[CTQ2] Uẩn khúc của Phật và Chúa - Lời chia buồn với Descartes
"Ta là gì" - sự thật đơn giản ai cũng có thể trực nhận được. Hi vọng từ nay nhân loại đừng tranh luận về câu hỏi này nữa, mà hãy tự thấy ra ở chính mình
Những ngày đầu tò mò về chính bản thân và sự thật về thế giới này, tôi đã từng nghĩ Phật và Chúa rất ki bo kẹt xỉ, bởi vì rõ ràng là giảng giải rất nhiều điều, mà dường như quên mất không đoái hoài đến một hậu nhân của mình ở thế kỉ 21 mà rảnh rảnh viết 1 câu trả lời cho nó biết rằng nó là gì. Thật ra xét về sự hi sinh to lớn của các Ngài cho nhân loại, tôi cũng biết nghĩ thế là oan cho hai vị. Thế là tôi đã quyết tự tìm ra câu trả lời ấy, để xem rốt cuộc họ có uẩn khúc gì mà không nói rõ đáp án này ra.

Sự thật tuyệt đối cho nhân loại về câu hỏi "tôi là"
Rất nhiều năm sau, khi dần chạm đến câu trả lời “tôi là gì”, lúc đó tôi mới hiểu được, hoá ra Phật và Chúa hẳn là hai trong số những người khổ tâm, hoặc nói bất lực nhất trên đời. Bởi vì họ hay những người đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “chúng ta là gì” - một câu hỏi muôn thuở từ khi ý thức đầu tiên được khai sinh - không phải không muốn, mà là không có cách nào để diễn đạt nó ra mà lưu lại cho người đời sau được. Cũng không phải hai Ngài không nói, trái lại nói rất nhiều, chỉ tại chúng ta coi thường và không chấp nhận mà thôi.
Ngày hôm nay tôi sẽ chỉ đường để bạn tự khám phá ra bí mật ấy, 1 phần hay toàn bộ phụ thuộc vào bạn. Nhưng đảm bảo câu trả lời sẽ là không phải là dạng quan niệm tương đối, mà là sự thật tuyệt đối cho toàn thể nhân loại. Nôm na là nếu bạn và đứa bạn thân cùng đọc bài viết này thì xong xuôi hai người sẽ nhìn vào mắt nhau rồi cười phá lên: ”thì ra là vậy”.
Sau khi làm nóng người một chút với hai sự thật sắp tới đây, ở phần cuối của bài viết sẽ là hướng dẫn để bạn tự trải nghiệm “tôi là”. Ok bắt đầu thôi.
I. Chia buồn với Descartes (và nhiều triết gia khác)
Một sự thật “Old but Gold” mà chúng ta không thể chối cãi đó là “vô ngã”, tức không có cái tôi, không có một bản ngã, bản thể thường hằng nào để nương vào và cho rằng “đó là tôi, thuộc về tôi, của tôi,…”. Nói như vậy không có nghĩa là cuộc tìm kiếm “tôi là” của chúng ta sẽ kết thúc ngay khi chưa bắt đầu. Mà để chúng ta sẽ buông dần những ảo tưởng về “tôi là” xuống, rồi cuối cùng thấy ra cấu trúc của thực tại. Nhưng tại sao phải buông mới thấy được ?
Bởi mỗi một ảo tưởng đều làm sự nhận biết bị lệch lạc. Ví dụ như người ngầm cho rằng mình là thân thể này, thì sức chống cự của họ trước các cám dỗ về bản năng thân thể như ăn, ngủ, tình dục là rất thấp. Nếu hỏi họ rằng, lỡ may bị mất khả năng tình dục và hưởng lạc thú thì họ có thể chấp nhận được hay không, bạn sẽ thấy ngay sự sợ hãi, không nỡ mất đi khả năng sinh sản của họ. Một con người bám chặt vào bản năng thân thể như vậy, còn có thể biết được gì ngoài tứ khoái, bởi vì họ đã ngầm định nghĩa mình đa phần chính là bản năng sinh tồn, hay đúng hơn là mắc kẹt ở tầng nhận thức đó.
Trí tuệ chỉ sáng suốt khi không bị chi phối bởi bất cứ điều gì, vì thế, thấy ra vô ngã để buông xuống là một điểm tất yếu trước khi muốn biết được sự thật tuyệt đối câu trả lời “tôi là gì”.
Để tôi làm rõ hơn sự bám chấp này.
1. Bạn có sợ tối nay bị một cơn bệnh bất ngờ dẫn đến liệt tay chân, thậm chí liệt nửa người không ? Nếu bạn sợ, là vì trong âm thầm bạn cho rằng thân này là tôi, là của tôi, nó phải theo ý tôi. Nhưng thật ra sự vận hành, lớn lên, già đi của nó bạn không kiểm soát hoàn toàn được. Và rồi cũng đến ngày bạn bệnh, chết, thân này sẽ tan rã là 1 quy luật tất yếu.
2. Bạn có sợ khi tưởng tượng đến viễn cảnh tôi vừa nói ở ví dụ trên không ? Và bạn có liên tục chối bỏ nó, cho rằng nó không thể nào xảy ra, bạn không dám nghĩ đến những thứ tồi tệ như vậy đúng không ? Đó là bởi vì bạn cho rằng cảm xúc tích cực, hạnh phúc là của bạn, là bạn; còn những cảm xúc sợ hãi, lo lắng, đau khổ thì không phải là bạn nên bạn luôn không thích, kháng cự nó.
