Tác phẩm đoạt giải Nobel văn chương 1962 của nhà văn người Mỹ Join Steinbeck khiến mình khá bất ngờ vì...nó mỏng quá. Ít quá, mình đã đọc nó trong vỏn vẹn 2 ngày vì nội dung nó quả thực không quá phức tạp. Mình đã đi kiếm hết các diễn đàn, bài blog phân tích về hình tượng hai nhân vật chính trong truyện thì mình như được mở mang tầm mắt khá nhiều. Quả thực nếu có ai giống mình, hay đọc các tác phẩm kinh điển mà không phải lúc nào cũng hiểu và thường tự hỏi "Quái sao cái này có thể đoạt giải được nhỉ?" thì có thể do mình chưa thực sự đào sâu suy nghĩ thôi.
                Không có một nội dung quá phức tạp, chỉ vỏn vẹn chưa tới 200 trang giấy trên khổ giấy khá nhỏ. Nhìn bề ngoài hệt như một cuốn sổ tay nhưng nội dung bên trong đầy những tầng ý nghĩa mà mình sẽ nếu ra một vài góc nhìn của mình. Trước hết mình sẽ đi sơ qua phần nội dung. Cảnh báo spoiler!!!!!
                Truyện mở đầu với cảnh Lennie - gã to con nhưng ngờ nghệch đi tìm việc cùng người bạn của mình, George - một gã nhỏ thó nhưng đầu óc tinh ranh. George phát hiện Lennie giữ một con chuột chết thì bực tức bắt hắn vứt đi nhưng hết lần này đến lần khác Lennie đều kiếm con chuột đã chết ấy để mân mê. Qua sáng hôm sau, họ đến một trang trại để làm việc, đây cũng là nơi bi kịch chính xảy ra. Cuộc đụng độ của Lennie với con trai ông chủ trại Curly khiến tên này gãy tay như châm ngòi nổ cho những biến cố khác xảy ra xoay quanh nhân vật to xác này. Hắn tiếp tục bóp chết con chó con mới được cho vì hắn không thể điều khiển được sức mạnh của mình, hắn thậm chí vô tình bẻ gãy cổ cô nàng lẳng lơ với giấc mộng diễn viên, vợ của Curly, ngay khi cô này cho hắn sờ mái tóc mượt mà của ả. Quá hoảng sợ với những gì mình vừa gây ra, Lennie bỏ trốn ra bờ sông nơi George đã dặn trước nếu có lỡ gây sự thì ra đó đợi hắn. George sau khi biết tội ác tày đình mà Lennie đã gây ra, hắn cùng những người khác đi kiến Lennie nhưng trong thâm tâm hắn biết Lennie đang ở đâu. George tìm đến nơi Lennie đang lẩn trốn, kết liểu hắn và cùng đi uống rượu với Slim, một người làm công khác và câu truyện đến đây là hết. 
                Phải nói là khi đọc đến cái kết thì mình khá chưng hững vì không nghĩ là George sẽ giết Lennie xong còn bình thản được như vậy đâu. Vì từ đầu đến đuôi hai nhân vật như hình với bóng, học luôn làm việc cùng nhau, George sáng suốt, luôn che trở và dạy bảo Lennie, Lennie như một tay vệ sĩ sẵn sàng làm bất cứ điều gì George yêu cầu. Theo các nhà phân tích thì George và Lennie chính là hai biểu tượng cho lý trí và bản năng của con người. Lý trí luôn theo dõi, kìm kẹp bản năng để làm đúng những việc xã hội yêu cầu, chỉ một phút rời xa lý trí thôi, bản năng sẽ gây ra hậu quả vô cùng to lớn mà ở đây là Lennie vô tình bóp chết bất cứ thứ gì yếu hơn hắn và lúc đó không có mặt George. Thêm nữa, cả George như luôn biết trước là Lennie sẽ gây họa, anh liên tục nhắc về điều đó mỗi khí hắn gây ra lỗi lầm, và mặc dù được nhắc hết lần này đến lần khác là phải làm theo lời George nhưng hắn không bao giờ nhớ và liên tiếp lặp lại những sai lầm. Và theo mình nghĩ, hình tượng những thứ mà Lennie liên tục bóp chết nó lặp đi lặp lại là có lý do. Những thứ ấy như chính giấc mơ của Lennie và George, một ngày nào đó sẽ đủ tiền để làm chủ một trang trại, chính họ mà không phải một người chủ nào khác, sẽ được hưởng những thành quả do chính mình tạo ra và cũng là giấc mơ của tầng lớp lao động dưới đáy xã hội Mỹ lúc bấy giờ. Cái giấc mơ ấy được Lennie liên tục kêu George nhắc lại với hắn, kể cho hắn nghe, nhưng lại chính tay hắn bóp chết như con chuột, con chó, hay cô vợ của Curly. George dù biết chính cái tay bản năng đó sẽ gây sự nhưng cũng không thể ngăn cản được những việc ấy xảy ra. Nghe có giống mình không? Bản năng và lý trí luôn mâu thuẫn, tối thì thức khuya mặc dù biết sáng sẽ ân hận về điều đó. 
                Những nhân vật trong truyện ai cũng đều có một ước mơ và tự tay mình bóp nát. Như lão già làm thuê Candy sợ một ngày trở nên vô dụng và sẽ bị bỏ rơi, thậm chí giết hại giống như chính con chó già mà lão hằng yêu thương, đành nhắm mắt, bất lực nhìn nó bị người ta giết chết. Như tên Curly ngang ngược muốn trở thành tay đấm bốc nhưng thích gây sự với người khác để rồi chuốc họa vào thân với bàn tay bị bóp nát. Cô vợ đam mê làm diễn viên của gã cũng vậy, bị gia đình ngăn cấm mà từ bỏ giấc mơ. Hay như anh da đen Crooks luôn tự ái vì không ai đến gần mình nhưng lại luôn xua đuổi bất kì ai muốn đến gần. Hay chính George mặc dù biết rằng có thể dành dụm đủ tiền để mua trang trại trong vòng một năm nhưng hắn lại đổ hết vào rượu bia, những trò tiêu khiển cho bản thân để rồi kết quả xảy ra như một điều tất yếu. Nó như một cuộc đấu tranh giữa hai phe lý trí và bản năng, mặc dù lý trí biết được hết những nguyên nhân và có thể tai họa sẽ ập đến, nhưng không một ai trong truyện làm khác đi để thực hiện giấc mơ của mình. Để rồi câu cửa miệng của George "Tao biết trước sẽ xảy ra chuyện mà" như một cái kết cài cắm xuyên suốt hành trình, người đọc chỉ có thể hồi hộp không biết cái viễn cảnh ấy bao giờ sẽ xảy ra.
                Tác phẩm không quá dài, nhưng nó làm mình suy nghĩ về bản thân khá nhiều vì mình cũng đã trải qua cảm xúc này rất rất nhiều trong năm vừa qua. Đôi khi tặc lưỡi cho qua sự lười biếng của mình mang lại những hậu quả khôn lường và mình đã cũng như đang thay đổi suy nghĩ của mình rất nhiều sau khi đọc xong cuốn sách. Một tác phẩm nhìn có vẻ đơn sơ, mộc mạc nhưng hàm chứa nội ý vô cùng sâu sắc. Chắc chắn không phải là món ăn một lần đã thấy ngon mà phải ăn đi ăn lại, mới thấm được hết cái hậu vị của nó.
            John Steinbeck đã chọn ra cái tên “Of Mice and Men” cho tiểu thuyết của mình theo bài thơ “To a Mouse” của Robert Burns:
But Mouse, you are not alone,
In proving foresight may be vain:
The best laid schemes of mice and men
Go often askew,
And leave us nothing but grief and pain,
For promised joy! 
Tạm dịch:
Nhưng chuột ơi, mày không đơn độc,
Khi mà lo xa có thể trở nên vô ích:
Ngay cả các toan tính kỹ lưỡng nhất của chuột và người
Cũng thường đi sai lệch,
Và để lại cho chúng ta không gì khác ngoài tiếc thương và nỗi đau ,
Thay vì niềm vui như đã hứa!