CODA: Khi khiếm khuyết làm ta trở nên đặc biệt.
Chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta cũng đều mang trong mình những khiếm khuyết, bởi cuộc đời nào có ai là thực sự hoàn hảo. Chúng ta có...
Chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta cũng đều mang trong mình những khiếm khuyết, bởi cuộc đời nào có ai là thực sự hoàn hảo. Chúng ta có thể có những khiếm khuyết về vẻ bề ngoài hoặc những khiếm khuyết về tâm hồn bên trong. Thế nhưng, không phải khiếm khuyết nào cũng xấu, không phải khiếm khuyết nào cũng khiến ta tự ti về nó. Đôi khi, khiếm khuyết còn là một trong những điểm đặc biệt của mỗi người.
CODA là một bộ phim nói về những khiếm khuyết, theo một cách rất lạ, rất đời. Tác phẩm được đánh giá là một trong những phim độc lập thành công nhất trong năm và gặt hái 4 giải thưởng liên tiếp tại LHP Sundance vừa qua.
Với lối kể chuyện nhẹ nhàng, đơn giản cùng những thông điệp đắt giá về tình cảm gia đình, ước mơ và hành trình thấu hiểu, đặt dưới góc nhìn đầy khác lạ về những con người khiếm thính, phim hứa hẹn sẽ đem lại những trải nghiệm khó quên đối với khán giả.
Cảnh báo spoiler
CODA xoay quanh nhân vật chính Ruby- cô con gái út “ tai thính" yêu ca hát trong một gia đình có bố, mẹ và anh trai là người khiếm thính. Chính bởi sự “ khác biệt" này, cô nghiễm nhiên trở thành “ phiên dịch viên miễn phí" và là cầu nối của cả gia đình đối với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, với tài năng thiên phú về giọng hát, những rắc rối bắt đầu xuất hiện khi Ruby mong muốn được nhập học tại một trường âm nhạc. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu được trúng tuyển Ruby sẽ phải rời xa gia đình.
Bất ngờ từ những khiếm khuyết.
CODA là viết tắt của cụm từ “child of deaf adults” tạm dịch là con của những người khiếm thính. Khác với những tác phẩm đặt người khiếm thính làm nhân vật trung tâm thường thấy như: Sound of mental ( 2019), The Hammer (2017) hay Children of a Lesser God( 1986)... ở CODA, đạo diễn Sian lại hướng góc nhìn trung tâm vào “ người tai thính" sống trong môi trường của những người khiếm thính hay nói cách khác là xây dựng một thế giới mà những người “ không bình thường" mới là người bình thường. Từ đó tạo nên những trải nghiệm khác biệt nhưng cũng phần nào đồng cảm, gần gũi cho khán giả .
Không chỉ vậy, tiêu đề của bộ phim - CODA còn là thuật ngữ báo hiệu sự kết thúc của một chương trong buổi hoà nhạc. Nó dường như tượng trưng cho những năm tháng cuối cùng của Ruby trước khi bước sang tuổi trưởng thành. Việc kết hợp khéo léo giữa câu chuyện của một cô gái mới lớn trong hành trình trưởng thành với chủ đề về những người khiếm thính đã hình thành nên một tác phẩm về tuổi dậy thì ( coming of age) đầy mới lạ và tràn ngập năng lượng.
Mặt khác, phim cũng không tập trung khắc họa những khó khăn, thiếu thốn mà người khiếm thính phải chịu đựng để lôi kéo sự đồng cảm, hay đi sâu vào khai thác tâm lý ở độ tuổi trưởng thành. CODA chỉ như một khúc nhạc cất lên về hành trình kết nối giữa người với người, mang đến một góc nhìn khác về những cá nhân mang trong mình khiếm khuyết cùng thông điệp đáng nhớ về quá trình trưởng thành bên cạnh tình thương gia đình.
Đồng hành với phần nội dung nhẹ nhàng, mới lạ, CODA còn sử dụng những bản nhạc kinh điển như: Let's Get It On, You're All I Need To Get By, Tammi Terrell hay It's Your Thing … vừa tạo điểm nhấn trong cách truyền tải tinh thần âm nhạc của nhân vật Ruby, vừa tạo không khí tươi trẻ đầy năng lượng cho đến trầm ấm, lắng đọng ở nơi khán giả theo dõi. Đặc biệt, khi lồng ghép phần âm nhạc giàu năng lượng vào cốt truyện về những nhân vật khiếm thính, nhà làm phim đã tạo nên sự tương phản đầy ý nghĩa, để nói lên rằng âm nhạc là dành cho tất cả mọi người, bất kể họ có khiếm khuyết đến đâu đi chăng nữa.
Phần hình ảnh trong CODA đã truyền tải một cách chân thực nhất về cuộc sống của những người khiếm thính, về cách mà họ vận hành gia đình, công việc, và đặc biệt là biểu đạt ngôn ngữ để kết nối với xã hội. Cụ thể, những phân cảnh về cuộc đối thoại giữa ngôn ngữ ký hiệu và ngôn ngữ nói đều được trau chuốt, sắp xếp một cách tỉ mỉ. Khi có những cuộc xung đột của các nhân vật sử dụng ngôn ngữ ký hiệu chồng chéo lên nhau, phụ đề diễn giải ngôn ngữ ký hiệu của những người khiếm thính vẫn hoàn toàn khớp với khung hình. Điều này giúp cho khán giả khiếm thính có thể theo dõi và cảm bộ phim hệt như những khán giả bình thường khác.
Tất cả đã tạo nên những trải nghiệm thú vị và đầy bất ngờ.
Khi khiếm khuyết làm ta thêm đặc biệt.
Được biết, trong quá trình làm phim, nữ đạo diễn Sian Heder- một người không có vấn đề về thính giác đã dành một khoảng thời gian đáng kể để học ngôn ngữ ký hiệu, với mong muốn dự án này sẽ phản ánh những điều chân thực nhất, chạm được vào trái tim của mọi khán giả. Có lẽ khao khát ấy đã đưa cô đến quyết định giao các vai diễn của gia đình nhà Rossi cho Marlee Matlin, Troy Kotsur và Daniel Durant - đều là những người khiếm thính ngoài đời. Điều này đã giúp CODA có được tính thực tế nhất định, mang đến cho khán giả những phút giây tràn ngập cảm xúc, bởi không có một diễn viên nào có thể diễn tốt bằng việc họ là chính họ với những điều thuần túy nhất.
Ruby có một gia đình đều là những người khiếm thính. Họ mang trong mình những khó khăn, mặc cảm với bản thân, thế nhưng không vì vậy mà họ u sầu hay chán nản. Họ vui vẻ theo cách riêng, hài hước với chính khả năng ngôn ngữ giao tiếp của họ. Họ cũng có ước mơ,hoài bão và hết mình vì nó. Nó được thể hiện rõ qua khát vọng thành lập hợp tác xã kinh doanh đánh bắt cá riêng của bố mẹ Ruby hay người anh trai với mong muốn tìm được tình yêu phù hợp, và cả Ruby trong một gia đình khiếm thính với ước mơ được ca hát. Ai trong số họ cũng có những đam mê cá nhân cần theo đuổi, họ chấp nhận đối diện với kỳ vọng mà mọi người nghĩ họ không thể đạt tới. Thế nhưng đến cuối cùng họ vẫn có thể làm được với chính khiếm khuyết họ mang trong mình. Đôi khi, khiếm khuyết không làm cho chúng ta xấu đi, nó làm chúng ta đặc biệt hơn.
Khác với tay trống Ruben trong Sound of Mental, khi anh phải loay hoay tìm cách hòa nhập với việc mất đi thính giác, hay hành trình chấp nhận khiếm khuyết của bản thân để biến ước mơ thành hiện thực của đô vật khiếm thính trong The Hammer,... ở CODA, những thành viên khiếm thính trong gia đình Rossi tự hào về khiếm khuyết của chính họ và coi đó là một phần đặc biệt của bản thân, thay vì phải đấu tranh hay cảm thấy nặng nề về nó. Họ tham gia vào hợp tác xã đánh bắt cá để kiếm sống, tìm kiếm bạn bè qua những ứng dụng hẹn hò như Tinder... Họ sống và làm việc chẳng khác nào những người bình thường. và tận hưởng những gì tốt đẹp nhất trên đời.
“Cứ để họ xoay xở với người điếc. Bố mẹ và anh đâu đến nỗi không lo được!”
Đó là lời khẳng định chắc nịch của anh trai Leo khi khuyên nhủ Ruby hãy đi theo tiếng gọi của giấc mơ, thay vì lo lắng cho gia đình bởi khiếm khuyết của họ. Đôi khi, người ta cho rằng những người khiếm thính luôn cần sự trợ giúp để có thể hòa nhập với xã hội. Điều ấy vô hình chung khiến cho cộng đồng này rơi vào tình thế mắc kẹt, khi phải cố gắng chứng tỏ bản thân để được coi là kẻ bình thường. Tại sao họ cứ phải cố gắng chứng tỏ, tại sao họ phải lo sợ việc giao tiếp như những người bình thường, trong khi những người ấy cũng cần họ và phải cố gắng tìm cách giao tiếp với họ? CODA đã đặt ra những vấn đề nan giải ấy để người xem có những góc nhìn khác về cộng đồng người khiếm thính.
Gia đình và những thông điệp về tình yêu thương.
Bên cạnh việc khắc hoạ một góc nhìn mới lạ về những người khiếm thính, CODA còn rất thành công trong việc truyền tải những thông điệp đắt giá về tình cảm gia đình, sự hi sinh và hành trình thấu hiểu giữa các thành viên dưới một mái nhà.
Mỗi gia đình đều có những đặc điểm riêng. Những thành viên trong gia đình Ruby đều là những người khiếm thính bị thiên hạ dòm ngó, cười cợt. Nhiều khi Ruby cũng cảm thấy khó chịu, ức chế, nhưng rồi cô nhận ra tình cảm gia đình quan trọng đến nhường nào. Bố mẹ cô vẫn luôn mặn nồng bên nhau, vẫn luôn yêu thương, quan tâm, bảo vệ con cái và tin tưởng chúng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khiếu khôi hài trong gia đình Ruby cũng được thể hiện rõ qua mỗi thành viên. Nhìn vào gia đình cô, người xem có thể dễ dàng nhận ra rằng, hoá ra khiếm khuyết không làm cho con người ta xa lánh nhau, mà kéo họ gần lại với nhau, đem lại cho nhau những điều tốt nhất. Đó là thứ mà nhiều gia đình bình thường khao khát nhưng lại chẳng thể có được, chẳng hạn như gia đình Miles - bạn trai của Ruby.
Không dừng lại ở đó, bất kì khán giả nào xem CODA cũng đều cảm thấy đồng cảm với các nhân vật bởi những tình huống xảy ra trong gia đình Ruby cũng hệt như ngoài đời, là những vấn đề không của riêng ai như việc nuôi dạy con cái, định hướng tương lai, giúp con trở nên độc lập hơn hay khi bố mẹ phải làm quen với cảm giác con cái dần rời xa tổ ấm để xây dựng cuộc sống riêng. Từ đó, phim đem đến những thông điệp về sự cảm thông và thấu hiểu, về sự hi sinh và gắn kết để tạo nên một gia đình bền vững và hạnh phúc.
