệu với khách khứa về những đứa trẻ được học trường tốt, còn chúng, đến cái tên cũng không được người ta nhớ đến. Lũ trẻ cứ vậy lớn lên, mong có một ngày, bản thân sẽ thay đổi cuộc sống của mình, thay đổi cuộc sống của con cái mình trong tương lai.
Vậy đấy, cuộc sống này tưởng bất công, nhưng thực ra lại rất công bằng. Nếu chỉ nhìn những đứa trẻ trong câu chuyện, người ta sẽ cảm thấy những đứa con của người em thật đáng thương, chúng có lỗi gì đâu, cớ sao lại phải phân biệt đối xử với chúng. Nhưng từ góc độ cha mẹ chúng thì lại rất công bằng. Họ tạo ra được bao nhiêu giá trị vật chất, bao nhiêu giá trị tinh thần cho gia đình của họ, cho cộng đồng mà họ sống cùng, thì họ sẽ được hưởng sự trọng vọng bằng ấy. Sự quý trọng mà xã hội này đối đãi với giá trị của họ, bao gồm cả con cái của họ. Tất nhiên, không phải là có cha mẹ đức cao vọng trọng, con cái không ra gì cũng được tung hô. Nhưng giữa những đứa trẻ tầm cỡ như nhau, đứa trẻ nào được sinh ra bởi phụ huynh có địa vị, đứa trẻ đó được coi trọng hơn. Bởi vậy, chúng ta chỉ cần bình thản đón nhận nếu bạn đồng trang lứa có xuất thân tốt hơn, được đối xử ưu ái hơn. Điều đó cũng không phải chuyện xấu xa gì, đó là lẽ thường. Thủa xưa, “chim khôn chim đậu cành dâu”, người thường muốn chọn lọc những mối quan hệ chất lượng, những con người xuất thân tiềm năng để qua lại, âu cũng là dễ hiểu. Chúng ta có xuất thân bình thường, chúng ta cũng không oán trách cha mẹ, bởi chỉ cần sinh chúng ta ra, họ dám chịu trách nhiệm nuôi dạy chúng ta, vậy đã là quá đủ để biết ơn một đời rồi. Trên đời chẳng thiếu những cha mẹ ruồng rẫy, thậm chí “hổ dữ ăn thịt con”, chuyện sinh thành dưỡng dục không phải là việc đơn giản.
Ảnh: Unsplash
Ảnh: Unsplash

Hai mươi năm lần thứ hai, cách người khác đối xử với bạn phụ thuộc vào bản thân bạn.

Khi bạn bước qua tuổi hai mươi, dần dần những câu hỏi về công việc, thu nhập, mối quan hệ yêu đương xuất hiện. Qua bốn, năm năm nữa, người ta sẽ hỏi bạn khi nào lập gia đình, công việc tiến triển đến đâu, lương có tăng hay không. Nếu mọi tích cực một chút, bạn cảm thấy không tệ với những tò mò đó, ngược lại, bạn rơi vào thế giới của áp lực. Thường thì bạn sẽ thấy không thoải mái nhiều hơn, chuyện cá nhân không còn là riêng tư, giai đoạn khởi đầu khó khăn lại không có sự đồng cảm. Bạn yếu đuối một chút, bạn sẽ có suy nghĩ hoài nghi bản thân kém cỏi. Sự thực thì không phải vậy, khởi đầu cho việc gây dựng thứ gì đó chưa bao giờ là dễ dàng, vậy mới có câu: “Vạn sự khởi đầu nan”. Nếu mọi thứ quá đơn giản, người ta đã không đua nhau theo đuổi thành công. Hương vị của việc đạt được thành quả cũng chẳng ngọt ngào như bạn tưởng tượng. Bạn cứng rắn một chút, có ngày bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi vì gồng gánh. Không sao cả, nếu bạn không mệt mỏi thì bạn đã không cảm nhận được mình đang sống, chỉ như một sinh vật biết hít thở để tồn tại, giống cây cỏ hoa lá. Bạn biết người thực vật chứ? Cách gọi đó dành cho người có cuộc sống vô thường như cây cỏ hoa lá. Bởi vậy, mệt mỏi cũng là một cảm giác tốt đẹp. 
