Không có ai chống lưng, tuyệt đối không được gục ngã
Không có ai chống lưng, tuyệt đối không được gục ngã
Hà Nội, những ngày nới lỏng giãn cách dịch bệnh tháng 10 năm 2021 ....
Dịch bệnh, xung quanh tôi có những người nói về những tác động tích cực của Virus đem lại cho trái đất. Một số người thì họ nói với nhau về Sài Gòn, về Bình Dương ... về một số quốc gia khác đang chịu sự tàn phá của dịch bệnh.
Hình như nói về một thứ gì khác nguy hiểm hơn, hoặc nói về những thứ mà họ cho rằng họ là người ngoài cuộc, giúp họ cảm thấy an toàn thì phải.
Còn tôi, tôi chỉ tập trung quan tâm đến những tác động đến cuộc sống của mình.
Nói như vậy, có thể có nhiều người sẵn sàng quăng một tá những phán xét vào mình, nhưng suy cho cùng, lo lắng cho trái đất, hoặc tỏ ra lo lắng cho những tỉnh thành khác đâu giúp mình tránh né một thực tế là dịch bệnh sẽ tác động đến mình ra sao?
Thay vì nói về những việc đó, thà là dành thời gian nghĩ giải pháp cho bản thân mình thì ít nhất, còn có cơ hội chuyển mình.
Dịch bệnh, tác động đến thói quen sinh hoạt của từng con người, dẫn đến các hành vi cũng sẽ tự điều chỉnh. Thói quen tiêu dùng, mua sắm, giải trí của mọi người cũng tự nhiên vì thế mà thay đổi.
Là người kinh doanh, tập tọe viết lách nên ngôn từ của mình nhiều khi đọc lại thấy có gì đó thô kệch, nhưng chả nhẽ vì thế mà không viết sao? kệ thôi, thô ở đâu chỉnh dần ở đó.
Mình thấy hành vi và thói quen của người tiêu dùng thay đổi rất nhiều, thói quen mua sắm, sử dụng dịch vụ, giải trí cũng thay đổi. Nếu bạn nào kinh doanh hoặc làm marketing, có công cụ để đo lường ra con số thì sẽ thấy rất rõ.
Ví dụ: đến như 1 số ông bà về hưu ở khu nhà mình cũng lác đác biết gọi đồ ăn qua ứng dụng, hoặc mua đồ thiết yếu trên các trang thương mại điện tử rồi.
Bởi vậy, những người kinh doanh chúng ta, thà là tìm cách thay đổi mô hình, chuyển đổi cách giải quyết vấn đề của mình thì ít nhất, còn có cơ hội để phát triển.
Trong kinh doanh làm gì có 2 chữ "tình cảm" ở đây, ông nào nắm bắt nhanh, thích nghi được thì sống, ông nào cố chấp, không chịu thay đổi thì tự nhiên thị trường đào thải.
Chỉ đêm hôm qua thôi, Facebook bị "sập" 1 phát làm mình nghĩ ngay đến chuyện Blog 360 yahoo hồi năm 2005 gì đó cũng tan. Làm gì có gì là mãi mãi cơ chứ. Trước giờ mình vẫn bán hàng bằng Fanpage là chủ yếu, chuyện xẩy ra đêm qua làm mình quyết định đầu tư thêm bán hàng đa kênh cho nó ... lành, website vẫn là 1 lựa chọn an toàn và bền vững nhất.
Bản thân mình cũng từng trải qua 1 đợt sóng quét hồi năm 2011, khi mà lạm phát lên đến 2 con số và cắt giảm chi tiêu công liên tục. Mình thấy có rất nhiều điểm tương đồng trong đợt dịch bệnh lần này.
Nhìn một số anh em, bạn bè, đối tác phá sản, kêu gào than khóc thực sự đúng là đau thật. khổ nhất mấy ông vừa đầu tư nhà hàng, rồi phòng tập và phòng hát karaoke, bao nhiêu tiền của rơi rụng nhìn xót hết cả ruột.
Trên đây, bạn nào không kinh doanh thì có thể hiểu cái cảm giác đó nó đau giống như là bị ai đó cầm sợi dây cước thắt chặt vào tim vậy. Mà đau vì thua lỗ 1, đau vì nhìn thấy những thứ trước giờ mình không thấy 10, nỗi đau đó mới gọi là khủng khiếp.
2 tháng giãn cách vừa rồi cũng quét của hệ thống bên mình cỡ 30% quỹ phòng, tổn thất không hề nhỏ. Nhưng biết kêu ai, trên báo đài đâu đâu cũng thấy hỗ trợ, kêu gọi này nọ, rồi thì ai hỗ trợ cho những người kinh doanh nhỏ lẻ, ai hỗ trợ cho các bạn Start Up - xin thưa là ... nobody. Ít nhất là dịch bệnh cũng dậy cho mình những bài học:
1. KHÔNG THAY ĐỔI LÀ CHẾT
Dịch bệnh đã khiến mình phải suy nghĩ về cách thức bán hàng, về phương pháp marketing và về tính hiệu quả trong kinh doanh truyền thống kiểu: Tiền - hàng - tiền.
Dấn thân vào con đường kinh doanh, chúng ta phải chấp nhận 1 điều rằng, khi xẩy ra bất cứ chuyện gì, chỉ có ta mới là người phải chịu trách nhiệm.