3. Bạn có sợ mất đi tư duy đang suy nghĩ này hay không ? Bạn nghĩ nếu mất đi nó chắc bạn sẽ không còn là bạn, sẽ thành người mất trí, tâm thần chăng ? Nhưng có nhiều khi xuất thần, như bất chợt thấy crush ngang qua, hay đứng trước một cảnh đẹp hút hồn, lúc đó mọi suy nghĩ trong bạn im bặt, nhưng khoảnh khắc ấy vẫn sống động và lung linh đến lạ kì, và lại là giây phút bạn ghi nhớ rõ ràng nhất trong kí ức. Bạn thấy đấy, suy nghĩ chỉ là 1 công cụ, bạn không phải là suy nghĩ và dầu có thiếu vắng nó bạn vẫn là bạn. Hay như khi mệt mỏi, stress, ta thường nghe một bài nhạc hay, hoặc thiền, vẽ, hay gì đó chỉ để cho tĩnh lặng trong tâm trí. Thế khi đó ta không tồn tại, hoặc không biết về sự tồn tại của mình chăng ? Cho nên tiêu đề chương này mới đặt làChia buồn với Descartes (tôi tư duy - tôi tồn tại) (và nhiều triết gia với các định nghĩa về tồn tại khác nhau)
4. Bạn có sợ mất đi sự sống này và mọi người thân yêu, bạn bè hay không ? Nếu có thì bạn cho rằng “cuộc sống này là bạn”. Vậy tại sao có nhiều người nhớ được đời sống kiếp trước của họ, tại sao các đời Dalai Lama đều là truyền thừa bằng kí ức nối tiếp nhau. Khi một vị chết đi, người ta đem vật dụng của vị ấy và mang đến cho đứa trẻ nào nhận ra, chẳng bao lâu sau thì đứa trẻ ấy lấy lại kí ức các đời của mình. Và chúng ta biết Phật sau khi chứng đạo cũng tuyên bố rằng “ta đã luân hồi nhiều đời nhiều kiếp”. Vậy rõ ràng câu trả lời “tôi là” phải vượt trên sự sống và kiếp sống này.
Lấy đơn thể một thứ gì đó để nói rằng “Ồ rõ ràng là vô thường, vô ngã, tôi không dính chấp và cho rằng tôi là nó” thì rất dễ dàng. Nhưng ảo tưởng về cái tôi không đơn giản là một thứ cụ thể như vậy, nó là tập hợp của vô số các ảo tưởng về "tôi là" khác nhau chồng chéo lại. Mỗi hành động, lời nói, suy nghĩ của bạn, điều bạn sợ, điều bạn yêu,…. đều âm thầm phản ánh một định nghĩa “tôi là” nào đó mà khi bạn soi xét sẽ thấy ra được.
Và càng tháo gỡ nhiều các dính mắc “tôi là” này, bạn sẽ thoát ra khỏi những lo âu, đau khổ, ràng buộc bởi sự bám chặt vào thân thể, suy nghĩ, cảm xúc, quan niệm,…. và càng tiến dần đến sự thật về chính mình. Nhưng cụ thể thực hành làm sao để thấy ra sự thật tuyệt đối “tôi là” mà Phật hay Chúa đã thấy ở phần mở đầu tôi có đề cập ? Hãy chờ đến chương III và chúng ta trước đó sẽ đi qua một phần quan trọng sau đây để làm nền tảng cho nó.
II. “Tôi là” và thế giới
Đừng hiểu lầm vô ngã là không có tôi, hay không có cái tôi, hãy nên hiểu rằng vô ngã là không có cái “tôi là” nào cố định. Không cố định nghĩa là có thể thay đổi và lựa chọn.
Trên thực tế, mỗi định nghĩa “tôi là” chính là động lực để kiến tạo thế giới.
Anh em nhà Wright - Người buông bỏ bám chấp về “tôi là người không thể bay” đã sáng tạo ra máy bay.
Faraday cùng những người tin rằng “tôi có thể tạo ra năng lượng khác ngoài nhiệt” ngày đó đã thúc đẩy tương lai mà nhân loại có điện để sử dụng.
Louis Pasteur- Người không tin rằng “nhân loại bị chó dại cắn sẽ phải chết”, y tin rằng “mình là sự có thể” và đã chế tạo ra vaccine phòng dại,…
Bạn có thấy rằng trước khi những thứ đó ra đời, thì mọi thứ đều là con số 0 đối với nhân loại và đối với chính bản thân người đó hay không ? Và còn vô số điều mà nhân loại đã biến từ không thành có, hoặc từ có thành không, cho đến nay, không có điều gì khoa học đã biết được gọi là chắc chắn bất biến, nếu là chắc chắn thì chỉ trong 1 giới hạn, tất cả đều ngầm thừa nhận rằng có một vùng biên giới của những gì chưa biết và các khả năng có thể.
Bởi vì vô ngã và vô thường, cho nên vô hạn khả năng có thể.
Định nghĩa, lựa chọn “tôi là” không chỉ được hiểu dưới dạng quan niệm về số phận và cuộc đời như vậy. Xét trên góc độ não bộ, cách bạn tự coi mình là ai sẽ ảnh hưởng lên suy nghĩ của bạn. Giả sử như bạn không thích một ai đó, nhưng nếu bạn thử nghĩ rằng bạn là Chúa, tin rằng mình có tất cả các đức tính bao dung, vị tha của Phật, bây giờ khi nghĩ lại về người bạn không ưa, bạn có còn ghét họ như trước không ? Hay thay vào đó là một suy nghĩ khác.
