COVID và gen X
Nhìn lại những người xung quanh bạn có ai thay đổi vào mấy đợt Covid này không?
Dịch này ở nhà khiến mình nhận ra nhiều thứ. Không phải là kiểu dành thời gian cho bản thân nhiều hơn hay biết nấu thêm mấy món ăn mới,...như trên mạng mấy vlogger chia sẻ. Cái mà mình nhìn thấy rõ nhất là sự thay đổi của những người xung quanh mình, điều mà mình đã không nhìn thấy vì ở Sài Gòn quá lâu và những lần về vội vã chưa kịp tâm sự.
Người đầu tiên mà mình nhận ra đó là mẹ mình. Mẹ mình từng là người rất ghét xài điện thoại thông minh, mẹ cho rằng nó tiêu tốn quá nhiều thời gian và còn hại con mắt. Nhưng từ khi anh hai mua cho mẹ cái điện thoại mới với lý do gọi điện cho con bằng zalo cho đỡ tốn tiền, rồi mẹ muốn nghe nhạc gì cũng có không phải đợi bọn con tải xuống nữa. Mẹ mình đồng ý vì mẹ coi âm nhạc như là nguồn sống vậy.
Cái làm mình bất ngờ là mẹ thích livestream, mẹ mình cũng thích nhắn tin, gọi điện, đôi ba cái chúc mừng sinh nhật bằng sticker hay mấy cái like hay cmt cũng làm mẹ mình vui. Mẹ còn kết bạn và nói chuyện với họ hàng gần xa, anh chị em trong nhà, mấy cô chú hàng xóm không có dịp gặp nhau thường xuyên. Khuôn mặt mẹ mình trông sáng hơn, mẹ mình cũng vui hơn và mở lòng hơn trước. Điều này khiến mình suy ngẫm rất nhiều, rằng điều gì khiến mẹ mình thay đổi?
Có một khoảng thời gian rất dài mẹ mình bị bệnh, cả người đều đau và không thể di chuyển quá nhiều. Phần lớn thời gian mẹ dành để đi kiếm chỗ này chỗ kia chữa bệnh, ai nói gì cũng làm theo, ai giới thiệu chỗ nào cũng đi thử chỉ để mong một ngày hết bệnh. Bới vì đối với mẹ, căn bệnh đó như một cú sốc với một người phụ nữ trước đây đã từng rất khỏe mạnh và không biết sợ là gì. Nhưng rồi 1, 2 năm trôi qua chẳng thấy tiến triển, mình thấy mẹ rất hay nằm trong phòng rồi khóc, khóc vì đau vì uất ức, hầu như không thể ra ngoài giao du hay nói chuyện với ai, cũng không thể lao động cho tinh thần tỉnh táo, cứ vậy mà lết qua thêm 2 năm nữa. Càng lớn, mình càng cảm thấy áp lực vì không thể giúp mẹ được điều gì, thậm chí về nhà mình chỉ cần thấy mẹ đứng ở ngoài sân thay vì trong phòng thôi mình cũng đã vui rồi. Người lớn cứ hay nghĩ là phải xây dựng cho con cái này cái kia, để vốn để tiền, mua đồ ăn ngon chăm sóc hằng ngày, nhưng thực ra cái tụi mình cần nhất là tinh thần của mẹ luôn vui vẻ và luôn tốt, tụi mình không cần những thứ còn lại, vì tụi mình biết nó cũng chỉ làm khổ mẹ thêm thôi.