Đứng trước ngưỡng cửa phải lựa chọn giữa ở lại phụ giúp gia đình, và chuyển đến ngôi trường yêu thích, Ruby đã chọn gia đình. Cô lựa chọn hi sinh giấc mơ của chính mình để đảm bảo cho cuộc sống của các thành viên trong nhà được dễ dàng hơn, bởi suy cho cùng, họ là những người thực sự quan trọng đối với cô. Tuy nhiên, Ruby lại không biết rằng, bố mẹ và anh trai cũng là những người luôn lo lắng và sẵn sàng ủng hộ cô hiện thực ước mơ của chính mình.
“Nó hát có hay không?”, “Có nghe được đâu mà biết?”, “Nếu nó thất bại thì sao?”
Đó là sự lo lắng của mẹ Ruby khi cô thông báo rằng mình sẽ tham gia đội hợp xướng của trường. Bà lo cho cô con gái bé nhỏ khi nó theo đuổi một lĩnh vực mà bà không thể kiểm chứng. Bà sợ người đời sẽ hà khắc và chế nhạo nó, sợ rằng nó sẽ thất bại và suy sụp. Và hơn hết bà muốn bảo vệ nó.
Một phân cảnh cảm động của phim, vào ngày biểu diễn tại trường, cả nhà Ruby đã đến xem và cổ vũ cho cô, dù họ không thể nghe cô hát. Khi Ruby hát You're All I Need to Get By, từ góc nhìn của người cha, mọi âm thanh xung quanh biến mất, bao trùm ông trong lặng thinh. Ông bắt đầu nhìn quanh các hàng ghế, nơi mọi người đang đung đưa và vỗ tay theo giai điệu. Ông nhìn vào cảm xúc của từng người trong căn phòng. Khi màn diễn kết thúc, ông là người đầu tiên trong gia đình đứng lên vỗ tay cho Ruby. Tối đó, ngồi sau thùng xe, ông bảo Ruby hát lại bài hát cho mình nghe, rồi đặt tay mình lên cổ cô bé, cảm nhận những rung động ông đã hiểu, và quyết định sẽ ủng hộ ước mơ của con gái hết mình.
Cảnh cuối phim, có lẽ cũng chính là phân cảnh đắt giá nhất khi Ruby tham gia buổi thử giọng tại Berklee, cô thấy gia đình mình trên khán đài. Cô bắt đầu hát, đồng thời dùng ngôn ngữ ký hiệu. Đôi mắt cô hướng về gia đình trong suốt cả buổi thi - nơi bố mẹ và anh trai cô đang mỉm cười trong tự hào. Nó cho thấy sức mạnh của trái tim, sức mạnh của sự kết nối, của tình yêu, sự thấu hiểu và của cả âm nhạc. Tất cả đã tạo nên một trải nghiệm trọn vẹn nơi người xem.
Cuối cùng, gia đình vẫn luôn là chỗ dựa vững vàng cho bất cứ ai. Chỉ có gia đình mới luôn yêu thương, bảo vệ và che chở ta, ủng hộ ước mơ ta. Dù là gia đình bình thường hay bất bình thường, họ cũng sẽ ở bên ta mỗi lúc ta cần.
Với câu chuyện ngọt ngào, đầy cảm xúc cộng hưởng cùng những bài hát làm xao xuyến lòng người, CODA đã thành công trong việc khắc hoạ một góc nhìn mới về những người khiếm thính. Qua đó, bộ phim truyền đi những thông điệp sâu sắc và thiết thực về tình cảm gia đình, về hành trình thấu hiểu, về sự hi sinh và cả hành trình trình theo đuổi giấc mơ.
Tóm lại, CODA chẳng khác nào một bản nhạc du dương, đầy cảm xúc, cho người xem thấy được cả nốt trầm, nốt bổng . Bộ phim đã cho chúng ta thấy rằng, không phải ai cũng có một cuộc sống hoàn hảo, không phải ai sinh ra cũng đã lành lặn, và mỗi người trên đời đều có những khó khăn, khiếm khuyết dù ở ngoại hình hay tâm hồn. Nhưng thay vì mặc cảm với nó, chúng ta hãy tìm cách biến nó thành những thế mạnh của riêng mình, bạn nhé.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất