CỘI RỄ CỦA MÂU THUẪN XUNG ĐỘT VÀ CÁCH SỐNG BÌNH THẢN HƠN
Việc cố gắng trở nên giống với người khác, hoặc với lý tưởng của mình là một trong những căn nguyên của sự xung khắc.
Mâu thuẫn và xung đột của con người xảy ra khi thực tại không được như tưởng tượng. Con người luôn xây dựng hình ảnh tưởng tượng về thực tế, kỳ vọng thực tế sẽ như cái mà ta mong muốn. Và khi cái thực tế không diễn ra như cái ta muốn thì xảy ra mâu thuẫn. Cái mâu thuẫn này không chỉ giữa người với người, người với hoàn cảnh, sự vật sự việc mà còn là mâu thuẫn trong chính nội tại mỗi người. Cũng chính từ đây mà con người không còn cảm thấy bình an trong thân tâm, không đạt được sự tự do tự tại.
Trong mối quan hệ giữa người với người, chúng ta luôn xây dựng nên hình tượng về người đối diện.
Chưa kể đến xã hội ngày nay đề cao những yếu tố vật chất như: tiền bạc, địa vị, nhan sắc,.... Và phần lớn mọi người cũng ngầm công nhận
điều này. Cũng có nghĩa, mọi người đang công nhận xung đột là 1 phần tất yếu của cuộc sống, công nhận sự cạnh tranh, ganh tỵ, tham lam, hám lợi và hung bạo như lẽ tự nhiên. Tại sao lại như vậy?
Những bộ phim thần tượng ghim vào đầu ta những hình mẫu về người chồng quốc dân, bạn trai quốc dân. Từ đó ta mong muốn ta cũng có được người chồng, người yêu như vậy, rồi thực tế không như ta mong đợi thì ta tức giận, nổi nóng với chồng hoặc người yêu hiện tại. Rồi dựa vào cái hình tượng đó, ta thấy bạn mình khoe chồng, khoe người yêu tốt thế này thế kia, ta sẽ sinh ra sự ghen tị với bạn, rồi lại so sánh với chính bản thân mình mà sinh ra tự ti hoặc sinh ra tâm lý bất mãn.
Tương tự như vậy, với chủ nghĩa tiêu dùng hiện nay, ghim vào đầu chúng ta cái việc, ta phải có nhà đẹp, xe sang, quần áo thời thượng,....
thấy người hơn ta thì nảy sinh tâm lý ghen ghét, đố kỵ, tự tâm mình thì chán ghét chính mình, chính hoàn cảnh hiện tại.
Chúng ta cứ tự mình xây dựng nên những ham muốn rồi tự mình bất an.
Vậy làm sao để thoát khỏi mâu thuẫn đó? Ham muốn là cội rễ của mâu thuẫn, bất an. Trạng thái mâu thuẫn trong mỗi chúng ta là do ham muốn gây ra trong quá trình theo đuổi khoái lạc và tránh né đau khổ. Vậy thì không lẽ chúng ta sẽ không ham muốn gì, không ước mơ, không nỗ lực gì hay sao? Vậy xã hội đâu thể phát triển được?
Có 1 câu nói như thế này:
“1 ông vua không có tham vọng (ham muốn) sẽ không xây dựng được 1 đất nước vững vàng, hùng mạnh. Một vị sư không có tham vọng sẽ không thể xây được ngôi chùa lớn và đưa phật pháp lan tỏa đi khắp mọi nơi”
Chúng ta vẫn phải có ước mơ, có ham muốn, có chí tiến thủ nhưng hãy cân bằng nó và nhìn nhận nó như là nó ĐANG LÀ thay vì nhìn nó như
là cái NÊN LÀ.
Ví dụ, đối với bản thân mỗi người. Trước tiên hãy tự nhận thức bản thân, bản thân mình ĐANG LÀ như thế nào? Bạn có ưu khuyết điểm
gì? Có khả năng gì? Cần khắc phục điều gì? Điều gì là cần thiết trong cuộc sống của bạn hiện nay thay vì điều gì mà bạn mong muốn (nhưng không cần thiết) hiện nay,....
Còn nếu bạn nhìn nhận bản thân theo cách NÊN LÀ thì sẽ như thế nào? Mình nên sinh ra trong gia đình tốt hơn, mình nên gặp được người tốt hơn, mình nên xinh đẹp hơn, mọi người nên đối xử với mình tốt hơn,.... Sự so sánh giữa mình với người sẽ không giúp bạn có mục tiêu phấn đấu hơn, chìm đắm trong những suy nghĩ đó sẽ không khiến bạn tốt hơn mà chỉ khiến bạn dậm chân tại chỗ chứ chưa kể đến còn thụt lùi nữa.
Nếu nhận thức bản thân theo cách bạn ĐANG LÀ thì sao? Thì bạn sẽ biết mình nên khắc phục điều gì? Thay vì ghen ghét, đố kỵ với người, bạn sẽ trở thành phiên bản tốt hơn của mình sau mỗi ngày. Thay vì lướt mạng ghen tị khi thấy người đi du lịch tứ xứ đó đây, vậy mỗi ngày hoặc mỗi tuần hãy để ra 10.000 vnđ vào con heo đất. 1 năm có 365 ngày, sau 1 năm là bạn đã có 3.650.000 vnd, vậy là có 1 chuyến du lịch hòm hòm rồi. Mà giờ dịch bệnh cũng không đi đâu được nhỉ. Vậy lấy ví dụ khác này.
Bạn đang sống trong căn nhà 80 m2, cảm thấy chật chội bức bí, than thân trách phận rồi ghen tị với những người có căn nhà đẹp như trong giấc mơ của bạn. Thì hãy thôi than mà bắt tay vào dọn dẹp, thử thực hành lối sống tối giản xem sao. (lối sống tối giản là như thế nào thì phiền mọi người tìm hiểu giúp nhé, mình sợ bài dài quá).
Hãy trở thành phiên bản tốt hơn của mình sau mỗi ngày. Hãy áp dụng quy tắc 1%. Ngày đầu tiên tập yoga trong 5 phút, ngày kế tập thêm 1 phút nữa là 6 phút, ngày kế nữa tập lên 7 phút,.... duy trì đều đặn như vậy, cuối cùng bạn sẽ hình thành nên thói quen tập yoga hàng ngày. Hay như việc đọc sách, ngày đầu đọc 1 trang sách, hay nửa trang cũng được (mà cam đoan là đã vượt lười cầm được quyển sách thì không có chuyện đọc nửa trang đâu), ngày thứ hai đọc 1 trang sách, ngày thứ 3 đọc 1,5 trang sách,... lâu dần sẽ giúp bạn hình thành thói quen đọc sách. Thay vì việc ngồi đó lướt Facebook và ghen tị, thân hình người đấy đẹp thế, da mịn thế, tập siêu thế, các thành viên trên Spiderum viết hay thế, kiến thức rộng thế,.... thì hãy hành động đi, dù nhỏ nhưng đi lâu cũng đến, kiến tha lâu cũng đầy tổ mà thôi.
Và đừng cố gắng triệt tiêu mâu thuẫn. (Cảnh báo là câu sau đây sẽ hơi gây lú nhé) Ham muốn là cội rễ của mâu thuẫn - việc muốn hay không muốn điều gì đó là một hoạt động mang tính hai mặt. Không chỉ các đối tượng ham muốn mà bản chất sự ham muốn đã chính là mâu thuẫn. Mâu thuẫn sẽ không thể diệt trừ nếu bạn cố gắng xóa bỏ nó, khi bạn cố gắng giải quyết nó thì cũng là lúc mâu thuẫn mới xuất hiện. Mâu thuẫn và xung đột chỉ có thể bị tiêu diệt khi bạn sống trọn vẹn dù là với nỗi tuyệt vọng, nguy cơ, sự hung bạo, sợ hãi, lo âu, hay cô đơn,....
Để giải thích câu trên thì phải nhắc đến tính nhị nguyên. Đã từ rất lâu trong tự nhiên tồn tại tính nhị nguyên; đàn ông và đàn bà, ngày và đêm, trắng và đen, nóng và lạnh,.... Cuộc sống này có may mắn thì
cũng phải có xui xẻo, có những việc thuận ý thì cũng phải có những việc bất ý. Vì vậy bạn đừng mong cầu mọi chuyện luôn luôn diễn ra theo ý mình, mong cầu luôn gặp may mắn mà không bị xui xẻo, mong muốn tất cả mọi người đều tốt với mình mà không gặp phải người gây khó khăn. Giống như đồ thị hình Sin vậy, có lên rồi có xuống, xuống chạm đáy thì sẽ đi lên. Bạn vẫn phải đặt mục tiêu cho mình, vẫn phải có cái đích hướng đến, vẫn phải nỗ lực cố gắng. Tuy nhiên, trên con đường đi đến cái đích đó, bạn phải tự chuẩn bị tâm lý rằng chắc chắn sẽ gặp phải những mâu thuẫn những khó khăn, những điều bất ý. Vậy thì khi gặp phải khó khăn, bất ý bạn sẽ không còn phải phân tán nguồn lực và cảm xúc của mình cho việc bất mãn, thất vọng, tức giận nữa, mà dành cái sức lực đó để hành động vượt qua sự cái khó khăn, bất ý. Vậy cái câu vừa rồi không phải là cố gắng giải quyết mâu thuẫn, tìm cách giải quyết khó khăn hay sao? Sao trên lại nói là khi cố gắng
giải quyết mâu thuẫn thì sẽ có mâu thuẫn mới xuất hiện?
Ví dụ: Khi khó khăn (mâu thuẫn) xuất hiện mà bạn không có sự chuẩn bị về mặt tâm lý, không có sự bình tĩnh thì đồng thời có 1 mâu thuẫn sẽ xuất hiện trong tâm của bạn (đó là sự bất mãn, thất vọng, tức giận vì hoàn cảnh không như bạn mong đợi).
Dùng cái tâm thế này để giải quyết mâu thuẫn hiện tại (những khó khăn trong cuộc sống) thì có 2 trường hợp xảy ra.
1. Mâu thuẫn ở hiện tại (là những khó khăn) không được giải quyết hoặc giải quyết không theo ý bạn thì mâu thuẫn vẫn còn tồn tại.
2. Mâu thuẫn ở hiện tại (là những khó khăn) được giải quyết, thì mâu thuẫn ở trong tâm sẽ tạm thời mất đi, nhưng nó vẫn ở đó và xuất hiện bất cứ khi nào gặp hoàn cảnh tương tự. Giống như việc bạn chặt 1 cái cây nhưng để lại gốc và rễ, gặp thời cơ thích hợp nó vẫn sẽ phát triển trở lại. Chưa kể những vấn đề thuộc về tâm, tính thường không phải là cây mà là cỏ dại, vì vậy nó rất dễ mọc và khó kiểm soát.
Và tôi cam đoan rằng, trong thực tế, nếu bạn không giữ được tâm thế bình thản, sự bình tĩnh thì khi đối diện với những chuyện bất ý, thì bạn sẽ không thể giải quyết nó 1 cách toàn vẹn được. Mà không toàn vẹn thì có nghĩa vẫn còn mâu thuẫn.
Một điều nữa cần lưu ý cho mọi người, ví dụ: khi bạn đang cố kiểm soát cảm xúc của mình, mong muốn có thể kiểm soát cảm xúc của bản
thân. Thế nhưng, sau đó bạn lại nổi nóng, mất kiểm soát, vậy thì cũng đừng tự lên án bản thân, giây phút bạn tự chỉ trích bản thân cũng chính là lúc mâu thuẫn xuất hiện trong tâm bạn. Vậy phải làm sao? Trong đạo phật có cụm từ đó là “sống tỉnh thức”. Hãy nhận thức rõ về cơn nóng giận của mình, suy nghĩ xem trong trường hợp tương tự như hôm nay mình nên giải quyết như thế nào, ghim cái cách giải quyết đó vào đầu, và cố gắng dùng cách giải quyết đó trong những lần tương tự sau này.
Hay như bạn mong muốn có 1 ngôi nhà rộng hơn hiện tại, nhưng tình hình tái chính không cho phép, tiền bản thân không đủ, vay không có
phương án trả. Vậy đừng đâm đầu vào cái mong muốn đó ở hiện tại. Hãy coi việc có 1 căn nhà rộng hơn là cái đích đến và chia nhỏ cái đích này ra thành nhiều mốc “mong muốn” nhỏ. Vậy thì mong muốn ban đầu không hề bị triệt tiêu nhưng bạn cũng không vì nó mà chịu khốn đốn.
Hãy nhìn nhận cuộc sống như tái ông mất ngựa để có được sự bình thản trong cuộc sống.
Có một ông lão kia sinh sống gần biên ải (tức Tái Ông). Nhà ông nuôi một con ngựa quý. Thế nào nó tự nhiên đi vào đất bắc mất hút. Những người quen biết đến nhà hỏi thăm, ông nói với họ: “Mất ngựa biết đâu
lại là điềm may”. Quả nhiên, mấy hôm sau con ngựa nọ trở về, lại “rủ” thêm mấy con tuấn mã nữa đi cùng. Anh em láng giềng đến chia vui, ông lại chép miệng nói: “Ôi dào! Được thêm ngựa biết đâu lại là hoạ đó”.
Cầu được ước thấy! Con trai ông thấy ngựa đẹp bèn mải mê tập cưỡi, phi ngựa suốt ngày để đến nỗi một hôm ngã gãy cả chân. Tội quá! Trước sự kiện này, mọi người cho là tai hoạ, nhưng Tái Ông vẫn ung dung: “Biết đâu lại là phúc đó!”. Mà cũng nghiệm vậy. Sau đó, đất nước bị giặc giã, trai tráng tất thảy phải ra trận. Mà xung trận tiền thì “mười thằng chết chín” là cái chắc. Riêng cậu con trai ông vì tàn tật mà được ở lại và sống sót, ở với cha trọn đời, sinh con đẻ cái. Quả là “trong phúc có hoạ”, “trong hoạ lại có phúc”. Sự đời thật khó mà lường.
Đương nhiên, trong cuộc sống không phải lúc nào cũng như vậy, nhưng điều tôi muốn nói ở đây chính là học tập thái độ sống của Tái Ông.
Xin phép kết thúc bằng câu nói của J.Krishnamurti
“ Việc cố gắng trở nên giống với người khác, hoặc với lý tưởng của mình là một trong những căn nguyên của sự xung khắc. Khi tâm trí lao xao, loạn động, thì bất luận nó làm điều gì, ở mức độ nào, hành động đó vẫn phát sinh từ sự bối rối, theo đó, tiếp tục dẫn đến tình trạng hỗn độn trầm trọng hơn.”
Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất