Dạo gần đây, có một đối tượng nguy hiểm hiện chiếm lĩnh hầu hết các mặt báo lẫn các kênh thời sự, khiến cho xung quanh tôi rầm rộ rất nhiều tin tức về đối tượng đang phủ sóng toàn cầu ấy: Chủng virus Corona mới, hay còn được nhắc đến với cái tên khác - Virus "Vũ Hán". Sở dĩ có cái tên Virus "Vũ Hán" bởi vì: nơi con virus này hoành hành và bùng phát thành dịch bệnh kinh hoàng chính là tại thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Hiện tại, số lượng người nhiễm và tử vong đang tăng lên, cũng đồng nghĩa rằng, những tin tức liên quan sẽ lan truyền ngày càng nhiều hơn, cả thật lẫn giả.
Quan trọng vẫn là bình tĩnh
Tôi cũng chỉ là một công dân Việt Nam sống ở một đất nước giáp với Trung Quốc. Nói thẳng ra thì Việt Nam rất gần với chỗ dịch bệnh ấy. Bao nhiêu sự đề phòng, lo lắng cứ thế chiếm lấy chúng ta một cách tự nhiên. Mọi người chi mạnh tay mua khẩu trang y tế, nghe tin có người tử vong thì đỗi cuống cuồng, rùng mình vì "thuyết âm mưu" cố tình phát tán virus nhằm giải quyết vấn đề dân số,... Đủ các thể loại tin tức ngày ngày tràn vào nhịp sống của chúng ta. May sao, tôi luôn ghim trong mình một câu nhắc nhở thế này: Chỉ tin khi mình an tâm tin tưởng bản thân hiểu rõ vấn đề. Tức là, nếu tôi muốn thì tôi đã có thể lan truyền tin tức này thêm dù chỉ là nghe dân chúng bàn tán thôi, chưa cần xác thực gì cả. Vì tôi nghe được, bạn cũng nghe được và nói ra được những gì mình nghe thấy. Đây vốn là một kĩ năng khá cơ bản giúp bạn có thể nói được tiếng mẹ đẻ như hôm nay. Vậy nên, mấu chốt đằng sau phải là, bạn làm gì với những thứ mình nghe được, rộng hơn là bên ngoài đem đến cho bạn?
"Giao tiếp" với tin tức
Thường thường, tùy vào loại thông tin tác động đến tôi, tôi sẽ có 2 phản ứng như sau:
1. Tôi không quan tâm và chẳng có sau này hay gì cả.
2. Tôi quan tâm và bắt đầu dấn thân vào con đường tìm lời giải đáp.
"Không quan tâm" là có chọn lọc, ai cũng vậy. Những thông tin không nằm trong vùng quan tâm đương nhiên sẽ được chính chủ quan tâm ít hơn hoặc cho nằm hoàn toàn ngoài vùng phủ sóng. Tôi thiên về dạng phũ, đã quyết định không quan tâm là cho ra đảo luôn, để cho tôi thuộc về đất liền thân yêu một cách thuần túy nhất. Thử hỏi làm sao viết tiếp tình hữu nghị vượt đại dương gì đấy về sau được nữa, đúng chứ? Mặt khác, tôi thấy rằng các bạn có để ý, nhưng không hẳn sẽ đề cập sôi nổi và dành thời gian cho những loại thông tin đó. Các bạn có không gian cá nhân, khiến tin tức nào đấy trở thành mối bận tâm của bạn, đó là cách bạn đến với phản ứng 2.
"Quan tâm" thông tin vừa tiếp nhận, cụ thể ở đây là tin tức về "Corona", thực hư khó xác định. Hầu hết số người tiếp xúc với tôi đều đề cập đến vấn đề trên. Bản thân tôi bị động nhận tin tức này lần đầu tiên, tôi không phản bác hay bàn luận quá gắt gao, vì mình chưa nắm bất kì thông tin nào liên quan đến vụ việc trên cả. Vậy nên, bước đầu tiên trong quá trình tìm hiểu sự thật, tôi cần làm cho mình hiểu:
- "Virus Corona" là gì?
- Triệu chứng bệnh gồm những gì?
- Nó có thật sự kinh khủng như vậy hay không?
- Liệu mọi người đã diễn đạt đúng sự việc hay có phần lệch lạc như trong trò "Tam sao thất bản"?
- ...
Chiếm lĩnh tin tức
Những điều này phải do chính tôi tìm ra, không phải dựa hoàn toàn một nguồn tin cậy nhất, mà là nhiều nguồn mang tính tin cậy cao. Vì vốn dĩ, trên đời này chẳng có gì hoàn hảo cả, huống chi tin tức trôi nổi thất thường. Thông thường, khi ta muốn khai thác thông tin, điều gì đảm bảo đối tượng chúng ta truy hỏi sẽ cung cấp chính xác 100%, hoặc trong quá trình tiếp nhận và xử lí thông tin sẽ không xảy ra sự can thiệp hay sai sót gì?... Luôn tồn tại các biến số trong cuộc sống mà chúng ta không thể kiểm soát hết. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến một tình tiết trong phim Pinocchio của Hàn Quốc có thể chứng minh những điều tôi nói. Đây là một bộ phim phản ánh khá kĩ càng về nghề phóng viên, trong đó, 2 nam nữ chính thuộc 2 đài truyền hình khác nhau (YGN và MSC) đang cạnh tranh nhau về độ tin cậy của tin tức. Có một tình huống như thế này:
Sáng hôm đó, tại một phòng tập thể hình, một người phụ nữ hơn 50 tuổi bị béo phì đang chạy trên máy chạy bộ thì kiệt sức và ngất xỉu tại chỗ. Mọi người xung quanh đến giúp đỡ nhưng người phụ nữ đã ra đi vĩnh viễn. Nguyên nhân cái chết là do giảm cân quá mức trong thời gian ngắn, cộng thêm bản thân bị gan nhiễm mỡ, dẫn đến mất cân bằng đột ngột nghiêm trọng khiến tim bị tê liệt cấp tính.
Đối mặt với tin tức trên, nam nữ chính và đồng nghiệp tranh vào tìm hiểu nguyên nhân khiến người phụ nữ phải giảm cân cấp tốc như thế. Họ điều tra bệnh án, địa điểm làm việc trước kia và thu được một số manh mối. Cho đến khi tới phòng tập thể hình, một vài người làm ở đó cho biết, chồng cũ của người phụ nữ ấy đã tái hôn với người khác xinh đẹp, mảnh khảnh hơn. Kết nối các mảnh ghép lại, họ đưa ra kết luận ban đầu: Vì muốn trở nên xinh đẹp hơn để trả thù ông chồng, người phụ nữ đã có kế hoạch giảm cân không đúng cách, dẫn đến sự việc đau lòng trên.
Sự thật này nghe có điểm thuyết phục. Chúng ta chả còn lạ gì với chuyện "vịt hóa thiên nga" hậu chia tay, có lẽ người phụ nữ này cũng vậy. Tuy nhiên, bà ấy vẫn ăn mặc xuề xòa, quần áo vẫn còn vết than bẩn từ chỗ làm, đây là biểu hiện của một người muốn bản thân mình trở nên xinh đẹp hơn ư? Để giải quyết khúc mắc này, nữ chính tìm đến nhà tang lễ và nói chuyện với người con gái. Trong khi đó, phía đài truyền hình của nam chính đã chuẩn bị để công bố tin tức độc quyền. Bản tin của YGN chiếu lên, đúng lúc người con gái xem được, uất ức nghẹn ngào, luôn miệng bảo rằng:"Không phải, không phải." Ngay sau đó, đài MSC nơi nữ chính làm việc lại đăng tải tin tức kia nhưng theo một chiều hướng khác: Mẹ cô ấy vì muốn ghép gan chữa bệnh xơ gan cho con gái nên mới giảm cân như vậy. Tình yêu thương của người mẹ cao cả đến nhường nào. Cứ tưởng bà ấy sẽ bỏ cuộc vì giảm 30 kí trong vòng 2 tháng là điều không thể. Nhưng hiện tại, bà ấy không thể thật rồi. Sự thật đằng sau câu chuyện của "người phụ nữ giảm cân điên cuồng" là một người mẹ nóng lòng cứu con. Sự việc này khiến YGN luôn đứng đầu về độ tin cậy, nay vì thu thập không đủ thông tin mà đánh mất tin tưởng của người dân.
Tình huống trên là ví dụ hay cho chúng ta thấy, không có nguồn tin nào luôn luôn chính xác. Thêm một điều nữa, khi chúng ta chưa thật sự thuyết phục được bản thân tin tưởng vào tin tức mình nhận được, đừng cưỡng ép phải tin vào "sự thật hoàn hảo" đó. Nữ chính mắc hội chứng Pinocchio, khiến chủ thể nấc cụt nếu nói dối (một hội chứng tưởng tượng của biên kịch phim). Cô ấy làm phóng viên, đứng trước những thông tin mà cô chưa thật sự xác minh, cô không thể báo cáo. Đó là một động lực to lớn để cô đi tìm sự thật. Còn đối với tôi, tôi muốn chủ động chiếm lĩnh tin tức, hiểu nó bằng chính mình, không sao chép, không biến tấu sa đà. Với thông tin nào cũng vậy, không tin ngay, nhưng phải lập tức tìm hiểu.
Thỏa mãn
Sau khi sự ngờ vực của tôi được gỡ bỏ dần dần, niềm tin vào bản thân sẽ tăng theo. Tôi có thể xem xét những lời đồn thổi bên ngoài đúng, sai chỗ nào, nên tin tưởng ra sao, thậm chí sử dụng tin tức ấy theo mục đích của mình (nghe hơi "ngầm" nhưng thật ra ngành truyền thông, mật thám quan trọng và có sức ảnh hưởng cũng là ở yếu tố này).
Chỉ tin khi tin chính mình.
Vì vậy, nếu bạn không muốn bị người khác dắt mũi, hãy tích cực tìm hiểu thấu đáo tin tức, tạo sự yên tâm cho mình, nhỡ đâu cần ra quyết định quan trọng nào đấy, chẳng hạn như:"Thứ hai này có nên đi học?".