Nếu để nói có một bộ phim nào đó giúp những người trẻ thêm thấu hiểu để trân trọng hơn gia đình của mình, có thêm dũng khí để củng cố niềm tin vào cuộc sống thì chắc chắn CODA của đạo diễn Sian Heder là một cái tên không thể bỏ qua.
Linh bài viết gốc : https://www.facebook.com/Fewlinesfromguy.com.vn/photos/a.342211467443210/530661261931562
Linh bài viết gốc : https://www.facebook.com/Fewlinesfromguy.com.vn/photos/a.342211467443210/530661261931562
Phim là hành trình đi tìm bản thân của cô bé Ruby Rossi sống trong gia đình mà cả bố mẹ và anh trai đều là người khiếm thính. Cô là người duy nhất nghe và nói được. Chính vì thế, cô như là một bảo vật vô giá đối với cả nhà. Mọi công việc kinh doanh, buôn bán và đánh bắt cá của cả gia đình đều có sự góp mặt thường trực của cô bé mới chỉ 17 tuổi. Ở cái độ tuổi thiếu niên đầy mơ mộng này, thật buồn thay tất cả những gì cô bé biết tới chỉ là biển, cá và cố gắng để làm sợi dây kết nối gia đình với cộng đồng xung quanh.
Nhưng chẳng vì thế mà cô bé ngừng yêu đời. Cô sống hòa mình vào âm nhạc, cô bé ăn uống với nó, ngủ cùng nó và cô ra khơi cùng nó. Yếu tố âm nhạc trong bộ phim tuy là thứ gây lên sự bất đồng chính trong gia đình, nhưng nó là một người bạn, là một liều thuốc tinh thần xoa dịu mọi mệt mỏi đối với Ruby. Sau cùng cũng chính âm nhạc cho cô bé dũng khí để quyết định vươn mình đến ước mơ của mình.
. . .
Như câu hỏi của mẹ Ruby :”Nếu cả nhà bị mù, liệu con có thích vẽ tranh không?”, cho ta thấy sự bất đồng đến từ khác biệt dù cho có là giữa những người ruột thịt với nhau. Gia đình của Ruby như là hình ảnh phản ánh chung của sự bất đồng thế hệ trong các gia đình hiện đại. Nó đặt người trẻ vào thế bị động, phải lựa chọn nên tiếp tục đi theo mơ ước của bản thân hay trở về lại với truyền thống gia đình.
Câu trả lời chính là :”Hãy để con tim dẫn đường”. Nếu chúng ta đủ thấu hiểu lẫn nhau thì tiếng vọng lại từ con tim là rõ ràng và chính xác nhất. Hình ảnh xúc động nhất bộ phim có lẽ là khi người bố ngồi cạnh Ruby và đặt tay lên cổ họng cô để cố cảm nhận được tiếng hát của con gái mình. Người xem nếu đặt mình vào vị trí của ông sẽ có thể hiểu được niềm khao khát được kết nối với con gái ông mạnh mẽ đến cỡ nào. Ông muốn con gái nhỏ bé không phải một mình lạc lõng giữa thế giới “toàn lũ khốn” và mong cô bé biết mình luôn còn một điểm tựa vững trãi phía sau.
—----------------------------------------------------
Thực sự là tôi đã được thấy lại bản thân mình trong bộ phim này. Tôi thấy mình của những ngày tháng cấp 3 đầy những trăn trở vào tương lai khi phải vừa học vừa phụ giúp gia đình trả tiền nợ lãi hàng tháng.
Nhưng chính khi được nhìn lại tôi lại thầm cảm ơn tất cả. Tôi muốn cảm ơn bố mẹ đã cho phép tôi bước đi với ước mơ, cảm ơn người cô chủ nhiệm lớp 12 năm đó đã không bỏ rơi dù tôi có học kém và cảm ơn chính bản thân vì đã kiên định, đã không bỏ cuộc dù bất cứ chuyện gì xảy ra!