Tôi đã tự hỏi bản thân câu hỏi này rất nhiều lần khi lần đầu tiên bước chân đến trời Tây.
Ai cũng rỉ tai nhau những câu từ hoa mỹ về việc có được một tấm thẻ định cư. Nào là học phí thấp, nào là phúc lợi xã hội, nào là được bao nhiêu là thứ.
Những lợi ích mà chỉ một thường trú dân ở nước ngoài mới có được. Từ lớn tới nhỏ, ai cũng nghĩ đến việc bỏ tiền ra đi du học là phải đổi được tấm thẻ xanh thì mới đáng đồng tiền bát gạo. Ai cũng đua nhau bảo chỉ cần ở lại bên nước ngoài thì là sướng trăm bề.
Nhưng đi du học có thật sự chỉ vì tấm thẻ xanh?
KHÔNG, nhất định là không.
Tôi nghĩ du học là một khoảng đầu tư con người. Khi gia đình bỏ ra một số vốn lớn cho chúng ta đi du học, thì bên cạnh những kiến thức ở nước ngoài thì chúng ta còn học được cách tự lập, cách kiếm tiền, cách chịu đựng những cảm xúc tiêu cực một mình mà không có người thân, hay bạn bè thân ở bên cạnh.
Rất nhiều người bảo, cảm giác đi du học rất giống với đi học xa nhà như lên Sài Gòn hay ra Hà Nội. Đúng là giống thật, nhưng khác ở chỗ đi học xa nhà cách mấy thì chỉ cần một chuyến xe, một cuộc điện thoại là có thể lao thẳng về nhà. Và khác ở chỗ, là chúng ta luôn có cảm giác nơi chúng ta ở là nhà. Vì đó là đất nước của chúng ta, và tất cả đều thuộc về chúng ta. Còn ở nước ngoài thì không.
Đó là lý do tại sao du học sẽ rèn luyện được cho những đứa trẻ tập cách trưởng thành về cả cảm xúc và tri thức, bồi dưỡng thêm kinh nghiệm và kĩ năng sống.Những thứ đó đủ để một số tiền lớn mà gia đình bỏ ra cho con em mình đi du học. Khoảng tiền đó là để đầu tư vào con người, chứ không phải là đầu tư sinh lời bằng một tấm thẻ xanh.Đúng là trở thành công dân nước ngoài sẽ có rất nhiều phúc lợi, nhưng đừng vì những phúc lợi đó mà bỏ qua những gì chúng ta có thể học, và làm được ở nước ngoài.
Tôi từng chứng kiến những người làm kết hôn giả, cố chấp bán mạng cho một cái nhà hàng Việt Nam bốc lột sức lao động, thậm chí là làm đủ mọi cách chỉ vì muốn ở lại nước ngoài.
Nhưng ở lại được rồi thì sao nữa?Tôi trước đây từng là một người bị những tư tưởng như thế tẩy não. Tôi cố bán sống bán chết nghĩ là mình phải có được một suất định cư ở nước ngoài.
Nhưng khi cầm tấm thẻ xanh trên tay, cảm giác duy nhất của tôi lúc đó là TRỐNG RỖNG.Tôi không biết mình là ai, sang nước ngoài để làm gì, và cầm cái thẻ thường trú dân để được cái gì. Những phúc lợi của nước ngoài đều trở nên vô nghĩa khi mọi hứng thú của tôi bị thổi bay sạch bằng một công việc mà mình không thích, một ngành học mình cũng chẳng đam mê. Để rồi sau khi có được rồi tôi mất luôn cả mục tiêu và dự định tiếp theo. Và tôi không phải là người duy nhất như thế.
Có rất nhiều người cầm tấm thẻ định cư rồi ngậm ngùi trở về Việt Nam.
Có người thì hài lòng và tiếp tục với công việc không có thời gian để cho họ thở hay tận hưởng cuộc sống.
Có người thì vui sướng vì ở lại được rồi thì tiếp theo làm gì cũng được.
Còn tôi thì là người ở giữa, chẳng biết nên ở hay nên về.Và tôi nhận ra, tấm thẻ định cư không phải là mục tiêu để cho những bạn trẻ đi du học. Vì nó có thể giết chết đam mê của một người, và cướp đi năng lượng tuổi trẻ của họ đến cạn kiệt.
Tấm thẻ định cư là một món quà khi chúng ta biết chúng ta muốn làm gì ở nước ngoài.
Tiền để đi du học là số vốn bỏ ra để chúng ta có những trải nghiệm thú vị với những nền văn hóa khác từ Tàu, Hàn, đến Ấn, Canada, và Anh. Những trải nghiệm đó không thể quy đổi thành tiền để hòa vốn hay sinh lời, vì tất cả đều nằm trong cách chúng ta đối diện với tình huống khi gặp một người đến từ văn hóa khác. Làm thế nào để trở nên lịch sự với người nước khác, làm thế nào để thích nghi ở một nơi không có người Việt.
Tiền để đi du học là để chi trả cho một cuộc sống tự do, độc lập và thời gian cho chúng ta học cách tự kiểm soát cảm xúc của chính mình. Du học thì không được lãng phí thời gian, vì bên cạnh học ngành chính còn phải bổ sung tiếng Anh.
Ngoài lên lớp đến trường còn phải chạy đi làm thêm để nuôi thân. Bên cạnh việc học và làm, còn phải lo toan nhà cửa để chủ không la, bạn cùng phòng không trách. Sau hàng tá áp lực như thế thì còn là nỗi buồn khi không thể về kịp để nhìn người thân mình lần cuối, những lần nghẹn ngào khi ghen tuông vì yêu xa, hay những lần tủi thân đến bật khóc khi mấy đứa bạn thân cũ bắt đầu có bạn thân mới, còn mình thì vẫn cô đơn ở xứ người.
Không chỉ là tiêu cực, còn là những niềm vui vô hạn khi bar, pub mở đầy ngoài đường và những lời mời gọi từ xung quanh. Khi cuộc chơi không bao giờ có điểm dừng với những người bạn mới. Là những cám dỗ không thể nào nói hết thành lời trong cuộc sống hàng ngày mà chúng ta còn phải học cách từ chối.
Cách kiểm soát những cảm xúc tiêu cực và tích cực đó, chúng ta đều dùng số tiền đi du học của mình để đổi lấy. Sau những năm tháng có thể trụ lại ở nước ngoài, đó là cái chúng ta học được và không thể nào quy đổi được thành tiền.
Du học sinh lời, thì lời thật, vì chúng ta lời được một người trưởng thành, chứ không phải là một tấm thẻ định cư vô nghĩa, hay một công việc mà lương phải đủ để chúng ta trả lại số tiền đã bỏ ra đi học.
Nói như thế không có nghĩa là tôi đánh giá cao du học sinh, nhưng sự thật nhìn vào vẫn nên khen ngợi sức bền bỉ và sự cố gắng của họ.
Và học là một cuộc hành trình mà chúng ta không ngừng phải đầu tư từ tiền bạc đến thời gian và sự kiên nhẫn.
Và sau quá trình đó, chúng ta sẽ tự có việc làm, sẽ tự có những công việc mà chúng ta thích, và tự có được chính mình bằng tất cả những nỗ lực. Còn tấm thẻ định cư sẽ là món quà cho quãng thời gian đó.
Đừng đắm chìm vào giấc mơ của người khác, hãy tự vẽ lên giấc mơ của mình. Mỗi khi bị cám dỗ và những lời tẩy não quay quanh, hãy dừng lại vài giây để tự hỏi lại chính mình là:
Mình đi du học vì điều gì?
Tại sao lại muốn đi du học chứ không phải là ở Việt Nam?
Học ngành này thì mình sẽ làm được gì?
Và làm công việc đó mình có thích hay không?
Chứ không phải là cố tốt nghiệp ra trường để lấy tấm thẻ định cư hòa vốn.Chứ không phải là chịu bốc lột chỉ vì muốn ở lại.
Bốc lột là việc đáng lên án chứ không phải là cơ hội để chúng ta tiếp tay để đổi lấy tấm thẻ định cư.Đầu tư đi học là đầu tư con người chứ không phải sinh lời. Và nếu đi du học chỉ vì tấm thẻ định cư thì hãy xác định xem sau khi có tấm thẻ đó rồi thì tiếp theo chúng ta sẽ làm gì với nó?
Thế kỉ 21 cho chúng ta cơ hội để mở rộng suy nghĩ đa chiều nên đừng trói bản thân vào mấy định nghĩa “bỏ tiền ra đi du học rồi thì phải được định cư”, hay “về nước thì phải làm công việc gì đó hòa vốn.”. Vì nói thật, nó cũ và hạn hẹp lắm.Hãy nhớ những điều đó trước khi bị giấc mơ người khác níu chân. Chúc bạn có thể tự mình vẽ lên con đường của chính mình.
-Nomad's Mind-
Theo dõi tụi mình tại đây nha.