Và nếu như cách nghĩ bạn đã khác đi, bạn phải biết rằng ngay lúc ấy, tuyến tụy và tuyến thượng thận của bạn đã bắt đầu tiết ra một vài hormone mới, các khu vực khác nhau của bộ não bạn vừa kích hoạt một dòng điện gia tăng, giải phóng một đám hóa chất thần kinh mà quá nhiều để có thể kể tên. Lách và tuyến ức của bạn đã gửi một email hàng loạt đến hệ thống miễn dịch của bạn để thực hiện một vài điều chỉnh. Nhiều dịch vị khác nhau bắt đầu chảy. Gan của bạn bắt đầu xử lý các enzym mà trước đó không có. Nhịp tim của bạn dao động, phổi của bạn thay đổi thể tích đẩy, và lưu lượng máu đến các mao mạch ở tay và chân của bạn đã thay đổi. Tất cả chỉ từ một suy nghĩ duy nhất, bắt nguồn từ cách định nghĩa bản thân khác đi.
Khoa học sinh học phân tử từ cách đây hơn 20 năm bắt đầu điều tra khái niệm rằng, với những tín hiệu đúng đắn, gen của chúng ta có thể thay đổi tương tự như các tế bào não. Và sự thật là với sự tiến bộ của di truyền học biểu sinh, bạn có thể kích hoạt các gen tạo ra sức khoẻ, thể trạng như mong muốn bằng cách thay đổi cảm xúc của mình…

Felicia, một học viên tham gia khoá thiền của Joe Dispenza đã bước vào trạng thái ý thức thuần tuý, tái thiết lập hệ thống gen của mình để chữa bệnh dị ứng bẩm sinh ở da - sách Becoming Supernatural.
Lại nói, vũ trụ là các dạng năng lượng luôn chuyển động và thay đổi không ngừng, từ Photon ánh sáng, cho đến mọi phân tử trong vật chất xung quanh bạn đều đang trong quá trình bán rã và chuyển đổi, hay từng tế bào trong cơ thể bạn cũng không phải ngoại lệ, cho đến bộ não của bạn với 8,6 tỷ đến 172 tỷ xung điện mỗi giây,… Vậy mỗi suy nghĩ sinh ra, không chỉ là suy nghĩ mà còn là một năng lượng được sinh ra và chuyển hoá đối với vũ trụ.

Rất nhiều thí nghiệm đo đạc GDV về năng lượng của con người khi thay đổi suy nghĩ và nhận thức, thay đổi "tôi là" - sách Becoming Supernatural.
Những điều này chứng minh rằng khái niệm “tôi là” không chỉ là một trò chơi tâm lý hay ảnh hưởng đến hành vi. Mà xét về cấp độ vi mô, nó thay đổi năng lượng của bạn và cách bạn tương tác với các phân tử trong vũ trụ, nó thay đổi cấu trúc sinh học của bạn, thay đổi tất cả mọi thứ xét theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Số phận chính là từ đây hình thành.
Lưu ý
Tôi không lập luận hay chứng minh sự thật là vô ngã = vô hạn có thể dựa trên kiến thức khoa học. Đúng hơn thì tiến trình phải là "Sự thật là vô hạn sự có thể - và khoa học đang dần cho ta thấy điều đó". Khoa học luôn đi sau, không bao giờ đi trước, bởi vì người tạo ra khoa học là con người chúng ta, là từ vô hạn có thể ấy. (cụ thể hơn mời đọc phần Bonus 2 cuối bài)
Cũng như vậy, cách bạn định hình bản thân sẽ quyết định bước đi của bạn ung dung hay e dè, đầu bạn sẽ ngẩng cao kiêu hãnh hay lưng bạn sẽ gù với vai trùng xuống. Cách bạn chọn “tôi là” cho vấn đề mình có thành công hay không quyết định sự cố gắng, lạc quan và kiên trì của bạn trước những vấn đề khó, cũng quyết định bạn là người lười biếng hay chăm chỉ. Là bạn tự chọn định nghĩa mình, hay bạn để cho quá khứ định nghĩa bản thân trong khi tôi đã nói về vô ngã. Không có cái “tôi là” nào là thật sự cố định, đồng nghĩa với việc bạn có thể sáng tạo ra “tôi là” của riêng bạn.
Chính bởi vì vô ngã, không có cái “tôi là” nào cố định, nên một người có thể sửa đổi thói quen, tính nết, suy nghĩ, cảm xúc,… của mình từ xấu thành tốt (và cũng có thể ngược lại). Bởi vì có vô thường cho nên mới có thể thay đổi và phát triển. Vô ngã đồng nghĩa với việc bạn có thể trở thành bất cứ điều gì bạn muốn, làm bất cứ thứ gì bạn mong ước, mọi cản trở chỉ là ảo tưởng thuộc về "tôi là" hiện tại mà bạn đang ngầm dính mắc.
Cho nên Phật nói “ý làm chủ, ý tạo tác, ý dẫn đầu các pháp”
Chúa thì nói “Nếu các ngươi có đức tin bằng một hột cải, sẽ khiến núi này rằng, hãy rời đây qua đó, thì nó liền rời qua. Và không có sự gì mà các ngươi chẳng làm được” (Matthew 17-20)
Đến đây, chúng ta có thể sơ bộ nói rằng, không có “tôi là” như một sự thật bất biến, chỉ có “tôi là” tương đối, và mọi người được tự do chọn lựa “tôi là”, từ đó thể hiện ra thế giới của mình. Hay có thể nói rằng, bạn vừa là đạo diễn, cũng có thể chọn vai, và bạn cũng làm khán giả cho chính cuộc đời mình.
Trong kinh vô ngã tướng Phật đã nói sự thật ấy rồi, nhưng chỉ nhắc vô ngã, vô thường, chứ không hề nhắc về một “tôi là”, hay chân ngã cụ thể, có phải vì Ngài tiếc một lời nói hay không ? Không đâu, bởi vì một khi nói ra “tôi là” cụ thể, thì sẽ không còn là vô hạn sự có thể nữa.
Vô ngã = vô hạn sự có thể
Thậm chí ngay khi tôi dùng “vô hạn sự có thể”, bạn có chắc rằng bạn không đang đóng gói nó vào 1 khái niệm trong suy tưởng của bạn hay không ?
Cho nên Phật chỉ nói vô ngã, chứ không bao giờ nói về cái ngã thật sự, mà chỉ nói rằng “pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”, và nói “hãy thắp đuốc lên mà đi”. Ý rằng nếu muốn tự mình biết sự thật, thì phải tự trải nghiệm lấy.
Bởi vì thế cho nên những điều trên đây chỉ là chuẩn bị cần thiết để chúng ta đi vào trải nghiệm cuối cùng này, nơi bạn sẽ thấy ra “tôi là”, sẽ hiểu vô ngã dưới dạng trải nghiệm chứ không chỉ là chấp nhận nó như 1 khái niệm.
III. Sự thật - Bạn có dám thử buông xuống/ bước ra khỏi tư duy, suy nghĩ của mình không ?
Điều quan trọng phải nói 2 lần:
Bạn có dám thử tạm tắt đi/ ngưng lại/ rời bỏ tư duy, suy nghĩ của mình ?Vì suy nghĩ bị giới hạn bởi không gian, thời gian, nên muốn thấy sự thật vượt trên nó, ta cần tạm bỏ cái công cụ này xuống và tạm dừng đồng hoá với nó.
Bạn có thể ngồi hoặc nằm tuỳ ý, miễn là thoải mái, nhưng nên ngồi thẳng lưng để được minh mẫn và tỉnh táo nhất. Hãy tâm niệm theo những điều bạn sắp đọc được sau đây và cùng khám phá sự thật.
Bước 1. Nhận ra sự thanh thản, vắng lặng
“Cảm nhận toàn thân, toàn tâm, tôi biết hơi thở ra““Cảm nhận toàn thân, toàn tâm, tôi biết hơi thở vào.“
Bạn sẽ thấy sự nhận biết của mình lúc này rất rõ ràng. Bạn nghe, bạn biết bạn đang nghe. Bạn suy nghĩ, bạn thấy được suy nghĩ xuất hiện trong đầu mình. Bạn đang đọc, bạn biết rõ bạn đang đọc,….
Trải qua phần 1, ta đã biết vô ngã, ngay giây phút hiện tại, vì vô ngã, không có gì là ta, của ta, thuộc về ta, cho nên hãy buông chúng xuống, buông dần cho đến buông cả suy nghĩ của mình. (Không thể mạnh mẽ cắt đứt dòng suy nghĩ hay cố tắt nó đi, vì làm như vậy sẽ gây ức chế, do các bạn hầu như chưa từng làm bao giờ. Cách đúng là buông nó ra, hướng tâm đến việc buông bỏ, từ bỏ và lại lặng yên theo dõi, dần dần học cách điều khiển và tạm tắt suy nghĩ.)
Bây giờ hãy tâm niệm: tôi buông bỏ suy nghĩ, vì suy nghĩ không phải là bạn. (Buông bỏ ở đây không phải cố tắt suy nghĩ, mà là để tự nhiên, không cần rình rập hay chú ý đến nó quá nhiều, mặc kệ thế, thi thoảng lại nhắc, ta buông bỏ suy nghĩ, rồi nó sẽ tự im lặng). Tương tự, buông bỏ mọi thứ xuất hiện trong sự nhận biết của bạn, từ cảm xúc, cảm giác, tưởng tượng, khái niệm,… vì tất cả đều không phải là bạn,….
Hễ có thứ gì xuất hiện trong nhận biết, bạn cứ tâm niệm cái này không phải là tôi, không thuộc về tôi và để nó tự trôi qua,…
Mọi thứ sẽ lắng dần xuống và bạn sẽ thấy một trạng thái thanh thản, tĩnh tại, vắng lặng, không có ý niệm, chỉ còn sự nhận biết tỉnh táo vẫn tồn tại.
Nó có thể kéo dài 1 giây, 2 giây hoặc vài phút tuỳ thuộc vào mức độ tách rời, và buông bỏ của bạn khỏi suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác của mình. Cho nên tôi mới nói việc hiểu ra vô ngã và buông xuống là quan trọng. Nhưng không quá quan trọng, bởi vì sự thanh thản, vắng lặng ấy ai cũng có và nhận biết được.
Bước 2. Nhận ra sự thật.
Giờ đây, hãy quan sát sự tĩnh lặng ấy và bạn sẽ biết về sự tồn tại của chính mình.
Sự tĩnh lặng, khi đã vắng tâm trí, suy tư thì sẽ không còn thời gian và không gian.
Cho nên Phật nói “pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy”. Chúa lại nói “Before Abraham, I am”. (trước khi có mọi cái tôi, mọi hình tướng, i am - sự tồn tại của ta được viết ở thì hiện tại - tức không có không gian và thời gian).
Bây giờ bạn biết, thời gian chỉ là khái niệm do suy tư mà có, không gian chỉ tồn tại vì bạn chú tâm đến cảm giác và thân thể.
Sự yên lặng này, khi mọi thứ được buông xuống. Bạn sẽ quan sát được sự sinh ra và biến mất của mọi thứ. Ở đây tồn tại vô số khả năng, nơi mọi thứ được thai nghén để rồi ra đời. Suy nghĩ sẽ xuất hiện từ sự im lặng này, rồi đến khái niệm “tôi là”, vô số sự có thể, chỉ cần bạn muốn/ bạn có quan tâm tới cái gì thì hình tướng ấy sẽ hiện ra. Bắt đầu từ ý tưởng, cho đến quan điểm, niềm tin, hành động, số phận của bạn, và cuộc sống xung quanh bạn,…
Ai cũng có quyền theo đuổi cuộc sống khác nhau, lựa chọn niềm tin theo ý mình, nhưng sự im lặng để thai nghén ra mọi thứ này là chân lý chung của nhân loại, nơi mọi thứ bắt đầu, và tiến trình sáng tạo ấy cũng là chân lý của "tôi là" mà ai cũng trải nghiệm được.
Từ sự im lặng này mà mọi thứ phát sinh, mọi thứ được âm thầm lựa chọn và quyết định, và với vô số lựa chọn, loài người tạo nên thế giới sinh động như hiện nay.
Bởi vậy nên trong kinh thánh - sáng thế kí 1 có ghi:
Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất. Vả, đất là vô-hình và trống không, sự mờ-tối ở trên mặt vực; Thần Đức Chúa Trời vận-hành trên mặt nước. Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng; thì có sự sáng. Đức Chúa Trời thấy sáng là tốt-lành, bèn phân sáng ra cùng tối. Đức Chúa Trời đặt tên sự sáng là ngày; sự tối là đêm. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhứt.
(Hãy thử đọc sáng thế kí, và bạn sẽ kinh ngạc phát hiện ra rằng những gì được ghi trong kinh thánh không khác gì hơn ngoài vở kịch tâm lý trong chính bạn - Việc chúa trời sáng tạo nên thế giới chẳng khác gì với việc bạn tạo nên mọi thứ từ sự im lặng ấy bằng cách đặt sự chú ý, ý muốn của mình làm năng lượng cho chúng hình thành - Nếu có ai không đồng ý trong việc tôi nói về kinh thánh, có thể đọc bonus 2)
Cũng từ sự yên lặng này, bạn có thể chọn lựa suy nghĩ mà mình muốn hướng tới, chọn lựa cảm xúc mình yêu thích, chọn lựa hình dung bạn mong muốn,… Miễn là bạn đặt năng lượng và sự chú ý vào đó, hình thái đó sẽ được tạo nên. Và bạn đã chân chính thấy ra rằng suy nghĩ, cảm xúc, tưởng tượng, mọi thứ chỉ là công cụ và chúng sẽ phải vận hành theo ý bạn, chứ không phải là tôi tư duy - tôi tồn tại, hoặc tư duy phản ánh sự tồn tại của bạn. Chỉ là bấy lâu bạn để nó chạy tự động hơi nhiều nên giờ điều khiển lại có chút ngượng ngùng chưa quen mà thôi.
Chúa chọn cách diễn đạt Chúa Trời sáng thế như một đấng toàn năng làm chủ mọi thứ ngầm ám chỉ cho sự vô hạn của bản thân con người. Đây chỉ là một hình thức khác với cách nói "vô ngã" của Đức Phật mà chúng ta đã làm quen từ đầu tới giờ.
Từ đây bạn hiểu ra vô ngã = vô hạn sự có thể. Cho nên chúa Jesus nói Ta với Cha là một (Giăng 10:27).
Bạn và sự tồn tại hay mọi biểu hiện là một. Vì có bạn, vì ý muốn của bạn nên chúng mới có mặt trên đời(ghét, thù hận, bực bội, chối bỏ,… tất cả những hành vi dành năng lượng này đều gọi là ý muốn - sự quan tâm).
Mọi biểu hiện ở bạn và xung quanh bạn cho biết khái niệm “tôi là” nào đang được chọn để thể hiện. Tất nhiên, luôn có thể nhận biết và thay đổi tất cả, chúng sẽ tiêu vong khi bạn không còn hứng thú nữa.
Note: Làm sao tôi biết được cái sự thấy ra "sự thật" của tôi hay của bạn là giống nhau và nói nó là chân lý ?
Có rất nhiều điều vượt ra khỏi giới hạn của tư duy, suy nghĩ và sự thật về "tôi là" thuộc một trong số những điều ấy. Bởi nếu có thể hiểu được "tôi" bằng suy luận, thì mấy ngàn năm qua con người đã có thể hiểu được mà không phải mỗi người một ý như ta thấy bao trường phái triết học xảy ra xung đột. Sự thật về "tôi là" cũng chính là cái gọi "niết bàn", "vắng mặt tham, sân, si, các dính chấp và đau khổ", hay chính là chân lý "diệt đế" trong tứ diệu đế mà Phật đã thuyết giảng.
Các bạn hãy lắng nghe đoạn kinh sau:
Các thầy nghĩ sao? Ý thức là thường hay vô thường? - Ý thức là vô thường, thưa ThếTôn. - Cái gì vô thường là khổ hay sướng?- Là khổ, thưa Thế Tôn. (Kinh vô ngã tướng)
Diệt đế - niết bàn là trạng thái vắng mặt khổ đau, vì vậy cái gì là khổ phải tạm thời buông xuống để thấy được chân lý "diệt đế", cũng là thấy sự thật (buông xuống là không chấp chặt, tạm cho ngưng nghỉ, chứ không phải là diệt nó đi). Vì vậy tôi mới mời các bạn thử buông xuống mọi thứ, bao gồm cả ý thức để thấy ra. Việc này không khó nếu chỉ làm trong giây lát, và vì nó không khó cho nên Tứ diệu đế (Kinh chuyển pháp luân) mới là bài đầu tiên mà Phật giảng sau khi chứng đạo.
Tứ diệu đế là bốn chân lý, bốn sự thật của thế gian này, và diệt đế là một trong số đó.
"Như vậy, này Bà-la-môn, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu” (Kinh Tăng chi bộ I).
Sự thật chỉ có thể tự mình "giác hiểu", tự mình "giác ngộ" và "hiểu ra" - là cái thấy biết trực tiếp chứ không phải từ suy luận. Cho nên hãy buông bỏ những gì là vô thường, vô ngã - tức là khổ - rồi sẽ thấy ra "diệt đế" - cũng là sự thật về "tôi là".
Nếu đọc đến đây mà bạn vẫn tự hỏi "ông này nói cái quái gì vậy" thì hẳn là bạn còn đang trong cuộc chơi của ý thức, suy nghĩ. Vậy tặng bạn thêm một đoạn kinh nhỏ:
Ý bị bốc cháy. Bị bốc cháy bởi cái gì? Bị bốc cháy bởi lửa tham, lửa sân, lửa si. Ta nói rằng bị bốc cháy bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Nhàm chán đối với ý, nhàm chán đối với các pháp, nhàm chán đối với ý thức, nhàm chán đối với ý xúc. Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, khởi lên trí hiểu biết rằng: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui với trạng thái này nữa".(Kinh lửa cháy). (chú thích: ly tham là từ bỏ cái tham - ở đây là tham muốn suy nghĩ, tư duy)
Cuối cùng, những điều tôi nói không phải 1 lý luận, học thuyết, mà là 1 hướng dẫn để bạn tự khám phá sự thật, là gợi ý và cần thực hành để thấy ra, lưu ý là thực hành chứ không phải suy tư hay phản biện, tranh luận khi chưa từng thử. Nó không dành cho người còn chấp chặt vào suy nghĩ tới nỗi bị một cái nỗi sợ rằng nếu buông tư duy ra thì mình sẽ không còn biết gì nữa. Nó chỉ dành cho người khao khát biết sự thật về bản thân và cái mà các bậc giác ngộ đã thấy, có can đảm khám phá cái thế giới vắng bóng suy tư, suy tưởng, tưởng tượng.
Hãy thử buông xuống, tìm hiểu ở chính mình xem “sự thật là gì”, đừng nghĩ nó dễ, khó, không thể, vô lý hay bất cứ loại đánh giá nào, vì đó là đang còn vướng vào suy nghĩ.
Rất mong đón đọc chia sẻ của bạn về quá trình ấy.
Đến đây, nội dung bài viết coi như đã xong. Phần dưới chỉ là vài bổ sung nhỏ, không cần thiết phải đọc nếu như bạn vẫn chưa tự thấy được vô thường, vô ngã ngay trong hiện tại mà không cần qua khái niệm, tư duy, suy nghĩ, phân tích nào/ Hoặc chưa từng thử buông xuống tư duy, hay những gì vốn là vô ngã (nhưng mình dùng quen quá đã ngầm coi là của mình) để mà trải nghiệm sự thật như tôi đề cập). Bởi vì chỉ người buông xuống mới hiểu phần nào những gì tôi viết, còn nếu chưa từng thử thì sẽ chỉ gây ra thảo luận vô ích (giống như bạn chưa từng thử , thậm chí nhìn qua 1 món ăn nhưng bạn bảo món ấy không ngon, điều này thật khó cho cả tôi và bạn).
Note: Hai hiểu lầm (nếu có)
1. Bạn là vô hạn sự có thể, cho nên khi bạn đưa mọi thứ về tĩnh lặng, mọi thứ được tĩnh lặng. Khi bạn muốn nhận biết, sự nhận biết xuất hiện. Bạn muốn suy nghĩ, suy nghĩ xuất hiện, mọi khái niệm, cái tôi lại xuất hiện. Cho nên, sự tĩnh lặng không phải là bạn, chỉ là bạn tạo ra nó để làm nền xem mọi thứ diễn ra như thế nào mà thôi.
2. Nếu bạn yêu cầu biết chính mình, sự nhận biết sẽ cho bạn biết. Nếu bạn không muốn nhận biết nữa, mọi thứ sẽ rơi vào im ắng, quên lãng, bạn làm mọi thứ trong vô thức, tự động, bạn lúc nhớ lúc quên là vì vậy. Cho nên sự nhận biết cũng chỉ là công cụ của bạn chứ không phải bạn.
Trải nghiệm sự im lặng ấy càng nhiều, nhận biết rõ ràng sự sinh ra và mất đi của mọi thứ, quán xét những biểu hiện đã từng có và qua đi của cuộc đời bạn, bạn sẽ hiểu về vô ngã, cũng hiểu rằng bạn là vô số sự có thể.
