COVID 19 - TẠI SAO TÔI TIN RẰNG CHÚNG TA SẼ SỐNG CHUNG VỚI LŨ VÀ SẼ CHIẾN THẮNG
Chúng ta sẽ sống chung với lũ đến khi tốc độ phát triển vaccine, phổ cập tiêm chủng và miễn dịch cộng đồng bắt kịp và vượt qua tốc độ biến chủng của virus, đó là lúc mà nhân loại sẽ chiến thắng
Ngày 29/8/2021, tại cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã nhấn mạnh:
“Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên”.
Những ngày đầu tháng 08/2021, nhiều bạn bè nhắn hỏi tôi tình hình diễn biến của Covid 19 tại TP. Hồ Chí Minh, liệu bao giờ chúng ta sẽ dập được dịch và cuộc sống trở lại bình thường, theo góc nhìn và lập trường cá nhân, tôi đã trả lời rằng:
“Con người sẽ không bao giờ dập tắt hoàn toàn một Đại dịch. Đây không phải một cuộc chiến ở hiện tại với mục tiêu đánh thắng kẻ thù là virus tận gốc, mà là một cuộc chiến về thời gian, đuổi đến cái đích ở tương lai, với vũ khí là vaccine. Chúng ta sẽ sống chung với lũ đến khi tốc độ phát triển vaccine, phổ cập tiêm chủng và miễn dịch cộng đồng bắt kịp và vượt qua tốc độ biến chủng của virus, đó là lúc mà nhân loại sẽ chiến thắng”.
Vì vậy, tôi thật sự vui mừng và tin tưởng khi đọc được phát biểu ngày 29/08 của Thủ tướng, bởi điều này sẽ thay đổi cơ bản chiến lược của chúng ta trong công tác đối đầu với Đại dịch. Đánh đúng chiến lược, đúng mục tiêu và đánh thích hợp với cái nhìn thực tế, chúng ta sẽ thắng!
ĐẠI DỊCH LÀ GÌ VÀ LÀM SAO ĐỂ KẾT THÚC NÓ?
"Đại dịch" là một từ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp - Pandemic. Trong đó Pan ("tất cả") và demos ("người"), là thuật ngữ được sử dụng bởi các chuyên gia về bệnh khi dịch bệnh lây lan tới nhiều quốc gia và lục địa cùng một lúc. Đại dịch đề cập đến sự lây lan của một căn bệnh, không phải chỉ bởi mức độ lây lan của nó mà còn là sự nguy hiểm của nó đối với toàn cầu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa thuật ngữ này là "sự bùng phát của mầm bệnh mới lây lan dễ dàng từ truyền từ người này sang người khác trên toàn cầu". Điều này có nghĩa là dịch bệnh sẽ chỉ được gọi là đại dịch khi nó lan rộng, ở một số quốc gia hoặc lục địa và thường ảnh hưởng đến một số lượng lớn người. Bệnh đó cũng phải là một bệnh có khả năng nhiễm – và khả năng rất lớn nó ảnh hưởng đến nhiều người trên thế giới.
Vào ngày 11/03/2020, WHO đã tuyên bố COVID-19 là một đại dịch, một căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra
Cũng theo WHO, Đại dịch kết thúc khi không có sự lây truyền trong cộng đồng không được kiểm soát và các ca bệnh ở mức độ rất thấp. Như vậy, kết thúc của một Đại dịch sẽ không phải là dập tắt hoàn toàn virus mà là khống chế và kiếm soát được nó.
Với nhận thức đúng đắn đó, chúng ta không nên dùng tất cả nguồn lực tìm mọi cách triệt tiêu hoàn toàn virus bằng mọi giá, mà thay vào đó ta sẽ tập trung vào công nghệ, đẩy mạnh tiêm chủng, cải tiến vaccine và chạy đua với thời gian tạo ra biến chủng mới của virus.
Việc thay đổi mục tiêu lần này cũng dẫn đến những kỳ vọng thực tế hơn, cũng như sự cảm thông, tin tưởng một cách thiết thực và rõ ràng hơn của người dân với Chính phủ, như lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng trong cuộc họp
ngày 29/08 trên “Việc chống dịch chỉ có thể thành công nếu an dân”.
VIRUS CÓ THỂ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO
Chúng ta sẽ xem xét đến virus Cúm, chủng loại khá tương đồng với virus Corona. Có hai hình thức cơ bản như sau:
1. Biến thể kháng nguyên (antigenic drift)
Đây là những thay đổi nhỏ (hoặc đột biến) trong gen của virus có thể dẫn đến thay đổi protein bề mặt của virus.