Cách tốt nhất là luôn học hỏi để phát triển bản thân, mỗi thay đổi đều là 1 sự phát triển. Tất nhiên phải là những thay đổi tích cực.
2. LÀM VIỆC HIỆU QUẢ - KHÔNG PHẢI LÀM VIỆC CHĂM CHỈ
Những người đi trước thường dạy bảo và truyền đạt kinh nghiệm cho mình là: hãy cứ chăm chỉ, rồi sẽ được trả công xứng đáng. No! chăm chỉ + thiếu sáng tạo + thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề = phá hoại. Tôi chả bao giờ cần những người chăm chỉ kiểu lúc nào cũng tỏ ra bận rộn và cuối cùng chả có việc gì là hoàn thành bên cạnh.
Nói thì có vẻ nhẫn tâm, nhưng thực ra những người chăm chỉ quá nhiều khi họ không biết từ chối, việc gì họ cũng nhận, bởi vì họ sợ mất lòng người khác đó. Và bởi vì việc gì cũng ôm vào nên lúc nào họ cũng bận rộn, rồi cuối cùng kết quả ra sao? Chỉ là những sự đổ lỗi bởi vì ... quá nhiều việc. Thật ngớ ngẩn!
3. SẼ KHÔNG AI KHÁC CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ CUỘC ĐỜI MÌNH NGOÀI CHÍNH BẢN THÂN MÌNH
Mỗi một đợt khó khăn như thế này sẽ dậy cho chúng ta những bài học vô cùng đắt giá. Thực sự là không ai muốn trải nghiệm những bài học này đâu, nhưng điều đó là cần thiết cho sự trưởng thành của ta cũng như doanh nghiệp của mình.
Một khi kinh doanh khó khăn, bạn sẽ nhận ra một điều vô cùng chua xót: Chính người thân lại là những người đầu tiên coi thường bạn.
Lý do vì sao ư? dễ hiểu mà, bởi vì thân yêu nên họ kỳ vọng ở ta cao quá, bởi vậy nên khi không được như kỳ vọng thì họ thất vọng thôi. Còn ta thì sao? cũng vậy, những lúc cô đơn nhất, ta tin rằng những người thân yêu sẽ là chỗ dựa cho ta, kỳ thực đâu phải vậy đâu. Cũng bởi vì yêu quá nên ta đã kỳ vọng quá nhiều vào họ mà thôi.
Họ hàng sẽ là nhóm người thứ 2 sau người thân của bạn, bạn bè của bạn tiếp tục là nhóm thứ 3 ...
Nếu ai đó có một người tri kỷ bên cạnh thì hãy trân trọng nhé.
4. KHÁCH HÀNG LẠI CHÍNH LÀ NGUỒN ĐỘNG VIÊN LỚN NHẤT
Bạn biết không, cuối cùng rồi, chính khách hàng của mình lại là những người an ủi, động viên bằng hành động rõ nhất.
Và rồi mỗi khi bạn tổ chức một sự kiện gì đó trong cuộc đời lại không hề có mặt khách hàng, những người có mặt lại là: Người thân, họ hàng và bạn bè của bạn
Đó là nghịch lý chua xót và vô cùng cay đắng trong kinh doanh. Thông điệp của họ luôn là: Hãy làm cho ta tự hào, đừng làm cho ta thất vọng.
Biết đâu, qua đợt khó khăn này, bạn sẽ nhận ra rằng: công việc chăm sóc khách hàng trong kinh doanh còn quan trọng hơn nhiều so với công việc làm họ tự hào.
Rồi còn bạn còn tôi, khi bạn ổn định kinh doanh và phát triển lại, bạn sẽ thấy chính những người đó, vẫn những con người đó, họ lại quay ngoắt 180 độ, thay đổi hoàn toàn thái độ khi đối diện với bạn. Bạn có háo hức đón chờ ngày đó không? sắp có kịch hay xem đó, cố lên nhé!
Nhưng rất tiếc, cái con người mà họ quay ngoắt đó, đâu còn là con người ngày trước nữa đâu. Đó là cuộc đời!
5. MẶT CÒN LẠI CỦA RỦI RO, LUÔN LÀ CƠ HỘI
Bình tĩnh quan sát, anh em sẽ thấy bên cạnh khó khăn luôn có cơ hội. Không có mưa gió sao thấy giá trị của những ngày nắng.
Ví dụ: Bà chị mình quen bán bún, trước bán ở đầu ngõ cũng nhàng nhàng đủ sống, dịch bệnh nổ ra, chị ý chuyển sang bán hàng online thì lại đông như chẩy hội, đắt hàng như tôm tươi, giờ có cả nhân viên giúp việc rồi. Vậy nếu chỉ tập trung vào khó khăn, chị ta chắc chờ hết dịch rồi lại mở hàng như thường thôi chứ đâu chuyển đổi. Cũng bởi vì dịch, chị ta tìm cách để mưu sinh nên lại thành ra như vậy.
Một chút chia sẻ lan man về những khó khăn trong kinh doanh bởi tác động của dịch bệnh. Mong anh em vững tâm, bình tĩnh và tỉnh táo để ra quyết định. Hãy nhớ các quyết định trong kinh doanh phải lấy cơ sở từ con số, đừng lấy cơ sở từ cảm xúc nha. Chúc anh em phục hồi trở lại!