CÔ LẬP BẢN THÂN TRONG THỜI ĐẠI SỐ
Một chia sẻ dài 6700 chữ về việc phải làm gì để chống lại sự cám dỗ của công nghệ.
Sáng thứ Sáu tuần trước, mình nhận một cuộc gọi dài 15 phút từ Mỹ của Việt.
Việt là khách hàng và cũng là bạn viết lách với mình từ 2 năm nay. Việt học, từng làm kế toán cho một công ty ở Houston - Texas. Giờ Việt đang kinh doanh riêng trong lĩnh vực nhà hàng.
Mình với Việt ban đầu trao đổi về công việc. Phần lớn thời gian còn lại bọn mình nói tới một chủ đề phức tạp và đáng để bàn sâu hơn. Đó chính là lý do khiến Việt nhấc máy gọi cho mình từ bên kia Đại Dương.
Việt chia sẻ sau khi cài đặt chế độ theo dõi thời gian sử dụng smartphone, cậu ấy kinh ngạc khi biết mình sử dụng điện thoại 60 tiếng 1 tuần! Trung bình một ngày Việt tương tác và giải trí 6 tới 7 giờ trên smartphone.
“Nhân ạ, Dù Việt cũng cài đặt chế độ focus như Nhân, nhưng Việt không thể nào ngừng lại được hành động chốc chốc lại cầm vào smartphone dù đang làm việc hay viết lách. Vì đặc thù của công việc, Việt liên tục phải check tin nhắn của khách hàng, của đối tác... Cứ khi nào không chạm vào smartphone, Việt cảm thấy bồn chồn và thiếu vắng một cái gì đó. Dù ý thức được phải tập trung, phải “deep focus” nhưng Việt vẫn không thể nào kiểm soát bản thân trước việc loại bỏ sự sao nhãng của điện thoại...”.
Việt bằng tuổi mình, đã học và sống ở Mỹ từ lâu cũng như làm việc trong một lĩnh vực đòi hỏi những sự tương tác và kết nối liên tục.
Việt cũng như mình, có niềm đam mê viết lách, V đã tự xuất bản cuốn sách đầu tay của mình và đang bắt tay vào viết cuốn thứ hai. Dự tính của Việt trong hè này sẽ xong. Nhưng do bận rộn với công việc full time, cũng như thiếu đi sự tập trung cần thiết để viết Việt cần phải thêm vài tháng nữa mới hoàn thiện bản thảo thô.
Vấn đề Việt cũng giống như bao thế hệ 20 và 30 tuổi hiện này, dù đã học và làm ở một môi trường đòi hỏi năng lực cao nhưng Việt vẫn bị sao nhãng và không thể kiểm soát hành vi vô thức bắt nguồn từ những thiết bị công nghệ, điển hình là smartphone.
Cùng với thời gian Việt kiểm tra thời gian mình sử dụng smartphone trong một ngày nhiều thế nào, cũng là lúc mình chia sẻ những hình ảnh về quá trình Deep focus 10 tới 12 tiếng mỗi ngày của mình thông qua chức năng Stories trên Facebook và Instagram.
Deep focus là một tính năng mình kích hoạt trên một ứng dụng mình tải về trong iPhone. Khi Deep focus được kích hoạt, điện thoại mình trở thành cục gạch theo đúng nghĩa đen. Mọi ứng dụng đều bị khoá. Cả camera hay photo cũng không sử dụng và truy cập được. Chỉ trừ đúng chức năng nghe-gọi đến từ số thuê bao mới liên lạc được với mình.
Một chu kỳ Deep focus kéo dài 120 phút. Mình lặp đi lặp lại 5 đến 6 lần liên tục như vậy từ 7 giờ sáng cho tới 22 hay 23 giờ đêm.
“Việt gọi cho Nhân không chỉ liên quan đến công việc. Việt muốn hỏi Nhân về trạng thái Deep focus và tại sao Nhân có thể tập trung trong một khoảng thời gian dài đến như vậy mà không phải chạm vào điện thoại”.
Mình trả lời Việt rằng quá trình Deep focus đó có những khoảng thời gian mình không chỉ viết và hay đọc mà còn đi bộ, suy nghĩ và tư duy nữa.
Deep focus không chỉ là khái niệm về sự tập trung toàn bộ cho công việc. Deep focus là cô lập bản thân trước những tín hiệu của sự kết nối đến từ smartphone, đến từ các nền tảng social network, và bất cứ điều gì khiến mình sao nhãng và đi chệch khỏi những mục tiêu của bản thân. Deep focus cũng có nghĩa là chẳng biết gì trên mạng nhưng lại làm những thứ cho bản thân mình.
Khi viết tới đây, mình nhận thấy có sự mâu thuẫn lớn khi mình đang nhận được những ưu ái từ công nghệ nhưng lại áp dụng những sự hạn chế đầy kỷ luật (hoặc cực đoan) trong việc sử dụng smartphone.
Mình viết, mình up post, mình chia sẻ quan điểm, mình làm mọi thứ qua các thiết bị công nghệ và truyền tải nội dung trên những nền tảng mạng xã hội và truyền thông. Nhưng mình cảm ơn sức mạnh và sự ưu ái của công nghệ bằng cách tự cô lập bản thân qua việc biến chiếc smartphone flagship thành một thứ vô dụng.
Vậy mình đạt được gì từ việc này khi khước từ rất nhiều thứ thú vị, hay ho và gây sao nhãng trên internet?
Mình làm chủ thời gian theo đúng nghĩa. Thời gian này được mình sử dụng vào những việc đem lại những giá trị tinh thần lẫn vật chất cho mình.
Mình tìm kiếm niềm vui thực sự thông qua những gì mình làm, không phải qua những gì internet đem đến, vốn luôn mời gọi ta tiêu thụ càng nhiều càng tốt.
Khi cô lập bản thân khỏi internet, mình làm chủ bản thân hơn bao giờ hết. Mọi trạng thái diễn ra bên trong cũng như kiểm soát các yếu tố bên ngoài mình đều nhận biết tốt hơn và thấu hiểu bản chất thực sự của những điều này.
Để trả lời câu hỏi của Việt “Làm thế nào chống lại việc liên tục kiểm tra điện thoại, cô lập bản thân khỏi điện thoại để tập trung vào công việc” cũng như “Tại sao mình có thể duy trì sự tập trung lâu đến như vậy mà không cần phải chạm vào smartphone?”. Mình sẽ bắt đầu bằng việc đưa ra những phân tích tại sao smartphone và internet gây chú ý và sao nhãng đến mức nhiều người không thể không rời xa hay ngừng truy cập.
Đầu tiên là tóm lược về việc con người nhạy bén với những tín hiệu mang tính cộng đồng đã được cấy vào ADN của con người từ khi khai thiên lập địa. Tiếp theo là mặt tối của các thiết bị công nghệ được tạo ra nhằm khiến chúng ta “Không thể ở một mình được” như thế nào. Điểm nhấn thứ ba là những hướng dẫn cụ thể để có thể cô lập bản thân trong thời đại số. Và cuối cùng là giá trị của việc chủ động cô lập bản thân khỏi công nghệ đem lại cho chúng ta là gì.
TÓM LƯỢC LỊCH SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THÔNG TIN TRONG 5 PHÚT ĐỌC
Con người là sinh vật sống theo cộng đồng. Cộng đồng là nơi khởi nguồn của những thông tin. Chúng ta chia sẻ và hấp thu các thông tin một cách vui vẻ, hứng thú và có tính kết nối.
Con người không chỉ là sinh vật sống cộng động và có nhiều cảm xúc mà còn là kiểu sinh vật có sự chú ý rất lớn về các thông tin. Trong thời cổ đại, các cộng đồng đem tới cho nhau những thông tin cơ bản về đồ ăn hoặc thời tiết như :
“Hey cả nhà, Tụi này hôm nay phát hiện một con suối có nhiều cá hồi, cách nơi ở của chúng ta ba khu rừng thông đi ngược về hướng Mặt trời mọc”.Một nhóm thợ săn thông báo cho cộng đồng (bộ lạc) thông tin về nguồn thức ăn mới.“Con suối đầy nhóc cá đó được canh giữ bởi một con gấu hung tợn và to như quả núi”.
Vì mùa Đông sắp đến, cần phải dự trữ đồ ăn ngay từ bây giờ. Kết quả cả cộng đồng đều nhất trí với nhau tổ chức một buổi giăng bẫy với đủ thứ vũ khí cung tên, giáo mác hạ gục con gấu và chiếm lấy con suối với lượng cá dồi dào kia.
Thông tin ban đầu được gói gọi trong những điều cơ bản nhất: các nhu cầu của con người, những sự nguy hiểm liên quan tới sống còn hay kêu gọi sự hợp tác, làm việc cùng nhau. Dần dần, khi các cộng đồng phát triển và biến đổi thành những nền văn minh đầu tiên, thông tin được coi là thiết yếu và quan trọng đến mức con người đã sáng tạo ra một thứ để quản lý sự phiền toái đã: chữ viết dưới dạng ký tự.
Chữ viết ký tự đầu tiên xuất hiện trên thế giới này được cho là của người Sumer. Người Sumer tạo ra chữ viết (được khắc trên những tấm đất sét) là để phân loại, ghi nhớ số hàng hoá khổng lồ mà những nhà buôn hay nông dân ở Uruk – siêu đô thị đầu tiên trong lịch sử và cũng thủ phủ của Sumer - không thể nào nhớ nổi nếu chỉ cậy vào bộ nhớ hữu hạn của mình.
Nhưng cũng giống như những con cá hồi tươi ngon tung tăng trong con suối, chữ viết, hay nói đúng hơn là những người biết chữ không phải là điều phổ biến trong xã hội văn minh cổ đại. Cùng với ngôi báu, của cải thì chữ viết là thứ thuộc về của các tầng lớp vua chúa, quý tộc hay các nhà tiên tri. Những bộ luật đầu tiên như Ur-nammu của Sumer, Hammurabi của Babylon thông qua ngôn từ là những ví dụ điển hình. Người Do Thái cũng có cách truyền tải thông tin như vậy.
Trong Cựu Ước, Moise được Thiên Chúa ban Mười điều răn cho Dân Thái ở núi Sinai. Moise đã khắc Mười điều răn lên hai phiến đá mang xuống núi truyền lại cho dân chúng. Có ai ở cùng Moise trong thời điểm đó không? Không ai cả. Chỉ mình Moise. Vậy những người Do Thái có đặt câu hỏi về điều đó không? Cũng giống như những người tiền sử, người Sumer hay người Babylon, dân Do Thái chẳng quan tâm tới việc Chúa mặc khải cho ai trong số họ cả, khi đã có những tiên tri hay nhà vua trực tiếp truyền tải thông điệp của thần linh đến họ. Điều họ quan tâm là thông tin được đem đến chứ không phải là người đem thông tin tới. Và đó là những thông tin liên quan đến sự sinh tồn của họ.
Bản chất của thông tin qua ngôn từ trong thời điểm đó mang tính phổ quát, đầy đủ, không thừa thãi và có tỉnh cảnh báo nguy hiểm. Bạn đến suối bắt cá bạn mà bỏ qua chú gấu to lớn. Bạn chết. Bạn phạm vào luật của Chúa hay nhà vua. Bạn bị hành hình. Hay nói theo cách khác, cái giá phải trả ở đây là máu.
Thông tin và chữ viết chỉ trở nên phổ biến một người Đức có tên Johannes Gutenberg phát minh ra máy in. Sự kiện này diễn ra vào thế kỷ 15. Sự xuất hiện của máy đã làm cuộc chơi đã thay đổi mãi mãi. Chữ viết và thông tin dưới dạng sách qua một giai đoạn lại rẻ hơn và phổ biến hơn. Đặc quyền đưa ra thông tin đã bị tước khỏi tầng lớp tinh hoa.
Từ đây mỗi con người trong thế giới đều có thể tự trở thành triết gia, khoa học gia, tiểu thuyết gia hay nhà sáng lập tôn giáo thông qua sách. Sự phát tán thông tin đã đã biến đổi trật tự thế giới. Nhiều phát minh hơn, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn và con người tìm kiếm tự do và quyền lực thông qua ý chí của mình.
Sách đã thống trị thế giới tri thức trong một thời gian dài, từ thời cổ đại cho đến cuối thế kỷ 20. Trong thời gian đó, sách có chia sẻ chút ít giá trị của mình cho báo chí – nguồn tổng hợp thông tin nhanh và hàng ngày được gọi là tin tức phục vụ nhu cầu của những cộng đồng trên khắp thế giới. Cũng có không ít những tờ báo lá cải chuyên cung cấp những thông tin nhảm nhí nhằm phục vụ tính hiếu kỳ của đám đông.
Nhưng từ đầu thế kỷ 21, tức thời điểm hiện tại vai trò và tầm quan trọng của sách – dạng thông tin tổng quát giá trị cao đã bị soán khỏi ngôi vương. Thứ đá bay sách khỏi ngai vàng được gọi là internet cùng các thiết bị công nghệ hỗ trợ internet triển khai mạng lưới vô tận của mình. Internet và các thiết bị công nghệ công nghệ đã phát tán một lượng thông tin khổng lồ đến mức sức tiêu thụ của mỗi người chỉ là con kiến so với con voi – hình tượng ẩn dụ của thông tin mà internet đem lại. Đây có thể coi là một tin tốt.
Nhưng tin xấu ở đây là 90 phần trăm (Tuỳ vào mức độ đánh giá của mỗi người) thông tin trên internet mà con người tiêu thụ thường là những thông tin vô thưởng vô phạt được gọi là tin rác trong thời đại công nghệ số, bao gồm cả email spam hay link dẫn dụ bạn click vào quảng cáo được ngụy trang bằng những hình ảnh đẹp đẽ.
SỰ QUÁ TẢI THÔNG TIN TRONG THỜI ĐẠI SỐ ĐẾN TỪ TIẾN BỘ CÔNG NGHỆ
Tiến bộ công nghệ có đồng nghĩa với tiến bộ về con người?
Trong suốt một thời gian dài, tổ tiên, các thế hệ đi trước chúng ta không phải tiếp thu những luồng thông tin nhiễu như bây giờ.
Giá trị của chữ viết, sách hay máy in đem tới là trao cho bạn những thông tin thực sự có giá trị đảm bảo cho sự an toàn, đáp ứng các nhu cầu cơ bản, sau đó là chắp cánh cho tư duy và nhận thức. Nói ngắn gọn, nhận thức nguyên thuỷ của con người từ khi vẫn sống cùng nhau trong các bộ lạc tới các siêu đô thị ngày nay xoay quanh hai điều cốt lõi: đảm bảo các nhu cầu cơ bản và truy cầu sự công nhận của xã hội.
Công nghệ và internet biết rõ nhu cầu và cũng là nhược điểm của chúng ta. Sự kết nối liên tục và không ngừng tiêu thụ thông tin khiến con người ngày nay thường không thể suy nghĩ điềm tĩnh và sâu sắc được. Với những tiếng chuông thông báo trên smartphone, trên các ứng dụng liên tục vang lên làm con người ngày nay có rất ít khoảng trống để tư duy hay suy nghĩ.
Sự tiến bộ và công nghệ không đổi mới mạng lưới thần kinh của chúng ta. Ngược lại chúng chi phối và thao túng các giác quan của chúng ta, thay đổi và điều chỉnh hành vi lẫn cảm xúc của chúng ta khi chúng ta đã sử dụng internet và các thiết bị công nghệ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Ngay bây giờ, khi lướt ngón tay trên chiếc smartphone của mình truy cập vào các ứng dụng đang cài đặt trong máy, từ tài khoản social network, email, message hay tài khoản ngân hàng bạn có nhận thấy mọi ứng dụng đều có ít nhất hai điểm chung hay không?
Chúng đều có âm thanh “ting ting” như tiếng kim loại rơi và các con số hiển thị thông báo có màu đỏ.
Khi nghe thấy những âm thanh này báo hiệu bạn đang có điều gì đó xảy ra rất thú vị, như có người chơi pachinko đang liên tục thắng và tiền xu cứ liên tục tràn ra vào thẳng túi họ. Những âm thanh ting ting đó được các nền tảng tạo ra nhằm thu hút sự chú ý của các bạn. Thời cổ xưa, những tiếng huýt sáo, những tiếng gõ nhẹ vào kim loại cũng chính là tín hiệu và sự cảnh báo giữa con người với nhau trước một sự kiện cần sự tập trung cao độ như đi săn hay chạy trốn kẻ thù. Những tiếng chuông reo reng reng trước đây, khiến chúng ta dù đang làm gì hay bận bịu đến đâu cũng phải nhào tới nhận cuộc gọi. Chúng ta cảm thấy cuộc gọi đó là quan trọng (giờ đây là tiếng chuông thông báo trên smartphone) và kết nối với chính dòng sự kiện và cuộc sống của chính mình. Đôi khi đó chỉ là một cuộc gọi chào hàng, một tin nhắn quảng cáo nhưng chỉ cần có việc âm thanh êm dịu và mời gọi ấy khiến bạn không thể ngừng truy cập.
Màu đỏ hiện trên các thông báo (Notifications) trong smartphone và các ứng dụng có cùng bản chất với màu đỏ của máu: cảnh bảo một điều nguy hiểm cần phải chú ý, kích hoạt sự căng thẳng cảm xúc và chú tâm cao độ ở con người. Thời xa xưa, con người lần theo vết máu thú vật để lại, hạn chế tối đa việc chảy máu, như thế đồng nghĩa với cái chết. Giờ đây, các nền tảng công nghệ khi đã chi ra hàng tỉ đôla để hiểu về hành vi – cảm xúc của người dùng bị chi phối bởi những giác quan cơ bản nhất trong âm thanh lẫn màu sắc.
Sự tiến bộ và công nghệ nhanh đến mức những chiếc smartphone cơ bản hiện nay có thể xử lý nhanh hơn hàng triệu lần máy tính dẫn đường AGC mà NASA trang bị cho tàu vũ trụ Apollo 11 bay thẳng từ Trái Đất tới Mặt Trăng với khoảng cách 356.000 kilomet.
Để dễ hình dung mình sẽ lấy chiếc iPhone 13 Promax mình đang sử dụng so với một máy tính AGC.
iPhone 13 Promax là một trong những chiếc smartphone cồng kềnh nhất hiện này khi nặng tới 240 gram. Nhưng so với một chiếc máy tính AGC thì chẳng thấm vào đâu khi trọng lực lên tới 32 cân. iPhone 13 Promax có giá cơ bản là 1099 đôla. Một chiếc AGC có giá thành 200 nghìn đôla vào thập kỷ 1960, tương đương 1,5-1-7 triệu đô ngày nay. Bộ nhớ của iPhone 13 Promax bản cao nhất lên tới 1 TB (Terabyte), còn AGC chỉ là...64KB. iPhone 13 Promax có tốc độ tính toán nhanh hơn máy tính AGC không phải hàng triệu lần mà là cả trăm triệu lần, dao động từ 100 tới 120 triệu lần.
iPhone 13 Promax là một chiếc smartphone có thể xử lý đa tác vụ với tốc độ rất nhanh. Ngược lại một chiếc máy tính AGC được tạo ra với nhiệm vụ duy nhất là điều hướng và dẫn lối cho tên lửa bay từ điểm A tới điểm B chính xác nhất có thể. Có thể so sánh một chiếc smartphone hiện nay đại diện cho sự đa nhiệm, còn máy tính AGC dẫn đường cho tàu Apollo 11 là đơn nhiệm. Đa nhiệm là xử lý cùng một lúc nhiều tác vụ. Đơn nhiệm đúng theo bản chất của mình, tập trung vào một mục đích duy nhất.
Qua câu chuyện của hai sản phẩm công nghệ trên, chúng ta có thể nhận ra rằng sự phổ biến và phát triển của internet cũng như những thiết bị công nghệ cao được sản xuất hàng loạt đã tạo ra sự thặng dư tốc độ xử lý phần cứng đã đẩy nhanh tốc độ sản xuất và tiêu thụ thông tin. Điều này dẫn tới một vấn đề bất cứ ai cũng đang gặp phải :dành nhiều thời gian để tiêu thụ thông tin và thiếu hụt thời gian dành cho chính mình.
Thông báo trên smartphone gây nghiện hơn cả máy đánh bạc.
Tiến bộ về công nghệ chính là chiếc hộp Pandora.
Đi kèm những tiện ích công nghệ đem lại thì công nghệ cũng khiến con người tiêu tốn vô số thời gian và sự chú ý vào những thông tin nhảm nhí trên internet. Đây không phải là sự vô tình hay cái giá phải trả cho tiến bộ công nghệ. Đây là chủ ý của đa số các công ty công nghệ. Họ muốn người dùng phải sử dụng smartphone và trải nghiệm ứng dụng càng lâu càng tốt. Thời gian của bạn là tiền của họ. Đây chính là cách các công ty công nghệ kiếm tiền.
Tác giả cuốn Deepwork – Cal Newport đã mô tả những thông báo trên các ứng dụng không khác gì máy đánh bạc.
“Mỗi lần bạn mở smartphone xem, nghĩa là bạn đang đánh cược với chính mình xem bạn sẽ nhận được gì từ những thông báo kia”.
Giống như máy đánh bạc, bạn có thể thắng lớn hoặc trắng tay, thông tin cũng đem lại trải nghiệm tương tự như vậy.
Mỗi lần chơi, bạn đều dù thắng hay thua bạn cũng cảm thấy vô cùng kích thích trước cảm giác hồi hộp về phần thưởng bất ngờ mình sẽ nhận được. Những thông báo trên internet cũng chứa đựng sự bất ngờ như vậy, thậm chí còn hơn. Có thông tin bạn bỏ qua ngay tức khắc. Nhưng có thông tin khiến bạn mê mẩn, xem đi xem lại nếu là video, rồi sau đó bạn còn chia sẻ tới những người bạn khác.
Điều thú vị của thông tin trên internet thông qua các ứng dụng hay nền tảng web là không thể biết trước thông tin nào gây tò mò, thông tin nào nhạt nhẽo. Nhưng điều đó lại khiến cho việc liên tục kiểm tra smartphone trở nên hấp dẫn và tạo thành thói quen dễ dàng hơn bao giờ hết.
“Việt không thể chống lại việc kiểm tra tin nhắn hay thông tin trên mạng nữa. Có nhiều ngày Việt dậy từ 7 giờ sáng nhưng 9 giờ vẫn nằm trên dưới lướt điện thoại mà không dứt ra được. Việt phải làm thế nào hả Nhân?”.
Khi đã biết lý do của vấn đề, thì việc tiếp theo là phải tìm ra cách để giải quyết vấn đề. Vậy vấn đề của Việt cũng như nhiều người khác ở đây nằm ở đâu?
Cô lập bản thân khỏi smartphone.
Đúng nhưng chưa đủ. Phải là cô lập bản thân khỏi công nghệ số nhằm lấy lại số thời gian mà công nghệ đã lấy mất. Nhưng số thời gian thặng dư đó giờ phải tái sử dụng vào đâu sao cho hiệu quả. Toàn bộ câu trả lời nằm ở phần cuối cùng trong bài viết 6700 chữ này.
THIẾT LẬP QUÁ TRÌNH DEEP FOCUS TỪ NHỮNG HÀNH VI ĐƠN GIẢN NHẤT
Một tuần sau sau khi Việt áp dụng những phương pháp mình chia sẻ đã có những chuyển biến khả quan đến mức Việt gọi cho mình thông báo kết quả.
Lúc đó ở Việt Nam là 22 giờ. Trước khi gọi cho mình, Việt vừa đi dạo ở ngoài về. Mình vừa tập gym vừa nghe Việt chia sẻ.
Việt nói rằng những ngày chủ động cô lập bản thân là quãng thời gian Việt cảm thấy thoải mái và hiệu quả nhất kể từ khi hạn chế thời gian sử dụng smartphone.
Việt vẫn dậy lúc 7 giờ sáng. Nhưng giờ đây Việt thức dậy cùng những hành vi mới.
Thay vì cầm điện thoại Việt nằm trên giường, ngắm nhìn ánh mắt trời chiếu lấp lánh qua cửa sổ.
Thay vì sử dụng smartphone làm đồng hồ báo thức, Việt mua một chiếc đồng hồ dành riêng cho việc báo thức.
Thay vì nghe nhạc quá smartphone trong khi tắm, rửa mặt, Việt đặt một chiếc radio kết nối bluetooth để nghe podcast hoặc nhạc không lời.
Thay vì check tin nhắn trên smartphone, Việt viết to-do-list những việc phải làm và hoàn thành trong ngày.
Viết xong, Việt tìm kiếm những dấu hiệu đầu tiên gia tăng động lực từ việc thực hiện những việc cơ bản nhất như tập thể dục, chuẩn bị đồ dùng, trang phục cho một ngày mới.
Thay vì lướt mạng, Việt đọc sách.
Thay vì nghe nhạc tuỳ tâm trạng.Việt lựa chọn thứ âm nhạc gia tăn cảm hứng làm việc.
Tất nhiên không thể thiếu bước khởi động ứng dụng Focus mode trên iPhone nhằm vô hiệu tính hữu dụng của thiết bị này, và cũng là khởi nguồn của sự sao nhãng. Khi kích hoạt chế độ Focus mode và thực hành những hành vi mới, Việt giải phóng được “vấn đề đa nhiệm” và đạt được thặng dư thời gian cho những hoạt động đem lại giá trị cao cho bản thân.
Khi thực hiện những hành vi mới này, Việt sử dụng khoảng thời gian trước đây tiêu tốn cho thông tin giờ chuyển sang cho những hoạt động đem tới nhiều lợi ích khác như đi dạo, tập gym, tham gia các khoá học online rồi bắt đầu xử lý công việc năng suất và hiệu quả hơn.
Trong quá trình làm việc, Việt chia nhỏ những khoảng thời gian ra để xử lý công việc hiệu quả hơn. Việt thiết lập và theo dõi từng giờ từng phút giúp Việt ý thức được công việc đang đi vào nhịp điệu và dòng chảy đúng theo ý muốn. Việt kiểm soát cả ý thức lẫn thời gian và đi vào thẳng quá trình làm việc Deep focus – siêu tập trung của mình. Cứ như thế, lặp đi lặp lại liên tục cho tới khi 8 tiếng làm việc kết thúc.
Cuối ngày, Việt về nhà mà vẫn còn rất nhiều năng lượng. Việt có thời gian trò chuyện với bố mẹ, đi gặp bạn bè hay những mối quan hệ thân thiết. Quan trọng hơn cả, Việt đã quay lại với file tiểu thuyết thứ hai của mình. Việt muốn viết, muốn hoàn thành càng sớm càng tốt, thay vì gác lại một năm nữa để phát triển công việc kinh doanh.
Giờ đây Việt chú tâm vào từng khoảnh khắc, cảm nhận rõ dòng chảy (Flow) trôi qua và hoàn toàn kiểm soát dòng chảy này hướng vào những gì cần phải làm, thay vì những gì bị sao nhãng. Quan trọng hơn cả, Việt nhận ra rằng việc ngắt kết nối không khiến công việc kinh doanh của mình bị ảnh hưởng. Ngược lại Việt càng có nhiều thời gian và sự tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ hơn.
Trong một khoảng thời gian dài, Việt luôn để ứng dụng liên lạc trong trạng thái sẵn sàng. Mỗi khi có chuyện gì Việt lo lắng muốn giải quyết sẽ ngay lập tức nhắn tin hoặc gọi thẳng. Còn bây giờ, khi smartphone ở trong chế độ Focus mode, thì cách duy nhất liên lạc với Việt là người đó gọi thẳng vào số thuê bao. Đó là lúc vấn đề thực sự xuất hiện, nghiêm trọng đến mức ai đó phải tìm mọi cách liên lạc với Việt.
Lúc trước, Việt coi việc sử dụng smartphone và kết nối liên tục là cách tốt nhất để tương tác và trao đổi với khách hàng. Đây chính lý do tại sao nhiều ngày Việt dậy sớm nhưng vẫn nằm trên giường hàng giờ đồng hồ kiểm trả và trả lời tin nhắn. Việc này khiến cho Việc liên tục rơi vào tình trạng quá tải và căng thẳng khi sự tập trung và sức lực của một ngày đều tiêu tốn vào những việc không quan trọng và cũng không gia tăng giá trị công việc của Việt.
Vậy chính xác thì Việt đã làm những gì để đạt được sự thay đổi này?
Đơn giản là mình chia sẻ những cách giúp Việt gia tăng được sự tập trung và giá trị của giây phút trong ngày bằng cách :
1. Lên lịch làm việc, to do list cho mỗi ngày của mình càng chi tiết càng tốt.
2. Thay thế tính đa chức năng của smartphone bằng các vật dụng hàng ngày. Ví dụ như đồng hồ để bàn, radio nghe podcast.
3. Thay đổi những hành vi nhỏ nhưng có tác động lớn. Ví dụ như thay vì đặt điện thoại ở cạnh giường thì đặt sách hay sổ ghi chép. Nghe nhạc không lời, uống cà phê hoặc trà gia tăng sự tập trung và hiệu suất làm việc.
4. Thiết lập những giờ Deep focus trong ngày dựa trên giờ sinh học và quãng thời gian tập trung nhất. Sử dụng đồng hồ báo giờ để theo dõi quá trình Deep focus.
5. Khi bị sao nhãng hay mất tập trung, chuyển sang làm những việc khác nhưng những việc này vẫn gia tăng giá trị cho công việc quan trọng. Ví dụ đọc sách chuyên ngành, ra ngoài đi dạo 15 phút...
