Mỗi con người từ khi con bé đến trưởng thành, chắc chắn ai cũng sẽ có những nỗi sợ từ đơn giản như sợ con côn trùng đến phức tạp như nỗi sợ cô đơn, sợ bị bỏ rơi. Thế nhưng, liệu khi chúng ta lớn lên, chúng ta có còn cảm thấy sợ những nỗi sợ từ thơ bé hay nói một cách khác thì những nỗi sợ ấy có nhỏ đi hay biến mất? Và chúng ta nên đối mặt với những nỗi sợ như thế nào?
IT Chapter two
Giống như suy nghĩ của mình trước khi đi xem một bộ phim kinh dị gần đây là IT Chapter two, một nhân vật ma quái luôn dùng nỗi sợ để đe dọa những đứa trẻ. Mình đã suy nghĩ rằng liệu "IT" có thể hù dọa được những đứa trẻ năm nào nhưng bây giờ đã trưởng thành và trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống thì liệu có điều gì làm họ sợ hãi được nữa cơ chứ? Thế nhưng, sau khi xem phim mình đã phải suy nghĩ rất nhiều rằng nỗi sợ của con người, đặc biệt là những nỗi sợ vô hình thực sự đáng sợ hơn rất nhiều khi mình càng lớn lên. Trong phim, khi đi qua từng nỗi sợ của mỗi nhân vật thì cảm xúc của mình về nỗi sợ của những người trưởng thành càng thêm ám ảnh. 
Đầu tiên là nỗi sợ của Ben, nỗi sợ mà mình có thể đồng cảm nhất vì mình dường như cùng lớn trên giống với quá trình trưởng thành của Ben. Cậu bé đã rất cô đơn từ khi còn nhỏ khi Ben bị gắn mắc là "Thằng Béo Vô Dụng", luôn bị bạn bè trêu chọc và xa lánh vì thân hình mập mạp, chậm chạp của mình. Cho dù Ben luôn là người ham học hỏi, cố gắng rất nhiều trong học tập và cuộc sống để đến sau này đã đạt được những thành công nhất định. Nhưng những nỗi sợ vẫn theo chân anh đến sau này, anh vẫn cảm giác mình sẽ luôn là người cô độc và sẽ chết trong cô đơn dù có đạt được thành công đến như thế nào. 
Một nhân vật khác cũng đem lại cho mình sự đồng cảm, đó là Richie. Nỗi sợ lớn nhất của Richie là bị mọi người lãng quên vì quá khứ không có được sự quan tâm khi còn bé. Do đó, cậu ta luôn trêu ghẹo mọi người một cách quá trớn chủ yếu là để thu hút sự chú ý của mọi người để át đi nỗi sợ bị lãng quên. Nỗi sợ này càng được tô đậm trong thời đại hiện nay khi chúng ta có quá nhiều mạng xã hội để "kết nối với bạn bè, gia đình và những người mà bạn biết". Điều này tưởng trưng như sẽ giúp mọi người gần hơn với nhau nhưng thực tế rằng nó đã tạo ra những bức tường trên các mạng xã hội đã tạo ra rào cản giữa con người thực tế, những giá trị của con người với những gì chúng ta thể hiện ra trên mạng. Gần như nó đã trở thành hai bộ mặt khác nhau của một con người, làm cho chúng ta xa nhau hơn. Nó tạo ra nỗi sợ sự lạnh lẽo của công nghệ, của những gương đen "Black Mirror".
Từng câu chuyện trưởng thành ấy đem lại cho ta một suy nghĩ rằng khi chúng ta lớn lên thì những nỗi sợ thuở bé sẽ chuyển thành những ám ảnh khác của những người trưởng thành. Họ sợ cô đơn, họ sợ bị dãn nhãn, họ sợ không đạt được kỳ vọng từ những người xung quanh, họ sợ những sai lầm không thể tha thứ, họ sợ những lời xấu xí từ những người ác ý. Tất cả những nỗi sợ với mức độ ám ảnh như thế nào thì dường như nó sẽ không bao giờ nhỏ đi được mà có chăng chỉ là chuyển thành những hình thái khác nhau mà thôi.