Vậy mà giờ mình thấy mẹ mình khác. Thay vì những câu chuyện trước đây về họ hàng, về những điều mẹ không thấy hài lòng ở tụi mình hay than vãn về chuyện bệnh tật, mẹ mình lại kể về những điều người ta nghĩ về mẹ. Từ lúc mở quàn cà phê trước nhà, mẹ mình buộc phải dậy sớm làm việc. Mẹ có thêm nhiều người bạn mới từ khách quen, mẹ biết được thông tin đây đó từ họ, lâu lâu gặp được những người xịn xò mẹ học thêm rất nhiều. Ngược lại người ta cũng nhận xét về mẹ và đa phần là tích cực. Mẹ kể mấy chuyện đó cho mình nghe, với một vẻ đầy tự hào. Sinh nhật mẹ có tới cả trăm người nhắn tin chúc mừng. Mình chưa thấy mẹ mình có thể vui vẻ và hạnh phúc như vậy. Những năm tụi mình còn đi học và ba mình còn sống, có lẽ mẹ đã hi sinh quá nhiều cho gia đình này tới mức mẹ đã quên đi cả sức khỏe và giá trị bản thân mình, rằng mẹ là một người phụ nữ thông minh và khéo léo, một người vợ biết bao người mong ước có được. Chỉ một điều đơn giản đó thôi mà sau bao nhiều năm bệnh tật, mẹ mình mới có thời gian để nhận ra một bài học quý giá về chính bản thân mình.
Từ mẹ mình mới quan sát ra thêm những người trung niên xung quanh khác. Dường như họ đang bước vào giai đoạn hồi xuân trở lại. Điện thoại là một nhân tố làm cho quá trình này diễn ra nhanh hơn. Dù chỉ về mới 2 tháng, mình thấy mấy cô chú trong xóm rất hay họp mặt nhau cuối tuần hát kara, tổ chức hôm nhà này hôm nhà kia nấu món gì đó, mỗi người góp vô một ít. Mỗi lần mình nghe mẹ kêu " tối nay mẹ qua nhà bác X chơi nha, mấy cô tối nay nấu bánh xèo" chẳng hạn, không hiểu sao mình vui cực. Rồi từ bao giờ, họ bắt đầu tổ chức sinh nhật cho chính mình, họ chia sẻ với nhau qua facebook. Trong vòng hai tháng mà mình dự 3 cái sinh nhật, của bà nội, của mẹ mình, của thím mình. Lúc đó mình mới nhận ra, khi mà đến độ tuổi này, khi mà con cái họ đã lớn, hầu hết đều có những mỗi bận tâm riêng hoặc đi xa học hành, làm ăn, họ bắt đầu tìm lấy nhau và nương tựa vào nhau về mặt đời sống tinh thần. Mình nhìn lại xóm mình thì thật ra bây giờ chỉ toàn là các cô các chú, mấy thanh niên như mình hầu như không có ở nhà. Có lẽ những điều này đã làm họ gần lại với nhau hơn. Họ bắt đầu tiềm kiếm tìm niềm vui từ những người đồng trang lứa, đồng thế hệ, họ trở lại với những đam mê thuở thiếu thời và dành thời gian cho bản thân mình nhiều hơn. Nói cách khác, họ đang tập cách sống mà không có tụi mình bên cạnh.
Mình dần không tự cáu gắt với bản thân mỗi khi thấy mẹ bệnh. Mình không cằn nhằn hay mất bình tĩnh mỗi khi chỉ cho mẹ xài điện thoại nữa. Mình nói chuyện với mẹ nhiều hơn và mẹ cũng chia sẻ những chuyện bí mật của mẹ nhiều hơn. Mẹ không còn phụ thuộc vào tình cảm của tụi mình nhiều nữa, mẹ sống độc lập hơn về tinh thần. Đối với mình đó là một bước tiến lớn vì nó là điều căn bản cho mọi mối quan hệ, chúng tôi yêu thương nhau, nhưng chúng tôi không phụ thuộc vào nhau. Trước đây mình rất sợ về nhà, nhà đối với mình như một áp lực, có những ngày mình lái xe về đến trước cổng nhà và quay xe đi tiếp khi nhìn thấy cánh cổng lặng như tờ, sợ ngôi nhà lạnh lẽo chứ không hề ấm áp, sợ phải thấy sự bất lực của mẹ vì đau đớn. Bạn bè luôn hỏi tại sao mỗi đợt Tết hay hè hay lễ, mình không về quê, hay về trễ hơn so với tụi nó, mình chỉ trả lời cho qua. Nhưng mình nghĩ nhờ đợt dịch lần này, có lẽ mình đã có thêm động lực để về nhà :))
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất