Mười sáu tuổi. Cuộc chia tay chính thức đầu tiên. Đo ván sau một mối tình kỳ lạ. Mà cũng phải. Mười sáu tuổi, những trải nghiệm đầu tiên ấy đủ để nó coi là diệu kỳ. Như những đứa trẻ 16 khác, nó lao vào tìm hiểu tại sao lại mối tình đầu đời của nó lại đổ vỡ như thế. Thật khó để trả lời khi ta mới sống mười sáu năm. Tựa như những ngày không nắng ngoài cửa sổ. Chả hiểu vì sao trời không nắng, chỉ biết ngày ấy nắng ấm không đi đi về về trên ban công, làm màu hoa giấy ngả tím nhạt vì buồn. Hay khó hiểu như cái cách mọi thứ xảy tới. Từng là tất cả, và rồi chẳng là gì cả. Có nhiều kiểu để một thằng nhóc mười sáu tuổi vượt qua nỗi buồn ấy. Và, như mọi đứa trẻ mười sáu tuổi khác, nó chọn cách ép mình quên đi chuỗi ký ức đẹp đẽ đầy cảm xúc, đưa vào dĩ vãng những xúc cảm non tơ, mới đâm chồi trong tâm hồn bé nhỏ. Thật khó để biết mình sẽ làm gì với thứ cảm xúc ấy.

Như người ta hay nói, thời gian sẽ chữa lành vết thương.

Nhưng chẳng có vết thương tâm hồn nào lành nhanh ở tuổi mười sáu cả.

Mười sáu tuổi, nó mới hiểu, đứng vững trên đôi chân của mình khó như thế nào. Cảm giác chán cái sự "học", chán những thứ viển vông vạch sẵn, chán ghét cái cảnh lặp đi lặp lại hàng ngày, mớ giấy tờ lộn xộn và hàng đống bài tập đang chờ. Chán cái cảnh hàng giờ ngồi trước máy tính để "học". Nó ghét lê mình vào lớp học,  kéo cái thân xác đã vốn chẳng hứng thú ấy, đánh vật với những Toán, Lý, Hóa. Không buồn bã, không khổ đau, nó đi đúng theo cái đường được vạch ra như thế. Đắm chìm vào những guồng quay, thằng bé có lẽ chưa đủ lớn để nhận ra, mình buồn. Có lẽ nó vẫn chưa đủ hiểu, nó cần người dạy nó viết một bài thơ hay hơn là dạy nó cách giải phương trình.

Vẫn là thằng bé của năm 16 tuổi.
Mười sáu tuổi và lần đầu cảm thấy mình thật bé nhỏ.
Nó sợ cái thế giới mà chính nó đang sống, sợ chính cái việc học tập chán chết của nó. Nó chẳng biết ngày mai sẽ thế nào, nó rồi sẽ ra sao. Mười năm nữa, nó tự hỏi mình sống để làm gì. Và, cuốn vào những bài tập, câu hỏi ấy không còn tồn đọng trong đầu nó nữa. Nó biến mất, nhanh như cách nó đến vậy

Người lớn cứ đến rồi đi. Ai cũng hỏi nó sẽ làm gì cho tương lai. Ai cũng hỏi nó muốn làm gì.
Cuộc sống là những sự lựa chọn. Chúng ta không có lựa chọn đúng sai, nhưng sẽ có những lựa chọn mặc định được đánh giá cao hơn.
Trong cái xã hội thu nhỏ ấy, nó cảm thấy mình đang đi lầm đường, mình đang mất phương hướng, đang chênh vênh giữa cái tuổi 16, có lẽ còn quá nhỏ để hiểu "chênh vênh" là gì.
Nói văn hoa, thằng bé đang bước vào khủng hoảng 1/5 cuộc đời.

Nó biết, cái cảm giác mông lung ấy sẽ giết chết nó nếu nó không tìm cách thoát ra.
Đời là thế. Nếu ta không thắng được cảm xúc, ta sẽ là nô lệ cho nó.
Và, chả mấy khi, nô lệ thoát khỏi cuộc sống tối tăm cả.

Bước vào cái cuộc chơi kỳ lạ tên là thi đại học, nó choáng váng.
Không phải choáng váng vì áp lực.
Choáng váng vì dù có thể kể tên vanh vách ngành học, xu hướng phát triển hay mấy cái củ chuối mà được người lớn gọi là “trưởng thành”, nó vẫn chả hiểu, mình sống để làm gì.
Có lẽ, trường học không được lập trình để dạy cho nó về mục đích sống.

Hôm nay là một ngày buồn tẻ. Bài tập gạt qua một bên. Nó cảm giác nó lại đúng là thằng bé 16 tuổi, chênh vênh giữa cuộc đời. Bỏ đi những bài tập nhàm chán, nó tự hỏi, nó sống để làm gì.

LIỆU, NÓ ĐÃ BAO GIỜ, THỰC SỰ ĐƯỢC SỐNG ?

Có phải, đời nó đã được sắp đặt. Mà ai sắp đặt ?  Nó cũng chẳng biết. Chỉ biết, nếu đau đầu quá, nó sẽ nghĩ linh tinh hoặc giải mấy bài lượng giác khó nhằn. Đấy, thế mới nói, bận bịu làm con người ta có thể quên đi những chuyện buồn. Nhưng ít ai hiểu được, những gì bỏ qua ở hiện tại, ta sẽ phải dũng cảm đối mặt với nó ở tương lai. Người ta có xu hướng né tránh nỗi buồn, nhất là những đứa trẻ 16. Nỗi buồn vu vơ đủ để làm chúng gục ngã về tinh thần. Như một cách tự vệ, chúng trốn tránh, gặm nhấm nỗi buồn hoặc sống kiểu cô đơn. Buồn đỡ nhiều không, không ai biết. Nhưng có lẽ, chúng sẽ bớt cô đơn.

Lũ trẻ mười sáu là lũ trẻ khó hiểu. Khó hiểu như những ngày trời đang nắng lại mưa. Có những ngày nắng đẹp chỉ vì cảm thấy đời không tệ đến thế. Hay cũng có những ngày mưa bụi trắng trời mà chẳng có lý do gì cả. Kiểu 16 khó hiểu ấy khác với khó hiểu kiểu 10 tuổi, lại càng khác xa với khó hiểu kiểu 30 tuổi. Chúng nó được buồn, và lại cố trốn tránh nỗi buồn. Nếu chúng hiểu, càng lớn sẽ càng ít được buồn lại, có lẽ chúng nó sẽ buồn nhiều hơn. Những người được quyền buồn lại không trân trọng nó. Đúng là khó hiểu. Nhưng, để trưởng thành, ai cũng nên có những ngày khó hiểu.

Lũ trẻ mười sau là lũ trẻ non nớt. Chúng bị xoáy vào nhiều trải nghiệm mà chúng chẳng lường đưọc tác hại. Nhưng làm quái gì có ai dặn chúng không được làm gì đâu. Thế giới thật rộng lớn. Và lũ trẻ tò mò về thế giới ấy. Ai biết được sau những trải nghiệm ấy, chúng sẽ trở thành cái gì đâu. Nhưng, điều thú vị ở những tâm hồn mười sáu tuổi, ấy là chẳng ai ngăn chúng nghĩ: “Cuộc đời là những trải nghiệm” cả.

Rồi chúng sẽ thức dậy vào ngày mai. Lại một lần mười sáu. Ai biết chúng sẽ làm gì trong vài trăm lần mười sáu còn lại. Vài tram lần ấy có đủ không để chúng định hình một tương lai. Vài trăm lần ấy, liệu chúng có đủ để xác định cuộc đời, đủ để biết mình sẽ phải làm gì, đủ biết tương lai mình sẽ đi theo hướng nào dù chúng chẳng hiểu gì về cuộc đời ?

Những dòng suy nghĩ cứ thế trôi đi. Quá nhiều thứ để nghĩ với một đứa trẻ mười sáu. Nhiều hơn những thứ nó được dạy để hiểu. Người ta dạy nó cách giải phương trình, làm được đề thi mà vô tình quên mất dạy nó cách vượt qua nỗi buồn hay xác định mình sống để làm gì. Có những điều, lũ trẻ mười sáu tuổi chẳng tìm được cách nào để học cả.

Mười sáu là mười sáu. Là những ngày mệt nhoài với đống bài tập dài bất tận, là những ngày chán đến chết vẫn phải lê bước đến lớp học thêm. Mười sau năm ấy là những ngày buồn trên ban công tầng ba, ngắm mây trôi và bỏ lại guồng quay hối hả, bỏ lại một chút ngắn, đủ để tạm quên những ngày cuộc đời xử tệ với thằng nhóc chỉ vừa mười sáu tuổi.

Mười sáu năm ấy, không đủ để khắc vào tiềm thức nó những trải nghiệm sâu sắc, không đủ để nó nhìn rõ cuộc đời mình ra sao. Chỉ biết rằng,  những ngày tháng tuổi trẻ bộn bề ấy, nó đã đặt bước chân đầu tiên, tuy chập chững mà dứt khoát. Bước chân đầu tiên của trách nhiệm, của sự trưởng thành. Bước chân sẵn sàng nhận trách nhiệm rằng đời mình là của mình, chấp nhận sự thật sẽ chẳng ai buông tay cứu nó nếu như nó ngã gục. Mười sáu, nó vững chãi hơn sau từng nỗi buồn đã trải, từng kỷ niệm hạnh phúc khó gọi tên, những ngày sương mù phủ kín tâm hồn non tơ bé nhỏ. Ít ai hiểu, trên chính sự chênh vênh ấy, lũ trẻ mười sáu, lại tràn đầy sức sống, tìm cách thoát ra khỏi những sự thắc mắc, trả lời cho chính những chênh vênh, những câu hỏi còn bỏ ngỏ của cuộc đời mình.