6. Sử dụng giấy nhớ, sổ ghi chép ghi lại những trạng thái của nội tâm mỗi khi tập trung nhất và mất tập trung nhất. Từ đây có thể đo lường chính xác khoảng thời gian hiệu quả và không hiệu quả.
“Trời ơi, khi Việt áp dụng những tip Nhân chia sẻ mới nhận ra đã lãng phí qusa nhiều gian vào message với đọc mấy cái tin trên facebook. Nhiều khi toàn tin tiêu cực, mình đọc xong cũng thấy tụt mood theo luôn. Bây giờ Việt cảm thấy lúc nào cũng nhiều năng lượng, tinh thần phấn chấn khi kiểm soát và làm chủ cả thời gian lẫn sự tập trung của mình”. Việt hồ hởi gọi điện chia sẻ với mình.
Tối hôm đó, cuộc gọi kéo dài gần 1 tiếng. mình và Việt liên tục trao đổi về những giá trị của việc cô lập bản thân trước internet vàsmartphone một cách đầy say mê. Thậm chí Việt gợi ý cho mình rằng hai đứa hãy sản xuất một podcast về chủ đề này và chia sẻ với mọi người những lợi ích mà sự cô lập này đem lại.
Mình và Việt cùng với nhau chốt lại những lợi ích từ việc cô lập bản thân để đạt được trạng thái Deep focus trong thời đại số sau.
- Nhiều năng lượng và động lực mỗi ngày hơn.
- Cảm thấy bản thân kiểm soát và sử dụng thời gian hiệu quả hơn.
- Làm được nhiều việc với sự tập trung cao hơn.
- Có thời gian chăm sóc bản thân và các mối quan hệ hơn.
- Cảm nhận rõ sự phát triển của cá nhân qua từng ngày.
Nhưng liệu việc chủ động cô lập bản thân tất cả những gì mình hay Việt có thực sự dẫn đến sự giải thoát khỏi thời đại công nghệ số hay không?
Câu trả lời tuỳ thuộc vào quan điểm và tư duy của mỗi người. Nhưng có một điều mình có thể khẳng định được, đấy là giá trị của việc cô lập bản thân đem lại trong thời đại số.
TỪ CÔ ĐỘC TỚI CÔ LẬP BẢN THÂN KHỎI CÔNG NGHỆ SỐ
Tính cách và số phận chúng ta được hình thành qua những hành vi và thói quen mỗi ngày.
Mỗi con người trong chúng ta được Số phận trao cho tư duy, lý trí và khả năng độc nhất để thực hiện tất cả những gì chúng ta muốn. Từ đây, bạn tin rằng bạn kiểm soát bản thân và tạo ra một cuộc đời cho riêng mình. Điều này đúng, nó đã từng diễn ra rất lâu trước khi công nghệ xuất hiện.
Giờ đây, với tiện ích và sức mạnh công nghệ đem lại, ngày nay các hành vi của con người đã trở nên giống nhau nhiều tới mức chúng ta lại chẳng hệ nhận thấy. Trong quá khứ, những tiến bộ công nghệ nâng đã nâng con người từ loài vật hai chân lên nấc thang sắp sửa ngang hàng với thánh thần. Còn hiện tại, các công ty công nghệ, các ứng dụng được tạo ra với mục đích duy nhất: đánh cắp thời gian và thao túng hành vi chúng ta.
Chúng ta sử dụng những chiếc iPhone giống nhau, cài đặt những ứng dụng như nhau, xem và đọc những tin tức giống nhau, và nghiêm trọng hơn cả chúng ta coi đó là xu hướng, là văn hoá trong thời đại số.
Tiêu thụ thông tin liên tục trong thời đại số rất thú vị, bởi vì nó thú vị và vì vậy nó gây nghiện. Các ứng dụng cùng thuật toán công nghệ hiểu về bản chất của chúng ta hơn cả chính chúng ta. Con người luôn là sinh vật hành xử theo bản năng và cảm tính. Chúng ta phản ứng lại với bất cứ tín hiệu nào mà não bộ cảm thấy thích thú và thèm thuồng. Giống như đường, não bộ càng được cung cấp thông tin, nhất là thông tin dưới dạng ngắn thì bao nhiêu cũng không làm bộ não của chúng ta thoả mãn.
Nhưng cái gì cũng có giá của nó. Việc tiêu thụ thông tin hay ho và thú vị một cách ổ ạt liên tục trong một thời gian tạo ra hậu qua nghiêm trọng: Thông tin ngắn khiến cho hệ thần kinh chúng ta không thể tư duy lâu dài và hiệu quả về những vấn đề lớn. Lý do nằm ở chỗ não bộ rất nhạy bén trong việc tím kiệm và nhận diện những đặc điểm ấn tượng nhất về bất cứ cái gì nó tiếp thu. Cơ chế đón đầu này của não bộ làm chúng ta chỉ tập trung sự chú ý và những gì kích thích các giác quan lẫn cảm xúc và bỏ qua việc phân tích một cách thấu đáo về mọi sự việc đang xảy ra.