Một cái hiểu rõ ràng mà không khái niệm hoá hay diễn tả thành lời được. Bởi vì mọi khái niệm cũng chỉ là do bạn sáng tạo ra từ vô số sự có thể ấy mà thôi.
Bonus: tái sinh và luân hồi
Phần đầu tôi có nói về tái sinh và luân hồi. Giờ đọc đến đây hẳn bạn cũng có câu trả lời cho mình rồi, nhưng tôi sẽ nói thêm 1 chút.
Sự tĩnh lặng mà bạn vừa trải nghiệm, dù là trong lúc bạn đau đớn, khốn khó, hay bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ có, ngay cả khi sắp chết. Như bạn đã thực trải nghiệm vừa rồi, thậm chí trải nghiệm ấy sống động trong bạn ngay bây giờ :từ sự tĩnh lặng bạn đang biết, mọi hình tướng sẽ phát sinh từ đó theo ý muốn (sự quan tâm) của bạn.
Khi chết, bạn rời bỏ thân xác này, nếu lúc ấy bạn đang quan tâm tới thứ gì, thì mọi hình tướng sẽ tổ hợp lại để bạn được tiếp tục thứ mình muốn. Có thể là tiếp tục ghét người đó, tiếp tục yêu một ai, tiếp tục sợ hãi thứ gì đó, tiếp tục làm việc còn dang dở, hay sống với đam mê của mình. Nếu bạn không chủ động lựa chọn, thì mọi thứ sẽ chạy theo động lực còn sót lại của nó, giống hệt như khi bạn ngồi không thì các suy nghĩ, suy tưởng cứ ập tới không ngừng theo thói quen cũ.
Vũ trụ là các dạng năng lượng luôn vận động và thay đổi không ngừng, và bạn, từng tế bào, từng suy nghĩ của bạn cũng là 1 phần trong sự vận động ấy. Cho nên trong sự thật tuyệt đối thì không có sự chết đi, chỉ có sự chuyển động không ngừng và các dạng năng lượng chuyển hoá qua các hình hài khác nhau. Chết đi chỉ là một khái niệm về 1 con người mà thôi, cũng như mọi cái tôi, “tôi là” đều là 1 ảo ảnh trong tâm trí. Cho nên hình thái sinh mạng mới vì thế sẽ được sinh ra để tiếp tục những gì đang dang dở, đang được quan tâm.
Nếu thường xuyên làm quen với trạng thái tĩnh lặng và sự quan sát mọi thứ sinh diệt này, thay vì cứ chìm đắm trong suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác của mình như 99,9% thời gian của đa số người thì bạn sẽ làm chủ được sự nhận thức tỉnh táo của mình - một năng lực mà ai cũng có. Sự tỉnh thức ấy khi chết sẽ khiến bạn không bị mất trí nhớ về kiếp sống này mà rơi vào quên lãng, trái lại, sự tỉnh thức ấy giúp bạn thấy biết toàn bộ quá trình chết đi, nhập vào bào thai và sinh ra, lớn lên.
Đức Phật có nói rõ về 4 hình thức nhập thai mà tuỳ theo mức độ tỉnh thức của các bạn khác nhau, sẽ đạt tới mức độ nhận biết và ý thức khác nhau của từng giai đoạn sự tái sinh được diễn ra.
Thật ra, nếu thực hành buông xả các dính mắc vào "tôi là", đạt đến sự thanh tịnh, thuần thục đối với các công cụ như suy nghĩ, cảm xúc của mình. Thì trong sự im lặng ấy, bạn cũng có thể hướng tâm để truy tìm quá khứ của bản thân.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, .... nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia ta có tên như thế này, .... Như vậy Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. (Kinh Sa Môn Quả)
Và tất nhiên, còn nhiều điều vượt ngoài sức tưởng tượng nữa mà nếu muốn, bạn có thể tìm hiểu và biến nó thành sự thật, tôi sẽ không đề cập cụ thể ở đây vì bài viết đã hơi dài, tuy nhiên cũng có thể hé lộ một chút sự vô hạn này.
Này Ðại vương, ví như người thợ vàng khéo tay hay đệ tử người thợ vàng, với vàng khéo tinh nhuyễn có thể làm các loại đồ vàng tùy theo sở thích. Cũng vậy này Ðại vương, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm hướng tâm đến các thần thông. Vị ấy chứng được các thần thông một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi, như đi ngang qua hư không; độn thổ trồi lên, ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết già đi trên hư không như còn chim; với bàn tay chạm và rờ mặt trời và mặt trăng, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. (Kinh sa môn quả)
Bonus 2: Giới hạn của khoa học và Cách lý giải Kinh Phật hay Kinh Thánh.
1. Khoa học
Khoa học năm 1986 (và có lẽ là cả bây giờ) nói rằng nếu anh bị dập 6 đốt xương sống thì việc cần làm là phẫu thuật và gắn thanh Harington cố định xương từ cổ đến cuối thắt lưng, nếu không thì chỉ có bị liệt nửa người vì dây thần kinh đã chèn ép và lệch vị trí. Nhưng 6 tuần sau đó bệnh nhân ấy đã xuống giường, tự sinh hoạt cá nhân, 10 tuần thì làm việc, dạy học và sau 12 tuần thì nâng tạ phục hồi chức năng, không biến dạng, không tê liệt. Bệnh nhân ấy sau này còn tiếp tục các môn thể thao, học võ. Đó chính là Joe Dispenza, và sau này cái gọi là khoa học nghiên cứu về chính hiện tượng tự phục hồi thần kì khi con người bước ra khỏi cánh cửa ý thức, suy tư, tiến vào không gian mới để tự tái thiết bản thân ấy lại là do chính Joe Dispenza tiến hành tiếp.

Một trong những người cố gắng dùng khoa học và những công cụ đo đạc hiện đại để tiếp cận gần hơn với sự thật vô hạn và những điều huyền bí
Khoa học thế kỉ 17 chắc có lẽ luôn cho rằng 3 định luật Newton là bất biến, thế giới cũng chỉ có quy luật ấy mãi cho đến khi thuyết tương đối ra đời bởi 1 người tin rằng có thể có khả năng khác.
Khoa học thế kỉ 21 có lẽ vẫn chưa biết giới hạn vi mô cuối cùng là gì, hoặc vĩ mô - tận cùng vũ trụ, bên ngoài vũ trụ là gì. Cũng chưa biết tại sao Milapera có thể ấn bàn tay vào sâu vách hang đá nơi mình dùng làm chỗ tu tập và dạy đệ tử của ổng ở Tây Tạng cách đây hơn 10 thế kỉ. Cũng không biết tại sao một người có thể dùng thiền định và bay lơ lửng,…
Không có bất cứ ai, ngoài bậc giác ngộ tuyên bố mình đã biết hết mọi thứ trên đời. Khoa học cũng không tuyên bố những gì họ đã từng nghiên cứu là tất cả những gì có thể tồn tại và xảy ra. Tôi bất đắc dĩ phải dùng một chút ví dụ khoa học vì nó phần nào đưa ra trên lý luận những gì trước đây thuộc về huyền bí và vượt ngoài ý thức. Điều này không có nghĩa là khoa học có thể chứng minh và lý giải mọi thứ. Mong rằng các bạn có thể tin vào bản thân trong việc thấy ra "sự thật" về mình hơn bất cứ công cụ nào vẫn luôn tin dùng như là khoa học. Bởi vì bạn đã là sự thật rồi thì còn cần công cụ gì để thấy nữa.
Hãy trả khoa học về vị trí của nó, đó là 1 công cụ để con người nhìn, khám phá và định nghĩa vũ trụ chứ không phải là chân lý bất biến. Khoa học, nghiên cứu,… từ đâu mà xuất hiện, không phải từ ý muốn và nhu cầu của con người, từ cái thích, cái tư duy của con người mà ra hay sao ? Chúng ta là vô hạn sự có thể, vô hạn sáng tạo. Vô ngã, vô thường là cùng 1 ý nghĩa, 1 chân lý mà Phật đã thuyết từ rất lâu, vô hạn sự có thể chỉ là 1 cách nói khác đi, mang tính hiện đại hơn mà thôi.
2. Kinh sách
Về phần tôn giáo, giáo lý. Kinh thánh hay Kinh Phật không khác gì hơn chỉ là lời nói của 1 người giác ngộ về cái "sự thật, hay chân lý" và lời ấy được ghi lại. Hậu thế luôn có nhiều cách diễn đạt và suy luận khác nhau. Nhưng chỉ có người thực sự trải nghiệm cái mà Chúa và Phật từng trải nghiệm mới thực sự hiểu ý nghĩa của nó. Và bạn cũng có thể trải nghiệm sự thật ấy vì bạn chính là sự thật rồi.
Tôi có cách suy nghĩ và lý giải không phụ thuộc vào vị sư nào giảng hay phụ thuộc vào thần học là vì tôi đã trải nghiệm cái mà Chúa hay Phật đề cập, tôi hiểu 2 người đang nói gì, vì vậy tôi có cách nói của riêng tôi. Và tôi chỉ hướng bạn đến việc trải nghiệm sự thật đó. Việc bạn thích ở lại trong tư duy, suy nghĩ, ngôn ngữ, niềm tin,... hay bước ra khỏi nó để thấy sự thật là tuỳ ở bạn. Việc bạn tự tin vào bản thân để thấy ra sự thật hay muốn tin theo một khái niệm, hình ảnh, tư tưởng nào đó và sống với nó cũng là lựa chọn riêng.
Bạn có từng thử bước ra khỏi tư duy của mình để trải nghiệm sự thật chưa ? Như bạn quen đi bộ bằng chân, tôi thử mời bạn tập nhảy dù đi - và lâu nay quen dùng suy nghĩ, hãy thử buông xuống xem thấy ra điều gì. Bạn có thể quay lại chương 3 thử cách của tôi, hoặc tự theo cách của bạn, vì chúng ta vốn đã là sự thật rồi, và vì vô hạn có thể, nên không nhất thiết phải theo 1 cách.
À, điều quan trọng phải nói 3 lần, đây là lần thứ 3 :
Bạn có dám thử tạm tắt/ buông xuống/ bước ra khỏi tư duy, suy nghĩ của mình không ?
Tặng các bạn thêm đoạn trong bài kệ của trưởng lão Thích Thông Lạc:
Buông xuống đi,hãy buông xuống đi! Chớ giữ làm chi, có ích gì. Thở ra chẳng lại, còn chi nữa? Vạn pháp vô thường,buông xuống đi!
Buông xuống đi,hãy buông xuống đi! Chấp giữ thân tâm có ích gì? Thở ra chẳng lại, còn chi nữa? Thân tâm vô thường,buông xuống đi!
Tác giả:
Nguyễn Viết Hùng

Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất