Đốt vàng mã là một thói quen của nhiều gia đình người Việt, nhất là dịp Tết đến xuân về. Phần lớn cho rằng khi đốt vàng mã, sẽ giúp mình giải hạn, giải nghiệp cuối năm. Có người thì nghĩ đốt quần áo cho gia tiên, cho người đã mất là một cách để báo ân, báo hiếu.
Đó là những góc nhìn sai lệch do thiếu hiểu biết đúng đắn. Thực tế là, việc giải hạn giải nghiệp đến từ việc chúng ta sửa tâm sửa tính, bỏ ác làm lành, chứ không đến từ việc đốt mã. Bạn có mâu thuẫn với một ai đó, cần nhận diện, đối diện thẳng thắn. Mình sai thì mình xin lỗi họ. Không thể đốt vàng mã để mình và họ hoan hỷ được. Đó là thực tế.
Còn việc đốt quần áo cho gia tiên, đó là việc không cần thiết. Bởi người âm không dùng được quần áo dương (Vô hình không dùng đồ hữu hình). Bạn có mặc quần áo cho sóng điện thoại? Đó là việc rất buồn cười.
Nhưng vì sao khi đốt xong, thường bạn cảm thấy thoải mái? Vì bạn phát tâm tưởng nhớ, biết ơn đến gia tiên của mình. Khi bạn phát tâm như vậy, là bạn đã gửi phúc đức của mình tới gia tiên. Cơ tự nhiên sẽ vận hành, chuyển phúc đức đó quy đổi thành phần gia tiên còn thiếu trong vô hình. Ví dụ trong vô hình, người đó đang đói, sẽ nhận được đồ ăn. Đang thiếu quần áo (vô hình), sẽ nhận được quần áo. Sẽ có các vị quan, thánh thần cai quản các vong nhận cơ tự nhiên để làm việc ấy.
Thế nên, gốc rễ ở đây là bạn trích một phần phúc đức của mình cho gia tiên để báo ơn, hỗ trợ họ phần nào đó trên đường tu. Vậy chỉ cần nhắm mắt lại, phát tâm hồi hướng cho họ là được rồi. Không cần hành động đốt vàng mã nữa.
Một điều quan trọng bạn cần biết, khi đốt vàng mã, gia tiên không nhận được những cái bạn đốt. Mà thực tế, khi đốt như vậy, bạn đã vô tình chiêu dụ vong, ma, quỷ đói tới nhà mình. Ma quỷ rất thích mùi hương từ vàng mã. Từ đó, bạn đã kết nên một nhân duyên nào đó với họ. Điều này giống như bạn mang tiền ra phát cho một vài người ăn xin (xấu tính). Ngày hôm sau, chắc chắn họ sẽ quay lại, thậm chí sẽ kéo thêm vài người nữa tới cùng. Vì bạn phát tâm mà. Kết nhân duyên với ma quỷ thì kết quả biết trước rồi. Các cụ có câu "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng".
Có bạn bảo mình phát tâm bồ đề, ma quỷ mình cũng cho ăn. Đó là chấp. Cái chấp cứu người. Không có bạn, sẽ có người khác cho họ ăn. Không có ai cho, họ tự đi kiếm. Mình đã cứu được mình chưa mà đi cứu người khác? Đó là yêu thương không đúng cách. Ma quỷ có nhân duyên riêng, sẽ có những người cùng tần số cùng tu với họ.
Một ý nữa, có bạn chia sẻ với mình là gia tiên báo mộng liên tục, đòi đốt cái này cái kia gửi xuống. Đúng là có những trường hợp gia tiên còn tham, còn vô minh, còn bám chấp. Nhưng bạn thì sao? Con mình đòi hỏi những thứ không cần thiết, bạn sẽ thế nào? Học cấp 2 đã đòi mua ô tô. Mua cho con thì mình mắc tâm, con thì hao tổn phúc đức chỉ để có những thứ không phù hợp. Sửa mình thôi, sửa người sao được. Mình tu tốt, những người xung quanh tự thoát. Mà họ thoát hay không tùy duyên, đâu liên quan tới mình. Mình đã làm việc cần làm rồi.
Để biết, vàng mã là một tục lệ từ Trung Quốc mang sang Việt Nam với mục đích ngu dân, đưa con người ta vào vòng mê tín. Kết quả của hành động đốt vàng mã là: mình tạo nghiệp (làm ô nhiễm môi trường sống), tạo nhân duyên không cần thiết (với vong ma tà quỷ), gia tiên nhà mình thì chẳng được gì.
Vậy có nên đốt vàng mã hay không? Tùy bạn lựa chọn.
                                                      ~ Nguồn: Trần Quốc Anh - Thuận Tự Nhiên ~