Only bước vào phòng vệ sinh. Nhìn cảnh tượng bên trong, cô lại nhớ tới những lần gia đình đi chơi cùng nhau. Lần nào đi đâu, mẹ cứ như muốn mang theo cả căn nhà đi vậy. Bà thường đem theo những vật dụng mà gia đình hay sử dụng, bởi vì cha không thích dùng đồ ở chỗ lạ. Mỗi khi gia đình đi chơi trong ngày, không chỉ đồ ăn thức uống, ngay đến bếp gas, quần áo, thuốc men,…bà ấy đều mang theo, phòng khi cần. Mẹ Only luôn có một suy nghĩ, rằng nếu không mang cái này, không mang cái kia, đến lúc cần thì phải làm sao? Bà ấy cứ nghĩ đến gương mặt cau có của cha thì bằng mọi giá sẽ mang cho bằng được món đồ ấy. Lần này Only nhập viện, cũng không khác khung cảnh ở nhà là mấy. Dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt, xà bông giặt đồ, bông tắm, khăn,…mọi thứ đều như ở nhà.
Only đứng trước gương, nhìn mình trong đó thật lâu. Trước mặt cô là một nhỏ nào đó xanh xao, nhợt nhạt, mắt thâm đen, môi trắng bệch, mí mắt sưng, mũi đỏ ửng, da môi thì nứt nẻ.
Only thấy mình lúc này thật đáng sợ. Dù vậy, cô không còn sức để chì chiết bản thân thêm nữa, cũng không đủ sức để quan tâm đến chuyện, mình có đang xấu xí hay không. Cô chỉ muốn nhanh chóng kết thúc cảm giác tan vỡ vô tận không hồi kết của mình ngay lập tức.
Only lấy hộp đựng xà bông giặt đồ và mở ra. Vẫn là loại xà bông này, bao nhiêu năm qua bất biến bởi vì cha không thích những thứ lạ lẫm.
Only đổ xà bông ra ly súc miệng quen thuộc của mình, rồi từ từ vặn nước. Xà bông tan ra, bọt nổi trắng xóa cả ly. Only cầm ly lên, tự hỏi có nên chờ cho bọt biến mất hay không. Only chợt nghĩ, bọt xà bông thì cũng giống như bọt của lon 7 Up mỗi khi cô mở nắp lon ra thôi. Không chần chừ thêm nữa, cô đưa cái ly lên miệng và uống.
“Only ơi!”, một giọng nói quen quen vang lên.
Only khựng lại, tự hỏi giọng nói đó là của ai.
“Only ơi, cậu đâu rồi?”, giọng nói ngày một gần hơn.
“Special nè, tớ tới thăm cậu đây”.
Only ngạc nhiên. Điều gì đã mang Special tới đây nhỉ? Có vẻ như cái chết cũng cần được thử thách. Only đặt ly nước xuống, từ từ bước ra khỏi nhà vệ sinh. Special đã ngồi ở ghế sofa, vẫn là khuôn mặt ôn hòa với nụ cười đầy yêu thương ấy.
“Chào cậu”, Only gượng nở một nụ cười. Cô đi đến ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh Special.
“Cậu sao rồi?”, Special bắt đầu hỏi thăm.
“Điều gì mang cậu đến đây vậy?”
“Tớ muốn đến thăm cậu thôi”, Special cười nhẹ. Only cảm thấy, Special hôm nay không điềm tĩnh như mọi hôm, dù cho cậu ấy vẫn ôn hòa và cười rất chân thành. Có vẻ như Special rất lo lắng. Điều gì làm cho Special dao động được nhỉ?
“Vậy hả?”, Only đáp lại một câu không thể chán hơn.
“Tớ có đem theo vở ghi chép cho cậu mượn nè”, Special lục túi.
“Không cần đâu á”
“Sao vậy?”, Special ngừng tay, ngẩng mặt nhìn Only.
Only không đáp lại, chỉ mỉm cười. Hôm nay cô điềm tĩnh một cách lạ thường.
“Vì mình sẽ không cần phải chép bài nữa”, Only nhẹ nhàng nhìn Special và đáp.
“…”
Không khí rơi vào trầm lặng. Cả hai người nhìn nhau không nói gì. Nhưng chắc chắn trong lòng mỗi người đều hỗn loạn…
“Cậu đã bao giờ muốn chết chưa?”, Only bất chợt hỏi.
Special không hề ngạc nhiên mà đáp lại, “Lần gần đây nhất là vào thời điểm trước khi vào Đại học”.
“Điều gì khiến cậu còn sống cho tới thời điểm hiện tại vậy?”, Only ngạc nhiên.
Special nhìn Only một lúc lâu, rồi chậm rãi trả lời: “Tớ đã từng rất sợ, sợ khi mình chết đi thì cha mẹ sẽ xấu hổ”.
Special dừng lại một chút rồi tiếp tục: “Nhưng rồi sau đó tớ không sợ họ sẽ xấu hổ nữa”.
“Vậy lúc đó cậu cảm thấy thế nào?”
“Lúc đó tớ rất đau khổ, mệt mỏi. Mỗi ngày chìm ngập trong sự tự dằn vặt và những cảm xúc không thể nào tiêu cực hơn. Thế nhưng kỳ diệu là, dù có trải nghiệm sự đau thương cách mấy, trong lòng tớ vẫn có một khao khát được hạnh phúc, được tốt hơn. Và tớ đã tìm đủ mọi cách để thoát ra”.
“Kết quả là?”
“Kết quả là giờ tớ vẫn ngồi đây với cậu”, Special cười.
“Cậu đã thoát ra bằng cách nào?”
“Khoảnh khắc chết đi sống lại tớ đã nhận ra, tớ đánh mất chính mình và phó mặc cuộc đời mình vào tay người khác. Tớ tự hỏi, tại sao mình phải để cuộc đời mình cho người khác quyết định nhỉ? Thế là tớ tìm lại chính mình. Đó là một hành trình dài với thật nhiều nỗ lực và cũng thật nhiều bế tắc…”
“Tìm lại chính mình?”
“Đúng rồi. Không mang mặt nạ hòng làm vừa lòng người khác, không khinh miệt phủ nhận mọi cảm xúc trong mình, không đóng kịch ra vẻ trí thức thuần lí, sống tự nhiên với những cảm nghĩ và biến đổi trong mình – nói tóm lại là trở thành chính mình đích thật đó”, nụ cười của Special trông thật bình an.
“Mọi người để cho cậu được là chính mình sao?”, Only đang nhìn lại hoàn cảnh của mình.
“Dĩ nhiên là không”, Special đáp lại.
“Vậy thì?”
“Có là chính mình hay không, là do mình quyết định”, Special nói một cách nhẹ nhàng.
“Điều đó có khả thi?”
“Vậy thì điều gì ngăn cản sự khả thi đó?”, Special hỏi lại.
“…”, Only không biết phải trả lời làm sao. Nhưng dường như cô đang nghĩ đến cha mẹ mình.
“Những nỗi sợ đã ngăn cản chúng ta được là chính mình. Vậy thì khả thi hay không, nằm ở sự dũng cảm của mỗi người. Mình tin bản chất con người là tích cực. Dù thế nào, con người vẫn khao khát được tốt lên, được hạnh phúc. Và do đó, trở nên mạnh mẽ để được là chính mình”.
“…”, Only im lặng.
Trước khi biến mất hoàn toàn sau cánh cửa, Special quay lại nhìn Only: “Có người từng nói với tớ là, dù rằng không biết có tồn tại cái gọi là đích đến hay không, nhưng con người càng hiểu mình thì càng tự do. Và dù không còn gì có thể níu cậu lại với cuộc đời này, thì cậu vẫn còn có cậu”.
Rồi Special rời đi.
Only nhìn cánh cửa vừa khép lại, trong đầu vẫn đang suy ngẫm về những điều Special vừa nói. Có vẻ như cô đã hoàn toàn quên đi ly nước rồi…
-----------------------------
Chúng ta đã nói với nhau nhiều về khái niệm bản thân, về sự hòa hợp với không hòa hợp bên trong nó. Ta cũng nói về yếu tố làm cho khái niệm bản thân của ta không hòa hợp. Những gì chúng ta nói với nhau, có vẻ như con người là sản phẩm của môi trường, của giáo dục, của những trải nghiệm, của quá khứ; có vẻ như khái niệm bản thân có hòa hợp hay không, không nằm trong tay mỗi người; có vẻ như con người hoàn toàn bất lực trước cuộc sống. Có thật sự con người bị động trước hoàn cảnh như vậy hay không? Sẽ có người nói có, sẽ có người nói không.
Đối với Sigmund Freud, con người hiện tại là kết quả của quá khứ, là “nhân chi sơ tính bản ác”. Con người sinh ra với những ham muốn và cả đời là chuỗi ngày xuất hiện ham muốn rồi tìm kiếm sự thỏa mãn. Có được thỏa mãn đủ trong những năm đầu đời hay không sẽ ảnh hưởng đến nhân cách con người và gây ra những vấn đề tâm lý về sau. Dù muốn hay không, vấn đề trong những năm đầu đời sẽ đi theo một người suốt những năm tháng sau này và nhân một cơ hội nào đó mới bắt đầu bộc lộ ra. Ví dụ như thời thơ ấu, một người không nhận được sự quan tâm, yêu thương đủ từ cha mẹ; không được đáp ứng nhu cầu ăn uống, chăm sóc khi cần…thì được coi là bị mất mát biểu tượng. Có thể hiểu nôm na là cha mẹ của người đó đã không thực hiện đúng vai trò của mình. Mất mát biểu tượng sẽ dẫn đến trầm cảm. Và Freud xem điều đó là hiển nhiên. Dưới góc nhìn của Freud, con người là bị động như vậy.
Thế nhưng trái ngược với Freud, Carl Roger lại cho rằng bản chất con người vốn dĩ tích cực, là “nhân chi sơ tính bản thiện” và mang tính xây dựng. Sự tích cực thể hiện ở chỗ con người luôn luôn muốn hiện thực hóa bản thân – tức là luôn muốn là chính mình, hoàn thiện mình, tìm thấy tiềm năng và thành toàn mọi tiềm năng, muốn vươn lên và được tốt hơn mỗi ngày. Không phải chuỗi ngày tìm kiếm sự thỏa mãn nhu cầu bản năng, với Carl Rogers, hiện thực hóa bản thân mới là động lực sống, năng lượng chính cho sự phát triển của con người.
Mang tính xây dựng theo Carl Rogers có nghĩa là, con người có khả năng phát triển tốt hơn trong điều kiện phù hợp. Điều kiện phù hợp là những thứ chúng ta đã nói với nhau những ngày qua: Sự quan tâm tích cực vô điều kiện, sự thấu cảm, sự chân thành. Quan điểm “bản chất con người mang tính xây dựng” nhân văn ở chỗ, không phải chỉ khi điều kiện phù hợp diễn ra thì bản chất con người mới tích cực. Dù cho không có được điều kiện như ý, con người vẫn là tích cực. Tích cực ở chỗ dù chuyện gì xảy ra, con người vẫn luôn khao khát được là chính mình, là phiên bản mình mong muốn. Khát vọng đó sẽ đưa con người tiến lên để tự hiện thực hóa bản thân dù không có điều kiện phù hợp. Vậy thì con người làm thế nào để tự hiện thực hóa bản thân?
Hiện thực hóa bản thân là một quá trình, trong đó con người sử dụng tiến trình lượng giá bản thân để tăng sự nhất quán giữa hình ảnh bản thân với bản thân lý tưởng, giữa khái niệm bản thân với trải nghiệm thực tế. Khi lượng giá bản thân, cá nhân xem xét con người mà mình muốn trở thành có phải con người thật của mình hay không, rồi lại xem xem con người mình muốn trở thành có phù hợp với trải nghiệm thực tế hay không. Thông qua đó, con người nhận ra sự thiếu hòa hợp và thu hẹp khoảng cách giữa hình ảnh bản thân với bản thân lý tưởng, giữa khái niệm bản thân và trải nghiệm thực tế bằng cách điều chỉnh những suy nghĩ và niềm tin của mình một cách hợp lý. Để làm được điều này, cá nhân phải nghiêm túc nhìn nhận con người thật của mình, chấp nhận chính bản thân. Giống như Special, khi cô đơn thuần chỉ là một người chăm chỉ, thì cô thừa nhận điều đó chứ không chối bỏ. Để khi trải nghiệm thực tế cho thấy cô là một người chăm chỉ, cô vui vẻ đón nhận.
Hiện thực hóa đến bao giờ là đủ? Đích đến mà Carl Rogers muốn nói là “con người thành toàn chức năng” – con người với những đặc điểm: cởi mở với trải nghiệm, tin tưởng vào bản thân, có lối sống hiện sinh, hòa hợp với người khác, trải nghiệm tự do, sáng tạo, thống hợp.
Cởi mở với trải nghiệm là đón nhận những điều diễn ra bên ngoài lẫn bên trong mình; chấp nhận và không bóp méo hay chối bỏ sự việc, trải nghiệm. Ví dụ, khi ta buồn, ta thừa nhận rằng mình đang buồn, không phải là “mình không sao cả”. Khi ta mệt, ta thừa nhận sự mệt mỏi chứ không phải phủ nhận như thể “mình không được phép mệt mỏi”.
Tin tưởng vào bản thân là đưa ra lựa chọn, quyết định dựa vào trải nghiệm của chính bản thân chứ không bị dẫn dắt bởi bên ngoài. Chắc chắn cũng cần quan tâm đến quyền lợi và cảm xúc của người khác, tùy vào tình huống, quyết định của chúng ta có thể không vì mình. Nhưng tin tưởng vào bản thân chính là hiểu vì sao mình có quyết định như vậy.
Có lối sống hiện sinh là tập trung vào hiện tại, không kẹt lại với quá khứ, không nóng lòng cho tương lai; cảm nhận và trân trọng từng trải nghiệm; sống trọn với ý nghĩa của kinh nghiệm, không thiên kiến hay quá kỳ vọng. Dù là niềm vui hay nỗi buồn; thăng hoa hay bế tắc; tất cả trải nghiệm đều có một ý nghĩa nào đó, để chúng ta nhìn nhận lại mọi thứ.
Hòa hợp với người khác không có nghĩa là làm hài lòng tất cả mọi người. Ta biết được có những người yêu thương ta, ta cũng yêu thương họ; ta chân thành, trung thực khi đối diện với họ; ta đón nhận họ như chính họ là, không đánh giá, không chỉ trích, không ép buộc…; ta tạo mối quan hệ lành mạnh với họ và tạo điều kiện để cho họ phát triển; ta vui với niềm vui của họ; ta mừng khi họ được hạnh phúc.
Trải nghiệm tự do là con người có quyền lựa chọn cho mỗi hành vi của mình, có quyền quyết định sẽ/nên/không nên làm gì; quyết định thái độ của mình trước mỗi sự việc. Tức là mất mát biểu tượng có dẫn đến trầm cảm hay không/ có thoát khỏi trầm cảm hay không là do con người quyết định; đứng trước biến cố cuộc đời, con người có quyền chọn nhìn vào mặt tích cực hay mặt tiêu cực của nó.
Sáng tạo nghĩa là đối diện với những khó khăn trong cuộc sống, những thay đổi trong môi trường, con người luôn khám phá, tìm cách phù hợp để thích nghi một cách linh hoạt.
Và thống hợp – điều mà ta nói với nhau rất nhiều trong những ngày qua, tức hình ảnh bản thân và bản thân lý tưởng của ta là một, khái niệm bản thân và trải nghiệm thực tế của ta hòa hợp.
Đó là những đặc điểm của một con người thành toàn chức năng. Dẫu vậy, Carl Rogers cũng thừa nhận, chưa có một ai hoàn toàn có được những đặc điểm này. Hành trình hiện thực hóa bản thân giống như Special nói, “không biết có tồn tại cái gọi là đích đến hay không”, chẳng khác gì mò mẫm đi trong bóng tối. Cũng chính vì không biết có tồn tại đích đến hay không, nên chúng ta không biết phải cố gắng bao nhiêu cho đủ. Đôi lúc ta sẽ cảm thấy bất lực đến mức muốn bỏ cuộc. Đôi lúc ta sẽ tự nói với bản thân, “Có cố nữa cũng thế thôi. Cũng không thay đổi được gì. Cũng không tốt hơn được. Cũng không thể hạnh phúc. Mãi mãi chẳng thể nào thoát khỏi sự bế tắc này”. Hẳn là có một lúc nào đó ta đã chọn cách bỏ cuộc. Thế nhưng Carl Rogers đã nói, động lực chính của sự phát triển đó là được hiện thực hóa bản thân. Và do dó, dù đã bỏ cuộc, chúng ta cũng sẽ bị thôi thúc bởi cái khao khát được tốt hơn mỗi ngày. Rồi chúng ta sẽ lại đứng dậy, tìm cách đi lên từ những khoảnh khắc đau đớn. Thế cho nên, hành trình hiện thực hóa bản thân chưa bao giờ là dễ dàng. Nó đích thực là một hành trình bóc hành đầy nước mắt, đầy đau khổ, có đôi khi tưởng chừng không có lối ra.
Mặc dù không biết hiện thực hóa đến bao giờ là đủ, nhưng “con người càng hiểu mình thì càng tự do”, ta vẫn có thể chọn nỗ lực để tốt hơn mỗi ngày, hòa hợp hơn mỗi ngày, biết đâu có một lúc ta “thành toàn chức năng”, bởi không phải “không có”, chỉ là “chưa có” người thành toàn chức năng mà thôi.
Vậy rốt cuộc chúng ta có thay đổi bản thân được hay không?
Mỗi người sẽ tự có cho mình câu trả lời. Chúng ta có thể tin Sigmund Freud – mình không thể thay đổi, mình không có lựa chọn, hoặc tin Carl Rogers – cuộc đời mình là do mình quyết định. Dù đứng về phía Sigmund Freud hay Carl Rogers, thì vô tình ta cũng đã lựa chọn. Chung quy ta lại quay về với Carl Rogers, về với quan điểm con người là chủ động trong cuộc sống.
Với những trải nghiệm cá nhân, mình vẫn tin rằng dù cuộc sống bế tắc thế nào thì con người vẫn có lựa chọn, bởi vì “chọn lựa hay không chọn lựa cũng là một lựa chọn”. Dù rằng con người có đôi khi ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân, dù rằng con người luôn tự cho mình là nạn nhân trong mọi câu chuyện, thì mình vẫn tin bản chất con người là tích cực – khao khát và nỗ lực để được tốt hơn mỗi ngày.
Mong rằng đến bài blog hôm nay, các bạn cũng đã có cho mình một lựa chọn.
Yêu thương thật nhiều.
-----------------------------
Tài liệu tham khảo
- Nguyen, H. L., (2019). Môn Tâm lý học Nhân cách. Bài Thuyết Nhân vị trọng tâm. Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP. HCM.
- Nguyen, H. L., (2019). Môn Tâm lý học Nhân cách. Bài Phân tâm học. Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP. HCM.
- Rogers, C., & M.D., P. K. D. (1995). On Becoming a Person: A Therapist’s View of Psychotherapy (2nd ed.). Mariner Books.
-----------------------------
Chi nhánh “bóc hành”:
- Youtube: Nơi Bóc Hành