Khi đã ưa thích những cái nhanh và ngắn, bạn rất khó có thể quay trở lại với nhịp điệu chậm rãi, tiêu tốn thời gian hơn nhưng tư duy hiệu quả hơn như trước đây nữa. Thực tế là giờ đây con người thèm muốn nhiều thông tin hơn nữa. Cũng giống như những thông tin ngắn có tính lan truyền nhanh như một con virus, sự nôn nóng trải nghiệm này gây ảnh hưởng những khía cạnh khác trong cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta đọc, chúng ta ăn, chúng ta ngủ, chúng ta trò chuyện và thậm chí là sau khi làm tình cũng bị ảnh hưởng bởi thứ chủ nghĩa Nhanh và ngắn. Và ít ai nhận ra rằng trong những thời điểm đó con người vẫn đang ra sức tiêu thụ và ngốn ngấu thông tin.
Vấn đề không phải nằm ở công nghệ đã biến đổi chúng ta như thế nào, vấn đề thực sự ở đây là bạn có thể chịu đựng trong bao lâu khi không thiếu vắng sự có mặt của công nghệ. Nhiệm vụ chúng ta không chỉ là trải nghiệm công nghệ mà còn tìm ra cách thức kiểm soát những tiện ích và sự thú vị mà công nghệ đem lại.
Có nhiều cách, nhưng thật tiếc là không biết những cách đó. Mình chỉ biết một cách duy nhất để kết thúc cái vòng tròn luân hồi của sự khổ ải trầm luôn trong thời đại số này là cô lập bản thân khỏi những cám dỗ của nó bắt đầu từ việc. sở hữu một phẩm chất để
Phẩm chất này như một chiếc áo giáp, một trường năng lượng bảo vệ bản thân chúng ta khỏi tác động tiêu cực của công nghệ sự.Từ phẩm chất này khởi sinh một tích cách kỷ luật để vượt ra khỏi sự kiềm toả của internet và công nghệ, nhưng vẫn tận dụng và học hỏi những gì công nghệ số đem lại một cách có chọn lọc.
Phẩm chất này đơn giản nghe đầy nhàm chán và mệt mỏi: chiụ đựng được cô độc.
Để có thể cô lập bản thân, bạn phải là người có thể chịu đựng được sự cô độc. Đây thực sự là một điều không thể chấp nhận được trong một thế giới mà kết nối không có một giới hạn nào. Nhưng chính vì có quá nhiều kết nối và thông tin lại không thể khiến cho bạn được là chính mình dù chỉ trong 1 giờ đồng hồ.
Sự cô độc giúp bạn thay vì hướng ra thế giới bên ngoài, bạn tập trung toàn bộ vào bản thân mình, bỏ qua mọi sự mời gọi từ các tín hiệu thông tin và kết nối.
Sự cô độc giúp bạn hình thành những hành vi và thói quen tốt một cách chậm chạp. Trong quá trình này, bạn cũng học được cách kiểm soát bản thân trước thói quen cũ gây lãng phí thời gian.
Đây là thời điểm rất mệt mỏi, đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhưng cũng là lúc bạn học mài giũa sự kiên nhẫn và chú ý tới từng chi tiết, từ thời gian, suy nghĩ, và những hành vi của mình. Từ đây, bạn tạo ra những thói quen mới và duy trì những thói quen này một cách có ý thức.
Khi bạn ý thức về những gì mình đang làm, bạn sẽ không trở thành một con người bị lệ thuộc vào công nghệ sống vốn đang thao túng và biến đổi hành vi nhiều người khác. Ngược lại, bạn còn tận dụng sức mạnh của công nghệ số đem lại, đặt lên đầu nó chiếc vòng kim cô kiểm soát khả năng vô tận của nó.
Khi bạn cô độc, bạn học được cách ý thức về bản thân mình và thế giới xung quanh
Khi ý thức được về bản thân cũng là lúc bạn nhận ra rằng cô lập bản thân là điều cần thiết cho sự phát triển cả về thể chất và tâm trí trong thời đại số.
Điều thú vị nhất khi cô lập bản thân khỏi công nghệ số không có nghĩa là bạn chẳng thể nào tận hưởng được những điều đẹp đẽ và có giá trị.
Bạn cô độc, bạn chủ động cô lập bản thân như một nhà tu hành trong thế giới công nghệ số, nhưng đồng thời bạn cũng là người trải nghiệm mọi thế một cách trọn vẹn hơn bất cứ ai.
Bạn biến mất khỏi thế giới số, nhưng sẵn sàng kết nối vào dòng chảy của cuộc sống địch thực để cảm nhận mọi cung bậc mà cuộc sống của bạn trao cho bạn. Đây là giá trị lớn nhất của việc cô lập bản thân trong thời đại số.
Hãy nhớ, bạn không phải là nô lệ của công nghệ số. Bạn là ông chủ của cuộc đời mình. Công nghệ chỉ là một công cụ giúp bạn khai thác những tiềm năng lớn lao bên trong bản thân bạn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất