Được vinh danh tại hàng loạt các giải thưởng tiền Oscar như SAG do Nghiệp đoàn diễn viên bình chọn, WGA cho các nhà biên kịch bình chọn cũng như PGA do các nhà sản xuất bình chọn; CODA vừa chiến thắng Phim hay nhất tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 94, đồng thời lập nên hàng loạt kỷ lục gần như không tưởng.

ÁP LỰC CỦA NGƯỜI “LỆCH CHUẨN”

          Được nữ nhà văn, đạo diễn Sian Heder làm lại từ bộ phim gốc của Pháp mang tên La Famille Bélier vào năm 2014, CODA là những thước phim sống động hướng về tình cảm gia đình, cũng như áp lực vô hình mà các thanh thiếu niên phải chịu trước ngưỡng trưởng thành. Từ cuộc sống học đường cho đến các mối quan hệ gia đình, có thể nói đây là một bộ phim toàn diện dưới nhiều góc nhìn cùng cách khai thác đầy đồng cảm.
          Bộ phim kể về Ruby, cô gái 17 tuổi, và là người nghe được duy nhất trong nhà Rossi.  CODA, viết tắt của cụm “Child of deaf adults” ý chỉ những đứa trẻ được nuôi lớn trong một gia đình khiếm thính, và Ruby là một trong số đó. Sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản ở bang Massachusetts, ngay từ thuở nhỏ cô đã gián tiếp đóng vai người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho gia đình mình.
          Trong trường học, Ruby sớm gia nhập câu lạc bộ âm nhạc, vì say nắng Miles, cậu bạn học cùng học, cũng như ước mơ được cất lên tiếng hát. Được thầy V phát hiện ra tài năng và bắt đầu ôn luyện, Ruby mong muốn được vào trường Nghệ thuật Burklee. Thế nhưng điều đó có nghĩa cô sẽ bỏ lại gia đình, người rất cần cô cho việc giao tiếp; để đến Boston và tiếp tục sự học. Đứng chênh vênh giữa ngã ba đường, đâu là lựa chọn thích hợp cho Ruby?
          Có thể thấy rằng, đạo diện Sian Heder đã họa được nên tình thế lưỡng nan muôn đời, giữa đi hay ở. Hẳn nhiên Ruby đã làm công việc phiên dịch suốt thời thơ ấu, và cô không che giấu sự chán nản của mình trước bầu trời tự do. Bị trêu chọc do mùi cá tanh cũng như các hành động có phần kỳ lạ của gia đình mình… Ruby như một điển hình của các thanh thiếu niên có gia đình “lệch chuẩn”, luôn bị bắt nạt và tự xếp mình vào hàng thứ yếu.
          Thế nhưng bỏ qua điều đó, trong suốt thời lượng của CODA, khán giả luôn nhìn thấy được nụ cười cũng như niềm vui của mỗi cá nhân trong nhà Rossi. Tuy không giàu có cũng như khó hòa nhập với xã hội bình thường, thế nhưng giữa họ là những “phản ứng hóa học” mà ngay cả những người bình thường nhất cũng chưa hẳn có. Cùng đề tài với bộ phim Sound of Metal, thế nhưng chính việc gài cắm những nụ cười đẹp xuyên suốt bộ phim là thứ đánh mạnh vào trong cảm xúc người xem, đã để lại những hậu vị đáng nhớ.

KỊCH BẢN GẦN GŨI

          Đoạt giải Oscar cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, Sian Heder cũng đã có những cải biên khác biệt so với bộ phim gốc, để nó phù hợp hơn với khán giả Mỹ. Nếu bộ phim gốc diễn ra ở một nông trại có phần quen thuộc với người châu Âu, thì ở CODA, Sian Heder đưa nhà Rossi ra phía biển cả, để từ đó nâng lên vấn đề, trước thực trạng ngư dân giờ đây phải chi ra quá nhiều tiền cho chính quyền, dẫn đến quyết định thành lập hợp tác xã và Ruby là người cần thiết nhất cho các hoạt động ngoại giao bên ngoài.
          Ở phiên bản gốc của nhà làm phim Éric Lartigau, điều này được thay bằng việc gia đình Biter chạy đua vào chính quyền địa phương, khi người có nhiều khả năng trúng cử đang định cấp phép cho một trung tâm thương mại lấn rừng và đất nông nghiệp của những người sống nhờ vào trang trại. Có thể thấy rằng, vấn đề mà bản gốc trước đó đề cập dường như quá lớn và không quá mức cần thiết để tạo nên thế lưỡng nan cho nhân vật Ruby, vì thế việc cải biên của Sian Heder vừa cần thiết mà cũng góp phần làm chặt chẽ hơn ở khâu kịch bản.
          Ngoài ra, mối quan hệ giữa Ruby và cậu bạn trai Miles cũng được CODA nâng lên như sự chữa lành từ cả hai phía. Ruby tuy sống trong một gia đình bất toàn nhưng luôn tồn tại hạnh phúc, thì ngược lại, Miles tuy có điều kiện khá hơn nhưng bố mẹ lại luôn xung đột. Hai người trẻ như khớp nối vào nhau, và Sian Heder cũng kiến tạo được sự gắn kết này qua một nơi chốn riêng tư là nơi hồ nước mà không ai biết, để hai người sẻ chia, làm lành và cùng nhau đồng cảm. Điều này thiếu vắng hoàn toàn ở bản gốc, khiến nhân vật chính dường như phải tự mình gánh chịu tất cả.
          Đạo diễn Sian Heder theo đó cũng rất mạo hiểm khi sử dụng các diễn viên khiếm thính ngoài đời thật để diễn xuất trong phim. Nhân vật người mẹ do nữ minh tinh Marlee Matlin đảm nhiệm, người từng chiến thắng Nữ diễn viên chính ở giải Oscar năm 1986 cho phim Children of a Lesser God, và là nữ diễn viên khiếm thính duy nhất đến nay làm được điều này. Cạnh bên Matlin, Troy Kotsur sắm vai người cha mới đây cũng vừa chiến thắng hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, và khiến CODA làm nên lịch sử với nam diễn viên khiếm thính đầu tiên chiến thắng ở Oscar.

YẾU TỐ LÀM NÊN THÀNH CÔNG

          Có lẽ hiểu rõ thế nào là những bất công cũng như bị nhìn dưới ánh mắt khác khi là một người khiếm thính, mà bộ ba nhân vật của nhà Rossi thể hiện vô cùng tròn vai, không chỉ trong những cảm xúc thương yêu, mà cũng có lúc căng thẳng như người anh trai đấu tranh cho em gái đi học, cảm xúc của người mẹ khi quá bảo bọc con gái hay người cha luôn luôn ủng hộ… Nữ diễn viên Marlee Matlin từng nói rằng nếu không mời những diễn viên khiếm thính thật sự cô sẽ bỏ vai, và có lẽ do đó mà CODA vô cùng chân thật trong những thước phim trước mắt khán giả, với đầy đủ cảm xúc từ đầu cho đến cuối phim.
          Khung cảnh ấn tượng nhất phim đó là khi nhà Rossi đi dự buổi trình diễn cuối khóa của Ruby, và cũng ở đây họ đã nhìn thấy phản ứng của khán giả trước tiếng hát của cô. Có lẽ bắt nguồn từ đó mà dưới bầu trời sao, cha Frank đã muốn Ruby hát lại và cảm nhận rung cảm ở cổ cô, để từ đó đi đến một quyết định quan trọng không những đối với cô con gái, mà còn là cả sự nghiệp của một gia đình trên đà túng thiếu.
          Ở buổi thử giọng, Ruby đã hát Both sides, now – một ca khúc ý nghĩa của huyền thoại Joni Mitchell. Bài hát gợi tả vẻ đẹp, với những trải nghiệm toàn diện khi con người giờ đây nhìn được từ cả hai phía, ở dưới cũng như từ trên đám mây. Ruby vừa hát vừa dùng ngôn ngữ ký hiệu để chia sẻ nội dung với bố mẹ mình, khi cô cũng từng bị đè nén và rồi hiểu được tình yêu họ dành cho mình. Giai điệu dễ nhớ và đầy rung cảm của bài hát đó cũng là một yếu tố tạo nên thành công, khi ngoài ý nghĩa lời hát, những giai điệu của Joni Mitchell sau mấy mươi năm vẫn nguyên vẻ đẹp, và nhất là được cất lên từ một cô gái chịu nhiều tổn thương.
          Thế nhưng rốt cuộc Ruby sẽ rời gia đình để đi đến Boston thực hiện ước mơ, hay ở nhà và phụ giúp công việc đang dần ổn định? Liệu một cô gái hát bằng bản năng, dẫu cho đã được rèn giũa nhờ sự giúp đỡ ngắn ngủi của thầy V, có được nhận vào ngôi trường danh giá? CODA là một bộ phim không quá phức tạp về mặt cảm xúc cũng như dễ đoán ở khâu kịch bản, không có plot twist; thế nhưng nó lại đong đầy cảm xúc của sự chữa lành, niềm tin và hy vọng. Đặt trong một thế giới đảo điên của những ngày này, việc một “người tí hon” chiến thắng “gã khổng lồ” The Power of the Dog với 12 đề cử chắc chắn gây nhiều tranh cãi, nhưng phần nào đó nó cũng cho thấy mơ ước ổn định và những giá trị nhân văn của con người.
          Chiến thắng 3/3 đề cử ở Oscar lần thứ 94, trong đó bao gồm hạng mục Phim hay nhất; cũng như trước đó được nền tảng streaming Apple+ mua bản quyền với giá cao kỷ lục tại Liên hoan phim Sundance; có thể nói CODA là một bộ phim chạm đến đáy sâu của sự đồng cảm, với những cá nhân bất toàn nhưng luôn thương yêu, gắn bó với nhau, làm nên vẻ đẹp của sự hàn gắn. Tuy gây nhiều tranh cãi bên lề, nhưng khó mà không thừa nhận đây là một bộ phim hay và nhiều cảm xúc.
_________________________
Bài viết được đăng trên Tạp chí Elle Vietnam