Khi biến thể kháng nguyên, hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể không nhận ra và ngăn ngừa bệnh tật do virus cúm mới hơn gây ra. Do đó, một người trở nên dễ bị nhiễm cúm trở lại, vì sự biến thể kháng nguyên đã thay đổi virus, đủ để các kháng thể hiện tại của một người sẽ không nhận ra và vô hiệu hóa các virus mới hơn.
Sự biến thể kháng nguyên là lý do chính khiến mọi người có thể bị cúm nhiều hơn một lần và đó cũng là lý do chính khiến thành phần vaccine cúm phải được xem xét và cập nhật mỗi năm (khi cần thiết) để theo kịp sự phát triển và biến đổi của virus cúm
2. Hoán vị kháng nguyên (antigenic shift)
Hoán vị kháng nguyên là một sự thay đổi đột ngột, chủ yếu diễn ra với virus cúm A.
Virus loại A trải qua cả biến thể và hoán vị kháng nguyên và là virus cúm duy nhất được biết là nguyên nhân gây ra đại dịch, trong khi virus cúm B chỉ thay đổi theo quá trình biến thể kháng nguyên dần dần.
Như vậy, chiến trường của loài người, một lần nữa được khẳng định rằng các phát triển công nghệ y học, sinh học phải chiến thắng sự thay đổi của virus Corona trong thời gian sớm nhất.
COVID 19 KHÔNG PHẢI LÀ CÚM
Cúm là chỉ một loại virus tấn công vào hệ hô hấp. Virus cúm rất dễ lây lan, khi người bệnh ho hắt hơi hoặc nói chuyện, các giọt dịch tiết sẽ phát tán vào trong không khí, đem theo virus và có thể lây lan cho bất kỳ ai ở gần và hít phải. Ngoài ra, nếu bạn chạm vào thứ gì đó có virus trên đó và sau đó đưa tay lên miệng, mũi hoặc mắt thì cũng có thể bị nhiễm bệnh.
Theo nhiều ý kiến và tiêu biểu là của nhóm các nhà khoa học đến từ Canada và Úc, tuy có triệu chứng và biểu hiện giống nhau, thế nhưng Covid 19 không phải Cúm mà là Đại dịch với căn nguyên từ virus Corona. Chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi được các thành công cũng như kinh nghiệm thất bại trong quá khứ.
CHÚNG TA ĐÃ TỪNG CHIẾN THẮNG NHIỀU LẦN NHƯ VẬY TRONG QUÁ KHỨ
Ở một khía cạnh khác, việc xác định sống chung với lũ và kiểm soát virus cũng là một nhận định được kết luận theo dòng lịch sử, với những gì con người đã từng đối diện và trải qua.
Trong quá khứ, con người từng đối diện với rất nhiều dịch bệnh khủng khiếp như:
- Dịch tả: 300.000 người nhiễm, hơn 4.000 người tử vong vào năm 1991;
- Bại liệt: 58.000 người nhiễm, hơn 3.000 người tử vong vào năm 1952 chỉ tính riêng ở Mỹ;
- Sốt Rickettsia: cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp lãnh thổ của Nga, Ba Lan và Rumani trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần I;
- Lao: vào thế kỷ 19, căn bệnh này cướp đi 10% tổng số người tử vong tại Mỹ;
- Dịch hạch: hơn một nửa dân số châu Âu, một phần cư dân Ấn Độ và Trung Quốc tử vong năm 1348;
- Đậu mùa: đã từng khiến dân số bản địa tại Châu Mỹ từ khoảng 100 triệu chỉ còn có 5-10 triệu. Năm 1967, một lần nữa dịch Đậu mùa nổ ra, đã làm 2 triệu người tử vong.
Với Covid 19, chúng ta có 4 đại dịch lớn nhất tương đồng với nó:
1. Đại dịch cúm Tây Ban Nha (Spanish Flu) – 1918
Đại dịch này là một trong những thảm họa kinh khủng nhất của con người, nó được gọi là Mẹ của tất cả các Đại dịch bởi người ta vẫn có thể tìm thấy dấu vết gien của virus cúm 1918 trong cúm mùa ngày nay. Mọi trường hợp nhiễm cúm A ở người trong 102 năm qua đều bắt nguồn từ virus cúm năm 1918 và không có dấu hiệu kết thúc.
Ước tính rằng có khoảng 500 triệu người hoặc một phần ba dân số Thế giới tại thời điểm đó đã bị nhiễm loại virus này, dẫn đến cái chết của ít nhất là 50 triệu người.
Đại dịch khủng khiếp này cuối cùng đã được kiểm soát và chiến thắng bởi vaccine Leary-Park và sau đó là vaccine Rosenow.
https://www.historyofvaccines.org/content/blog/vaccine-development-spanish-flu
https://en.wikipedia.org/wiki/Spanish_flu
https://www.euronews.com/2020/06/03/how-did-the-spanish-flu-pandemic-end-and-what-lessons-can-we-learn-from-a-century-ago
https://www.weforum.org/agenda/2020/04/covid-19-how-spanish-flu-changed-world/
2. Đại dịch cúm Châu Á (Asian Flu) – 1957
Có nguồn gốc ở Quý Châu ở miền nam Trung Quốc . Số người chết do đại dịch này trong khoảng thời gian 1957-1958 ước tính từ một đến bốn triệu trên toàn thế giới, khiến nó trở thành một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử.
Chúng ta đã chiến thắng bởi vaccine của Nhà vi trùng học lỗi lạc người Mỹ Maurice Hilleman và sự phát triển của Công ty Merck & Co.
3. Đại dịch cúm Hong Kong (Hong Kong H3N2 Flu) – 1968
Đợt bùng phát kéo dài khoảng 6 tuần tại Hong Kong, ảnh hưởng đến khoảng 15% dân số (khoảng 500.000 người) sau đó lây lan sang các nước khác, với số người chết ước tính là 1 triệu người trên toàn thế giới và khoảng 100,000 người ở Mỹ. Biến chủng của loại virus này trở thành cúm mùa với khoảng 16 lần bùng phát tính từ năm 1968 đến hiện nay.
Một lần nữa, con người khống chế được bằng vaccine của Maurice Hilleman và Merck & Co.
4. Đại dịch cúm H1N1 (H1N1 Flu) – 2009
Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) ước tính có khoảng 60.8 triệu trường hợp nhiễm (trong khoảng 43.3 - 89.3 triệu), 274,304 ca nhập viện (trong khoảng 195,086 - 402,719) và 12,469 trường hợp tử vong (trong khoảng 8,868 - 18,306) tại các tiểu bang Hoa Kỳ do virus cúm A (H1N1).
Chúng ta chiến thắng bởi vaccine Monovalent.
THAY CHO LỜI KẾT
Lịch sử đã chỉ ra rằng cách duy nhất để chiến thắng các Đại dịch virus là khống chế nó với vũ khí là vaccine mà nhân loại tạo ra. Theo nhận định của tôi, chúng ta đang làm đúng hướng. Xét cho cùng, các Đại dịch sẽ luôn là cuộc chiến về thời gian phát triển giữa công nghệ của nhân loại và các biến chủng virus của Mẹ tự nhiên.
Ở một khía cạnh tích cự hơn, Đại dịch có thể được coi là động lực để con người bắt tay nhau chặt hơn, nỗ lực phát triển hơn và yêu thương những gì đang có hơn, vì những khoảng thời gian này đã cho chúng ta nhận ra rằng Đại dịch là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, phải điều trị ở cấp độ dân số và chung tay của tất cả mọi người.
Nhân loại, chưa bao giờ đoàn kết, giúp đỡ và san sẻ với nhau vì một mục tiêu chung một cách mạnh mẽ, dứt khoát đến thế trong lịch sử khi đã, đang và sẽ phải đối đầu với Covid 19, nhưng điều đó cũng làm tôi tin rằng, việc đi đúng hướng lần này, chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng!
NGUỒN THAM KHẢO KHÁC NGOÀI HYPERLINK
https://www.cdc.gov
https://baotintuc.vn/ho-so/cum-tay-ban-nha-nam-1918-dai-dich-khong-bao-gio-bien-mat-20201222094346234.htm
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dich-2019-ncov/thong-tin-suc-khoe/dai-dich-la-gi-va-dieu-gi-xay-ra-neu-dai-dich-toan-cau-duoc-tuyen-bo/?link_type=related_posts
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/cac-lan-dai-dich-cum-tren-gioi-tung-trai-qua/?link_type=related_postshttps://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/dai-dich-cum-tay-ban-nha-1918/
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất