Quá trình gọi vốn là một cuộc đua vô cùng khắc nghiệt, nơi mà kẻ thua cuộc sẽ nhanh chóng bị loại bỏ và lãng quên không thương tiếc, còn người chiến thắng cũng phải vật lộn tìm hướng đi để sản phẩm của mình được nhìn thấy ánh sáng mỗi ngày.
Trong khoảng một thập kỷ nay, các startup mọc lên như nấm sau mưa. Tuy nhiên, theo báo cáo xu hướng của TFI năm 2016, trên thị trường khởi nghiệp giá trị chuyển nhượng tăng đột biến nhưng số lượng hợp đồng lại tinh giảm, cho thấy động thái cẩn trọng trong hoạt động của các nhà đầu tư mạo hiểm. Startup gọi vốn đã khó, nay càng khó hơn, và trái ngọt chỉ dành cho những kẻ xuất chúng nhất.
Các dự án startup luôn là những đứa con tinh thần và tâm huyết của các nhà sáng lập trẻ. Bất cứ nhà sáng lập nào cũng kỳ vọng dự án của mình sẽ lớn mạnh và phát triển rộng rãi.
Tuy nhiên, để có thể biến các ý tưởng đó thành một startup thật sự, bước tiếp theo cũng là bước ngoặt vô cùng quan trọng quyết định sự sinh tồn của startup, đó chính là huy động vốn.  Kiệt sức sau quá trình Bootstrapping, bài toán “Tiền đâu” luôn là thách  thức với mọi nhà khởi nghiệp. Việc huy động vốn cho startup được ví như  việc tạo ra một bức tranh: kinh nghiệm không làm cho việc vẽ tranh trở nên dễ dàng hơn, nhưng chắc chắn nó sẽ giúp bạn có con mắt thẩm mỹ tốt hơn và biết bao nhiêu màu sắc cần sử dụng. Chính vì vậy, không phải startup nào cũng huy động vốn thành công, quá trình này thường kéo dài và gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Vinh Quang - COO Công ty Appota
Hãy  cùng nghe những kinh nghiệm “sống còn” từ ông Trần Vinh Quang — COO Công ty Appota — Startup đầu tiên gọi vốn Series C thành công với tổng giá trị lên đến 10 triệu USD, đi tiên phong trong lĩnh vực xây dựng các nền tảng công nghệ cho mobile tại Việt Nam trong công cuộc đi tìm kiếm “chiếc ví” phù hợp cho doanh nghiệp của mình.
Nhà đầu tư — Không phải có tiền là sẽ rót vốn
Cứ 1000 startup gọi vốn thành công vòng Seed/Angel thì chỉ có chưa đầy 400 startup tồn tại được đến Series A, và con số đó lại giảm đi một nửa khi sản phẩm gọi vốn đến Series B. Quá trình gọi vốn thực sự là một cuộc đua vô cùng khắc nghiệt, những nhà đầu tư cũng có những tiêu chuẩn riêng  để lựa chọn 1 startup đầu tư cho riêng mình.
Hầu hết các startup Việt hiện nay đều mới chỉ tập trung vào thị trường nội địa. Chính vì vậy, vô hình chung, thị trường sẽ trở thành yếu tố đầu tiên mà nhà đầu tư sẽ nhìn vào để lựa chọn 1 startup để đầu tư. Cho dù là thị trường chính hay thị trường ngách thì những founder cũng nên lựa chọn cho mình một thị trường đủ lớn, có lợi nhuận, đang tăng trưởng và có mức độ cạnh tranh không quá cao hoặc không có nhiều đối thủ mạnh, đủ để nhà đầu tư thấy được tiềm năng phát triển của startup trên thị trường đó.
Những nhà đầu tư cũng có sự đánh giá vô cùng sâu về những yếu tố quyết định cho sự thành công của một startup. Ví dụ như: khả năng biến một bản kế hoạch trên giấy thành hiện thực; sản phẩm hay dịch vụ có giải quyết được vấn đề nào đó hay không hoặc phục vụ được tập khách hàng cụ thể nào đó hay không. Bên cạnh đó, khả năng phát triển của startup còn thể hiện qua một kế hoạch kinh doanh khi không có và có đầu tư có “khả thi” hoặc  có-thể-tin-được-hay-không cũng là thứ nhà đầu tư quan tâm.
Lựa chọn nhà đầu tư — Cũng cần nhiều bí quyết “nhà nghề”
Lựa chọn nhà đầu tư cũng giống như việc tìm kiếm một động cơ tốt cho bệ phóng của mình tăng tốc thật nhanh. Nếu lựa chọn không đúng, điều đó hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới hệ thống của bạn. Chính vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn — những nhà khởi nghiệp sẽ lựa chọn thật cẩn thận nhà đầu tư, thay vì bị “choáng” bởi những con số với thật nhiều số 0 hoành tráng và bán mình cho “quỷ dữ”.
Cho dù bạn có kế hoạch đi theo một con đường truyền thống hay những phương pháp tiếp cận hiện đại, bạn phải hiểu rõ những lựa chọn của mình. Nhà đầu tư sẽ trở thành bạn đồng hành, một đối tác thật sự và đóng góp rất nhiều vào công ty của bạn, bên cạnh vấn đề tài chính. Chính vì vậy, hãy “kết bạn” với những nhà đầu tư không chỉ phù hợp về chiến lược kinh doanh mà còn có thể trở thành một “cố vấn” chia sẻ cho startup non trẻ của bạn những kinh nghiệm, sự hỗ trợ về xây dựng công ty hay “bí quyết” để có thể thành công trong những vòng gọi vốn tiếp theo.

Gọi vốn thành công, cũng đừng “sảy chân”. Hãy luôn sẵn sàng ở chế độ “survival”!
Hơn bất cứ một điều gì khác, nguồn vốn chính là điều quan trọng nhất đối với một startup. Trừ khi bạn là người có một chiếc “ví sắt” dày tiền, việc tăng vốn khởi nghiệp sẽ buộc bạn phải tìm đến những nhà đầu tư. Nhưng như thế không có nghĩa là “nhắm mắt đưa chân” lựa chọn vội vàng. Startup cũng cần phải tránh những “chiếc ví” không phù hợp với mình:
  • Nhà đầu tư có quá nhiều điều kiện như là rút vốn sớm hay yêu cần quá nhiều quyền trong công ty, can thiệp vào công việc điều hành đến mức sửa sản phẩm/ dịch vụ mà công ty đang tập trung. Hay đòi hỏi quá nhiều cổ phần  mặc dù mới chỉ dừng ở vòng gọi vốn đầu tiên.
  • Tiếp cận doanh nghiệp của bạn với mục đích trục lợi, ra điều kiện khoản đầu  tư như một khoản cho vay tài chính và đòi hỏi lãi suất.
  • Và đặc biệt, nên tránh những nhà đầu tư không hiểu về giá trị hay mục tiêu của công ty, bởi sự thiếu đồng cảm có thể dẫn đến sự bất hòa trong suốt quá trình hợp tác của 1 startup và nhà đầu tư.
Gọi vốn thành công, cũng đừng “sảy chân”. Hãy luôn sẵn sàng ở chế độ “survival”!
Có một sự so sánh rằng, một số công ty khởi nghiệp như những xác sống di động bởi họ ra mắt thất bại và không thể tăng trưởng mặc dù đã tiếp cận thành công nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Thị trường Việt Nam hiện nay cũng đã chứng kiến sự thất bại của rất nhiều startup khi chỉ chú trọng  vào gọi vốn mà quên đi chiến lược phát triển công ty, khiến việc gọi vốn  trở nên khó khăn. Thậm chí, nhiều startup còn “sảy chân”, “lỡ bước”  ngay sau vòng gọi vốn vì không lường trước được những bế tắc, khủng hoảng bất ngờ trong kinh doanh như scale up, phát triển sản phẩm, định hướng thị trường,…
Không thể phủ nhận rẳng người luôn kinh doanh sẽ luôn có nguy cơ gặp phải những rủi ro và bất trắc. Chính điều đó buộc startup phải luôn luôn vững tinh thần và bật chế độ “survival”. Dù có tiền đầu tư cũng không thể lơ  là hay chủ quan, hoặc chỉ trông chờ vào gọi vốn để phát triển công ty.