Kết quả của bạn sau những yếu đuối và mệt mỏi sẽ quyết định cách người khác nhìn nhận bạn. Người ta chỉ quan tâm kết quả, không ai theo dõi những cố gắng âm thầm của bạn để quyết định công nhận bạn, đối tốt với bạn. Đơn giản vì không ai quá rảnh rỗi để quan sát cuộc sống của người khác. Chúng ta chỉ có những thước đo mà thôi. Kết quả chính là thước đo. Đây là giai đoạn mọi điều bạn làm ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của mọi người xung quanh đối với bạn nhiều nhất. Cuộc đời bạn dài đến đâu, bạn cũng chỉ có duy nhất cơ hội này để xông pha. Sau bốn mươi tuổi, bạn không còn cơ hội để phấn đấu nhiều như lúc này, kể cả bạn có ý chí đến đâu chăng nữa. Sự ổn định trong tương lai được gây dựng từ những bấp bênh của hiện tại. Cũng không cần cảm thấy bất công nếu một ngày nào đó bạn chưa được công nhận. Điều đó chỉ cho thấy rằng, bạn cần suy nghĩ kỹ hơn về con đường mình chọn và cách bạn sẽ đi trên nó. Cũng không cần quá để tâm đến ánh nhìn của người khác, càng không cần phải thay đổi cuộc đời mình vì nhận định của họ. Chúng ta sống cho mình, nhưng sống giữa cộng đồng. Bạn độc lập, nhưng không có nghĩa tách rời cộng đồng, bởi giữa cuộc đời dài rộng này, chúng ta không biết được lúc nào mình sẽ cần đến sự chia sẻ, sự giúp đỡ. Chúng ta có thể vì người khác mà tự vấn bản thân, nhưng không cần vì người khác mà thay đổi bản sắc của mình. Có lúc bạn sẽ phải từ bỏ một mối quan hệ thân thiết, cũng có lúc không ngờ rằng bạn cần đến sự trợ giúp từ một ai đó bạn “ngó lơ” đã lâu. Bởi vậy chúng ta không thể bỏ qua giá trị của cộng đồng xung quanh mình. Cái gọi là “hoà nhập mà không hoà tan” cũng chỉ đến vậy mà thôi.
Hai mươi năm này là nền móng bạn xây dựng cho thời gian về sau. Thành quả xây dựng sự nghiệp, kết quả của việc nuôi dạy con cái, cuộc đời này cuối cùng là mỉm cười hay khóc thầm, đều là kết quả của giai đoạn này. 
“Số phận an bài” là cách gọi khác cho những việc bạn đã bỏ lỡ, dù bạn có nhận ra đó là gì hay không.
Ảnh: Unsplash
Ảnh: Unsplash

Hai mươi năm lần thứ ba, mức độ coi trọng của người khác với bạn sẽ quyết định thái độ của họ đối với bố mẹ và con cái bạn.

Đặng Sở Hàm - tác giả của cuốn ‘Nhân sinh ngoại trừ từ bỏ thì không có gì gọi là thất bại’, đã từng kể câu chuyện về sự tráo đổi vai trò theo thời gian. Khi anh còn nhỏ, bố là người thúc đẩy anh - một cậu bé dám nhảy cầu từ trên cao xuống bể bơi. Khi trưởng thành, anh khiêu khích khiến người bố sáu mươi tuổi nhảy từ du thuyền xuống vùng nước động ngắm san hô. Tất nhiên là bố anh bị thương, do sóng lớn đẩy ông đập vào rặng đá ngầm. Nhìn bố băng bó nằm trên giường, lắng nghe lời cằn nhằn của mẹ, Sở Hàm mới nhận ra thời gian trôi đi khiến con người ta thay đổi thể nào, anh đã trưởng thành, còn bố dần già yếu. Bố là người đi trước, dẫn dắt anh học bơi, vượt qua nỗi sợ của chiếc cầu nhảy, giờ đây anh là người khiến bố quên đi rào cản tuổi tác, một lần nữa thử thách trước sóng biển. Bố từng là chỗ dựa cho anh, giờ anh mới là người gánh vác những già nua của bố mẹ. Nếu hai mươi năm đầu, bạn phụ thuộc vào bậc sinh thành, thì giai đoạn bốn mươi trở đi, bạn đã phải hoàn toàn trưởng thành để làm chỗ dựa cho họ.
Ở độ tuổi của bậc phụ huynh lúc này, không ai đòi hỏi họ kiếm được nhiều tiền, công thành danh toại, người ta chỉ quan tâm con cái họ thế nào. Bạn không đơn thuần chỉ là sự tự hào của bố mẹ, bạn còn đem lại sự nể trọng của người khác đối với bố mẹ. Có thể bạn sẽ cảm thấy phiến diện, nhưng sau tuổi bốn mươi, nếu bạn không trở nên vững chãi, bố mẹ sẽ đau lòng. Tuổi già đáng được hưởng sự an nhàn, người ta lại hiếm khi cảm thấy an nhàn. Những lo lắng luôn xuất hiện, thậm chí nhiều hơn, vì họ về hưu, có nhiều thời gian để nghĩ lung tung. Vài cuộc trò chuyện hỏi han cũng khiến họ lo toan. Bạn thắc mắc tại sao ư? Đơn giản là khi đã trở thành cha mẹ, con cái là sự nghiệp cả đời không thể dừng lại. 
Bạn tự hỏi thành tựu của mình có liên quan gì đến cách đối xử của người khác với bố mẹ và con cái bạn? 
Bố mẹ ngoài sáu mươi, huyết áp, tiểu đường, thoái hoá xương khớp, tim mạch… thi nhau gõ cửa. Chúng tới bất ngờ với nụ cười hỉ hả: “Ta đến rồi đây người bạn già”. Chúng đến để đòi lấy đi sức khoẻ của bố mẹ bạn, đòi móc tiền trong túi bạn. Bạn có thành tựu, có tiền, bấm vài nút hẹn trước, trả phí dịch vụ, bố mẹ được nhân viên bệnh viện đưa rước từ cửa vào phòng khám, ân cần như thượng đế. Sự nghiệp bạn bình thường, ít tiền hơn một chút, bố mẹ sẽ được xếp số ngồi ngoài hành lang chờ đến lượt, lặng lẽ cảm thụ cái lưng biểu tình: “Ta mỏi quá, ta không muốn ngồi đây nữa!”. Bạn ít tiền hơn nữa, có thể bố mẹ bạn sẽ im lặng, ngậm ngùi chịu đựng cho đến khi mất hết sức lực, có thể phát hiện ra bệnh đã trầm trọng rồi, bạn lại bảo: “Bố phải nói, mẹ phải nói cho con biết chứ”. Trong lúc đó, lễ tân bệnh viện nhìn bạn vô cảm mời bạn nộp viện phí, vẻ mặt muốn nói: “Nhanh lên anh à, phía sau còn rất nhiều người đang chờ anh”. 
Khi bạn qua tuổi bốn mươi, con cái như cái máy xay tiền, nào ốm đau, nào tiêm chủng, lúc là tiền học, lúc là quần áo, hoạt động ngoại khoá, đủ các loại phí trên trời lần lượt rớt xuống, chỉ kém mưa rào mùa hạ. Học trường công hay trường tư đều tiêu tốn cả, học thêm học nếm, có cái gì không cần đến tiền. Thời buổi này, đến chỗ trẻ con vui chơi đôi tiếng cũng mất vài trăm nghìn nếu ở thành phố lớn. Đi đâu cũng vậy, bố mẹ có chút “đỉnh” thì con được ưu ái, cố gắng lơ đi, con sẽ chịu thiệt một chút. Tất nhiên cũng không mất miếng thịt nào nếu một đứa trẻ có cuộc sống bình dân hơn. Chúng cũng sẽ trưởng thành thôi, thậm chí là trưởng thành sớm hơn bạn bè, anh chị em đồng trang lứa. Nhưng đừng quên, có những đứa trẻ biết điều khiến người ta đau lòng. Đứa bé ba tuổi theo mẹ bán vé số vẫn sẽ trưởng thành, đứa trẻ trong gia đình làm nghề may cũng vẫn lớn, con cái nhà công nhân vẫn có thể học đại học. Chỉ là không tự trải nghiệm, bạn sẽ không hiểu được những khao khát chúng phải đè nén. Nếu bạn có xuất thân bình thường, thậm chí khó khăn, bạn sẽ hiểu cảm nhận của chúng. Chúng là hiện thân của bạn hai mươi năm đầu đời. Một vòng tuần hoàn lặp lại, bạn không thể đưa con thoát ra nếu bạn không bứt phá trước đó.
Người ta hay cảm thán “sáu mươi năm cuộc đời”, có phải do đây là quãng thời gian mang nhiều ý nghĩa nhất hay không? 
Khi quãng thời gian này qua đi, tất cả còn lại chỉ là một thân thể lão hoá và những kết quả ta tạo ra. Cuộc đời chúng ta có định luật bảo toàn, không ai sống sung sướng cả đời, cũng không ai khổ đau cả đời. Nếu chúng ta tiêu hao sự hưởng thụ quá nhiều trong tuổi trẻ, tuổi già chìm trong cơ cực không phải chỉ bởi thiếu nền tảng kinh tế, mà còn bởi những nghiệp quả đã gieo. Nghiệp quả này được thu hái sau quá trình tu luyện rèn giũa con người, công việc, cách nuôi dạy con cái, sự phụng dưỡng cha mẹ. Cái gọi là nhân quả không phải là câu chuyện tâm linh, bản chất chính là ta sống thế nào thì sự tình sẽ diễn biến thế ấy. Thăng trầm được thể hiện bằng đồ thị hình sin, lúc lên lúc xuống, lúc sóng to gió lớn, lúc êm đềm thong thả. Rốt cuộc không ai biết mình sẽ sống đến ngày nào, bởi vậy chúng ta có được mấy lần hai mươi năm, không thể biết trước. Cố gắng không bỏ lỡ quá nhiều, mới là sứ mệnh cao cả nhất đời người.
Nhân sinh vốn dĩ cô đơn, chỉ có ý nghĩa sống mới mang đến cho chúng ta sự bầu bạn, tình thương mến, sự nể trọng. Đó là lý do vì sao người già hay kể chuyện “ngày xưa”, chuyện “hồi ta còn trẻ”.
Qua sáu mươi, bạn nghĩ bạn sẽ kể cho con cháu nghe về điều gì của mình trong hiện tại?
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bài viết được đăng lần đầu trên Blog cá nhân của mình và Spiderum.
Đọc các bài viết trên blog của mình tại: